Kinh nghiệm tổ chức dạy thêm trong trường để phù hợp Thông tư 29

17/02/2025 06:50
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Thầy Minh tin rằng, kinh phí trả cho giáo viên còn thấp, nhưng chắc chắn thầy cô sẽ dạy với tinh thần, tâm huyết cao nhất của mình.

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng : Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Theo chia sẻ của lãnh đạo nhiều trường, học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi thường đã có trong kế hoạch giáo dục hàng năm của nhà trường và hoàn toàn miễn phí.

Việc dạy thêm với đối tượng học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt, học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp năm học 2024-2025 chưa có trong kế hoạch giáo dục của nhà trường. Cùng với đó, nhà trường cũng chưa được cấp kinh phí để chi trả cho tổ chức hoạt dạy thêm, học thêm với hai đối tượng này.

Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 9 thi tuyển sinh lớp 10, lớp 12 thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì vậy, nhiều cơ sở giáo dục nỗ lực ôn tập và hỗ trợ học sinh tối đã để đáp ứng yêu cầu kỳ thi.

Bài toán đặt ra cho cán bộ quản lý hiện nay là làm sao duy trì việc dạy thêm không thu tiền với học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp năm học 2024-2025.

gdvn-anh13-8270-808-3814-4487.jpg
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Một hiệu trưởng trường trung học cơ sở ở Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Nếu tổ chức ôn thi cho các em mỗi môn 02 tiết/tuần, như vậy mỗi lớp 9 sẽ học thêm 06 tiết/tuần cho ba môn thi tuyển sinh lớp 10.

Trường tôi có 10 lớp 9, như vậy sẽ có 60 tiết dạy thêm/tuần, có 240 tiết/tháng. Thực hiện từ tháng 3 đến tháng 5, trường sẽ phải chi trả tăng giờ 720 tiết. Tiết tăng giờ của giáo viên trung bình hiện nay khoảng 250.000 đồng/tiết, nên cần phải có khoảng 180.000.000 đồng chi cho việc dạy thêm học sinh lớp 9.

Với 180.000.000 đồng chi cho việc dạy thêm học sinh lớp 9 là kinh phí quá lớn, ngân sách không có chi trả, nên chúng tôi đã họp giáo viên lớp 9, tuyên truyền quy định của Thông tư 29, lấy ý kiến thầy cô bộ môn, trên tinh thần dung hòa lợi ích của người dạy và trên hết là vì học sinh thân yêu.

Nhà trường đã tận dụng triệt để nguồn lực giáo viên, phân công giảm tối đa tiết dạy chính khóa cho giáo viên môn Toán, Ngữ văn, Anh văn để dành tiết tiêu chuẩn cho dạy thêm ôn tập lớp 9, nếu giáo viên nào vượt quá tiết tiêu chuẩn sẽ chi trả tăng giờ.

Hiện nay chưa có quy định nào về tiết dạy thêm ôn tập cho học sinh lớp 9 trong trường học, nhưng được giáo viên đồng thuận, nhất trí tuyệt đối, chúng tôi đã vận dụng để giải quyết khó khăn về kinh phí, kế hoạch của trường là vậy. Nếu không có gì thay đổi, sẽ thực hiện từ tháng 3/2025”.

Người viết cũng đã trao đổi với một số cán bộ quản lý khác, phần lớn cho rằng giải pháp giảm tiết dạy, tiết kiêm nhiệm chính khóa cho giáo viên môn Toán, Ngữ văn, Anh Văn, để dành tiết tiêu chuẩn cho dạy thêm học sinh lớp 9 là phù hợp.

z6317256231454_892c3ebd5ae6253e806f03844c10138b.jpg
Ảnh chụp màn hình giao diện thư viện số Trường Trung học phổ thông Xuyên Mộc. Ảnh: Sơn Quang Huyến

Thầy Võ Thanh Minh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: “Bằng nhiều hình thức khác nhau, từ trực tiếp đến trực tuyến, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt đến đội ngũ giáo viên, phụ huynh, học sinh về Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT.

Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch dạy thêm ôn thi tốt nghiệp năm học 2024-2025 của trường phù hợp với thực tế khi có Thông tư 29, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực giáo viên và thời gian ôn tập miễn phí cho học sinh.

Giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 chú trọng công tác tư vấn chọn tổ hợp môn thi cho học sinh, nhà trường tuyên truyền tư vấn về ngành nghề, về năng lực, phẩm chất của các em học sinh nhằm giúp học sinh xác định đúng năng lực, sở trường của mình và phù hợp với định hướng nghề nghiệp ngay từ đầu. Tránh lựa chọn tổ hợp môn theo phong trào, theo cảm tính dẫn đến thay đổi nhiều lần.

xuyen-moc-1-794.jpg
Thầy Võ Thanh Minh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuyên Mộc. Ảnh: Sơn Quang Huyến

Thầy Minh cho hay, nhà trường đã cho học sinh đăng ký học thêm trong trường học theo mẫu và tiến hành phân loại trình độ học sinh để xếp lớp ôn tập cho phù hợp với năng lực và nguyện vọng của các em học sinh; trong đó tăng cường kiến thức cơ bản cho học sinh yếu, kém; nâng cao dần kiến thức cho học sinh trung bình, khá và học sinh giỏi đảm bảo việc ôn tập phù hợp với nguyện vọng của học sinh: đậu tốt nghiệp, sử dụng điểm tốt nghiệp để xét vào các trường đại học, cao đẳng.

Giáo viên tiến hành dạy thêm ôn tập cho khối 12 theo 3 giai đoạn; Giai đoạn 1: Hệ thống hóa kiến thức cơ bản theo chủ đề, bám sát chuẩn đầu ra - yêu cầu cần đạt của chương trình.

Giai đoạn 2: Luyện tập theo từng dạng bài và rèn luyện kỹ năng làm bài.

Giai đoạn 3: Luyện đề thi thử, đánh giá năng lực học sinh.

Mỗi lớp ôn tập có tạo nhóm zalo, giáo viên gửi bài trước lên nhóm cho học sinh chuẩn bị trước, có thể làm trước, giúp quá trình ôn tập thuận tiện hơn.

"Mỗi môn học sẽ dạy thêm 02 tiết/tuần, kinh phí chi trả cho tổ chức dạy thêm, học thêm lớp 12 từ nguồn hoạt động với mức 100.000 đồng/tiết. Kế hoạch này đã triển khai lấy ý kiến của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn. Theo đó, 100% thầy cô đồng ý, tất cả đều hào hứng với trách nhiệm của mình.

Kinh phí trả cho giáo viên còn thấp, chưa tương xứng với công sức thầy cô, nhưng chắc chắn thầy cô sẽ dạy với tinh thần, tâm huyết cao nhất của mình. Ngoài ra, chúng tôi đã cấp tài khoản, mật khẩu cho học sinh, để học sinh có thể tự học miễn phí trên thư viện số của trường”, thầy Võ Thanh Minh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuyên Mộc chia sẻ.

Sơn Quang Huyến