Một năm có trường đại học phải chịu thanh tra đến 15 lần

12/06/2020 06:27
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kiểm tra, thanh tra như vậy thì trường chỉ có làm được việc duy nhất là “phục vụ thanh tra, kiểm tra” chứ thời gian đâu mà làm nhiệm vụ của trường nữa!

Tự chủ đại học là một xu hướng tất yếu trong quá trình chuyển đổi mô hình quản trị đại học theo hướng hội nhập với thế giới.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên cả nước, có 23 cơ sở giáo dục đại học công lập được Chính phủ cho phép thí điểm tự chủ.

Nội dung cốt lõi của tự chủ đại học xoay quanh 3 trụ cột chính đó là: tự chủ về tổ chức-nhân sự, tự chủ về tài chính và tự chủ về học thuật.

Nếu thực hiện được đúng những quy định trên thì tự chủ đại học sẽ tạo điều kiện rất lớn để các cơ sở giáo dục đại học công lập phát triển; khai thác được tiềm năng.

Tuy nhiên, thực tế thực hiện nay cho thấy mới chỉ có 2 Luật được được sửa theo đúng tinh thần tự chủ ở Nghị quyết 29-NQ/TW và 19-NQ/TW, đó là Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học 2012 (Luật số 34/2018) và Luật viên chức.

Còn các Luật khác chi phối hoạt động kế toán, quản lý tài chính, tài sản, thuế, đầu tư từ nguồn tiền tự thu-tự chi....thì chưa sửa kịp theo chỉ đạo của các Nghị quyết.

Chính vì vậy, các trường được tự chủ trên thực tế không có sự khác biệt với các trường chưa tự chủ, vì cùng được điều chỉnh bởi những quy định pháp luật hoàn toàn giống nhau và chưa phù họp với những chỉ đạo mới của Đảng và nhà nước.

Thậm chí những luật này còn vênh với 2 luật đã sửa, khiến các trường tự chủ không làm được.

Ảnh minh họa: Giáo dục Việt Nam

Ảnh minh họa: Giáo dục Việt Nam

Trước vấn đề này, chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến, Đại biểu Quốc hội khóa 13 thừa nhận rằng, Luật Giáo dục đại học 2018 đã ghi rất rõ quyền tự chủ của các trường đại học.

Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều trường đại học đã tự chủ nhưng vẫn cứ bị một số cơ quan thuế, thanh tra, đặc biệt là cơ quan chủ quản “hỏi thăm” liên tục.

Thực tế bộ ngành nào cũng có trường đại học, ví như trường Đại học Giao thông vận tải trực thuộc Bộ Giao thông vận tải; Trường Đại học Lao động và xã hội trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Học viện Nông nghiệp Việt Nam trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Nhìn nhận điều này, ông Lê Như Tiến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo là đủ, không nên có cơ quan chủ quản của từng bộ ngành như hiện nay. Có thêm chỉ khó khăn thêm cho trường đại học tự chủ; không có sự tích cực nào!

Bởi lẽ, nhiều cơ quan chủ quản hiện nay ôm đồm quyền lực, không muốn trao quyền tự chủ cho trường đại học, dẫn tới việc gây khó bằng cách thanh tra, kiểm tra liên tục.

Có trường trong vòng 5 năm bị 78 lần kiểm tra, thanh tra của các cấp. Bình quân mỗi năm hơn 15 lần, mỗi tháng hơn 1 lần.

Kiểm tra, thanh tra như vậy thì trường chỉ có làm được việc duy nhất là “phục vụ thanh tra, kiểm tra” chứ thời gian đâu mà làm nhiệm vụ của trường nữa!

“Cơ quan chủ quản không trao tự chủ thì làm sao trường phát triển được. Bởi lẽ chỉ có tự chủ thực sự mới làm chất lượng hoạt động và hiệu quả tăng lên“.

“Vì trường phải có trách nhiệm giải trình và chất lượng là do xã hội đánh giá; nên chỉ có đào tạo tốt thì sinh viên ra trường có việc làm, trường mới có uy tín; và tuyển sinh mới tốt và ngược lại”, ông Tiến nhấn mạnh.

“Còn chủ quản, còn o ép như thế thì tự chủ làm sao triển khai được; trường làm sao tồn tại và phát triển được?; nghị quyết của Đảng làm sao vào cuộc sống được?”.

Khi còn công tác ở Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, qua quá trình đi giám sát, ông Lê Như Tiến thấy tại Thành phố Hồ Chí Minh có 2 trường đại học thực hiện tự chủ rất tốt đó là Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Đại biểu Quốc hội khóa 13 Lê Như Tiến cho rằng, nơi nào làm tốt thì cứ để họ làm; chứ cơ quan chủ quản cứ muốn can thiệp vào nhân sự và tài chính; rồi can thiệp không được thì bày cớ để thanh tra, kiểm tra, hành hạ nhà trường thì làm sao chấp nhận được!

Thậm chí có cơ quan chủ quản còn yêu cầu trường phải nộp một khoản tài chính nhất định nào đó; thực sự đó là việc làm vô lối; vô tổ chức!

Do đó, theo ông Tiến, khi trường thực hiện tự chủ tốt, thì cộng đồng, xã hội, cơ quan quản lý hãy tạo điều kiện cho họ tự chủ đúng như tinh thần của Luật số 34/2018.

Ông Lê Như Tiến cũng cho rằng, trường đại học thì phải ưu tiên áp dục luật chuyên ngành giáo dục đại học, tức Luật số 34;

khi có sự mâu thuẫn giữa Luật số 34 với các luật khác trong cùng nội dung, thì vẫn phải ưu tiêu theo Luật số 34 bởi đây là luật căn cứ cao nhất đối với cơ sở giáo dục đại học.

Trước những bất cập trong quá trình thực hiện tự chủ thì theo ông Tiến, các trường cần gửi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng để Bộ, Ủy ban kiến nghị lên Quốc hội sửa đồng bộ các luật bởi chúng ta đã có cơ chế dùng một luật để sửa nhiều luật.

Đại biểu Lê Như Tiến cũng thông tin, năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Chỉ thị số 20/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, đơn vị.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung chỉ đạo khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm; không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm.

Ấy thế mà có nơi tiến hành thanh tra, kiểm tra trường đến 2-3 lần/năm với những lý do chẳng phù hợp. Vậy trường lấy đâu ra thời gian để làm việc nữa!.

Ngày nào còn những cơ quan quản lý không chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Đảng và nhà nước như vậy, thì ngày đó Luật khó đi vào đời sống. Có luật, nhưng người dân vẫn không có điều kiện thi hành được đúng luật.

Thùy Linh