Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai vẫn còn nhiều vấn đề lúng túng, vướng mắc cả về thể chế, cơ chế và năng lực thực hiện tự chủ; tồn tại “một khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tiễn triển khai tự chủ trong giáo dục đại học ở Việt Nam”.
Trước thực tế này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xung quanh vấn đề tự chủ nhìn nhận từ quy định pháp luật và thực tiễn triển khai qua hoạt động giám sát thực thi pháp luật của Ủy ban.
Đại biểu Phạm Tất Thắng |
Phóng viên: Nhiều chuyên gia cho rằng dù tự chủ đại học đã được đề cập đến từ sớm trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam song trên thực tế, vẫn tồn tại một khoảng cách giữa tự chủ trên văn bản với thực tiễn thi hành. Từ góc nhìn của cơ quan lập pháp, giám sát, Đại biểu đánh giá sao về quan điểm trên?
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng: Đúng là nhận thức về tự chủ đại học và các nội dung tự chủ đại học đã được đề cập đến trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam từ khá sớm.
Cụ thể, Điều 55 Luật Giáo dục 1998 đã có quy định về quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường đại học, cao đẳng về hoạt động chuyên môn, về tổ chức bộ máy và về huy động các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục.
Nội dung này tiếp tục được cụ thể hóa hơn tại Điều 60 Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2005 liên quan đến hoạt động chuyên môn.
Tuy nhiên, việc tự chủ của các trường phải tuân thủ “theo quy định của pháp luật và theo điều lệ nhà trường”.
Vì vậy, trên thực tiễn các cơ sở giáo dục đại học vẫn ít được trải nghiệm trong việc tự điều hành hoặc theo đuổi các mục tiêu riêng biệt bởi Nhà nước vẫn giữ quyền kiểm soát gần như toàn bộ.
Sau đó, nội dung tự chủ đại học đã dần được mở rộng và cơ chế tự chủ ngày càng được cụ thể hóa. Năm 2012 Luật Giáo dục đại học được Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, thực tế triển khai tự chủ đại học còn nhiều vướng mắc, hạn chế, đặc biệt là đối với cơ sở giáo dục đại học công lập do nội hàm khái niệm tự chủ cũng như cơ chế thực hiện theo quy định của Luật còn chưa được chi tiết hóa; đồng thời, các quy định của hệ thống pháp luật liên quan đến nội dung tự chủ còn chưa được đồng bộ, thống nhất nên đã tạo thành những rào cản đối với việc triển khai tự chủ đại học trong thực tiễn.
Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 để tạo cơ chế, hành lang pháp lý thí điểm thuận lợi hơn giúp các cơ sở giáo dục đại học có thể thực hiện tự chủ thực chất, đúng nghĩa hơn. Nhưng thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 lại nặng về khía cạnh tài chính, mức độ tự chủ gắn với mức độ tự lo kinh phí.
Đến năm 2018, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) với nội dung cốt lõi là mở rộng và nâng cao hiệu quả thực hiện tự chủ đại học.
Tuy vậy, hành lang pháp lý cho hoạt động tự chủ đại học vẫn còn có những bất cập, thiếu đồng bộ. Bên cạnh Luật Giáo dục đại học, hoạt động của cơ sở giáo dục đại học còn chịu sự điều chỉnh trực tiếp của nhiều đạo luật chuyên ngành khác như Luật Viên chức, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách,… với nhiều quy định mang tính ràng buộc, cần phải tiếp tục sửa đổi để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với tinh thần tự chủ đại học.
Một số quy định của Luật vẫn còn mang tính khái quát và phải chờ có văn bản hướng dẫn thi hành để có thể đưa quy định của Luật vào thực tiễn cuộc sống.
Đại biểu Phạm Tất Thắng tham dự hội thảo VEC 2020 |
Phóng viên: Nhìn lại hành trình từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã quyết định thí điểm tự chủ cho 23 trường đại học theo Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ. Đánh giá về thực tiễn triển khai tự chủ đại học thời gian qua thì ông nhận thấy có những nội dung gì nổi bật?
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng: Tôi cho rằng, việc thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ, mang lại nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện và thành quả đã đạt được.
Cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành xây dựng hệ thống văn bản triển khai tự chủ theo tinh thần của Luật Giáo dục đại học sửa đổi.
Tự chủ đại học giúp nâng cao ý thức về cạnh tranh, tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên góp phần phát huy tính năng động, sáng tạo của đơn vị trong tổ chức, quản lý và các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Các trường tự chủ đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự, theo hướng hiệu quả hơn; tăng lực lượng lao động trực tiếp, giảm đội ngũ lao động gián tiếp; đồng thời, thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Mặc dù đã có chuyển biến trong nhận thức về vai trò của tự chủ đại học, tuy nhiên quan điểm về tự chủ đại học vẫn còn chưa thống nhất.
Nhiều cơ sở giáo dục đại học cho rằng tự chủ đại học là bản chất, là thuộc tính và là quyền đương nhiên mà cơ sở giáo dục đại học phải được hưởng, theo đó, nhà trường cần phải được tự chủ hoàn toàn trong việc quyết định sự vận hành của đơn vị và cần xóa bỏ hoàn toàn cơ chế chủ quản đối với các trường đại học.
Cũng không ít đơn vị thấy rằng tự chủ không có nghĩa là thoát khỏi chủ sở hữu, theo đó, tự chủ không phải là xóa bỏ “chủ quản”, buông lỏng quản lý mà quan trọng là thay đổi hình thức quản lý, thay đổi cách thực thi quyền sở hữu của cơ quan nhà nước thông qua đại diện chủ sở hữu là thiết chế Hội đồng trường cũng như tăng cường sự minh bạch thông qua chế độ báo cáo, thanh tra cũng như chịu sự giám sát của xã hội.
Ngược lại, cũng có những cơ sở còn “ngại” đổi mới, không muốn thay đổi phương thức truyền thống gắn với sự bao cấp của Nhà nước mà không hào hứng nhiệt tình với tự chủ.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, vẫn nặng về cách tiếp cận từ góc độ tài chính thông qua mức độ tự bảo đảm kinh phí hoạt động mà chưa có căn cứ, nguyên tắc chung để trao quyền tự chủ cũng như trao quyền tự chủ ở mức độ khác nhau phù hợp với năng lực của từng đơn vị liên quan đến công tác tổ chức, nhân sự, quản trị, tiềm lực và kinh nghiệm về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cũng như các điều kiện cần thiết khác.
Ngoài ra, hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động liên quan đến các nội dung tự chủ của cơ sở giáo dục đại học còn thiếu đồng bộ, chưa rà soát được các luật liên quan đến tự chủ đại học, tác động đến hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học.
Côngtác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện và quản lý của cơ quan thẩm quyền còn chưa theo kịp yêu cầu mới của thực hiện tự chủ.
Các nghị định và văn bản hướng dẫn luật ban hành chậm và vẫn còn thiếu đồng bộ.
Việc quản lý hệ thống vẫn còn chồng chéo giữa các cơ quan, đơn vị cấp trên nhà trường; sự phối hợp trong quản lý vẫn mang tính hình thức do chưa có sự rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cơ quan chủ sở hữu.
Cơ chế cơ quan chủ quản vẫn còn nặng nề làm hạn chế tính đổi mới, sáng tạo của đơn vị cơ sở.
Thậm chí, cơchế cho việc thực hiện các nội dung tự chủ còn nhiều hạn chế, cụ thể:
Về chuyên môn học thuật: Theo quy định của Luật, việc tuyển sinh, tổ chức, quản lý đào tạo và cấp bằng là thuộc trách nhiệm của cơ sở đào tạo song các quy định trong các văn bản hướng dẫn thi hành (như quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo…) còn áp đặt nhiều quy định của cơ quan quản lý, chưa thực sự tôn trọng quyền tự chủ cao của các đơn vị.
Về cơ chế tài chính đại học: Khả năng tự chủ tài chính của các trường công lập tự chủ còn thấp; trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư nguồn lực cho giáo dục đại học còn chưa rõ ràng.
Về công tác tổ chức và nhân sự còn vướng mắc. Việc tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, chấm dứt hợp đồng lao động đối với cán bộ, viên chức ở các trường công lập phải thực hiện theo thủ tục, quy trình quy định của pháp luật về viên chức và về lao động, thậm chí là những quy định nội bộ của cơ quan chủ quản…
Điều này làm hạn chế khả năng của cơ quan sử dụng lao động trong việc tuyển dụng, sử dụng những người có năng lực phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.
Đặc biệt, nhận thức về vai trò, chức năng của Hội đồng trường trong hoạt động quản trị cơ sở giáo dục đại học còn chưa được đề cao; thiết chế Hội đồng trường của nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn còn mang nặng tính hình thức, không hiệu quả.
Ảnh minh họa |
Phóng viên: Trên cơ sở thực tiễn giám sát về triển khai tự chủ đại học thời gian qua, ông đã nêu ra nhiều nguyên nhân “cản trở” việc đẩy mạnh tự chủ các trường đại học. Vậy theo ông, đâu là những nội dung lớn cần quan tâm giải quyết triệt để trong giai đoạn hiện nay để tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ?
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng:
Thứ nhất, việc rà soát, đồng bộ hóa quy định pháp luật để tạo cơ sở pháp lý thống nhất và vững chắc cho việc thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học là một yêu cầu quan trọng.
Tuy nhiên, giải pháp khả thi cho việc này như thế nào khi quá trình tự chủ đang được triển khai quyết liệt trên thực tế, phải chăng cần thiết xây dựng một đề án tổng thể, có sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ về tự chủ đại học, để giải quyết đồng bộ các vấn đề đặt ra.
Thứ hai, nếu không làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trực tiếp, nếu Hội đồng trường không được giao thực quyền, chế độ minh bạch thông tin chưa được thiết lập, thì hiệu quả quản trị nhà trường, chất lượng giáo dục đại học và công bằng xã hội khó có thể được cải thiện, thậm chí công sản đã đầu tư vào các đại học công lập có nguy cơ bị khai thác vì lợi ích riêng. Do đó cần xác nhận tường minh để tạo cách hiểu và nhìn nhận thống nhất về tự chủ.
Từ đó, việc giao thực hiện tự chủ cho các trường đại học có cần đánh giá, xác nhận năng lực, điều kiện tự chủ hay không, tự chủ đến đâu và phương thức thực hiện việc giao kết này ra sao?
Có nên xây dựng nhiều mô hình tự chủ phù hợp với từng nhóm trường đại học khác nhau hay không cũng là một câu hỏi đặt ra.
Thứ ba, nâng cao năng lực thực hiện tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, việc nâng cao năng lực quản trị của cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội đồng trường; nâng cao trách nhiệm, kỹ năng cho các thành viên hội đồng trường…, bảo đảm đây là một thiết chế quyền lực thực sự trong nhà trường cũng như xử lý hài hòa mối quan hệ giữa hội đồng trường với các thiết chế quyền lực khác cũng là một yêu cầu đặt ra.
Thứ tư, trên cơ sở làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với phát triển giáo dục đại học của đất nước, khi đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, cùng lúc xác nhận trách nhiệm đầu tư của nhà nước, cần làm rõ nội dung và quyền hạn trong tự chủ tài chính của cơ sở giáo dục đại học, trong hệ thống văn bản pháp lý và quản lý nhà nước, trong mối quan hệ của cơ quan quản lý trực tiếp với trường đại học.
Thứ năm, việc thực hiện quyền tự chủ gắn liền với tăng cường trách nhiệm giải trình, công khai minh bạch thông tin là vấn đề quan trọng để bảo đảm việc triển khai thực hiện tự chủ có hiệu quả.
Đồng thời, các thiết chế, thói quen và văn hóa giám sát đại học để bảo đảm tính thực chất và chính xác của các thông tin giải trình cũng cần được hình thành và phát triển để bảo đảm tính công bằng, khách quan và trung thực.
Nội dung, cơ chế, phương thức triển khai được quy định hay hướng dẫn và giám sát như thế nào, có những quy định nguyên tắc bắt buộc ra sao cũng là những vấn đề cần có quy định, hướng dẫn cụ thể.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu.