LTS: Trước thực trạng lạm thu, lạm chi trong các trường học, tác giả Trần Vũ đã thẳng thắn cho rằng tất cả đều xuất phát từ những đề xuất của hiệu trưởng.
Theo đó, tác giả cũng đã đưa ra những giải pháp nhằm chấm dứt vấn nạn lạm thu, lạm chi trong các trường học như hiện nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. Văn phong và nội dung thể hiện quan điểm và góc nhìn riêng của tác giả.
Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành kèm theo Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định nhiệm vụ ban đại diện cha mẹ học sinh lớp:
“Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh.
Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp nhằm chuẩn bị nội dung cho các cuộc họp phụ huynh trong năm học.
Tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh, bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác.
Nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh xin hãy bớt nói chuyện tiền bạc |
Còn nhiệm vụ của ban đại diện cha mẹ học sinh trường:
“Phối hợp với hiệu trưởng tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học và các hoạt động giáo dục theo nội dung được thống nhất tại cuộc họp đầu năm học của ban đại diện cha mẹ học sinh.
Phối hợp với hiệu trưởng hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương chính sách về giáo dục đối với cha mẹ học sinh nhằm nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, giáo dục các em.
Phối hợp với hiệu trưởng tổ chức giáo dục học sinh hạnh kiểm yếu tiếp tục rèn luyện trong dịp nghỉ hè ở địa phương.
Phối hợp với hiệu trưởng giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác; vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục đi học.
Hướng dẫn về công tác tổ chức và hoạt động cho các ban đại diện cha mẹ học sinh lớp”.
Rõ ràng Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có quy định ban đại diện cha mẹ học sinh đề xuất với nhà trường thu tiền để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm máy móc, thiết bị dạy học hoặc sử dụng hội phí để chi tiếp khách, chi hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường.
Vậy, vì sao hiệu trưởng lại thường hay đổ lỗi cho ban đại diện cha mẹ học sinh, mỗi khi mắc phải sai phạm lạm thu?
Nhiều hiệu trưởng thường hay đổ lỗi cho ban đại diện cha mẹ học sinh khi mắc sai phạm lạm thu (Ảnh: vtc.vn). |
Gần đây trên báo có đưa tin: “Tại Trường tiểu học Chu Văn An (Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), mỗi học sinh lớp 1 phải đóng hơn 16 triệu đồng, bao gồm các khoản thu khác nhau.
Nhà trường nói không phải do họ đề xuất mà do... trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh đưa ra”. ( Báo Tuổi trẻ ngày 13/9/2017).
Bạn tôi, có 5 năm làm trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh một trường trung học phổ thông, cho biết:
Năm nào cũng thế, đầu năm học mới, để chuẩn bị đại hội cha mẹ học sinh, hiệu trưởng sẽ tổ chức hội nghị ban đại diện cha mẹ học sinh trường.
Trong đó, nội dung chủ yếu là bàn mức thu hội phí trong năm học mới.
Khi thảo luận tất cả thành viên tham dự đều đồng ý với đề xuất của nhà trường, bởi các khoản chi đều phục vụ cho các hoạt động giáo dục, và nhất là con của họ còn học ở đó.
Thành phố Cao Lãnh chỉ đạo xác minh thông tin lớp 1 đóng hơn 16 triệu đầu năm |
Được hỏi về việc quản lý và sử dụng hội phí, bạn tôi cho biết:
“Khi mức thu được thống nhất, thông thường 100.000 đồng/phụ huynh/năm học thì giáo viên chủ nhiệm sẽ triển khai trong đại hội cha mẹ học sinh ở lớp, trực tiếp thu và nộp cho thủ quỹ nhà trường cất giữ.
Phụ huynh các lớp không có ai phản đối, còn các khoản chi đã thực hiện, nhà trường lập chứng từ gửi trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh ký duyệt.
Trong báo cáo công khai thu chi, hội phí có 3 chữ ký: hiệu trưởng, thủ quỹ trường và trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường; riêng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp không có kinh phí để hoạt động.
Có thể thấy nguyên tắc thu hội phí trên đây rõ ràng đã đi ngược với quy định theo Thông tư 55, đó là:“ Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh”.
Khi được hỏi về các khoản thu không được phép quyên góp của ban đại diện cha mẹ học sinh theo Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bạn tôi nói chưa hề biết quy định:
“Ban đại diện không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản như ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh.
Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường.
Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường.
Lạm thu, thứ xấu xa được sinh ra từ lòng tham và sự vô cảm |
Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường”.
Từ thực trạng của một trường học vùng nông thôn trên đây, có thể nói tiền trường mà cha mẹ học sinh đóng góp trên cơ sở “thỏa thuận” là do hiệu trưởng nhà trường đề xuất.
Còn người bạn khác của tôi là giáo viên chủ nhiệm ở một trường trung học phổ thông cho biết, trong quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường được thông qua hội nghị cán bộ, viên chức đầu năm học, có khoản chi:
“Bồi dưỡng giáo viên và thưởng cho học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa, bồi dưỡng cho giáo viên và học sinh tham dự hội khỏe phù đổng, hội thao quốc phòng, văn nghệ…từ nguồn hội phí.
Trong văn bản báo cáo công khai thu chi quỹ hội phí của trường, trình bày trong đại hội cha mẹ học sinh lớp có liệt kê các khoản chi, đáng chú ý như:
Chi tổ chức họp mặt ngày 20/11 và liên hoan họp mặt giáo viên nghỉ hưu, giáo viên thuyên chuyển công tác; chi tiếp khách trong năm học; chi cho nhân viên làm vệ sinh nhà trường; chi hỗ trợ hoạt động phong trào … không có khoản nào để chi trợ cấp cho học nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tất cả giáo viên chủ nhiệm cũng không ai có ý kiến phản biện”.
Có thể thấy nguyên tắc chi hội phí trên đây, rõ ràng cũng đi ngược với những quy định về quản lý và sử dụng kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh, theo Thông tư 55, đó là:
“Trưởng ban ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất ý kiến.
Để xảy ra lạm thu, xử lý hiệu trưởng |
Trưởng ban ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến”.
Từ thực trạng trên đây, cho thấy trong trường học không chỉ có lạm thu mà còn có cả lạm chi, tất cả xuất phát từ những đề xuất của hiệu trưởng với mong muốn sao cho “trường ra trường”, nhưng không phải không có những khoản “hoa hồng” cho hiệu trưởng khi mua sắm hoặc những khoản chi không được phép từ nguồn ngân sách như: tiếp khách, quà biếu…
Thiết nghĩ, để chấm dứt nạn lạm thu, lạm chi trong trường học, trước hết ngành giáo dục cần phải:
- Thanh tra và xử lý kỷ luật hiệu trưởng nhà trường mượn tay ban đại diện cha mẹ học sinh để thu và chi các khoản “không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh”, quy định trong Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh nhất là ban đại diện cha mẹ học sinh các cơ sở trường học, thông suốt Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh, để họ có cơ sở phản biện lại những đề xuất trái quy định của hiệu trưởng, như sử dụng kinh phí của ban đại diện để hỗ trợ nhà trường chi tiếp khách, chi tặng quà cho lãnh đạo cấp trên …
Mặt khác, để tất cả họ biết phương pháp làm việc, đó là “kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh từ đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện học sinh trường”.
Không thể để hiệu trưởng nhà trường toàn quyền quyết định các khoản chi để đề xuất mức thu chi hội phí.
Mặt khác hội phí và các khoản tài trợ hợp pháp cho ban đại diện cha mẹ học sinh “phải được theo dõi và ghi chép trong sổ sách kế toán của cơ sở giáo dục theo quy định hiện hành” (Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tài trợ cho các cơ sở giáo dục).
Ngoài ra, cần đưa kết quả hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường làm tiêu chí xét các danh hiệu thi đua hàng năm cho các cơ sở trường học theo Thông tư 55, bởi nhiều địa phương, nhiều năm nay chưa áp dụng quy định này.