Không sống được bằng lương, thầy cô phải làm phụ hồ nuôi nghề giáo

26/08/2022 06:42
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống, nên giáo viên nghỉ việc. Thế nhưng, với cùng mức lương đó, tại sao vẫn có nhiều giáo viên bám lớp, bám trường?

Thầy Huỳnh (tên nhân vật đã được thay đổi) là giáo viên dạy Hóa học, một trường trung học cơ sở ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã gần 10 năm, đầu năm học 2021-2022 thầy Huỳnh xin nghỉ việc. Điều này gây bất ngờ cho đồng nghiệp và học trò.

Trước làn sóng nghỉ việc của giáo viên hiện nay, người viết đã trao đổi với thầy Huỳnh, tìm hiểu chuyện nghỉ việc của thầy: "Có phải lương thấp nên em nghỉ việc hay lý do nào khác? Sau một năm nghỉ việc, em có thấy quyết định của mình đúng không?".

Thầy giáo Huỳnh đã trả lời rất chân thành “Em nghỉ giờ thấy khỏe lắm anh. Em thấy ở trường có nhiều việc hình thức quá. Hồ sơ sổ sách không cần thiết, với lại áp lực nữa.

Phải nghỉ làm việc khác chứ lương không nuôi nổi vợ con. Nếu cho em được quyết định lại, em sẽ nghỉ sớm hơn.

Tiền sữa, bỉm cho 2 đứa con nhiều hơn tiền lương của em rồi, giáo viên không bươn chải lấy gì sống nổi anh?

Giáo viên cầm phấn, cầm viết, giờ cầm xà beng, cầm cuốc, xe rùa, gạch, đá búa lùa xua...”.

Được biết, hiện nay thầy Huỳnh làm việc khác, không liên quan đến giảng dạy, có thu nhập là mơ ước của nhiều người.

Chuyện giáo viên nghỉ việc không riêng gì ở nước ta

Chuyện giáo viên nghỉ việc không chỉ xảy ra ở nước ta, mà nhiều nước khác trên thế giới. Ví dụ như Hồng Kông (Trung Quốc), dù mức lương khá cao, song giáo viên vẫn nghỉ việc.[1]

Mức lương thấp, nhưng khối lượng công việc lớn, khiến giáo viên trẻ tại Israel, bỏ nghề, dẫn đến thiếu hụt số lượng lớn giáo viên trên cả nước.

Chị Peleng, giáo viên ở Israel chia sẻ “Giáo viên Israel phải luôn ý thức về mục tiêu công việc của mình. Họ là những người giáo dục, trao truyền kiến thức, kỹ năng cho trẻ em – thế hệ tương lai của đất nước.

Không chỉ giảng dạy, mỗi thầy cô giáo cần đem lại sự khác biệt và dẫn dắt mỗi đứa trẻ đến với thành công. Nhưng áp lực từ chính sách đãi ngộ, mức lương, cùng khối lượng công việc khổng lồ đè nặng trong nhiều năm công tác khiến tôi quyết định nghỉ việc”.[2]

Tình trạng thiếu giáo viên ở Mỹ mùa tựu trường 2022, do giáo viên nghỉ việc, đã trở thành một cuộc khủng hoảng khi các trường chạy đôn chạy đáo tìm người.

Hiệp hội Giáo dục quốc gia Mỹ ước tính đang thiếu khoảng 300.000 giáo viên và nhân viên trường học.

Lý do hàng đầu là họ bị kiệt sức do đại dịch, lương thấp, không cảm thấy được tôn trọng khi một số vấn đề bị chính trị hóa trong nhà trường bởi các chính trị gia, phụ huynh, hoặc cơ quan quản lý. [3]

Lương thấp, thầy cô lấy nghề phụ nuôi nghề giáo

Giáo viên mới ra trường hiện nay chỉ có mức lương chưa tới 4 triệu đồng/tháng.

Cách đây gần 2 năm, bài viết "Chỉ trả lương 1,2 triệu đồng mỗi tháng mà họ gọi là thương chúng tôi sao?" đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã gây “sốc” dư luận.

Ngay cả trong những giấc mơ, thầy cô cũng không dám nói về mức lương của mình: 1.210.000 đồng là mức lương của giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức (Hà Nội); 1.244.000 đồng là lương giáo viên hợp đồng huyện Ba Vì (Hà Nội).

Với mức lương đó thì sống như thế nào? Bao nhiêu người can đảm dám nhận công việc với mức lương như trên không chỉ 1 tháng, 1 năm, mà thầy cô ở Mỹ Đức, Ba Vì đã dạy 20 năm.

Lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống, nên giáo viên nghỉ việc. Thế nhưng, với cùng mức lương đó, tại sao vẫn có nhiều giáo viên bám lớp, bám trường?

Mức lương thấp như thế, nhiều giáo viên vẫn không nghỉ việc, chỉ có thể đó là những thầy cô giáo rất yêu nghề, lấy nghề khác nuôi nghề giáo.

Đằng sau những nụ cười khi lên lớp, những giờ dạy chất lượng, bộ quần áo "bảnh bao", lòng yêu nghề vô bờ bến, là những giọt mồ hôi thầm lặng nuôi nghề của không ít thầy cô giáo.

Ngay địa phương người viết công tác, vẫn còn đó những thầy giáo dạy giỏi, đi phụ hồ, làm thêm việc khác .... để cải thiện thu nhập.

Thầy Lê Hà Trung, dạy Nhạc tại Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ "Em đi dạy học từ năm 2001, hơn 20 năm rồi, lương chỉ hơn 8 triệu, chi tiêu đủ thứ, nuôi con ăn học đại học, hiếu, hỉ ... nếu chỉ dựa vào lương thì khó sống quá, nên vẫn tranh thủ làm thêm phụ hồ ...".

Thầy Lê Hà Trung- bên phải- giáo viên tại Bà Rịa - Vũng Tàu làm phụ hồ cải thiện thu nhập - Ảnh Sơn Quang Huyến

Thầy Lê Hà Trung- bên phải- giáo viên tại Bà Rịa - Vũng Tàu làm phụ hồ cải thiện thu nhập - Ảnh Sơn Quang Huyến

Thầy Phan Thế Hùng, giáo viên tại Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng thỉnh thoảng phụ hồ để cải thiện thu nhập, nuôi nghề giáo yêu thương của mình - Ảnh Sơn Quang Huyến

Thầy Phan Thế Hùng, giáo viên tại Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng thỉnh thoảng phụ hồ để cải thiện thu nhập, nuôi nghề giáo yêu thương của mình - Ảnh Sơn Quang Huyến

Thầy Phan Thế Hùng, giáo viên dạy Thể dục tại Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ "Hai vợ chồng em cùng dạy Thể dục. Tổng thu nhập hơn chục triệu tiền lương, chi tiêu đủ thứ. Khi chưa làm thêm, chưa hết tháng đã hết tiền.

Đã nhiều lần muốn nghỉ việc, nhưng lỡ mang nghiệp vào thân, thôi, mình đi làm thêm, nuôi nghề giáo vậy.

Hè em dạy bơi, đi phụ hồ, in ấn đồng phục cho học sinh ... Mới đầu cũng ngại với phụ huynh, học trò, sau cũng quen.

Mình đổ mồ hôi kiếm thêm thu nhập, phải tự hào mới đúng chứ thầy nhỉ, tất cả cũng vì học sinh thân yêu mà. Dù làm thêm, nhưng lên lớp chúng em vẫn phải đảm bảo giờ giấc, chất lượng thầy ạ".

Người viết biết được, thầy Lê Hà Trung, thầy Phan Thế Hùng đều là những giáo viên giỏi, có chuyên môn vững vàng, là giáo viên cốt cán, hết lòng với học sinh, đã nhiều năm liền được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua.

Thực tế, giáo viên chưa thể sống được bằng đồng lương của mình. Vì thế càng trân quý những thầy cô giáo đã và đang vì học sinh thân yêu, vì tương lai của đất nước.

Nhà giáo chúng tôi dù lương thấp, có thể có thầy cô chưa sống được bằng đồng lương của mình, nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Dù vậy, các nhà giáo đều mong sống được bằng đồng lương của mình, để toàn tâm, toàn ý cho nghề dạy học. Mong rằng trong đợt cải cách tiền lương sắp tới, đời sống, thu nhập, của người thầy sẽ được cải thiện, để thầy cô có thể sống được bằng lương từ nghề giáo.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoducthoidai.vn/hong-kong-trung-quoc-giao-vien-nghi-viec-truong-hoc-gap-kho-post604439.html

[2] https://giaoducthoidai.vn/israel-giao-vien-bo-nghe-vi-luong-khong-du-song-post604106.html

[3] https://tuoitre.vn/khung-hoang-thieu-giao-vien-cho-nam-hoc-moi-o-my-20220822101224122.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến