Người trong cuộc lý giải nguyên nhân nhiều lớp có tới hơn 60% học sinh xuất sắc

09/07/2024 06:45
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Có thầy cô cũng cạnh tranh nhau danh tiếng bằng cách đánh giá nhiều học sinh xuất sắc trong lớp để chứng tỏ với mọi người rằng mình dạy giỏi.

Sau bài viết “Một lớp hơn 60% học sinh xuất sắc có bất thường?” được đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, người viết tiếp tục nhận được chia sẻ của một số giáo viên hiện đang giảng dạy tại một tỉnh miền Trung cho biết tại ngôi trường của mình, số lượng học sinh được khen thưởng trong một lớp cũng rất cao. Nhiều lớp, học sinh được khen thưởng chiếm tới hơn 90%.

Tuy nhiên, thầy cô lại cho rằng, khen thưởng học sinh theo đúng tinh thần Thông tư 27 thì một lớp chỉ vài em đủ tiêu chuẩn, điều kiện để khen thưởng.

gdvn-bang-hoc-sinh-xuat-sac-9398.jpg
Ảnh minh họa.

Một câu hỏi được đặt ra là vậy tại sao hiện nay, có những lớp, những trường, số lượng học sinh được khen thưởng trên 60%, thậm chí có lớp hơn như trường hợp giáo viên ở trên chia sẻ.

Lý giải những thắc mắc này, người viết nhận được nhiều chia sẻ bất ngờ từ nhiều đồng nghiệp. Và không ít nguyên nhân được nêu ra khá bất ngờ với người viết.

Giáo viên dạy thêm và cần danh tiếng để thu hút học sinh

Thầy giáo M. (đề nghị không nêu tên), giáo viên tại một tỉnh Tây Nguyên bật mí: “Giáo viên trường tôi không ít người tổ chức dạy thêm tại nhà. Nhiều phụ huynh bận việc nên giao luôn cho thầy cô việc dạy dỗ, kèm cặp chuyện học hành của các em.

Cuối năm, những thầy cô giáo này phải nâng kết quả học tập của nhiều em lên để đạt các danh hiệu Học sinh Xuất sắc hoặc Học sinh Tiêu biểu cũng là cách chứng minh cho phụ huynh thấy mình dạy và kèm cặp các em học tập hiệu quả cho phụ huynh hài lòng.

Khi phụ huynh hài lòng thì tiếng tăm của giáo viên cũng được lan xa. Điều này sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc dạy thêm học sinh ở những năm học tiếp theo”.

“Giáo viên chủ nhiệm thích nhiều học sinh được khen thưởng là phần lớn do những thầy cô giáo này dạy thêm học thêm khép kín cả tuần trong suốt cả năm. Nên việc mỗi em phải có một tờ giấy khen cuối năm mang về như là một món quà trao đổi để làm hài lòng phụ huynh.

Thử nghĩ, nếu con họ được gửi kèm thêm cả năm mà đến cái giấy khen cũng không có thì giáo viên dạy thêm sẽ bị ảnh hưởng như thế nào đến uy tín và trách nhiệm? Nên cuối năm những giáo viên này sẽ cố gắng để có kết quả đạt được cao nhất có thể.

Có thầy cô cũng cạnh tranh nhau danh tiếng bằng cách đánh giá nhiều học sinh xuất sắc trong lớp để chứng tỏ với mọi người rằng mình dạy giỏi", một giáo viên tiểu học bật mí.

Lớp người ta sao thì mình cũng phải vậy

“Lớp người ta 20 chục em đạt xuất sắc, những lớp khác số lượng học sinh đạt xuất sắc ít nhất cũng trên chục em, không lẽ lớp mình chỉ được vài em?

Sẽ không ai thừa nhận mình đánh giá học sinh đúng còn những lớp có số lượng học sinh khen thưởng nhiều là sai. Chân lý bao giờ chẳng thuộc về số đông. Mình không muốn là người chạy ngược đường nên cứ ai sao mình vậy cho yên chuyện”, một giáo viên ở Tây Nguyên thổ lộ.

Có thầy cô lại chia sẻ thẳng thắn: “Có những giáo viên luôn hơn thua nhau trong việc thi đua nên lớp A. nếu có 10 học sinh xuất sắc thì lớp B. lại muốn có nhiều hơn. Và cứ thế, số lượng học sinh xuất sắc năm sau luôn tăng cao hơn năm trước”.

Áp lực khi lớp học ít học sinh xuất sắc

Cô giáo Mai Lan hiện công tác tại một trường tiểu học ở Tây Nguyên cho biết: “Có năm, lớp tôi chỉ có vài học sinh được khen thưởng trong khi nhiều lớp ở trường có số lượng học sinh được khen thưởng quá nhiều. Thế là, tôi đã bị chính phụ huynh lớp mình chất vấn tại sao giữa các lớp lại có sự chênh lệch về số lượng học sinh khen thưởng nhiều như vậy?

Có người còn nói bóng gió xa xôi kiểu, giáo viên có dạy giỏi mới có nhiều học sinh giỏi như thế. Rồi nhiều người quay qua chỉ trích, chất vấn cả giáo viên. Cùng với đó, phía nhà trường lại nhắc nhở “cần xem lại phương pháp dạy học”. Từ đó về sau, ai sao mình vậy cho khoẻ chứ một mình một hướng dù có làm đúng thì cũng ít ai hiểu cho mình".

Cuối mỗi kỳ, đặc biệt là cuối năm học, giáo viên đăng ký thi đua đều phải viết báo cáo thành tích. Lớp có nhiều học sinh được khen thưởng các danh hiệu cũng là một minh chứng để ghi vào báo cáo của mỗi cá nhân. Nhà trường có nhiều học sinh đạt các danh hiệu thi đua cũng làm đẹp hơn bảng báo cáo tổng kết của trường.

“Trường có nhiều học sinh đạt các thành tích thì mới có cơ hội chi các loại quỹ và nhận được phần trăm các loại hoa hồng cao”, cô giáo Mai Lan ở Tây Nguyên bật mí. Nói rồi cô lấy ví dụ ngay tại trường cô có hơn 700 học sinh được khen thưởng Học sinh Xuất sắc, Học sinh Tiêu biểu, Học sinh nổi trội…

Chỉ tính số vở khen thưởng cho những danh hiệu này đã gần 7 ngàn cuốn vở là khoảng gần 70 triệu đồng.

Vì tất cả những lý do trên nên tình trạng “mưa giấy khen” vẫn đang xảy ra ở nhiều trường tiểu học hiện nay. Người viết cho rằng, mỗi địa phương cần có những cuộc thanh kiểm tra các trường học về việc đánh giá và xếp loại học sinh theo Thông tư 27/2020 để chất lượng giáo dục được đi vào thực chất hơn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết