Theo diễn biến mới nhất, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn đã có buổi làm việc với Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Bứa, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. Phòng Giáo dục đã chỉ đạo nhà trường dừng tổ chức buổi ngoại khóa lớp 6,7 dự kiến diễn ra ngày 2/4. [1]
Có lẽ, việc đi ngoại khóa của học sinh trường này sẽ không có gì đáng nói nếu không có vụ việc hiệu trưởng nhắn tin giáo viên chủ nhiệm sẽ nhận được 10.000 đồng trên mỗi học sinh tham quan ngoại khóa và lớp nào học sinh đi ít quá thì sẽ bị xem xét, đánh giá thi đua trong quý II.
Ảnh minh họa - CTV |
Giáo viên có muốn nhận 10.000 đồng trên mỗi em đi ngoại khóa?
Theo như phản ánh và tin nhắn của hiệu trưởng Trung học cơ sở Nguyễn Văn Bứa, học sinh sẽ đi tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh – Bến Nhà Rồng và Công viên nước Đầm Sen vào ngày 2/4 sắp tới.
Học sinh sẽ đóng 400.000 đồng/em cho chuyến đi bắt đầu từ 6h đến 16h, bao gồm các chi phí: Xe đưa đón, tham quan 2 địa điểm, ăn trưa.
Các em cũng sẽ được tham gia nhiều trò chơi ở bên trong Công viên nước Đầm Sen và bên du lịch sẽ gửi lại cho giáo viên chủ nhiệm 10.000 đồng/học sinh. Lớp nào học sinh đi ít quá thì sẽ bị xem xét, đánh giá thi đua trong quý II. [2]
Dù biết đây là tiền do công ty du lịch hỗ trợ cho giáo viên chủ nhiệm nhằm động viên khuyến khích giáo viên vận động học sinh đi ngoại khóa. Tuy nhiên, thời gian qua việc các trường tổ chức đi ngoại khóa khiến không ít phụ huynh bức xúc thì nội dung tin nhắn này lại gây nhiều tranh cãi.
Cá nhân người viết cũng là một giáo viên, tôi tin nhận được tiền hỗ trợ trong bối cảnh này không thầy cô nào muốn nhận cả.
Một điều mà mọi người vô cùng thắc mắc là với hơn 800 học sinh tham gia, nếu giáo viên được hỗ trợ 10.000 đồng/học sinh thì bên du lịch sẽ chi lại cho hiệu trưởng...bao nhiêu sao không được hiệu trưởng công khai?
Thực tế, khoản tiền được xem là “hoa hồng” trong các hoạt động dịch vụ trong và ngoài nhà trường dù không có quy định ở dâu nhưng mọi người đã xem đó là việc bình thường.
Nhưng đôi khi vì các khoản “hoa hồng”, “lại quả” này mà nhiều vị hiệu trưởng sẵn sàng móc nối, cấu kết doanh nghiệp để có được “hoa hồng” càng nhiều càng tốt.
Thực tế, không chỉ tham quan, trải nghiệm, ngoại khóa, nhà trường và giáo viên có “hoa hồng” mà các dịch vụ khác như thu bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế, học phí, đồng phục, sách giáo khoa,…đều có những khoản “hoa hồng” nhất định như trả công cho giáo viên.
Tuy nhiên, hầu như các quy định của pháp luật hiện hành đều không cho phép giáo viên nhận "hoa hồng" theo kiểu được trích lại theo đầu học sinh.
Việc nhận "hoa hồng" phải theo quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Việc nhận "hoa hồng" cũng được quy định trong các văn bản do Bộ Tài chính hay các văn bản quy phạm pháp luật khác nhưng phải tuân theo quy định pháp luật, phải theo quy trình chặt chẽ, nhập quỹ, chi công khai, minh bạch.
Với mục đích là hoạt động không vì lợi nhuận, đem lại những điều tốt đẹp nhất cho học sinh, nên các quy định hiện hành đều không cho phép giáo viên, nhà trường nhận “hoa hồng” theo kiểu chia trên đầu mỗi học sinh tham gia ngoại khóa.
Nếu doanh nghiệp trích “hoa hồng” cho nhà trường, giáo viên thì phải giảm giá cho học sinh, không được bỏ túi riêng, không vì bất cứ lý do gì để tư lợi, tư túi,…nó trái cả tình lẫn lý.
Thật ra, số tiền giáo viên nhận “hoa hồng” mỗi học sinh tham quan là không nhiều, nếu cả lớp đi tham quan đầy đủ, giáo viên chủ nhiệm chỉ nhận khoảng 400.000-450.000 đồng, số tiền này không lớn. Nhiều giáo viên cũng không muốn nhận khoản "hoa hồng" này để mang tiếng.
Nhưng, việc nhận tiền dù ít, dù nhiều đều là không đúng, không được pháp luật công nhận.
Phụ huynh, học sinh sẽ suy nghĩ như thế nào về môi trường giáo dục, khi hiệu trưởng công khai mỗi học sinh đi tham quan, giáo viên nhận 10.000 đồng, còn các khoản chi cho hiệu trưởng, kế toán...vẫn còn là 1 bí mật.
Các vụ Việt Á là bài học cho các hiệu trưởng nhà trường trong việc nhận "hoa hồng", phải hết sức cẩn trọng, tuân thủ pháp luật..
Theo người viết, rất cần cơ quan chức năng vào cuộc việc hiệu trưởng thông tin giáo viên sẽ nhận 10.000 đồng hoa hồng có đúng quy định pháp luật? Hiệu trưởng được nhận bao nhiêu? Trách nhiệm của hiệu trưởng khi nhắn tin "hăm dọa" giáo viên bằng mọi giá phải cho lớp tham gia đầy đủ, và giáo viên chủ nhiệm sẽ bị xem xét đánh giá khi lớp tham gia ít?
Người viết cho rằng, việc nhận “hoa hồng” khi tham quan, trải nghiệm, mua sắm,…từ doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của pháp luật, tuyệt đối tránh việc chi, nhận "hoa hồng" theo kiểu được trích lại theo đầu học sinh.
Tài liệu tham khảo:
[1]: https://giaoduc.net.vn/phong-gd-hoc-mon-chi-dao-thcs-nguyen-van-bua-dung-di-ngoai-khoa-ngay-24-post234111.gd
[2]:https://giaoduc.net.vn/moi-hoc-sinh-thcs-nguyen-van-bua-di-ngoai-khoa-gv-duoc-10000-dong-ht-noi-gi-post234074.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.