Ngày 5/6, hơn 98.600 thí sinh Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đến 158 địa điểm thi để làm thủ tục, bắt đầu cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 – 2025. Các điểm thi năm nay hầu hết là các trường trung học cơ sở, có sử dụng một số trường trung học phổ thông.
Thành phố cũng đã huy động được hơn 13.500 giáo viên làm cán bộ coi thi, hơn 2.300 nhân viên, bảo vệ, công an để phục vụ cho kỳ thi năm nay.
Các thí sinh sẽ bắt đầu làm bài vào sáng ngày 6/6, với môn Văn (thời gian làm bài là 120 phút), môn Ngoại ngữ (thời gian làm bài là 90 phút) vào buổi chiều.
Sáng ngày 7/6, thí sinh làm bài thi môn Toán (thời gian làm bài là 120 phút), môn chuyên/tích hợp (thời gian làm bài là 150 phút) vào buổi chiều.
Trước khi kỳ thi chính thức bắt đầu, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý, thí sinh tuyệt đối không mang điện thoại vào phòng thi.
“Điểm thi nào có thí sinh vi phạm mang điện thoại vào phòng thi, trưởng điểm thi sẽ phải chịu trách nhiệm” – ông Lê Hoài Nam khẳng định.
Theo ông Lê Hoài Nam giải thích, trừ những trường hợp cố tình mang điện thoại vào phòng thi, còn vẫn những thí sinh vô tình, quên rằng vẫn mang theo điện thoại, nhưng cán bộ coi thi, trưởng điểm coi thi có thể không nhắc các em, đến lúc điện thoại kêu thì mới biết.
“Năm nay, Sở sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo điểm thi, cán bộ giám thị nếu có thí sinh vi phạm mang điện thoại vào phòng thi, nên các điểm thi phải quán triệt rất kỹ với thí sinh việc này trong từng buổi thi, ngày thi” – ông Lê Hoài Nam nhấn mạnh.
Thí sinh cần có mặt tại phòng thi đúng giờ quy định đối với từng buổi thi, mang theo phiếu báo danh có dán hình, giấy khai sinh (bản photo không cần công chứng) để đối chứng, thẻ học sinh (hay thẻ bảo hiểm y tế, thẻ căn cước công dân gắn chip).
Nếu thí sinh bị mất một trong số các giấy tờ, cần điều chỉnh sai sót các thông tin cá nhân cần liên hệ với cán bộ coi thi, người làm nhiệm vụ tại điểm thi để có sự điều chỉnh kịp thời.
Ông Lê Hoài Nam cho hay, các phòng thi sẽ được sắp xếp theo số báo danh, có tối đa 24 thí sinh/phòng, khoảng cách tối thiểu giữa hai thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2m.
Trước khi làm bài thi, thí sinh phải ghi tên và số báo danh của mình vào đề thi, giấy thi, giấy nháp. Khi nhận đề, thí sinh phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng in của các trang đề thi.
“Nếu thấy đề thiếu trang, trang bị rách, hỏng, nhòe hay mờ thì phải báo ngay cho cán bộ coi thi trong phòng thi” – ông Lê Hoài Nam thông tin.
Thí sinh chỉ có thể rời khỏi phòng thi, khu vực thi sau khi đã làm xong hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi, và phải nộp lại cả bài thi, đề thi, giấy nháp trước khi rời khỏi phòng thi.
Khi có tín hiệu báo hết giờ làm bài, thí sinh cần phải ngưng viết. Cán bộ coi thi thứ nhất sẽ tiến hành thu bài thi, còn cán bộ coi thi thứ 2 sẽ duy trì trật tự, kỷ luật phòng thi.
Dự kiến trong ngày 20/6, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ công bố kết quả của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Từ ngày 21 đến 24/6/2024: Các trường sẽ nhận đơn xin phúc khảo bài thi của thí sinh.
Dự kiến chậm nhất ngày 30/6: Sở sẽ hoàn thành việc chấm và công bố phúc khảo.
Dự kiến vào ngày 10/7: Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ công bố điểm chuẩn vào lớp 10 của các trường trung học phổ thông công lập, công bố danh sách trúng tuyển.
Từ ngày 11/7 đến chậm nhất là 16h ngày 1/8: Thí sinh nộp hồ sơ nhập học tại trường đã trúng tuyển. Nếu không nộp hồ sơ trong giai đoạn này thì trường sẽ xóa tên trong danh sách trúng tuyển.