Quy định ký duyệt, kiểm tra hồ sơ, giáo án của giáo viên như thế nào?

07/11/2023 06:44
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tổ chuyên môn, giáo viên nếu được cởi trói áp lực hồ sơ sẽ có nhiều thời gian chuyên tâm nghiên cứu phương pháp để giảng dạy cho học sinh tiến bộ.

Hiện nay, những quy định về hồ sơ sổ sách giáo viên và việc quản lý, ký duyệt hồ sơ được các cấp quản lý, giáo viên quan tâm.

Nhiều nơi vẫn còn quy định giáo án, các loại hồ sơ của giáo viên phải được ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn ký hàng tuần, hàng tháng,...gây áp lực không nhỏ lên giáo viên, áp lực không nhỏ cho tổ trưởng chuyên môn, mất nhiều thời gian.

Vẫn còn hình thức trong thực hiện hồ sơ giáo viên. Ảnh minh họa
Vẫn còn hình thức trong thực hiện hồ sơ giáo viên. Ảnh minh họa

Quy định cụ thể việc này như thế nào, xin được trình bày trong bài viết dưới đây.

Giáo viên phổ thông, tổ chuyên môn phải thực hiện và lưu trữ những hồ sơ gì?

Tại khoản 2,3,4 Điều 21 Điều lệ Trường tiểu học (kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT) giáo viên tiểu học phải thực hiện các loại hồ sơ sau đây:

2. Đối với giáo viên

a) Kế hoạch bài dạy.

b) Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ và theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh.

c) Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên chủ nhiệm).

d) Sổ công tác Đội (đối với Tổng phụ trách Đội).

Đối với giáo viên tiểu học nếu không làm công tác chủ nhiệm có thể sắp xếp chỉ gồm 4 loại: Kế hoạch bài dạy; Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn; Sổ dự giờ; Sổ theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh (sổ điểm).

Nếu kiêm nhiệm giáo viên chủ nhiệm thì có thêm Sổ chủ nhiệm.

Nếu kiêm nhiệm Tổng phụ trách Đội thì có thêm sổ công tác Đội.

3. Đối với tổ chuyên môn, tổ văn phòng: Sổ ghi chép nội dung các hoạt động của tổ.

4. Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học được sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy đảm bảo yêu cầu của công tác lưu trữ và có giá trị như hồ sơ giấy.”

Đối với tổ chuyên môn, tổ văn phòng ở bậc tiểu học chỉ duy nhất một loại Sổ ghi chép nội dung các hoạt động của tổ (có thể là biên bản họp tổ, kế hoạch phân công, sinh hoạt chuyên môn,..)

Tại Khoản 2, 3,4 Điều 21 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường phổ thông quy định hồ sơ của giáo viên, tổ chuyên môn trường trung học cơ sở, trung học phổ thông gồm:

2. Đối với tổ chuyên môn:

a) Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học).

b) Sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn.

Đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, tổ chuyên môn chỉ gồm 2 loại số: Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học) và Sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn (biên bản họp tổ, sinh hoạt chuyên môn,...).

3. Đối với giáo viên:

a) Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học).

b) Kế hoạch bài dạy (giáo án).

c) Sổ theo dõi và đánh giá học sinh.

d) Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, giáo viên chỉ thực hiện 3-4 loại gồm: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học) (thường dùng theo Phụ lục 3 Công văn 5512); Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (sổ điểm cá nhân); Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

4. Hồ sơ quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này dạng hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử. Việc quản lý hồ sơ điện tử do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định theo chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.”

Quy định về việc ký duyệt, kiểm tra hồ sơ, giáo án giáo viên như thế nào?

Như đã trình bày ở phần trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định hồ sơ giáo viên thực hiện tương đối nhẹ nhàng chỉ từ 3-4 loại, giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông chủ yếu phải có kế hoạch bài dạy (giáo án); sổ theo dõi, đánh giá học sinh (sổ điểm, nhận xét học sinh); sổ chủ nhiệm nếu giáo viên làm công tác chủ nhiệm,...

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng hướng các trường mạnh dạn thay đổi quản lý hồ sơ điện tử (lưu trữ trên phần mềm, máy tính) thay cho hồ sơ giấy,...

Nếu thực hiện ngoài những hồ sơ sổ sách trên là chưa đúng với quy định bởi ngày 18/01/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong các nhà trường. Theo đó, Chỉ thị 138 đã hướng dẫn như sau:

1. Giám đốc sở giáo dục và đào tạo, Trưởng phòng giáo dục và đào tạo và Hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại hồ sơ, sổ sách theo quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

2. Giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định.

Từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên...

Đối với quy định về ký duyệt hồ sơ, kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên của tổ trưởng chuyên môn, ban giáo hiệu, qua quá trình tra soát và tìm kiếm, hiện người viết không tìm thấy quy định pháp luật về việc Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng ký duyệt giáo án giáo án, hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục đối với giáo viên.

Việc kiểm tra, ký duyệt các loại sổ cũng không còn quy định cứng nhắc như trước đây phải được kiểm tra, ký duyệt hàng tuần, hàng tháng từ tổ trưởng chuyên môn, ban giám. Một số cơ sở giáo dục còn quy định cứng nhắc việc ký duyệt hàng tuần, hàng tháng, chưa mạnh dạn áp dụng hồ sơ điện tử thay cho hồ sơ giấy,...là còn chưa thật sự đổi mới, vẫn còn tư duy cũ, có phần lạc hậu.

Một số nơi còn quy định giáo viên, tổ chuyên môn phải có thêm sổ này, sổ khác càng nhiều càng tốt cũng là tư tưởng có phần lạc hậu, bảo thủ,...cần phải được quán triệt thay đổi.

Tổ chuyên môn, giáo viên nếu được cởi trói áp lực hồ sơ thì sẽ có nhiều thời gian chuyên tâm vào giảng dạy, nghiên cứu phương pháp để giảng dạy cho học sinh tiến bộ.

Nếu chỉ tập trung làm đẹp hồ sơ, làm nhiều loại hồ sơ đương nhiên tốn nhiều thời gian, công sức và việc giảng dạy, giáo dục có thể bị ảnh hưởng.

Người viết cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định những loại hồ sơ của giáo viên trong Điều lệ trường học là phù hợp, và việc thực hiện các loại hồ sơ, kế hoạch bài dạy, kế hoạch giáo dục phải theo các hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Công văn 3899/BGDĐT-GDTrH triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, tránh hình thức, khuôn mẫu, áp đặt.

Cụ thể, Công văn 3899/BGDĐT-GDTrH có hướng dẫn về xây dựng các kế hoạch của giáo viên: "Bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá, thiết bị dạy học và học liệu, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong quá trình dạy học; việc xây dựng kế hoạch bài dạy bảo đảm đủ thời gian để học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập đã đặt ra, tránh việc áp dụng hình thức, khuôn mẫu trong việc xây dựng kế hoạch bài dạy..."

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi