Những câu hỏi “bao giờ…” gửi tới Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

14/12/2016 09:04
Xuân Dương
(GDVN) - Vấn đề là nếu cứ chờ thay đổi cơ chế thì giáo dục Việt Nam sẽ đi về đâu khi mà “các nước đã thoát nghèo, bỏ Việt Nam ở lại”?

Dư luận trên truyền thông phản ánh, phụ huynh học sinh hoan nghênh quyết định của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về việc tạm đình chỉ trò chơi trực tuyến “Chinh phục vũ môn” mà Hội đồng Đội trung ương (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), Bộ Giáo dục & Đào tạo và Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup tổ chức.

Việc đưa trò chơi này vào trường học, đặc biệt là cấp tiểu học lợi ít hại nhiều đó chính là lý do Vietnamnet.vn ngày 23/10/2015 cho đăng bài “Hiểm họa khi cho trẻ chơi smartphone, máy tính bảng” 

Báo Tuoitre.vn ngày 9/12/2016 có bài: “Bộ GDĐT: Tạm dừng trò chơi Chinh phục vũ môn sau phản ứng của phụ huynh”.

Sau khi nhận được phản hồi từ phía phụ huynh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạm dừng cuộc thi "Chinh phục vũ môn". (Ảnh: Tuoitre.vn)
Sau khi nhận được phản hồi từ phía phụ huynh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạm dừng cuộc thi "Chinh phục vũ môn". (Ảnh: Tuoitre.vn)

Bài báo dẫn lời một quan chức Bộ Giáo dục & Đào tạo: “Chủ trương của Bộ GD&ĐT là không tổ chức hoặc ủng hộ tổ chức các cuộc thi không thiết thực, làm ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh, gây băn khoăn cho phụ huynh và dư luận xã hội”.

Các nhà khoa học trên thế giới đã có rất nhiều cảnh báo về việc cho trẻ em tiếp xúc quá sớm với máy tính và điện thoại thông minh.

Các bệnh có nguy cơ cao mà đa số trẻ em mắc phải khi dành khoảng 2 giờ một ngày cho trò chơi trực tuyến là hạn chế khả năng giao tiếp, béo phì, suy giảm thị lực.

Kèm theo các bệnh về y học là suy giảm sự chuyên cần, không tập trung cho học tập, tiếp thu bài kém,…

Chính vì thế quyết định “tạm dừng trò chơi” của Bộ Giáo dục & Đào tạo được xem là đúng đắn và kịp thời, điều này cho thấy phản ứng nhanh nhạy của Bộ trưởng trước những vấn đề này sinh gây bức xúc dư luận. 

Những câu hỏi “bao giờ…” gửi tới Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ảnh 2

Ai đang “đánh trống, thổi còi” tại Bộ Giáo dục?

Người viết hoàn toàn ủng hộ quyết định của Bộ Giáo dục & Đào tạo, tuy nhiên vẫn còn đó những băn khoăn, rằng những quyết định liên quan đến giáo dục trẻ em của Bộ Giáo dục & Đào tạo vẫn còn quá ít, thậm chí còn phó mặc cho truyền thông và các cơ quan khác.

Hiện trên truyền hình, một số chuyên mục dành cho thiếu nhi vẫn tiếp tục có những khuyến cáo trẻ con như gọi điện vào số … để nghe truyện cổ tích hay sách xuất bản cho thiếu nhi có nội dung “dung tục, nhảm nhí” như nội dung bài viết “'Vườn cổ tích Sọ Dừa' có đối thoại gợi dục nhảm nhí” trên Vietnamnet.vn ngày 11/11/2015.

Tình trạng công ty tư nhân núp bóng nhà nước kinh doanh thu lợi không khó nhận diện.

Chỉ cần đọc tên “Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup” đã thấy sự nhập nhèm giữa “Công ty cổ phần” và “Tập đoàn” bởi “Tập đoàn” là một tổ chức có quy mô và tiềm lực kinh tế, khoa học rất lớn, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, ví dụ Tập đoàn SamSung, Tập đoàn BP Anh quốc, Tập đoàn Dệt may Việt Nam,…

Dù pháp luật không cấm nhưng những người kinh doanh có chút tự trọng, chẳng ai đặt tên cho doanh nghiệp của mình cái tên vừa là “Công ty cổ phần” lại vừa là “Tập đoàn”. Có chăng, chỉ thấy cách làm này ở mấy công ty kinh doanh đa cấp.

Việt Nam không thiếu các doanh nghiệp nổi tiếng như Vinamilk, TH True milk, May 10,… đâu có cần chữ “Tập đoàn”!

Vậy nên cần phải đặt ra câu hỏi “Tập đoàn Giáo dục Egroup” và một số quan chức có liên quan tại Bộ Giáo dục & Đào tạo và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh rằng:

Liệu trước khi đưa trò chơi “Chinh phục vũ môn” vào trường học có tính đến phản ứng của dư luận và những hệ lụy (nếu có) mà trò chơi này mang lại với lứa tuổi học đường, đặc biệt là các cháu học sinh từ lớp 3 đến lớp 5?

Dư luận mong muốn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ có thêm nhiều chỉ đạo kịp thời, đúng đắn về những vấn đề được đề cập, đặc biệt là những vấn đề truyền thông đã nêu đích danh tên cơ quan và cán bộ liên quan.

Ví dụ như vụ “Sách trắc nghiệm Toán 12 do cán bộ Cục khảo thí "viết chui" có sai sót nguy hiểm” mà báo Giáo dục Việt Nam đã đề cập hoặc vụ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên chế 05 Phó Tổng Giám đốc, trái với quy định của Chính phủ,… 

Bộ Giáo dục & Đào tạo nên có một bộ phận tổng hợp ý kiến của truyền thông và có phản hồi công khai quan điểm của Bộ về những vấn đề được nêu, tránh để tình trạng báo chí phải lên tiếng như: “Học hộ thi thuê: Sự im lặng đáng sợ của bộ GD&ĐT”. (Doisongphapluat.com 29/4/2015). 

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều ý kiến đề cập đến VNEN, đến việc bồi dưỡng tiếng Anh cho giáo viên, việc đưa sách giáo khoa “công nghệ giáo dục” vào trường học,…

Những câu hỏi “bao giờ…” gửi tới Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ảnh 3

Sách trắc nghiệm Toán 12 do cán bộ Cục khảo thí "viết chui" có sai sót nguy hiểm

Không chỉ đại biểu Quốc hội chờ đợi mà người dân cũng muốn biết Bộ trưởng xử lý thế nào chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Một mình Bộ trưởng chắc chắn không thể giải quyết hết mọi việc, vấn đề là năng lực đội ngũ chuyên viên Bộ đã đủ tầm “quân sư” để giúp Bộ trưởng đưa ra các quyết sách nhanh nhạy, phù hợp với đòi hỏi thực tế hay chưa?

Thể chế tại Việt Nam không cho phép Bộ trưởng bổ nhiệm hoặc miễn chức cấp phó trực tiếp của mình là Thứ trưởng, ngay cả với chức Vụ trưởng cũng có những vấn đề liên quan đến các cơ quan bên Đảng.

Nêu lên để thấy, một khi Bộ trưởng không thể chọn nhân sự cho ekip của mình thì sự trì trệ, kém hiệu quả là điều không cần bàn luận.

Các triết gia từng chỉ ra rằng, sự hưng thịnh của một quốc gia, một thể chế chính trị không phải là dựa vào tầng lớp vua chúa, cũng không phải dựa vào tầng lớp bình dân mà là tầng lớp trí thức trung lưu, những người đi đầu trong phản biện quyết sách, nghiên cứu khoa học và trực tiếp làm ra sản phẩm.

Liệu Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có thể đặt niềm tin tuyệt đối vào tầng lớp “trung lưu” trong cơ quan Bộ khi mà người ta “viết sách chui” [1] , “thanh tra lậu” [2], và đưa ra những “chính sách trên trời” như việc cộng điểm ưu tiên cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng (thi đại học),…?

Nếu cần nêu thêm ví dụ thì phải kể đến “dự án Bản đồ tư duy” (Ngân hàng thế giới tài trợ) hay dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”,… rộ lên một thời gian rồi không biết cất ở ngăn tủ nào trong cơ quan Bộ!

Những việc nêu trên tuy chưa phải là “bão” nhưng ảnh hưởng đến uy tín của Bộ không hề nhỏ. 

Ở tầm vĩ mô nhiều vấn đề Bộ Giáo dục & Đào tạo có nên đặt ra với Trung ương, Quốc hội và Chính phủ:

Thứ nhất, sau khi bàn giao toàn bộ hệ thống cao đẳng, trung cấp sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (trừ các trường sư phạm), vậy có cần sửa Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học cho phù hợp với thực tiễn?

Giáo dục đại học bao gồm các trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học vậy Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tuân theo Luật Giáo dục đại học hay Luật Giáo dục nghề nghiệp trong mảng đào tạo cao đẳng?

Ngược lại Bộ Giáo dục & Đào tạo có quyền thực hiện các điều khoản quy định trong Luật Giáo dục đại học khi mảng cao đẳng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý?

Xin nêu ví dụ:

Khoản 1 Điều 27 Luật Giáo dục đại học quy định: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể điều kiện và thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường cao đẳng”. 

Khoản 3 điều 38 (Văn bằng giáo dục đại học) trong luật quy định:
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mẫu văn bằng giáo dục đại học; việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ văn bằng giáo dục đại học; quy định trách nhiệm và thẩm quyền cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam khi liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài; …

Vậy Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có thể quyết định “cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia, tách, giải thể” các trường cao đẳng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý?

Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyền quy định “mẫu văn bằng giáo dục đại học; việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ văn bằng giáo dục” trình độ cao đẳng nghề?

Những bất cập nêu trên là một thực tế và không phải là duy nhất.

Những câu hỏi “bao giờ…” gửi tới Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ảnh 4

Một số bất cập và sai sót trong sách giáo khoa Trung học phổ thông hiện nay

Được biết ngày 26/5/2014, Chính phủ ban hành Quyết định số: 764/QĐ-TTg  thành lập Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo. Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo là một trong hai thành viên thường trực của Ủy ban này. 

Từ đó đến nay, gần ba năm đã trôi qua, với tư cách là Ủy viên thường trực, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có đóng góp gì cho hoạt động của Ủy ban và những chủ trương mang tính “quốc sách” của Ủy ban đã được công bố là gì?

Rất dễ tìm thấy thông tin về hoạt động của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tại địa chỉ: http://antoangiaothong.gov.vn/, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tại địa chỉ: http://tiengchuong.vn/,… nhưng không tìm thấy trang thông tin của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo? 

Phiên họp (có lẽ là đầu tiên) của Ủy ban diễn ra ngày 5/11/2015, cố gắng tìm kiếm thì có thêm thông tin “quyết định ông Huỳnh Văn Tí, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm Ủy viên Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo thay ông Doãn Mậu Diệp” mà Thông tấn xã Việt Nam công bố ngày 18/9/2015.

Những mong mỏi của người dân về đổi mới giáo dục mới chỉ thấy rõ trong một số hoạt động của Bộ Giáo dục & Đào tạo như thi tốt nghiệp và tuyển sinh, sách giáo khoa, khung chương trình tổng thể,… và đó đều là hoạt động riêng rẽ của ngành Giáo dục.

Sau Đại hội Đảng, nhân sự của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã được kiện toàn vậy nhân sự của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo như thế nào?

Với tư cách là ủy viên thường trực, liệu đã đến lúc Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo cần phải đề xuất cơ cấu nhân sự, phương hướng hoạt động và các quyết sách vĩ mô giúp Ủy ban chỉ đạo hoạt động của cả bộ máy Nhà nước chứ không phải chờ đợi Ủy ban họp để nghe chỉ thị?

Thứ hai, cũng ở tầm vĩ mô là vấn con người, đó là đội ngũ cán bộ quản lý các cấp và đội ngũ giáo viên.

Đến bao giờ thì ngành Sư phạm mới chấm dứt tình trạng tuyển giáo sinh theo kiểu “chuột chạy cùng sào” và đội ngũ quản lý lại chỉ gồm đa số những “cột cờ” trong “bó đũa… cùng sào” đó.

Bao giờ thì “quốc sách hàng đầu” mới thực sự được thực hiện để giáo viên có thể sống bằng lương - như ý kiến ông Nguyễn Thiện Nhân từng đề cập.

Bao giờ thì nhà giáo mới không lo bị mất việc như hàng trăm giáo viên ở Thanh Hóa?

Bao giờ thì truyền thông mới bớt “cay nghiệt” với người thày như câu chuyện “gắp xương cho thày” mà đài truyền hình quốc gia từng phát. 

Bao giờ thì cả xã hội không phải trăn trở với căn bệnh thành tích đã biến thành trọng bệnh chứ không còn là “ "Căn bệnh thành tích" trong giáo dục sẽ tích thành "trọng bệnh" ” như bài báo trên Giáo dục Việt Nam ngày 5/9/2013 của TS. Dương Xuân Thành?

Trong khoảng một năm trên cương vị Bộ trưởng, thật khó để đòi hỏi ông Phùng Xuân Nhạ phải làm được nhiều việc mang tính đột phá, bởi như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng phát biểu: “với cơ chế này chỉ có đột tử, không thể đột phá”. [3]

Vấn đề là nếu cứ chờ thay đổi cơ chế thì giáo dục Việt Nam sẽ đi về đâu khi mà “các nước đã thoát nghèo, bỏ Việt Nam ở lại”? [4]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Sach-trac-nghiem-Toan-12-do-can-bo-Cuc-khao-thi-viet-chui-co-sai-sot-nguy-hiem-post173110.gd

[2]http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/cong-nhan-bang-tien-si-dao-tao-chui-158767.html

[3]http://infonet.vn/shop-tin-215-bi-thu-thang-voi-co-che-nay-chi-co-dot-tu-khong-the-dot-pha-post199252.info

[4]http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/cac-nuoc-da-thoat-ngheo-bo-viet-nam-o-lai-324380.html

Xuân Dương