LTS: Với mong muốn, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An cần chuyển ngay việc xét sáng kiến kinh nghiệm của ngành giáo dục và đào tạo về cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, Thạc sỹ Nguyễn Đình Anh đã gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Cách đây hàng chục năm, từ khi Chính phủ phát động phong trào “Cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất” đến nay phong trào đúc kết sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy, trong công tác quản lý của ngành giáo dục cả nước nói chung và giáo dục đào tạo Nghệ An nói riêng đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp.
Hoạt động đúc kết sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ quản lý, của giáo viên và nhân viên trong ngành giáo dục là một hoạt động, một công việc thuộc chuyên môn hẹp của nhà giáo.
Bởi vậy, kể từ khi xuất hiện việc đúc kết sáng kiến kinh nghiệm đến nay việc tổ chức xét công nhận sáng kiến kinh nghiệm các cấp từ cấp trường, cấp huyện đến cấp tỉnh đều do các cấp quản lý giáo dục đảm nhận.
Sáng kiến kinh nghiệm (Ảnh minh họa: laodong.com.vn). |
Những người tham gia Hội đồng xét, đánh giá xếp loại sáng kiến kinh nghiệm các cấp là cán bộ quản lý, giáo viên có chuyên môn liên quan đến chuyên môn mà nội dung sáng kiến kinh nghiệm đề cập tới.
Cụ thể, chỉ tính ở bậc tiểu học khi xét sáng kiến kinh nghiệm các cấp quản lý giáo dục (trường học, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục) phải lập Hội đồng xét sáng kiến kinh nghiệm trong đó phải có các tiểu ban:
Quản lý, tiểu ban bộ môn Văn – Tiếng Việt, tiểu ban Toán, tiểu ban Tìm hiểu khoa học tự nhiên – khoa học xã hội, tiểu ban Giáo dục đạo đức, tiểu ban Âm nhạc, tiểu ban Mỹ thuật …
Một tiểu ban ít nhất cũng có từ hai giáo viên, hai cán bộ quản lý có cùng chuyên môn với lĩnh vực chuyên môn được đề cập trong sáng kiến kinh nghiệm.
Nói rõ ra là việc xét, đánh giá, xếp bậc công nhận sáng kiến kinh nghiệm hàng năm của cán bộ giáo viên trong ngành giáo dục và đào tạo trong hàng chục năm qua là công việc do ngành giáo dục và đào tạo đảm nhận.
Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan giúp việc cho Ủy ban nhân dân tỉnh nên Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan tổ chức xếp bậc và đánh giá công nhận sáng kiến cấp tỉnh cho cán bộ giáo viên trong ngành.
Hơn nữa, số lượng sáng kiến của cán bộ giáo viên hàng năm gửi lên Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị xét công nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh có số lượng rất lớn và có đều khắp ở tất cả các bộ môn và lĩnh vực công việc của tất cả các cấp học, bậc học của ngành.
Cho nên, chỉ có ngành Giáo dục và Đào tạo mới có đủ nhân lực có trình độ chuyên môn sát với nội dung chuyên môn các sáng kiến kinh nghiệm đã đề cập tới để tham gia đọc, đánh giá xếp loại công nhận sáng kiến kinh nghiệm các cấp (cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh).
Theo sự hiểu biết của chúng tôi Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định số 13 ngày 3/12/2012 về ban hành điều lệ sáng kiến kinh nghiệm.
Mục đích để giải quyết một thực tế hiện nay là có một số công dân hiện không thuộc một cơ quan đơn vị nhà nước nào cả nhưng lại có được một số phát minh sáng kiến nên Chính phủ giao cho các Sở Khoa học Công Nghệ của các địa phương chịu trách nhiệm tiếp nhận và tổ chức nghiệm thu các sáng chế và các sáng kiến kinh nghiệm của bộ phận công dân này.
Tôi ủng hộ Nghệ An, Ninh Thuận siết đánh giá sáng kiến kinh nghiệm giáo viên |
Nhưng, do một số thuật ngữ thiếu tường minh của Nghị định 13 (vốn cũng là những thuật ngữ do Bộ Khoa học Công nghệ đưa ra.
Các thuật ngữ đó lại được sử dụng trong Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định của Bộ này (Thông tư số 18 ngày 1/8/2013) mà Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An đã làm văn bản để Ủy ban Nhân dân tỉnh giao quyền tổ chức xét đánh giá công nhận sáng kiến cấp tỉnh của tất cả các ngành.
Trong đó, có sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ quản lý và giáo viên ngành Giáo dục và Đào tạo cho Sở Khoa học Công Nghệ.
Việc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An chiếm quyền xét, đánh giá, công nhận sáng kiến kinh nghiệm của ngành Giáo dục và Đào tạo tính ra đã tròn 5 năm.
Trước việc làm phi khoa học này của Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An, trong phiên họp báo cuối năm 2017 đại diện một số Cơ quan báo chí đã phản ánh vấn đề bất hợp lý này lên lãnh đạo tỉnh Nghệ An.
Tại sao các báo chí lên tiếng về vấn đề này, bài viết của chúng tôi sẽ góp phần làm rõ sự bất hợp lý của tỉnh Nghệ An trong việc tổ chức xét công nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh.
Theo Nghị định 13 của Chính phủ thì cơ quan nào đặt hàng sáng kiến kinh nghiệm thì cơ quan đó đứng ra tổ chức nghiệm thu.
Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An từ trước đến nay và mãi về sau sẽ không phải là cơ quan đặt hàng (bằng tiền hoặc bằng việc giao nhiệm vụ trong từng năm học) cho cán bộ quản lý và giáo viên trong ngành Giáo dục và Đào tạo viết sáng kiến kinh nghiệm.
Mà Sở đứng ra tổ chức nghiệm thu xếp bậc sáng kiến kinh nghiệm của Ngành Giáo dục và Đào tạo là việc làm trái với Nghị định 13/2012/NĐ của Chính phủ về sáng kiến kinh nghiệm.
Sáng kiến kinh nghiệm là hoạt động mang tính chuyên môn hẹp khác với đề tài nghiên cứu khoa học do đó chỉ có những người cùng chuyên môn hẹp mới có thể nhận thấy cái mới có sự đóng góp của các tác giả viết sáng kiến kinh nghiệm, họ mới có thể nghiệm thu, đánh giá xếp bậc được sáng kiến kinh nghiệm.
Chỉ có ngành Giáo dục và Đào tạo mới có đủ điều kiện về nhân lực bảo đảm sát hợp trình độ chuyên môn với nội dung được đề cập trong các sáng kiến kinh nghiệm để thành lập Hội đồng xét sáng kiến kinh nghiệm các cấp.
Chỉ tính Hội đồng xét sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập trong từng năm học cũng đã cần tới số lượng gần trăm người lãnh đạo và ủy viên của Hội đồng
Ngoài lãnh đạo Hội đồng ít nhất mỗi môn học ở mỗi cấp học cũng phải có từ 2 người trở lên.
Thời gian làm việc phải bố trí ngoài giờ. Cách thức làm việc: Hội đồng có 3 phiên làm việc chung. Sau đó các tiểu ban tiến hành một số phiên làm việc, thời gian còn lại các thành viên hội đồng làm việc độc lập để đọc và đánh giá, đưa ra nhận xét và dự kiến kết quả xếp bậc sáng kiến kinh nghiệm….
Thời hạn làm việc của Hội đồng xét công nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh ít nhất trong hơn 1 tháng thì Hội đồng xét sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh mới hoàn thành công việc.
Hội đồng xét ,đánh giá công nhận sáng kiến kinh nghiệm do các phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học thời gian có thể ít hơn.
Ở Nghệ An, hàng năm, Hội đồng xét công nhận sáng kiến các cấp (cấp huyện, cấp tỉnh ) nhận được từ 1.000 đến 1.200 sáng kiến kinh nghiệm gửi lên đề nghị xét công nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện và cấp tỉnh.
Bởi vậy chỉ có Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo mới có thể tổ chức xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh một cách khoa học chính xác.
Còn Sở Khoa học Công Nghệ Nghệ An không đủ nhân lực có trình độ chuyên môn phù hợp để tiến hành công việc này. Thế nhưng trong mấy năm qua họ vẫn ôm công việc này để làm.
Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An không những chỉ xét, đánh giá, công nhận sáng kiến kiến cấp tỉnh của ngành Giáo dục và Đào tạo mà còn đánh giá xếp loại sáng kiến kinh nghiệm cho tất cả các ngành trong tỉnh.
Điều đáng nói hơn trong văn bản mà Sở Khoa học Công Nghệ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An hướng dẫn công tác xét kinh nghiệm cấp tỉnh còn quy định riêng:
Ngành Giáo dục và Đào tạo phải tiếp nhận sáng kiến kinh nghiệm của các phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong tỉnh, tổ chức đánh giá xếp loại.
Xếp loại xong lại phải chuyển toàn bộ số sáng kiến kinh nghiệm đó sang Sở Khoa học Công Nghệ để Sở Khoa học Công nghệ lập Hội đồng làm lại từ đầu của cái gọi là xét công nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh.
Phải chăng Sở Khoa học Công nghệ lại là siêu Sở chăng?
Trong lúc đó Nhà nước quy định các Sở ngành cấp tỉnh đều có vị trí ngang nhau đều là cơ quan giúp việc cho Ủy ban nhân dân tỉnh.
Cách làm của Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An như chúng tôi đã nói trên đây không thể không gây lãng phí về tiền bạc của nhân dân và không thể không cho phép người ngoài nghĩ tới việc phải chăng có dấu hiệu về lợi ích nhóm trong việc tổ chức xét công nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh ở tỉnh Nghệ An.
Điều đáng bàn tới trong hoạt động đúc kết sáng kiến kinh nghiệm là sau khi các sáng kiến kinh nghiệm đã được nghiệm thu và công nhận sáng kiến cấp tỉnh thì việc triển khai áp dụng dụng sáng kiến kinh nghiệm trong toàn ngành giáo dục và Đào tạo mới là công việc quan trọng có ý nghĩa.
Thế mà trong mấy năm qua Sở Khoa học Công nghệ nghệ An chưa làm được việc này.
Mặc dù, việc tổ chức triển khai áp dụng sáng kiến kinh nghiệm thuộc lĩnh vực giáo dục xuống các cơ sở Giáo dục và Đào tạo chưa làm được nhưng hàng năm Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An vẫn đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh cấp một khoản kinh phí đáng kể cho việc tổ chức đi kiểm tra việc triển khai áp dụng sáng kiến kinh nghiệm xuống các cơ sở Giáo dục và Đào tạo.
Không biết Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An sẽ cử ai đi kiểm tra và đi kiểm tra vào thời gian nào?
Bởi, chúng tôi biết nhân lực của Sở Khoa học Công nghệ không đủ trình độ chuyên môn và không đủ số lượng người để làm việc này trên một tỉnh có số lượng lớn cơ sở giáo dục và đào tạo như Nghệ An.
Ngược lại với hiệu quả công việc mà Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An đã tiến hành trong 5 năm qua, hàng chục năm qua ngành giáo dục và đào tạo rất thuận lợi và chủ động trong việc tổ chức triển khai cho cả 3 khâu trong việc tổ chức hoạt động đúc kết sáng kiến kiến kinh nghiệm:
Thông qua việc hướng dẫn nhiệm vụ năm học hàng năm để đặt hàng cho cán bộ quản lý và giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm theo yêu cầu của ngành (tiết kiệm cho ngân sách nhà nước là không phải dùng ngân sách để đặt hàng), có đủ nhân lực có năng lực và phù hợp về mặt chuyên môn để nghiệm thu đánh giá xếp loại sáng kiến kinh nghiệm.
Hướng dẫn chu đáo việc triển khai áp dụng sáng kiến kinh nghiệm xuống tận các cơ sở giáo dục đào tạo và kết hợp việc đi công tác cơ sở kiểm tra các hoạt động chuyên môn của ngành để kiểm tra kết quả hoạt động tổ chức triển khai áp dụng các sáng kiến kinh nghiệm vào thực tế dạy học.
Và, quản lý của các nhà trường không cần phải có chi tiêu tài chính cho hoạt động kiểm tra giám sát kết quả triển khai sáng kiến kinh nghiệm.
Bảo đảm một cơ quan quản lý kết hợp và có đủ năng lực đảm nhận cùng lúc nhiều công việc. Tránh lãng phí và chồng chéo trong công việc.
Chúng tôi không tài nào hiểu nổi tại sao Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An lại chiếm quyền của Sở Giáo dục và Đào tạo trong lĩnh vực tổ chức cho cán bộ quản lý và giáo viên đúc kết sáng kiến, nghiệm thu đánh giá xếp loại sáng kiến kinh nghiệm.
Xét đến tận cùng bản chất, sáng kiến kinh nghiệm có xấu không? |
Triển khai áp dụng sáng kiến kinh nghiệm một công việc mang tính “bếp núc” của ngành giáo dục và đào tạo nhằm mục đích nâng chất lượng công tác dạy học và công tác quản lý trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Để đưa ra ý kiến đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An trả lại công việc xét công nhận sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ quản lý và giáo viên trả về cho Sở Giáo dục và Đào tạo chúng tôi đã tìm hiểu việc triển khai Nghị định 13 của Chính phủ về sáng kiến của các tỉnh và thành phố lớn trong cả nước thì được biết:
Các Sở Giáo dục và Đào tạo lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu… đang được giao đảm nhận nhiệm vụ tổ chức xét, công nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh chứ các Sở Khoa học Công nghệ các địa phương nói trên không chiếm quyền của Sở Giáo dục và Đào tạo như Sở Khoa học nghệ Nghệ An.
Thiết nghĩ đã đến lúc Bộ Khoa học Công nghệ cần phải xem xét lại các văn bản tham mưu của mình cho Chính phủ và Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An cần tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi lại quyết định về cách thức tổ chức xét công nhận sáng kiến kinh nghiệm chuyển việc xét công nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh của ngành giáo dục và đào tạo về cho Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An.