Kiến nghị có biên chế cho vị trí nhân viên nấu ăn, cấp dưỡng ở trường mầm non

09/08/2023 06:38
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu đưa giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại với chế độ nghỉ hưu sớm sẽ đảm bảo sức khoẻ cho giáo viên cũng như chất lượng nuôi dạy trẻ.

Tại Diễn đàn Người Lao động năm 2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ đang phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét đưa đối tượng giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

Chia sẻ quan điểm về thông tin trên, cô Châu Thị Bích Liễu – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Vừng (xã Ngọc Vừng, Vân Đồn, Quảng Ninh cho biết: “Giáo viên ở các bậc học khác chỉ lên lớp theo số tiết quy định còn riêng giáo viên mầm non phải làm việc mỗi ngày ít nhất 9 tiếng.

Buổi sáng trước khi đón trẻ, giáo viên phải đến lớp sớm từ 15 đến 20 phút để làm công tác chuẩn bị phòng học như quét dọn, lau chùi, giặt khăn sạch sẽ,…Buổi trưa, giáo viên cũng được nghỉ ngơi rất ít vì còn cho trẻ ăn trưa, vệ sinh trước khi ngủ. Đầu mỗi năm học, khi trẻ mới ra lớp cần thời gian để làm quen với môi trường mới nên buổi trưa, hầu hết giáo viên không được nghỉ ngơi, phải bế, dỗ trẻ.

Kết thúc giờ nghỉ trưa, các cô lại tất bật chuẩn bị bữa phụ, các hoạt động buổi chiều, trả trẻ và dọn vệ sinh cuối buổi. Mặc dù có quy định giờ đón trẻ nhưng giáo viên phải đến hơn 5 giờ chiều, nhiều hôm là 6 giờ chiều mới hoàn thành hết công việc.

Bên cạnh guồng công việc từ sáng sớm đến chiều muộn, giáo viên mầm non cũng có nhiều áp lực bởi độ tuổi mầm non không chỉ có nhiệm vụ giáo dục mà còn có việc chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ. Giáo dục độ tuổi này đòi hỏi giáo viên phải thật tâm huyết, miệt mài và luôn luôn là tấm gương để trẻ noi theo.

Làm cả công việc về trí óc lẫn chân tay, nhưng thực tế mức lương của giáo viên mầm non hiện tại lại thấp hơn các cấp học khác. Hơn hết, nếu muốn có thêm công việc để kiếm thu nhập cũng rất khó vì giáo viên phải ở trường cả ngày”.

Tiết học của trẻ tại Trường Mầm non Ngọc Vừng, Quảng Ninh (Ảnh: PL)

Tiết học của trẻ tại Trường Mầm non Ngọc Vừng, Quảng Ninh (Ảnh: PL)

Theo đó, nếu ngành giáo viên mầm non được xem xét là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, giáo viên sẽ có thêm những chế độ, chính sách riêng theo đặc thù công việc. Từ đó, có thêm động lực để giáo viên cấp học này tiếp tục gắn bó và cống hiến với nghề.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Vừng đề xuất: “Trước đây, theo khảo sát, giáo viên mầm non không phù hợp tiêu chí của ngành nghề nặng nhọc, độc hại do môi trường làm việc không phải tiếp xúc với hoá chất độc hại, không phải khuân vác nặng.

Tuy nhiên, tôi thấy rằng tiêu chí nên linh hoạt theo đặc thù công việc vì thực tế giáo viên mầm non vừa phải thực hiện công tác giáo dục vừa nuôi dưỡng, chăm sóc với thời gian làm việc lên đến 9 -10 tiếng/ngày.

Tại trường tôi, do số lượng học sinh ít mà hai phân hiệu nằm cách xa nhau nên mỗi lớp hiện có cả 3 độ tuổi. Giáo viên rất vất vả để có thể giáo dục và chăm sóc 3 độ tuổi một lớp.

Nếu giáo viên mầm non được đưa vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại sẽ trở thành động lực để giáo viên yên tâm công tác, đặc biệt, hạn chế tình trạng giáo viên bỏ nghề.

Như ở huyện Vân Đồn hiện nay đang phát triển nghề nuôi hàu, hà, thuỷ sản nên có tình trạng giáo viên, nhân viên bỏ nghề vì mức lương hiện tại không đủ để trang trải cuộc sống.

Bên cạnh đó, tôi cũng đề xuất có thêm những chính sách theo đặc thù riêng của bậc học mầm non. Điển hình như cần phải có biên chế cho nhân viên nấu ăn, cấp dưỡng. Hiện tại, lương chi trả cho nhân viên nấu ăn đều do phụ huynh đóng góp nên mức lương thấp, rất khó tìm người gắn bó lâu dài với công việc này”.

Giáo viên mầm non phải thực hiện cả nhiệm vụ giảng dạy lẫn nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ (Ảnh: PL)

Giáo viên mầm non phải thực hiện cả nhiệm vụ giảng dạy lẫn nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ (Ảnh: PL)

Đồng quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Huệ - Trường Mầm non Kỳ Thượng (xã Kỳ Thượng, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) cho rằng: “Ngành nghề giáo viên mầm non có đặc thù riêng khi không chỉ là cô giáo mà còn là người mẹ thứ hai chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho trẻ.

Chưa kể đến, những ngôi trường ở vùng cao, biển đảo còn vô vàn khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, sinh hoạt và nhiều giáo viên phải sống xa gia đình hay mang theo con đi công tác trong khi mức lương lại thấp hơn các bậc học khác.

Theo đó, việc giáo viên mầm non được đưa vào nhóm ngành, nghề nặng nhọc, độc hại với những chính sách đặc thù riêng sẽ tạo động lực to lớn cho giáo viên.

Đặc biệt, hiện nay theo quy định, 60 tuổi giáo viên mới được về hưu nhưng nếu xếp vào ngành, nghề nặng nhọc, độc hại thì giáo viên sẽ được về hưu trước tuổi. Điều này đảm bảo cả về sức khoẻ cũng như chất lượng nuôi dạy trẻ.

Thực tế, tâm lý của trẻ con bao giờ cũng sẽ thích những cô giáo trẻ, năng động tổ chức các hoạt động như hát, múa, đọc thơ. Khi đã ngoài 50 tuổi, sức khoẻ cũng như sự linh hoạt cũng hạn chế nên giáo viên không thể đảm bảo về chất lượng giảng dạy hay chăm sóc so với những giáo viên trẻ”.

Phạm Linh