Mong ước dịp 20/11 của thầy gói ghém trong giấc ngủ của học trò

19/11/2022 06:40
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mùa đông thì lạnh, gió rít liên hồi; mùa hè thì nắng cháy, phòng ngủ bán trú của các con không khác gì hầm tôn. Mong mỏi lắm cho học sinh một giấc ngủ ngon.

Mường Nhé là một huyện miền núi biên giới, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sống phân tán, ảnh hưởng lớn đến việc huy động học sinh ra trường, ra lớp và nâng cao chất lượng giáo dục. Trước đó, có nhiều học sinh đã bỏ học hoặc theo học nhưng không thường xuyên; nhà các em lại ở quá xa trường, để đến lớp, các em phải đi bộ mất cả ngày đường. Vì thế, nhu cầu trường bán trú đối với giáo dục vùng núi như Mường Nhé là rất cần thiết.

Nằm ở trung tâm huyện, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mường Nhé (xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, Điện Biên) là nơi gửi gắm con em của đồng bào dân tộc của xã trong hành trình đi tìm con chữ - nuôi dưỡng ước mơ.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mường Nhé. Ảnh: LC

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mường Nhé. Ảnh: LC

Nhiều năm trở lại đây, mô hình bán trú đã tiếp sức cho học sinh nơi đây đến trường đỡ vất vả hơn.

“Đã không còn những ngày các thầy, cô giáo phải trèo đèo, lội suối, băng rừng đến từng nhà, từng lán nương, rẫy để vận động cha mẹ cho con em đến trường, đến lớp nữa. Tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng đã giảm đáng kể. Tỷ lệ học sinh chuyên cần luôn đạt trên 98%.

Xã đã được công nhận phổ cập trung học cơ sở đúng độ tuổi. Tỷ lệ học sinh chuyên cần cao, nhà trường có điều kiện áp dụng phương pháp dạy học tích cực nâng cao chất lượng giáo dục. Từ đó, chất lượng dạy và học được tăng lên; số lượng học sinh đạt khá, giỏi nhiều lên theo từng năm”, thầy giáo Dương Tiến Công – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mường Nhé chia sẻ.

“Các em học sinh được bán trú trong điều kiện ăn, ở tập trung ngay tại trường như một gia đình lớn. Dù điều kiện trường lớp còn khó khăn, nhưng việc ăn, ở, sinh hoạt tại trường đối với nhiều em còn tốt hơn ở nhà.

Cũng thông qua tổ chức bán trú, bên cạnh việc dạy kiến thức thì các thầy cô còn rèn kỹ năng sống cho các em thông qua các hoạt động tập thể, nền nếp giúp các em phát triển toàn diện”, thầy Công cho biết thêm.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mường Nhé hiện nay là cơ sở vật chất đã quá xuống cấp. Năm học 2022 – 2023, trường có tổng số 1025 học sinh, trong đó 660 em học sinh bán trú.

“Hiện nhà trường đang rất lo lắng vì cơ sở vật chất xuống cấp, đặc biệt là khu nhà bán trú. Những năm trước, trường được làm theo mô hình “3 cứng”, các phòng bán trú của các em chủ yếu được ghép bằng tôn lợp và khung sắt. Qua thời gian sử dụng, đã xuống cấp nhiều. Vì vậy, các thầy rất lo cho sức khỏe của học sinh.

Khu nhà bán trú của học sinh đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: LC

Khu nhà bán trú của học sinh đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: LC

Do trường nằm cạnh suối, nên mùa đông về gió rít rất mạnh, các em phải quấn kín chăn để giữ ấm. Nhiều em không chịu được nên bị cảm lạnh. Các thầy phải túc trực suốt để đảm bảo sức khỏe cho các em.

Ngược lại, mùa hè, nắng Mường Nhé gay gắt vô cùng. Phòng ở của các em không khác gì trong cái thùng tôn. Nhiều lúc, thầy trò phải lên lớp hoặc ra sân trường ngồi đợi phòng “nguội” rồi mới về”, thầy Công giãi bày.

Các em học sinh vẫn cố gắng vượt qua khó khăn trong những phòng ngủ bằng tấm lợp để duy trì việc học tập. Ảnh: LC

Các em học sinh vẫn cố gắng vượt qua khó khăn trong những phòng ngủ bằng tấm lợp để duy trì việc học tập. Ảnh: LC

“Nói thật, ngày 20/11, các thầy các cô ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mường Nhé không có mong ước gì lớn lao cho mình cả. Chúng tôi chỉ có nguyện vọng duy nhất là làm sao cho các con có được phòng bán trú kín gió, khang trang để các con có thể ngủ một giấc ngon, yên tâm theo đuổi ước mơ con chữ của mình”, thầy Công nói về ước mơ nhân dịp 20/11.

Phòng ngủ bán trú của học sinh trong trường với mái tôn đã nứt gãy. Ảnh: LC

Phòng ngủ bán trú của học sinh trong trường với mái tôn đã nứt gãy. Ảnh: LC

Giống như Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mường Nhé, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Chung Chải cũng trong tình trạng “tường thông với gió”.

Trước đây, ở Chung Chải, biến động số học sinh rất bất thường theo sự di cư của bố mẹ. Các thầy cô giáo từng bỗng dưng đón thêm gần trăm học trò, và cũng bỗng dưng giảm sĩ số cả lớp vì học sinh theo bố mẹ đi làm những vùng miền khác. Thế nhưng, nhờ có mô hình bán trú, giờ đây, các thầy cô đã níu được học trò ở lại với trường, qua đó cũng đồng thời giữ chân bố mẹ các em ở lại, lao động, sinh hoạt tại địa phương, không di dân nữa.

Thầy giáo Đinh Văn Toản – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Chung Chải cho biết, các thầy cô chỉ mong các em có chỗ ngủ ấm êm, thật sự nhìn các em ăn ở bán trú vẫn còn thiếu thốn, vất vả quá, đặc biệt khi mùa đông sắp về rồi. Những năm trước, vì chỗ ngủ không được kín, các em phải ngủ ghép 2- 3 em một giường để sưởi ấm cho nhau. Thế nhưng, vẫn có em bị ốm.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Chung Chải với 483 học sinh bán trú. Ảnh: LC

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Chung Chải với 483 học sinh bán trú. Ảnh: LC

"Mùa đông thì lạnh như vậy, nhưng mùa hè các em lại bị nóng quá… Phòng ở cho 483 học sinh bán trú (trên tổng số 590 học sinh) đa phần đã xuống cấp vì được xây dựng và sử dụng từ lâu.

Các thầy giáo ở đây cũng không dám ước mơ gì nhiều, chỉ mong các con có chỗ ăn học, chỗ ngủ đảm bảo, để có sức khỏe lên lớp học tập đều đặn là hạnh phúc rồi", thầy Toản cho biết.

Dù khó khăn nhưng các em học sinh ở biên cương Mường Nhé rất chịu khó và chăm học. Ảnh: LC

Dù khó khăn nhưng các em học sinh ở biên cương Mường Nhé rất chịu khó và chăm học. Ảnh: LC

Giấc ngủ trưa vội vàng dưới những tấm tôn lợp. Ảnh: LC

Giấc ngủ trưa vội vàng dưới những tấm tôn lợp. Ảnh: LC

Từ những vùng bản xa xôi, các em về trường học bán trú mong tìm thấy ước mơ con chữ. Ảnh: LC

Từ những vùng bản xa xôi, các em về trường học bán trú mong tìm thấy ước mơ con chữ. Ảnh: LC

Cửa một phòng bán trú ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Chung Chải. Ảnh: LC

Cửa một phòng bán trú ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Chung Chải. Ảnh: LC

Phòng ngủ "thông gió" và ánh sáng". Ảnh: LC

Phòng ngủ "thông gió" và ánh sáng". Ảnh: LC

Huyện biên giới cực Tây - Mường Nhé là địa phương khó khăn bậc nhất cả nước. Do vậy sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục ở địa phương này cũng đang hết sức thiếu thốn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học của thầy, trò nơi đây... Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé, 20 năm sau thành lập (2002 - 2022), đến nay toàn huyện Mường Nhé vẫn còn gần 100 phòng học, nhà ở cho thầy cô là nhà tạm; hơn 600 phòng học và nhà ở cho giáo viên, học sinh là nhà bán kiên cố (nhà lắp ghép). Để kiên cố hoá số phòng học, phòng ở trên cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Nhưng với huyện nghèo nhất cả nước, thu ngân sách cả năm 2022 ước đạt 16 tỷ đồng như Mường Nhé thì việc tìm nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục là câu hỏi vẫn khó trả lời.

Trần Phương