Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phùng Xuân Nhạ kết thúc vào lúc 11g30 sáng 6/6. Đây là phiên chất vấn nhận được rất nhiều câu hỏi cũng như tranh luận của các đại biểu.
Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong sáng nay đã có 32 đại biểu chất vấn, 18 đại biểu tranh luận, chiều nay còn 59 đại biểu chờ chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Tham gia giải trình, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng việc có nhiều câu hỏi, ý kiến của đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm là điều rất mừng đối với ngành giáo dục.
Về tình trạng bạo hành trẻ em, ông Đam cho biết đây là vấn đề bức xúc xã hội. Trong các nguyên nhân thì có nguyên nhân về chất lượng giáo viên mầm non, việc đào tạo để nâng cao chất lượng là rất quan trọng.
Nguyên nhân thứ hai là công tác xem xét cho mở trường mầm non, công tác kiểm tra, giám sát chưa thực hiện tốt.
Hiện mới có khoảng 60% giáo viên mầm non học cao đẳng trở lên, còn lại là trung cấp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin, trong số các nhóm ngành thì ngành dịch vụ xã hội và giáo viên có tỷ lệ ra trường thất nghiệp cao nhất (19%), sau đó là ngành môi trường, pháp luật (17%) - Ảnh: TTXVN |
"Độ bao phủ mầm non, nhà trẻ còn rất thấp, hơn 27%. Nhiều trường không nhận trẻ 3 tháng tuổi dù luật đã quy định vì sao? Nếu độ bao phủ nhiều hơn thì sẽ hạn chế tình trạng này.
Do đó cần phát triển các cụm lớp độc lập. Chính quyền địa phương phải làm tốt hơn, đặc biệt là tại khu công nghiệp.
Trường công học phí khoảng 900.000 – 1,1 triệu đồng. Còn nếu trường tư thì cao hơn, do đó khó khăn cho công nhân. Nhà nước cần hỗ trợ một phần cho xây dựng trường tư", Phó Thủ tướng cho hay.
Phó Thủ tướng đề nghị nếu có bạo hành phải có thái độ cương quyết đưa giáo viên đó khỏi ngành giáo dục, không để ảnh hưởng đến cả ngành.
Về con số 200.000 người có trình độ đại học đang thất nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay:
Nói tính ra tỉ lệ thì con số này ở Việt Nam chỉ chiếm 4% tổng số người có trình độ đại học, trong khi trên thế giới con số này là 7%. Chính vì vậy, đây cũng là thực trạng bình thường.
"Để khắc phục tình trạng này, tôi đề nghị Quốc hội, nhân dân ủng hộ giải pháp đẩy mạnh hướng nghiệp ngay từ khi các cháu học xong trung học cơ sở. Học trung học cơ sở xong một luồng học nghề, một luồng học tiếp trung học phổ thông.
Dù học nghề nhưng vẫn được học tiếp kiến thức văn hóa chứ không lo. Thứ nữa, phải nâng cao chất lượng đại học, trong đó có tự chủ đại học, tăng cường kiểm định, xếp hạng đại học", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị cần định hướng cho các em học ngành nghề nào thì tương lai tốt hơn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khảo sát giai đoạn 2016 - 2017, các trường có điểm đầu vào trên 27 điểm thì tỷ lệ học sinh ra trường có việc làm trong 12 tháng là cao nhất, 96%....
Trong số các nhóm ngành thì ngành dịch vụ xã hội và giáo viên có tỷ lệ ra trường thất nghiệp cao nhất (19%), sau đó là ngành môi trường, pháp luật (17%)…
Ông Đam đồng thời khẳng định giải pháp nâng cao chất lượng đại học, đặc biệt là tự chủ đại học và kiểm định, xếp hạng đại học.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam đang cố gắng để có trường đại học được xếp hạng trong top 1.000 trường đại học của thế giới.
4/5 phụ huynh cho con học đại học trong khi biết lương học nghề cao hơn |
Về vấn đề thi cử, phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết ông rất quan tâm vấn đề này. Thời gian qua đổi mới thi cử đạt được những kết quả khá tốt, tới đây định hướng là ổn định vấn đề này và nếu cải tiến thì chủ yếu là cải tiến cách thức ra đề thi.
Trước đó, tham gia chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho rằng kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hiện khối lượng kiến thức quá nặng, thi theo hình thức tổ hợp gây áp lực cho cả người dạy và người học.
Đại biểu cũng cho biết, có ý kiến cử tri cho rằng học để thi chứ không phải học để áp dụng kiến thức áp dụng thực tiễn, sáng tạo, vậy Bộ trưởng đánh giá sao về ý kiến này?
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng cho biết, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 về cơ bản đã xã hội đồng tình, điều quan trọng là tiếp tục chỉnh sửa những bất cập để tốt hơn.
"Tuy nhiên, trong khi chưa áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới thì vẫn phải làm gọn nhẹ, thiết thực hơn đề thi, các câu hỏi, chuẩn hoá bài thi để vừa đánh giá được kiến thức, kỹ năng, đồng thời vẫn khơi dây, phát huy năng lực người học", Bộ trưởng khẳng định.
Trong phiên chất vấn sáng 6/6, sau khi các đại biểu liên tục chất vấn về chất lượng đầu vào của ngành sư phạm, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, năm ngoái có hiện tượng 3 điểm cũng vào được hệ cao đẳng, còn đối với các trường đại học sư phạm thì đều trên điểm sàn (trên 15 điểm)...
Bộ trưởng Nhạ cũng bày tỏ tán thành với ý kiến của các đại biểu là chất lượng không tốt ảnh hưởng không chỉ chất lượng về giáo dục của sư phạm, đặc biệt là giáo dục phổ thông.
Bộ trưởng cho biết, năm nay rút kinh nghiệm, trên cơ sở thống nhất các trường sư phạm thì tiêu chuẩn đầu vào phải nâng cao, hồ sơ xét tuyển vào Đại học sư phạm phải đạt loại giỏi, vào Cao đẳng phải khá. Các trường phải tính toán làm sao để ngưỡng đầu vào được nâng lên.
Cũng liên quan đến tuyển sinh mà đại biểu Hứa Thị Hà (Tuyên Quang) chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, kỳ tuyển sinh năm trước điểm trung bình là 5-6, điểm 9-10 chiếm 3%, số điểm 10 chưa đến 1%.
Nhưng có hiện tượng 30 điểm vẫn trượt là rơi vào ngành công an, quân đội do nhu cầu thi vào ngành này năm rất cao, điểm xét tuyển cũng rất cao. Năm ngoái cũng có nguyên nhân nữa là điểm ưu tiên vùng miền cao (0,5).
Để khắc phục vấn đề này, năm nay Bộ đã làm việc với Uỷ ban Dân tộc, Hội đồng dân tộc, các cơ quan liên quan để chuẩn chỉnh lại điểm ưu tiên, trong đó giữ nguyên điểm ưu tiên với đối tượng chính sách dân tộc, con em liệt sĩ; nhưng giữa vùng miền giảm một nửa vì những năm gần đây giữa khu vực 1 và khu vực 2 đã có sự phát triển, không chênh như trước kia.
"Năm nay chúng tôi cũng tính toán để không còn hiện tượng không đáng có", Bộ trưởng nhấn mạnh.