Nghịch lý trong tuyển sinh, đào tạo ở Học viện Phụ nữ Việt Nam

08/10/2021 06:34
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các ngành then chốt, gắn liền với sứ mệnh của Học viện Phụ nữ Việt Nam đang có sự "lép vế" trước những ngành khác trong quá trình tuyển sinh.

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải nhiều bài viết nêu lên ý kiến của các chuyên gia giáo dục lên tiếng về việc các trường đại học, học viện công lập hiện đang tuyển sinh dàn trải, đào tạo tràn lan ít gắn với sứ mệnh của trường khi được thành lập.

Việc đào tạo dàn trải, xa rời sứ mệnh thì không thể tạo uy tín, thương hiệu cho các trường đại học, học viện.

Mới đây, nhiều độc giả, chuyên gia cũng phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam băn khoăn xung quanh việc tuyển sinh, đào tạo của Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Theo đó, trong Quyết định số 569/QĐ-HVPNVN nêu Sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của Học viện Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: “Học viện phụ nữ Việt Nam có sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội, cán bộ làm công tác phụ nữ và tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn trong từng thời kỳ; thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ để tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam” [1].

Với 8 mục tiêu cũng được trường này đăng tải thông tin thể hiện rõ, trong đó một số mục tiêu xoay quanh các nội dung như: bảo đảm chất lượng và quy trình nội bộ, môi trường và cộng đồng, học tập và phát triển, tài chính và cơ sở vật chất, hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học công nghệ.

Sứ mệnh của Học viện Phụ nữ Việt Nam đề cập rõ "đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội, cán bộ làm công tác phụ nữ và tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn trong từng thời kỳ; thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ để tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam”. Ảnh: hvpnvn.edu.vn

Sứ mệnh của Học viện Phụ nữ Việt Nam đề cập rõ "đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội, cán bộ làm công tác phụ nữ và tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn trong từng thời kỳ; thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ để tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam”. Ảnh: hvpnvn.edu.vn

Đáng chú ý hơn cả, trong hoạt động đào tạo chuyên môn, thể hiện qua mục tiêu số 2 với tiêu đề: “bồi dưỡng cán bộ và phụ nữ” với nội dung như sau: “Đạt quy mô bồi dưỡng trung bình hàng năm ít nhất là 2.500 lượt học viên với 20 chương trình bồi dưỡng khác nhau được tổ chức cho cán bộ Hội, cán bộ nữ và lao động nữ; góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và thực hiện thành công Đề án bồi dưỡng cán bộ Hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2018 – 2025”[2].

Điều này cũng được nhắc lại thêm một lần nữa trong mục Tầm nhìn của Học viện Phụ nữ Việt Nam đăng trên website của trường như sau:“Đến năm 2030, Học viện Phụ nữ Việt Nam trở thành một cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng được xếp hạng 1 trong khung xếp hạng của Chính phủ Việt Nam; là một trung tâm có uy tín trong việc bồi dưỡng cán bộ Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cán bộ nữ trong hệ thống chính trị” [3].

Trong Tầm nhìn của Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng thể hiện việc "là một trung tâm có uy tín trong việc bồi dưỡng cán bộ Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cán bộ nữ trong hệ thống chính trị”. Ảnh: hvpnvn.edu.vn

Trong Tầm nhìn của Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng thể hiện việc "là một trung tâm có uy tín trong việc bồi dưỡng cán bộ Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cán bộ nữ trong hệ thống chính trị”.

Ảnh: hvpnvn.edu.vn

Tuy nhiên, khi đối chiếu với Đề án tuyển sinh năm 2021 của trường, nhiều chuyên gia cho rằng, các ngành đào tạo gắn liền với sứ mệnh then chốt như ngành Giới và phát triển; xã hội học đang bị "lép vế" so với các ngành được đào tạo đại trà ở nhiều trường khác.

Đơn cử như ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành và Truyền thông đa phương tiện hiện vẫn đang lấy cao nhất với 200 chỉ tiêu. Hay như ngành Quản trị kinh doanh lấy 130 chỉ tiêu.

Ngược lại, các ngành chủ chốt, gắn liền với sứ mệnh như: Giới và phát triển hiện đang lấy 60 chỉ tiêu, Tâm lý học lấy 60 chỉ tiêu và Xã hội học cũng chỉ ở mức 50 chỉ tiêu.

Trong danh sách trúng tuyển trường này công bố, chúng tôi cũng nhận thấy sự chênh lệch về thí sinh không chỉ thể hiện ở chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng thí sinh trúng tuyển của trường này cũng đang cho thấy sự “áp đảo” có xu hướng thiên về các ngành ít gắn liền với sứ mệnh then chốt của học viện.

Cụ thể, chỉ trong đợt công bố danh sách thí sinh trúng tuyển đại học chính quy đợt 1 năm 2021, ngành Truyền thông đa phương tiện có tới 123 thí sinh trúng tuyển, ngành Quản trị kinh doanh có 88 thí sinh trúng tuyển, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành có 62 thí sinh trúng tuyển.

Trái lại, ở các ngành cốt lõi, gắn liền với sứ mệnh then chốt của Học viện Phụ nữ Việt Nam như: Ngành Xã hội học chỉ có 4 thí sinh trúng tuyển, ngành Giới và phát triển chỉ có 9 thí sinh trúng tuyển và ngành Công tác xã hội cũng chỉ có 13 thí sinh trúng tuyển.

Đặc biệt, trong danh sách trúng tuyển đợt 1 bổ sung được Học viện Phụ nữ Việt Nam công bố, có 20 thí sinh được công nhận trúng tuyển nhưng chỉ có danh sách của thí sinh ở các ngành như: Kinh tế, Luật, Quản trị Dịch vụ du lịch và Lữ hành, Quản trị kinh doanh và Truyền thông đa phương tiện.

Được biết, về việc mở ngành đào tạo trình độ đại học đối với các trường đại học, học viện đã được quy định tại khoản 1, Điều 2 Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT cụ thể như sau: “Ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học; phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, miền và cả nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo. Việc mở ngành đào tạo đã được xác định trong phương hướng, kế hoạch phát triển của cơ sở đào tạo”[4].

Trong bảng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021 cho thấy, chỉ tiêu của các ngành gắn với sứ mệnh then chốt (tô màu xanh) đang thấp hơn chỉ tiêu dành cho các ngành khác (tô màu vàng). Ảnh chụp màn hình Đề án

Trong bảng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021 cho thấy, chỉ tiêu của các ngành gắn với sứ mệnh then chốt (tô màu xanh) đang thấp hơn chỉ tiêu dành cho các ngành khác (tô màu vàng).

Ảnh chụp màn hình Đề án

Trong năm 2019, 2020 có thể thấy được, số chỉ tiêu và số trúng tuyển của các ngành then chốt, gắn với sứ mệnh (tô màu xanh) của Học viện Phụ nữ Việt Nam đang thấp hơn hẳn so với số chỉ tiêu và số trúng tuyển của các ngành ít liên quan đến sứ mệnh chính (tô màu vàng). Ảnh chụp màn hình Đề án

Trong năm 2019, 2020 có thể thấy được, số chỉ tiêu và số trúng tuyển của các ngành then chốt, gắn với sứ mệnh (tô màu xanh) của Học viện Phụ nữ Việt Nam đang thấp hơn hẳn so với số chỉ tiêu và số trúng tuyển của các ngành ít liên quan đến sứ mệnh chính (tô màu vàng). Ảnh chụp màn hình Đề án

Nghịch lý trên cũng diễn ra trong các năm trước. Theo đó, trong năm 2019, ngành Quản trị kinh doanh công bố 100 chỉ tiêu nhưng có số trúng tuyển là 135 thí sinh, ngành Quản trị du lịch và Lữ hành công bố 150 chỉ tiêu nhưng có tới 249 thí sinh trúng tuyển. Hay như ngành Truyền thông đa phương tiện công bố 120 chỉ tiêu nhưng có đến 136 thí sinh trúng tuyển.

Các nhóm ngành truyền thống gắn với sứ mệnh then chốt của Học viện như: Giới và phát triển dù lấy chỉ 50 chỉ tiêu nhưng cũng chỉ có 24 thí sinh trúng tuyển, ngành Công tác xã hội công bố 80 chỉ tiêu nhưng cũng chỉ có 42 thí sinh trúng tuyển.

Đào tạo và tuyển sinh của Học viện Phụ nữ Việt Nam đang tồn tại nghịch lý? Ảnh: Trung Dũng

Đào tạo và tuyển sinh của Học viện Phụ nữ Việt Nam đang tồn tại nghịch lý? Ảnh: Trung Dũng

Không chỉ vậy, danh sách giảng viên được nhà trường công bố trong Đề án tuyển sinh 2021 có tổng số 139 giảng viên cơ hữu, không thấy danh sách của giảng viên thỉnh giảng.

Trong đó, đơn cử về số lượng giảng viên cơ hữu có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ theo chuyên môn được đào tạo phân bố ở các nhóm ngành ít gắn liền đến sứ mệnh cụ thể như sau:

Với ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành được ghi nhận có 01 Thạc sĩ cùng chuyên ngành, không tìm thấy giảng viên cơ hữu nào có trình độ Tiến sĩ cùng chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành.

Với ngành Truyền thông đa phương tiện có đào tạo Báo chí đa phương tiện và Thiết kế đa phương tiện có 3 giảng viên là Thạc sĩ và 1 Tiến sĩ có chuyên ngành Báo chí.

Với ngành Công nghệ thông tin thì có 3 Thạc sĩ, 2 giảng viên đại học đúng chuyên ngành công nghệ thông tin, không tìm thấy giảng viên nào là Tiến sĩ đúng chuyên ngành công nghệ thông tin.

Trong khi đó, về điều kiện đội ngũ giảng viên cơ hữu, khi đối chiếu với quy định về điều kiện mở mã ngành đào tạo trình độ đại học trong khoản 2, Điều 2, Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có quy định với các trường đại học, học viện như sau: “a) Có ít nhất 10 (mười) giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó có ít nhất 01 (một) tiến sĩ và 04 (bốn) thạc sĩ, hoặc 02 (hai) tiến sĩ và 02 (hai) thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo; trừ các ngành thuộc qui định tại các điểm b, điểm c, điểm d Khoản này” [5].

Tư liệu tham khảo:

[1]. http://hvpnvn.edu.vn/bai-viet/chien-luoc-triet-ly-su-menh-tam-nhin-muc-tieu-gia-tri-cot-loi/su-menh-cua-hoc-vien-phu-nu-viet-nam

[2]. http://hvpnvn.edu.vn/bai-viet/su-menh--gia-tri-cot-loi--triet-ly-gd/muc-tieu-phat-trien-cua-hoc-vien-phu-nu-viet-nam

[3]. http://hvpnvn.edu.vn/bai-viet/chien-luoc-triet-ly-su-menh-tam-nhin-muc-tieu-gia-tri-cot-loi/tam-nhin-cua-hoc-vien-phu-nu-viet-nam

[4], [5]. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-22-2017-TT-BGDDT-dieu-kien-trinh-tu-thu-tuc-mo-nganh-dao-tao-trinh-do-dai-hoc

Trung Dũng