HS dân tộc, vùng biển đảo học tại TP.HCM náo nức mong chờ Tết đoàn viên

20/01/2023 06:54
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tết Nguyên Đán là dịp hiếm hoi trong năm mà các bạn học sinh được trở về nhà, sum vầy cùng gia đình trong sự mong chờ, háo hức của những người thân.

Đếm ngược thời gian, chờ đến Tết

Từ lúc còn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán 2023, nhiều học sinh được nhận học bổng của Quỹ học bổng Vừ A Dính học tại Trường tiểu học – trung học cơ sở - trung học phổ thông Nam Việt đã rất háo hức, mong chờ.

Các em đang đếm ngược từng ngày, để được tạm rời Thành phố Hồ Chí Minh, về với quê hương, gia đình đón Tết sau thời gian dài xa cách.

Chau Chanh Nin (dân tộc Khmer, đến từ tỉnh An Giang) hiện đang học lớp 9A1 của trường cho biết, càng gần đến Tết, Nin lại càng cảm thấy nhớ nhà hơn bao giờ hết. Dù việc học hành luôn bận rộn, học sinh phải ôn tập để kiểm tra học kỳ 1, nhưng cũng không ngăn được cảm giác nhớ nhà, đợi chờ đến ngày Tết.

Ký ức về Tết Nguyên Đán trong Chau Chanh Nin chính là những ngày được ở bên gia đình. Em nói rằng chỉ cần nghĩ đến cảnh mẹ đứng trước cửa nhà đón, hàng xóm vui vẻ vẫy tay chào cũng đủ để làm em bồi hồi.

“Tết chính là cơ hội để em được trở về nhà. Em bồn chồn khi nghĩ đến ngày được trở về, có những đêm không ngủ được” – Chau Chanh Nin cho hay.

Những học sinh người dân tộc chăm chỉ học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: P.L)

Những học sinh người dân tộc chăm chỉ học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: P.L)

Nin cho phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam biết thêm, dù đi học ở Thành phố Hồ Chí Minh, và được trở về nhà mỗi năm 2 lần (dịp hè và Tết), nhưng vì hoàn cảnh gia đình, Nin chỉ về dịp Tết còn hè thì ở lại trường học.

Với em nữ sinh nhỏ nhắn này, những ngày Tết không chỉ đơn thuần là không khí, mà còn là khoảng thời gian để em thỏa nỗi nhớ ba mẹ, các em, được sống trong không khí gia đình.

Ngoài ra còn có nhiều hoạt động vui chơi trong ngày xuân như ca múa nhạc, đi chùa, ăn các món truyền thống…cũng đong đầy trong suy nghĩ của em.

Cũng tương tự như vậy, A Lăng Thị Non (dân tộc Cơ Tu, đến từ tỉnh Quảng Nam) cũng rộn ràng, đếm từng giờ để được xách vali về quê đón Tết cùng gia đình. Với em Non, những ngày Tết cổ truyền luôn để lại những kỷ niệm đẹp, mà đẹp nhất chính là được sum vầy cùng gia đình.

Học là cánh cửa để vượt khó

Em Ngô Thị Minh (ngụ tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) năm nay học lớp 9 tại Trường tiểu học – trung học cơ sở - trung học phổ thông Nam Việt, nhắc đến Tết, đôi mắt em sáng lên rực rỡ. Minh kể lại, khi tiết trời Thành phố Hồ Chí Minh chỉ se se lạnh, các bài nhạc xuân được bật lên khắp nơi, thì những đứa trẻ phải xa nhà để đi học như Minh cũng mong về những ngày Tết hơn bao giờ hết.

“Ngày nhỏ em thích Tết vì được ba mẹ cho đi sắm đồ mới, được ăn nhiều quà bánh, được lì xì…Nhưng bây giờ em đã lớn hơn rồi, những niềm vui thuở nhỏ không còn quá lớn, mà chỉ mong mỏi điều duy nhất là được trở về bên vòng tay của ba mẹ” – em Minh chia sẻ.

Em Lê Gia Phong, tân sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: P.L)

Em Lê Gia Phong, tân sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: P.L)

Là học sinh được nhận học bổng Vừ A Dính, nay đã tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa mới đỗ vào ngành Y đa khoa của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, em Lê Gia Phong (đến từ đảo Nam Du, Kiên Giang) xúc động chia sẻ, suốt thời gian học phổ thông, em đã chăm chỉ học hành để biến ước mơ trở thành bác sĩ đa khoa thành hiện thực.

“Bảy năm sinh sống, học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh đã cho em trưởng thành hơn rất nhiều. Các em đã có thể tự lập, lo cho bản thân trước khi bước vào môi trường học đại học. Em muốn gửi gắm thông điệp đến các bạn học sinh, nhất là các bạn được nhận học bổng từ Quỹ học bổng Vừ A Dính là chúng ta đang có những cơ hội lớn, được học tập tại những ngôi trường hiện đại, được sự quan tâm và chăm sóc của các thầy cô…thì hãy cố gắng học thật tốt, biến những ước mơ thành hiện thực”.

“Học tập chăm chỉ gần như là con đường duy nhất để có thể giúp chúng ta và gia đình thoát khỏi khó khăn, có được cuộc sống đầy đủ về sau này” – Lê Gia Phong khẳng định.

Học sinh dân tộc, đến từ vùng biển đảo họp mặt trước khi về nghỉ Tết tại Trường tiểu học – trung học cơ sở - trung học phổ thông Nam Việt. (Ảnh: P.L)

Học sinh dân tộc, đến từ vùng biển đảo họp mặt trước khi về nghỉ Tết tại Trường tiểu học – trung học cơ sở - trung học phổ thông Nam Việt. (Ảnh: P.L)

Theo cô Phan Thị Ánh Hoàng – Hiệu trưởng Trường tiểu học – trung học cơ sở - trung học phổ thông Nam Việt, hiện trường đang trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ cho 84 học sinh thuộc diện của Quỹ học bổng Vừ A Dính, trong đó hầu hết các em đều là người dân tộc hay đến từ các vùng biển đảo khắp nơi của tổ quốc.

Ngoài việc nuôi dạy các em suốt 7 năm học (từ lớp 7 đến 12), các em còn được tài trợ sách vở, quần áo, đồ dùng học tập, được đi du lịch, dã ngoại, vui chơi, giải trí…

Vào dịp lễ, Tết hàng năm, nhà trường hỗ trợ đưa các em ra sân bay, cho xe đưa các em về tận nhà ở khu vực miền Tây và một số địa phương khác.

Quỹ học bổng Vừ A Dính được Ban Bí thư Trung ương Đoàn quyết định thành lập ngày 5/3/1999. Trải qua 24 năm thành lập và phát triển, Quỹ đã mang đến hàng chục nghìn suất học bổng cho các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước.

Quỹ học bổng Vừ A Dính còn chú trọng đến chương trình đầu tư theo chiều sâu với sự đa dạng của nhiều mô hình cho các em như: Dự án mở đường đến tương lai, dự án ươm mầm tương lai, dự án chắp cánh ước mơ, dự án thắp sáng tương lai; xây dựng trường học, cầu nông thôn, nhà tình thương cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa...

Việt Dũng