Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông chủ trì tọa đàm.
Tọa đàm còn có sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm khoa học. |
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Đặng Văn Định - Trưởng Ban Nghiên cứu và phân tích chính sách (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho biết, quá trình xuất hiện hệ cao đẳng phản ánh mối quan hệ đồng bộ giữa hình thái kinh tế xã hội với nguồn nhân lực. Vào thập niên 1960, giáo dục chuyên nghiệp Việt Nam áp dụng theo mô hình Liên xô (sau trung cấp chuyên nghiệp là đại học).
Nhận ra “khoảng trống” giữa hai trình độ trên, Nghị định171 về quy chế mở trường và lớp đại học (hoặc cao đẳng), trung học chuyên nghiệp đã quy định các trường, các lớp đại học (hoặc cao đẳng) đều thuộc bậc đại học.
Chúng là hai trình độ khác nhau trong cùng bậc đại học để đào tạo hai loại nhân lực khác nhau, đáp ứng những yêu cầu khác nhau của xã hội; sự khác biệt là ở chỗ, trình độ cao đẳng có thời gian đào tạo ở mức thấp (theo quy định) và chỉ dành cho cán bộ trong ngành (hàm ý những người đã có chuyên môn cùng ngành nghề).
Bước vào thời kỳ đổi mới giáo dục đại học (sau 1987), Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xác định những đặc trưng cơ bản của trình độ cao đẳng chuyên nghiệp đó là: Đầu vào phải tốt nghiệp trung học phổ thông và tương đương; Thời gian đào tạo 2 đến 3 năm; Chương trình đào tạo cung cấp kiến thức, kỹ năng và năng lực chuyên môn, chú trọng năng lực hoạt động nghề nghiệp, bám sát nhu cầu đào tạo nhân lực xã hội; Đảm bảo cơ hội liên thông với trình độ đại học.
Việc xây dựng nội dung chương trình đào tạo cụ thể được dựa vào các đặc điểm trên đồng thời bảo đảm: mặt bằng học vấn - bao gồm kiến thức nhân văn, khoa học xã hội, ngoại ngữ, toán học và khoa học tự nhiên; kiến thức nghề nghiệp - tri thức, kỹ năng, kỹ xảo cần thiết của nghề nghiệp; có sự tham gia của giảng viên và bên sử dụng lao động; bảo đảm liên thông với trình độ đại học.
ISCED-2011 ghi rõ: “Giáo dục đại học bao hàm những gì người ta thường gọi là giáo dục hàn lâm, song đồng thời cũng bao hàm giáo dục kỹ thuật hoặc nghề nghiệp. Giáo dục đại học bao gồm các cấp độ 5,6,7,8 trong phân loại ISCED và lần lượt có tên gọi là hệ cao đẳng, cử nhân hoặc tương đương, thạc sĩ hoặc tương đương và tiến sĩ hoặc tương đương. Như thế, hệ cao đẳng chuyên nghiệp tương ứng với cấp độ 5 của phân loại ISCED-2011; cao đẳng là trình độ đầu tiên của bậc đại học.
Trình độ cao đẳng chuyên nghiệp bị đưa ra khỏi bậc đại học
Chia sẻ về tác động chính sách đối với hệ cao đẳng, Tiến sĩ Đặng Văn Định cho biết, nếu như Nghị định 171 năm 1963 đã định hướng chương trình hệ cao đẳng thì Nghị định 90 năm 1993 đã khẳng định vị trí của trình độ cao đẳng trong cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.
Vấn đề về cao đẳng nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học |
Theo đó, bậc đại học gồm bốn trình độ: cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Tinh thần này được nhất quán trong Luật Giáo dục số 11/1998/QH10 (Luật Giáo dục 1998), Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 (Luật Giáo dục 2005), Luật Giáo dục Đại học số 08/2012/QH13 (Luật Giáo dục đại học 2012).
Vào năm 2005 xuất hiện “cao đẳng nghề”. Luật Giáo dục 2005 quy định: “Dạy nghề được thực hiện dưới một năm đối với đào tạo nghề trình độ sơ cấp, từ một đến ba năm đối với đào tạo nghề trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng”.
Tinh thần này được thể hiện tiếp ở Luật Dạy nghề số 76/2006/QH11 (Luật Dạy nghề 2006). Theo đó “Dạy nghề có ba trình độ đào tạo là sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề”.
Mục tiêu của của cao đẳng nghề nhằm trang bị cho người học nghề kiến thức chuyên môn và năng lực thực hành các công việc của một nghề (tập trung vào năng lực thực hành các công việc của một nghề); Thời gian đào tạo từ hai đến ba năm học tuỳ theo nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; từ một đến hai năm học tuỳ theo nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề cùng ngành nghề đào tạo (các điều 24, 25, 26).
Sau khi Luật Dạy nghề 2006 có hiệu lực, xuất hiện hàng trăm trường cao đẳng nghề trên cơ sở nâng cấp các trường trung cấp nghề (thực chất là cơ sở đào tạo nghề trình độ cao).
Bước ngoặt lớn là Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 (Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014) thay cho Luật Dạy nghề 2006.
Điều 3 của Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định: “Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân, nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề khác...”; Tại các điều 76, 77 đã bãi bỏ tất cả những quy định liên quan đến trình độ cao đẳng thuộc bậc đại học ở các luật trước đó.
Như thế, trình độ cao đẳng chuyên nghiệp bị đưa ra khỏi bậc đại học; cao đẳng nghề và cao đẳng chuyên nghiệp được gọi là cao đẳng; Trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp được gọi là trung cấp.
Trước Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đảm nhiệm, còn quản lý nhà nước về giáo dục chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm nhiệm. Vì thế, sau khi Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 có hiệu lực đã tiến hành nhiều việc.
Thứ nhất, sáp nhập giáo dục chuyên nghiệp với giáo dục nghề.
Thứ hai, tiến hành bàn giao công tác quản lý nhà nước các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Các cơ sở đào tạo giáo viên vẫn giữ ở vị trí cũ. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ (ở mức quản lý nhà nước) đối với các cơ sở này.
Thứ ba, nhà nước tiếp tục tạo mọi điều kiện để phát triển giáo dục nghề nghiệp. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án "Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020" (Quyết định 761/QÐ-TTg năm 2014), rồi phê duyệt bổ sung vào năm 2019 (Quyết định 1363/QĐ-TTg năm 2019) và ban hành Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào năm 2021 (Quyết định 2239/QĐ-TTg năm 2021).
Điểm nhấn của các quyết định trên là xây dựng những trường cao đẳng chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam. Theo đó, số trường đạt mục tiêu trên là 40 vào năm 2020, là 70 vào năm 2025 và 90 vào năm 2030.
Hơn thế nữa còn phấn đấu xây dựng nhiều trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, tiếp cận trình độ các nước ASEAN, các nước phát triển trong nhóm G20, có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN và thế giới.
Chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam còn thấp
Về kết quả thực hiện, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ lao động, Thương binh và Xã hội ngày 6/6/2023, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn và tranh luận, trong đó nhấn mạnh vào những nội dung: Giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.
Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra.
Đặc biệt Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vào: Đề án về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng.
Kết quả thực hiện Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có những nét đáng quan tâm.
Về mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Năm 2019, tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 1.907 cơ sở, giảm 41 cơ sở so với năm 2018 và giảm 73 cơ sở so với năm 2017.
Thực hiện Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành trung ương Đảng, số đơn vị giáo dục nghề nghiệp công lập có xu thế giảm nhẹ. Các trường cao đẳng sư phạm đang trên lộ trình sáp nhập vào các đơn vị khác. Việc này xem ra khó kế thừa, phát huy giá trị tích cực của các nhà trường cao đẳng sư phạm và vai trò của chính quyền địa phương cấp tỉnh trong việc đào tạo giáo viên.
Về quy mô đào tạo. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, “quy mô tuyển sinh hiện nay khoảng 2 triệu sinh viên, học sinh học nghề. So với cách đây 5 năm, bình quân mỗi năm chỉ có khoảng 500 nghìn học sinh, sinh viên”.
Con số tin cậy nên dựa vào “Đánh giá công tác tuyển sinh, đào tạo, giải quyết việc làm năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2020” của Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp, cụ thể như sau:
Thực ra, cách đây 5 năm (2017), tuyển sinh trình độ cao đẳng khoảng 230.000 người, tuyển sinh trình độ trung cấp khoảng 310.000 người, trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác (dưới 3 tháng) là chủ yếu, chiếm khoảng 1.664.000 người.
Về chất lượng đào tạo, phổ nhân lực trong doanh nghiệp Việt Nam cụ thể như sau:
Câu hỏi đặt ra là vì sao tỷ lệ lao động lao động có trình độ đại học trong doanh nghiệp Việt Nam luôn gấp hơn hai lần tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng?
Thoạt nghĩ, cứ tưởng nhân lực bậc đại học quá nhiều. Thực tế Việt Nam đang có tỷ lệ 215 sinh viên/vạn dân là còn thấp so với khu vực và thấp hơn mức trung bình của các nước thuộc khối OECD. Trong khi đó nhà nước đặt chỉ tiêu 260 sinh viên/vạn dân vào năm 2030.
Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, năm 2019, chỉ số Mức độ đầu tư của công ty cho đào tạo và phát triển nhân viên của Việt Nam chỉ đạt 49.4/100 điểm, xếp thứ 73/141 quốc gia được đánh giá. Chỉ số Chất lượng đào tạo nghề nghiệp đạt 44/100 điểm, xếp thứ 102/141. Trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ 8/9 (không tính Myanmar) về chỉ số Chất lượng đào tạo nghề nghiệp.
Trong Hội nghị quốc gia về “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” ngày 20-8-2022, bà Stefanie Stallmeister, Quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho hay: “Khảo sát Kỹ năng và Doanh nghiệp của WB năm 2019 với các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy một tỷ lệ đáng kể các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có kỹ năng quản lý và lãnh đạo (73%); lao động có chuyên môn kỹ thuật (68%); hay lao động có kỹ năng cảm xúc xã hội (54%). Điều này cho thấy khoảng cách lớn về kỹ năng và chênh lệch cung - cầu lao động có kỹ năng”.
Kết luận vấn đề, Tiến sĩ Đặng Văn Định cho hay, hệ cao đẳng chuyên nghiệp ở Việt Nam thai nghén từ thập niên sáu mươi của thế kỷ trước. Nhờ thể chế, chính sách được ban hành kịp thời, phù hợp, có tầm nhìn và định hướng chiến lược, bên cạnh đó được sự chỉ đạo chuyên môn bảo đảm tính khoa học của cơ quan quản lý nhà nước, nó đã trở thành một phần không thể thiếu của Bậc đại học, phù hợp thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế xã hội Việt Nam.
Gần mười năm lại đây, đã tách trình độ cao đẳng chuyên nghiệp khỏi bậc đại học, và hợp nhất nó vào giáo dục nghề, với kỳ vọng xây dựng hàng trăm trường cao đẳng chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số ngành, nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước... Đây là kỳ vọng chính đáng.
Tuy nhiên, trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ 8/9 (không tính Myanmar) về chỉ số Chất lượng đào tạo nghề nghiệp, còn doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn lớn trong việc tuyển dụng lao động có kỹ năng quản lý - lãnh đạo, chuyên môn kỹ thuật và cảm xúc xã hội.
Cơ chế chính sách làm nên những giá trị tích cực, ở chiều ngược lại, khi mục tiêu của chính sách không đạt được thì phải xem xét lại cơ chế chính sách.