Sau COVID, có trường ĐH chưa tiếp nhận được sinh viên quốc tế nào diện trao đổi

20/01/2024 06:37
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chương trình trao đổi cho phép sinh viên tiếp cận với môi trường học tập quốc tế, cải thiện ngôn ngữ, mở rộng cơ hội việc làm,...

Chương trình trao đổi cho phép sinh viên tiếp cận với môi trường học tập quốc tế, cải thiện kỹ năng ngôn ngữ,…

Tuy nhiên, muốn tham gia chương trình trao đổi, sinh viên cũng phải tìm hiểu thông tin, có những định hướng rõ ràng về lộ trình học tập để tránh bị bỡ ngỡ khi đến môi trường học tập mới.

Sinh viên cần có lộ trình học ngoại ngữ, tìm hiểu trường đối tác

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Đăng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế (Trường Đại học Thủy Lợi) cho hay, hiện nhà trường đang tham gia chương trình trao đổi sinh viên với các trường đại học ở châu Á.

Sinh viên trao đổi sẽ học tập tại các trường đối tác từ 4 - 5 tháng. Các ngành học theo chương trình này bao gồm: nông nghiệp, kỹ thuật, ngôn ngữ và văn hóa, kinh doanh quốc tế,…

Theo thầy Đăng, từ nhiều năm trước, hoạt động trao đổi của trường được diễn ra liên tục, trung tâm thường xuyên cử và tiếp nhận sinh viên tham gia chương trình này.

Đối với sinh viên quốc tế sang học tập tại Trường Đại học Thủy Lợi sẽ được miễn 100% học phí, còn sinh hoạt phí và tiền vé máy bay, sinh viên quốc tế sẽ phải tự chi trả.

Hiện, trường có một số sinh viên đang học tập ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia,… theo chương trình trao đổi sinh viên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Đăng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế (Trường Đại học Thủy Lợi). Ảnh: Thảo Ly.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Đăng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế (Trường Đại học Thủy Lợi). Ảnh: Thảo Ly.

“Trước khi dịch Covid -19 bùng phát, nhiều sinh viên tham gia chương trình trao đổi này, cụ thể, trung tâm cử khoảng 20 sinh viên Việt Nam đi trao đổi và tiếp nhận khoảng 5 - 10 sinh viên quốc tế.

Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, trung tâm chưa tiếp nhận được sinh viên quốc tế nào theo diện này", thầy Đăng thông tin.

Chia sẻ về lý do số lượng sinh viên quốc tế sang học tập giảm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Đăng cho biết, do những năm gần đây, tình hình kinh tế khó khăn, ảnh hưởng đến việc quyết định tham gia hoạt động này của sinh viên.

Đồng thời, do truyền thông về chương trình còn gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, chương trình trao đổi sinh viên hiện phổ biến ở nhiều trường đại học trên thế giới; sinh viên quốc tế mong muốn học tập tại các nước phát triển. Vì vậy, số lượng sinh viên đến trường theo diện trao đổi không nhiều.

Hiện, trung tâm thúc đẩy hoạt động tuyển sinh, xây dựng đề án tiếp cận sinh viên quốc tế, có các chính sách về miễn học phí, học bổng cho sinh viên tham gia chương trình trao đổi này.

Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế (Trường Đại học Thủy Lợi) cho hay, sinh viên được hưởng lợi rất nhiều khi tham gia chương trình trao đổi.

Thứ nhất, sinh viên có cơ hội tiếp cận kiến thức chuyên môn, học tập cùng sinh viên nước ngoài trong môi trường giáo dục quốc tế.

Thứ hai, sinh viên được rèn luyện, trau dồi kỹ năng ngoại ngữ với người bản xứ. Nhìn nhận được lợi ích này, Trường Đại học Thủy Lợi luôn chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên, định hướng đào tạo sinh viên toàn cầu, sinh viên sau khi ra trường sẽ thích ứng ở nhiều môi trường, đặc biệt là môi trường quốc tế với đa dạng công việc.

Thứ ba, sinh viên được rèn luyện kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, viết báo cáo và đặc biệt là rèn tính chủ động. Bên cạnh đó, sinh viên được học hỏi cách làm việc, học tập của chuyên gia và sinh viên quốc tế.

Ngoài ra, tham gia chương trình trao đổi giúp sinh viên có thể trải nghiệm hoạt động khác như du lịch, khám phá văn hóa đa quốc gia bên cạnh hoạt động học tập.

Đồng thời, thầy Đăng cũng nêu ra một số lưu ý đối với sinh viên mong muốn tham gia chương trình trao đổi, cụ thể là, sinh viên cần có định hướng lộ trình bồi dưỡng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh để có thể giao tiếp dễ dàng với giảng viên, sinh viên quốc tế; tìm hiểu trước các môn học của trường đối tác để hình dung rõ về chương trình đào tạo; có kế hoạch học tập cụ thể để bắt nhịp với chương trình giảng dạy của trường đối tác.

Hiện, nhà trường định hướng hội nhập quốc tế thông qua hoạt động cử và tiếp nhận sinh viên đến học tập.

Do vậy, trong thời gian tới, trung tâm tiếp tục duy trì chương trình trao đổi sinh viên, mở rộng hoạt động trao đổi với đối tượng là giảng viên. Song song với việc tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức hội nghị quốc tế, tạo cơ hội cho sinh viên tiếp xúc với môi trường làm việc quốc tế chuyên nghiệp.

Cùng là đơn vị tổ chức chương trình trao đổi sinh viên, một số sinh viên của Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) có cơ hội, thực tập tại các nước Israel, Đan Mạch, Trung Quốc,...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Tình - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sinh viên của trường được cử đi thực tập tại các nước có nền công nghiệp hiện đại, tiên tiến phù hợp với từng yêu cầu của ngành học, đồng thời, trường tiếp nhận sinh viên Trung Quốc sang học tập theo chương trình trao đổi.

Trong những năm gần đây, số lượng sinh viên của trường và sinh viên quốc tế tham gia chương trình trao đổi đều tăng lên.

Theo cô Tình, để tham gia chương trình trao đổi này, sinh viên cần đáp ứng tiêu chí về điểm tích lũy các kỳ học, điểm rèn luyện, đặc biệt, chương trình trao đổi tại Israel và Đan Mạch,... đều đòi hỏi kỹ năng ngoại ngữ của sinh viên.

Vì vậy, bên cạnh việc học ngoại ngữ theo khung chương trình đào tạo, sinh viên cần tích cực trau dồi ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu của các trường đối tác.

Kết thúc chương trình, trường nhận được phản hồi tốt của sinh viên và phụ huynh, bởi, các bạn được cọ xát với môi trường thực tế, phát triển kiến thức chuyên môn, tự tin khi làm việc. Thậm chí, một số đơn vị hỗ trợ trả lương cho sinh viên khi các em thực tập tốt.

Thông qua chương trình trao đổi sinh viên, Trường Đại học Hùng Vương đã giới thiệu được những thành tựu khoa học cũng như văn hóa dân tộc Việt Nam ra quốc tế, đồng thời, tiếp thu có chọn lọc những tri thức mới, thành tựu khoa học và những tinh hoa văn hóa của các nước trên thế giới.

Cần định hướng rõ khi kết thúc chương trình trao đổi

Trần Thị Kim Ly (sinh năm 2001, cựu sinh viên Khoa Tiếng Italia, Trường Đại học Hà Nội), từng tham gia chương trình trao đổi của trường chia sẻ: “Tôi biết đến chương trình này khi còn là sinh viên năm 4, trước đó, các sinh viên trong trường đã tham gia hoạt động này rất nhiều.

Bản thân học tiếng Italia với mong muốn học tập, trải nghiệm văn hóa và tiếp xúc trực tiếp với người Italia nên tôi đã quyết định tham gia chương trình này”.

Trần Thị Kim Ly, cựu sinh viên tham gia chương trình trao đổi Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Trần Thị Kim Ly, cựu sinh viên tham gia chương trình trao đổi Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Kim Ly chia sẻ rằng, hoàn thành chương trình trao đổi, sinh viên được trường công nhận kết quả học tập sau khi học tập tại trường đối tác.

Quá trình thực tập tại đất nước Italia giúp cựu sinh viên cải thiện kỹ năng ngoại ngữ; học tập kiến thức chuyên môn, đặc biệt khi nhận được chứng chỉ của trường đối tác giúp Kim Ly mở rộng cơ hội việc làm khi trở về Việt Nam.

Với tâm thế làm việc và học hỏi, khoảng thời gian thực tập tại Italia tuy có nhiều vất vả nhưng sau khi làm quen với công việc, Kim Ly đã được học thêm nhiều kiến thức, hiểu được cách vận hành và duy trì hoạt động của một nhà hàng.

Thời gian đầu, Ly cảm thấy còn nhiều bỡ ngỡ trong giao tiếp nhưng sau khi nhận được sự giúp đỡ của mọi người, cựu sinh viên Trường Đại học Hà Nội đã bắt nhịp được với công việc, hiểu thêm về con người và văn hóa nước bạn bên cạnh kiến thức được học ở trường.

Trước khi đặt chân đến đất nước Italia tham gia chương trình trao đổi, trường đã tổ chức buổi hướng dẫn để cải thiện kỹ năng ngoại ngữ của sinh viên, truyền tải thông tin về văn hóa, giao tiếp, cách làm việc,...

Chia sẻ về hoạt động trao đổi sinh viên, Kim Ly nói: “Chương trình trao đổi của trường nhận được nhiều sự quan tâm và tham gia của sinh viên, đồng thời, đây cũng là hoạt động thường niên của Trường Đại học Hà Nội.

Tuy nhiên, số lượng sinh viên tham gia chương trình này tương đối nhiều, do vậy, việc quan tâm cũng như giải đáp thắc mắc của sinh viên còn một số hạn chế”.

Cũng tham gia chương trình trao đổi sinh viên, Nguyễn Như Quỳnh - sinh viên năm 3 chuyên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) đã có 1 học kỳ học tập tại Trường Humber College (Thành phố Toronto, Canada) theo Chương trình trao đổi ngắn hạn thuộc Chương trình Học bổng Quốc tế của Bộ Ngoại giao Canada.

Như Quỳnh chia sẻ rằng, bản thân sinh ra ở nông thôn nên không có điều kiện du học, khi học tập tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Quỳnh đã tìm hiểu và được biết về chương trình trao đổi sinh viên thông qua học bổng.

Nguyễn Như Quỳnh - sinh viên năm 3 chuyên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) tham gia chương trình trao đổi sinh viên. Ảnh: NVCC.

Nguyễn Như Quỳnh - sinh viên năm 3 chuyên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) tham gia chương trình trao đổi sinh viên. Ảnh: NVCC.

“Lúc mới sang, tôi mất khoảng 1 tuần đầu tiên làm quen với phương pháp học tập, việc giao tiếp tiếng Anh ở Canada có nhiều khác biệt. Bên cạnh kiến thức lý thuyết được học ở trường, tôi còn được trực tiếp thực hành thực tế ở các công ty.

Sau mỗi tiết học, giảng viên hỗ trợ sinh viên rất nhiều, đặc biệt khi Trường Humber College có 1 văn phòng riêng để sinh viên có thể trực tiếp trao đổi những thắc mắc, băn khoăn về kiến thức với thầy, cô.

Ngoài ra, sinh viên trao đổi sẽ được tham gia các hoạt động ngoại khóa như tham quan ở những địa danh nổi tiếng của đất nước Canada.", Như Quỳnh bày tỏ.

Sinh viên trao đổi được tiếp cận với kiến thức thực hành, lý thuyết không chỉ ở trong nước mà còn ở quốc tế như tình hình kinh tế, văn hóa của Mỹ, Canada,... Học tập và trải nghiệm tại Trường Humber College giúp Như Quỳnh tiếp xúc nhiều bạn bè đến từ đất nước khác nhau, mở rộng hiểu biết về văn hóa đa quốc gia, đa dân tộc,…

Là một sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ chương trình trao đổi, tiếp nhận sinh viên quốc tế của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Như Quỳnh chia sẻ rằng, hoạt động này đã giúp sinh viên tình nguyện của trường có cơ hội được làm quen với các bạn quốc tế.

Chính vì vậy, khi trực tiếp tham gia chương trình này, Nguyễn Như Quỳnh không gặp nhiều khó khăn bởi có sự giúp đỡ của sinh viên quốc tế trong học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày, giúp sinh viên người Việt hòa nhập nhanh hơn trong môi trường quốc tế.

Tuy nhiên, sau khi trở về từ Canada, Như Quỳnh và các bạn tham gia chương trình trao đổi bị trễ 1 học kỳ do chưa rõ về thủ tục nhập học.

Như Quỳnh bày tỏ nguyện vọng mong muốn nâng cao chất lượng chương trình trao đổi qua việc tổ chức những buổi trao đổi, chia sẻ về văn hóa giữa các nước.

Bên cạnh đó, cần cập nhật thông tin về những nội dung quan trọng liên quan, để sau khi quay trở lại Việt Nam học tập sau khi kết thúc chương trình trao đổi, sinh viên nhanh chóng được nhập cuộc trở lại với việc học và đảm bảo tiến độ học tập của mình.

Thảo Ly