Nhiều GV "ngại" đi làm giám thị kỳ thi vào 10, tốt nghiệp THPT vì nhiều áp lực

12/06/2024 08:48
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao là một trong những nguyên nhân khiến giám thị rất áp lực khi coi thi tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp THPT.

Nhiều năm làm nhiệm vụ coi thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông, người viết là giáo viên bậc trung học phổ thông nhận thấy, giám thị ngày càng đối mặt với nhiều áp lực ở cả hai kì thi này.

Trong phạm vi bài viết này, người viết có đôi điều cùng chia sẻ về những áp lực xung quanh việc giáo viên coi thi và đề xuất giảm bớt một số thủ tục hành chính để các kì thi được gọn nhẹ và hiệu quả hơn.

gdvn-totnghiep-2115.jpg
Ảnh minh hoạ trên giaoduc.net.vn.

Thứ nhất, trước mỗi kì thi, trưởng điểm thi lưu ý rằng, thí sinh gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao là điều khiến các giám thị khó phát hiện nhất.

Theo đó, một số thiết bị công nghệ cao loại mới để gian lận trong phòng thi đã xuất hiện trên thị trường từ nhiều năm qua.

Điều tinh vi ở chỗ, có thiết bị có hình dạng giống như chiếc nhẫn, rồi bút thông minh, máy ghi âm kỹ thuật số hay kính mắt thông minh,... rất khó phát hiện.

Các thiết bị này có liên kết 2 phần trong và ngoài phòng thi, có tai nghe và thiết bị thu phát. Các thiết bị được thiết kế nhỏ gọn, thí sinh có thể qua mặt giám thị để mang vào phòng thi.

Chính vì vậy, theo quy định hiện hành, mỗi điểm thi phải bố trí nơi bảo quản vật dụng của thí sinh và các tài liệu, vật dụng bị cấm mang vào phòng thi, cách phòng thi tối thiểu 25m.

Đó cũng là lí do trong suốt thời gian làm bài thi, giám thị 1 và 2 luôn đảo mắt đến từng từng thí sinh xem các em có hành vi nào bất thường không.

Kể cả giám thị hành lang cũng luôn đi lại giữa các phòng thi để giám sát việc thí sinh làm bài thi có nghiêm túc hay không.

Thứ hai, giám thị phải thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến thí sinh và quy định của kì thi quá nhiều cũng khiến thầy cô căng thẳng.

Ví dụ, kì thi tuyển sinh 10, buổi thứ nhất, giám thị ngồi nghe trưởng/phó trưởng điểm thi triển khai quy chế thi, nghiệp vụ coi thi rất dài dòng.

Thay vào đó, giám thị cần đọc kĩ quy chế thi trước ở nhà, sau đó lãnh đạo điểm thi chỉ cần phổ biến những nội dung cơ bản liên quan đến việc coi thi, thu bài thi, xử lí kỉ luật (nếu thí sinh vi phạm) là được.

Tiếp đến, giám thị tiến hành đối chiếu các thông tin của thí sinh như: họ và tên; ngày tháng năm sinh; nơi sinh; học sinh trường; xếp loại bằng nghề,... và kí tên xác nhận rất mất thời gian.

Người viết nhận thấy, điểm thi có thể bỏ qua thủ tục này bởi vì các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đã kiểm tra kĩ lưỡng hồ sơ học sinh qua các năm học.

Hơn nữa, kết thúc học kì, năm học, giáo viên chủ nhiệm các lớp còn phải kiểm tra chéo hồ sơ học sinh nên hầu như không có sai sót gì.

Đối với kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ngày làm việc đầu tiên, giám thị phải đi 2 buổi chứ không phải chỉ 1 buổi sáng như kì thi tuyển sinh 10.

Buổi sáng giám thị đến nghe lãnh đạo điểm thi phổ biến quy chế thi và các công việc có liên quan khoảng 2 tiếng rồi về. Buổi chiều, giám thị vào phòng thi phổ biến quy chế thi và dặn dò thí sinh về việc làm bài thi.

Theo người viết, công việc này hoàn toàn có thể được gộp vào buổi sáng giống như kì thi tuyển sinh 10 mà không hề ảnh hưởng gì, giúp giám thị không phải tốn công sức, thời gian đi thêm một buổi nữa.

Thứ ba, giám thị phải kí quá nhiều chữ kí trong quá trình làm nhiệm vụ thi. Đó là các chữ kí như: điểm danh giám thị; kí vào giấy nháp/ giấy thi; kí vào 2 tờ giấy thu bài thi; kí và ghi tên trường lên bìa bao/ túi thu bài thi,...

Người viết cho rằng, thao tác này có thể giảm bớt, bởi vì mọi thông tin của giám thị và phòng thi đã được thư kí điểm thi ghi rõ qua các buổi thi.

Ví dụ, giám thị A là giáo viên trường nào, buổi thi môn Ngữ văn làm giám thị 1 phòng 10. Chưa kể, ngoài bìa hồ sơ đựng bài thi đã ghi rõ thông tin giám thị.

Thứ tư, vẫn còn một số lãnh đạo điểm thi xử lí công việc cứng nhắc, thậm chí còn dọa kỉ luật giám thị (nếu để xảy ra sai sót) nên thầy cô lo sợ, bị tâm lí dẫn đến thao tác sai quy trình coi thi, thu bài thi.

Chẳng hạn, trong quá trình thu bài thi, do bất cẩn, giám thị đã đánh sai số thứ tự bài thi của thí sinh, phải gạch bỏ để đánh lại. Cũng có trường hợp giám thị kí nhầm vào ô của giám khảo.

Theo quy định, trưởng điểm thi phải lập một biên bản bất thường để ghi nhận những sự việc này là do giám thị làm sai chứ không phải do thí sinh đánh dấu trong bài thi.

Cần biết rằng biên bản bất thường là để ghi nhận sự việc, để hội đồng chấm thi biết mà xử lí bài thi theo quy định, thế nhưng hầu hết giám thị nghe từ "bất thường" là rất sợ bị cơ quan, đơn vị kỉ luật.

Vì vậy, có giám thị kí nhầm vào tờ giấy thi thì liền yêu cầu thí sinh thay tờ mới khác - mặc dù thí sinh đã làm được một số nội dung - khiến thí sinh bị mất thời gian làm bài quá oan uổng.

Có thể nhận thấy, việc coi thi tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông là rất áp lực, mệt mỏi so với công việc giảng dạy ở trên lớp.

Trong khi đó, thù lao coi thi ở một số tỉnh, thành chi cho giám thị còn thấp, chưa tương xứng với công sức mà thầy cô bỏ ra.

Tuy vậy, vì nhiệm vụ, công việc hầu hết giám thị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các kì thi.

Người viết mong rằng, ngành giáo dục cần nghiên cứu, giảm bớt một số thủ tục hành chính không cần thiết để giám thị giảm bớt áp lực, góp phần để thầy cô hoàn thành nhiệm vụ được giao trong các kì thi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên