Nguồn thu nghiên cứu khoa học của trường đại học được tính như thế nào?

20/07/2025 06:21
Ngọc Mai
Theo dõi trên Google News

GDVN - Tổng thu từ hoạt động khoa học phải được hiểu là toàn bộ khoản kinh phí nhận được để thực hiện nhiệm vụ, bất kể khoản này được phân bổ cho hạng mục nào.

Theo báo cáo 3 công khai, báo cáo thường niên của các cơ sở giáo dục đại học cho thấy nguồn thu thường bao gồm các khoản: ngân sách nhà nước, học phí, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các khoản thu hợp pháp khác.

Trong đó, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay tỉ lệ thu từ hoạt động nghiên cứu khoa họcchuyển giao công nghệ/tổng thu/năm có sự chênh lệch đáng kể giữa các cơ sở đào tạo. Có trường thu từ hoạt động này chiếm tới 30% tổng thu, nhưng cũng có trường chỉ quanh quẩn ở mức 1–3% tổng thu.

Điều này đặt ra câu hỏi liệu rằng có sự thiếu đồng bộ giữa doanh thu và ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học khi tính tổng thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ không?

Nguồn thu từ NCKH và chuyển giao công nghệ của trường đại học được tính như thế nào?

Liên quan đến nội dung này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng:

Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học của trường đại học thường đến từ các đề tài, dự án nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước, hoặc sử dụng kinh phí từ doanh nghiệp,... Còn thu từ chuyển giao công nghệ thường phải thông qua hợp đồng, doanh số của các hợp đồng chuyển giao công nghệ, kể cả là chuyển nhượng kết quả nghiên cứu, hoặc hợp đồng xây lắp, thiết kế,... - “Đây chính là nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ”, Tiến sĩ Nguyễn Quân chia sẻ.

gdvn-ts-nguyen-quan.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Ngọc Mai

Tiến sĩ Nguyễn Quân nêu ví dụ, một trường đại học có đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước với kinh phí thực hiện khoảng 1 tỷ đồng, thì 1 tỷ đồng này sẽ được tính vào nguồn thu từ nghiên cứu khoa học của chính trường đó. Đây được hiểu là đầu tư của Nhà nước cho khoa học công nghệ và cũng là doanh thu của nhà trường. Đối với các đề tài nghiên cứu khoa học, chúng ta không gọi là lợi nhuận, và những người thực hiện đề tài nghiên cứu sẽ được hưởng trực tiếp, còn phần chênh lệch thu chi sẽ được nhập vào quỹ của nhà trường.

Cách tính nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các trường đại học hiện nay không có sự khác nhau. Chỉ có điều, với những trường vừa làm đề tài nghiên cứu khoa học với kinh phí của nhà nước, và vừa được tài trợ của doanh nghiệp,... thì sẽ có tổng thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lớn hơn các trường chỉ dựa vào đề tài nghiên cứu được cấp kinh phí từ nhà nước.

Trước ý kiến cho rằng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chỉ nên được tính sau khi đã khấu trừ các chi phí, Tiến sĩ Nguyễn Quân bày tỏ, cách hiểu này chưa phù hợp. Theo Tiến sĩ, khi đã gọi là “thu”, thì mọi khoản tiền thực tế chuyển về tài khoản của đơn vị, dù là để chi cho thiết bị, vật tư hay trả công cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ thì đều được ghi nhận là nguồn thu, không phân biệt phần nào là chi phí.

Trong khi đó, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) chia sẻ, cơ sở giáo dục đại học có chức năng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong đó, đối với hoạt động đào tạo, nhà trường có nguồn thu chính là từ học phí, nguồn tài trợ cho hoạt động đào tạo.

dinh-anh-2843.jpg
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính). Ảnh: Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam.

Còn đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, các trường đều có kinh phí nghiên cứu khoa học mà được Nhà nước đầu tư; hoặc có các hợp đồng nghiên cứu khoa học từ các nguồn khác nhau; hoặc nguồn tài trợ từ các mạnh thường quân; hợp tác nghiên cứu khoa học từ nước ngoài - "Tổng tất cả các nguồn này sẽ được tính vào thu từ nghiên cứu khoa học", Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nói.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) cho biết thêm, ngay từ khi xây dựng đề cương nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, các đơn vị đã thực hiện dự toán chi tiết cho nhiều hạng mục, trong đó không chỉ có chi phí dành cho đội ngũ thực hiện mà còn bao gồm cả các khoản đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị, vật tư phục vụ nghiên cứu.

Tổng thu từ hoạt động khoa học phải được hiểu là toàn bộ khoản kinh phí nhận được để thực hiện nhiệm vụ, bất kể các khoản đó sau này được phân bổ cho hạng mục nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc thù, chẳng hạn khi hoạt động nghiên cứu đòi hỏi đầu tư lớn cho tài sản cố định và các thiết bị có thể sử dụng lâu dài thì việc tính đến yếu tố khấu hao tài sản là cần thiết.

Trên thực tế, trong một số trường hợp, khoản thu từ nghiên cứu khoa học có thể vượt ra ngoài khuôn khổ hợp đồng, ví dụ như đề tài 1 tỷ đồng nhưng đơn vị thực hiện sử dụng cơ sở vật chất, sử dụng thời gian lao động của người trong đơn vị, thì cũng phải tính vào chi nghiên cứu khoa học.

Để bảo đảm phù hợp cả về bản chất của hoạt động khoa học công nghệ lẫn nguyên tắc tài chính, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh chia sẻ, chúng ta cần thống nhất cách hiểu rằng toàn bộ các khoản kinh phí được chi ra để thực hiện một nhiệm vụ khoa học (bao gồm mọi hạng mục chi hợp pháp cho nghiên cứu) đều phải được ghi nhận là khoản thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học.

Ghi nhận đúng nguồn thu NCKH để xác định nguồn lực thực tế của trường

Còn theo quan điểm của Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội Khóa XV, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội, luật hiện hành có các quy định chung rằng nguồn thu hợp pháp thì được tính vào nguồn thu của trường đại học. Các nguồn thu hợp pháp đó được phân định là thu từ các hoạt động nào (là từ đào tạo, từ nghiên cứu, hay từ dịch vụ,...) sẽ nằm trong các văn bản dưới luật (các thông tư hướng dẫn về chế độ hạch toán, kế toán trong các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các cơ sở giáo dục và đào tạo).

Do vậy, khi tiếp cận với các thông tư hướng dẫn, có thể cơ sở giáo dục này hiểu và vận dụng theo cách này, nhưng cũng có cơ sở giáo dục khác lại hiểu và vận dụng theo cách khác. Chính vì vậy mới dẫn đến việc cách tính nguồn thu từ nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học chưa giống nhau. Tuy nhiên, về bản chất và về mặt quản lý nhà nước, điều này không gây ảnh hưởng, mà chỉ phản ánh hoạt động thu từ nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học đang diễn ra như thế nào.

dien-dan16-2.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường. Nguồn ảnh: Báo Nhân dân

Bên cạnh chức năng đào tạo, cơ sở giáo dục đại học còn thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học. Giáo sư Hoàng Văn Cường cho đây là một yếu tố thiết yếu để bảo đảm sao cho hoạt động đào tạo của trường đại học gắn chặt với thực tiễn. Hơn nữa, khi trường đại học được xác định là những trung tâm đổi mới sáng tạo thì hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường phải ngày càng được coi trọng và nâng cao để đóng góp vào sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ quốc gia.

Song, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu thực hiện việc hạch toán, phân định và ghi nhận đúng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, các cơ sở giáo dục đại học sẽ có cơ sở rõ ràng để xác định nguồn lực thực tế của mình trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Mặt khác, nếu việc hạch toán không đầy đủ hoặc thiếu thống nhất, chẳng hạn như có hoạt động phục vụ nghiên cứu nhưng lại không được ghi nhận vào nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và ngược lại, từ đó sẽ không thể khuyến khích sự phát triển của hoạt động nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học.

Ngọc Mai