Lời gan ruột của hiệu trưởng xin nghỉ việc sau 23 năm cống hiến cho giáo dục

25/08/2022 06:38
Lê Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Gần 23 năm làm giáo dục từ vị trí giáo viên đến quản lý nhưng cô Trần Thị Trung Hiền vẫn quyết định nghỉ việc để giữ lại những điều tốt đẹp nhất của nghề.

“Bỏ cuộc nhưng không phải hèn nhát”

Gặp phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam sau một tuần nhận quyết định thôi việc, cô Trần Thị Trung Hiền, 46 tuổi, nguyên hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) đã có những chia sẻ về quyết định nghỉ gây “sốc” với nhiều người của mình.

Cô Hiền từng có 12 năm là giáo viên tiểu học của 2 trường ở quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, làm phó hiệu trưởng một trường tiểu học, chuyển về làm việc tại trường bồi dưỡng giáo dục của quận, rồi làm chuyên viên ở phòng Giáo dục và Đào tạo của quận. Sau đó đến tháng 12/2018 cô Hiền được bổ nhiệm chức vụ hiệu trưởng một trường tiểu học đóng trên phường 13 của quận Tân Bình, đến nay gần 4 năm.

Cô Trần Thị Trung Hiền chia sẻ với phóng viên sau khi nhận quyết định thôi việc (ảnh: L.P)

Cô Trần Thị Trung Hiền chia sẻ với phóng viên sau khi nhận quyết định thôi việc (ảnh: L.P)

Từ tháng 3/2022 cô đã gửi đơn xin thôi giữ chức vụ quản lý và thôi việc, khi thấy chưa được giải quyết, tới tháng 5/2022 cô lại tiếp tục gửi đơn thêm một lần nữa. Ngày 15/8/2022, cô Hiền chính thức có quyết định thôi việc để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Quyết định nghỉ ngang của cô Hiền khiến nhiều người bất ngờ và luyến tiếc bởi suốt thời gian qua cô đã luôn phấn đấu, nỗ lực rất nhiều. Có rất nhiều người khuyên ngăn, động viên cô tiếp tục ở lại, không ở trường này, quận này thì chuyển tới trường khác, quận khác. “Tôi chia sẻ thật lòng, tôi nghỉ việc không phải vì lương, phụ cấp. Bây giờ tôi nghỉ vì môi trường làm việc”, cô Hiền bộc bạch.

“Bắt đầu đi dạy từ năm 1999, tính đến nay thì tôi có 23 năm công tác trong ngành giáo dục, cả tuổi thanh xuân hoài bão, cống hiến hết tâm sức cho ngành giáo dục. Điều luyến tiếc nhất khi rời ngành, thôi làm hiệu trưởng nên không còn đồng hành đem lại nhiều điều thuận lợi và tốt đẹp nhất trong giáo dục cho học sinh, giáo viên, đồng nghiệp của mình. Tuy nhiên tôi vẫn chọn dừng lại để lưu giữ những gì đẹp nhất trong quãng đời làm giáo dục của mình”, cô Hiền chia sẻ tiếp.

Cô Hiền cho biết mình là một người thẳng thắn, cương trực nên luôn đóng góp các ý kiến với tinh thần xây dựng.

Cô từng tham mưu, chỉ ra những điều bất cập trong các văn bản, tuy nhiên không nhận được những chia sẻ, lắng nghe của cấp trên. Trong các cuộc họp, cô cũng đóng góp ý kiến, cũng có lúc gửi văn bản, chỉ ra những bất cập và đề xuất những giải pháp trong các công việc như thiếu giáo viên, chọn sách giáo khoa, tổ chức lớp học, tuyển sinh lớp 1…

“Tôi góp ý một cách dân chủ, lễ phép, nhưng những gì tôi nhận được hoặc là sự im lặng, không hồi đáp hoặc có người luôn có định kiến với tôi rằng “cái gì cũng ý kiến”. Lâu dần, tôi ngày càng chán nản, mất hết niềm tin, động lực làm việc, sức khỏe cũng bị ảnh hưởng”, cô Hiền tâm sự.

Có người hỏi việc dừng lại như thế có phải là bỏ cuộc không? Cô Hiền nhìn nhận: “Cái bỏ cuộc của tôi không phải là sự hèn nhát mà mình đã làm hết sức của mình rồi. Đồng nghiệp và giáo viên cũng đã thấu hiểu và chia sẻ với mình điều đó”.

“Thật sự có những bất cập từ cơ chế và kể cả cách giải quyết công việc của những con người cụ thể. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng cơ chế có thể chưa hoàn chỉnh nhưng nếu con người có nhận thức hoặc lắng nghe cơ sở, giải quyết những khó khăn của cơ sở thì có thể điều chỉnh được cơ chế đó”, cô Hiền bày tỏ.

Quá nhiều áp lực đối với giáo viên và cả người quản lý

Thời gian gần đây, số lượng giáo viên kể cả cán bộ quản lý nghỉ việc ngày càng nhiều, cô Hiền lý giải rằng có 3 nguyên nhân chính.

“Đầu tiên là lương và thu nhập của giáo viên hiện theo khung ngạch bậc thì tổng thu nhập của giáo viên hiện tại chưa đảm bảo cuộc sống. Thứ 2 là khối lượng công việc áp lực rất lớn ngoài việc giảng dạy và chủ nhiệm thì giáo viên còn phải tham gia thêm nhiều công việc hành chính sự vụ khác. Điều thứ 3 là những áp lực từ phía xã hội khi nhiều phụ huynh có góc nhìn chưa có sự chia sẻ, cảm thông với thầy cô giáo nhiều”, cô Hiền cho biết.

Cô Hiền phân tích, với lương cơ bản theo ngạch bậc, hệ số ra trường dù giáo viên đã tốt nghiệp đại học nhưng vẫn hưởng mức lương của trung cấp. Do vậy mức lương khá là thấp, cộng thêm phụ cấp ưu đãi thì tổng lương của họ chỉ ở mức 5 triệu đồng hơn.

Trường học nào có mô hình bán trú 2 buổi/ngày thì giáo viên sẽ có thêm một khoản thu nhập ở mức từ 2-3 triệu đồng tuỳ trường. Tuy nhiên từ khi áp dụng chương trình phổ thông 2018 việc thu tiền 2 buổi/ngày không thể thực hiện vì tới nay Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có chủ trương cho phép thu nên thu nhập của những giáo viên dạy lớp 1,2 chắc chắc sẽ bị giảm đi.

Theo cô Hiền, nếu chủ trương không được thu tiền buổi 2 cho bậc tiểu học vẫn giữ thì chắc chắn thu nhập của giáo viên sẽ bị giảm vì chỉ còn lương cộng thêm 35% phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo.

“Hiện nay đang có sự bất cập khi những giáo viên dạy lớp cũ thì được hưởng tiền dạy buổi 2, còn giáo viên dạy lớp mới theo chương trình phổ thông 2018 cụ thể là từ khối lớp 2 thì sẽ không còn hưởng tiền đó. Đây là điều khiến hiệu trưởng các trường tiểu học phải đau đầu tính toán như thế nào để tạo động lực cho giáo viên dạy các khối lớp 1,2 cũng như vẫn đảm bảo sự cân bằng trong tập thể nhà trường, để mọi người luôn đoàn kết thực hiện nhiệm vụ cho thật tốt”, cô Hiền chia sẻ.

Trong năm qua, ở trường cô Hiền làm hiệu trưởng trong vòng 3 tháng có đến 2 giáo viên lớp 1 xin nghỉ với lý do vì hoàn cảnh gia đình và sức khoẻ.

Theo cô Hiền, nếu khung giờ làm việc quy định là 8 tiếng/ngày nhưng thực tế các giáo viên còn phải làm hơn thế. “Giáo viên dạy 2 buổi/ngày ở trường nhưng công việc không dừng lại ở đó mà về nhà còn phải thực hiện vô số công việc khác như soạn giáo án, chấm bài, thống kê báo cáo lên hệ thống, tương tác với phụ huynh để trao đổi về cách giáo dục học sinh tốt hơn…Thậm chí tôi có nghe một số giáo viên ở những cụm khác chia sẻ rằng phải đến tận 11h đêm họ mới được nghỉ ngơi. Ở trường tôi, giáo viên không đến mức như thế nhưng quả thực khối lượng công việc sau giờ hành chính luôn rất lớn”, cô Hiền chia sẻ.

Nữ hiệu trưởng có 23 năm làm giáo dục cũng nhìn nhận việc sắp xếp khối lượng công việc khác ngoài dạy cho giáo viên một phần do thủ trưởng đơn vị. Tuy nhiên cũng cần lắm sự giải quyết, tháo gỡ khó khăn từ các cấp trên để tạo động lực cho giáo viên thêm tinh thần làm việc thật tốt.

Cũng theo cô Hiền, không riêng gì với giáo viên, áp lực của người làm hiệu trưởng cũng rất nhiều và đa dạng lĩnh vực khác nhau. Chất lượng giáo dục là cái quan trọng của nhà trường, trong giai đoạn thực hiện chương trình giáo dục 2018 cũng là vấn đề mà tất cả hiệu trưởng phải quan tâm. Bên cạnh đó, nhiều việc hành chính cũng chi phối việc quản lý của ban giám hiệu trường.

Ngoài ra, hiện nay có tình trạng giáo viên nghỉ việc khá nhiều cũng gây không ít khó khăn cho người quản lý. Hiệu trưởng trường không được phép tuyển dụng nhân sự mà phải thông qua các cấp, hoặc qua hội đồng tuyển dụng với định kỳ quy mô và bài bản. Do đó, khi có giáo viên nghỉ đột ngột giữa năm học thì hiệu trưởng cũng rất đau đầu để sắp xếp nhân sự đảm bảo công tác giảng dạy cho học sinh.

Lê Phương