Sớm phê chuẩn quy chế về tổ chức và hoạt động riêng cho từng đại học đa lĩnh vực

12/08/2022 07:00
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- TS Lê Viết Khuyến cho rằng, các đại học quốc gia, đại học vùng đa lĩnh vực phải là những cơ sở giáo dục đại học được trao quyền tự chủ sớm nhất, đầy đủ nhất.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34) có hiệu lực từ tháng 7/2019. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 99/2019 hướng dẫn thi hành Luật 34. Tuy nhiên, cho đến nay, các đại học vẫn đang mong chờ một nghị định mới về đại học quốc gia, đại học vùng cùng với việc nâng cao quyền tự chủ của hai mô hình đại học này.

Trao đổi vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, các đại học quốc gia, đại học vùng của Việt Nam hiện nay đang hoạt động giống như mô hình một liên hiệp các trường đại học chuyên ngành chứ không phải là một đại học đa lĩnh vực thực sự.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, Nhà nước cần sớm phê chuẩn quy chế về tổ chức và hoạt động riêng cho từng đại học đa lĩnh vực. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, Nhà nước cần sớm phê chuẩn quy chế về tổ chức và hoạt động riêng cho từng đại học đa lĩnh vực. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Nếu là một đại học đa lĩnh vực đích thực thì mới có quyền tự chủ cao nhưng hiện nay, các trường thành viên đang hoạt động với tư cách gần như là những trường đại học độc lập nên quyền tự chủ của đại học bị phân tán và không tập trung.

Quyền tự chủ của các trường thành viên hiện rất cao, đến mức làm lu mờ cả quyền tự chủ của đại học quốc gia, đại học vùng.

Về mặt pháp lý, Luật Giáo dục đại học hiện hành chưa đặt đúng chỗ “đại diện quyền sở hữu” của đại học quốc gia, đại học vùng.

Điều 16 của Luật Giáo dục đại học nêu rõ: “Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của nhà trường”. Thế nhưng, quyền này lại không được quy định trong chức năng quyền hạn của Hội đồng đại học tại Điều 18 của Luật này.

“Như vậy, có thể thấy, quyền tài sản (bao gồm quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt và hưởng lợi) của đại học quốc gia hay đại học vùng thuộc Hội đồng trường thành viên chứ không thuộc Hội đồng đại học.

Việc này chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới các đại học quốc gia, đại học vùng rất khó khăn để “trở thành một thực thể hữu cơ phát huy cao nhất hiệu quả của việc xây dựng và sử dụng nguồn lực tài chính, đội ngũ giảng viên, phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất” như chỉ đạo của Thường vụ Bộ Chính trị tại văn bản số 315-TB/TW ngày 29/8/2000”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho hay.

Một vấn đề bất cập nữa là hiện nay, Nhà nước đang chủ trương khuyến khích tự chủ đại học, theo thông lệ chung của thế giới thì các đại học đa lĩnh vực phải là những cơ sở giáo dục đại học được trao quyền tự chủ sớm nhất, đầy đủ nhất.

Tuy nhiên ở Việt Nam cho tới nay, cả 2 đại học quốc gia và 3 đại học vùng đều không có tên trong danh sách 23 cơ sở giáo dục đại học công lập thí điểm tự chủ của Việt Nam theo Nghị quyết 77/NQ-CP năm 2014. Chính vì vậy, Nhà nước cần sớm khẳng định quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học này.

Hội đồng đại học chưa có thực quyền

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, quyền tự chủ của trường đại học không thể trao cho một cá nhân (Giám đốc đại học) mà phải trao cho một Hội đồng đại học, có các thành viên là những đại diện ưu tú nhất của cộng đồng xã hội (chứ không phải chỉ từ tập thể đại học theo kiểu “quyền làm chủ tập thể”).

Hội đồng đại học phải là một hội đồng quyền lực thật sự, quyết định mọi chính sách của đại học, có quyền chọn lựa Giám đốc đại học và có cơ chế kiểm soát độc lập đối với mọi hoạt động của đại học.

Điều đáng tiếc là mặc dù các luật về giáo dục và điều lệ trường đại học đã quy định khá rõ về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng đại học nhưng trên thực tế, vẫn còn có đại học đa lĩnh vực chưa hoàn thiện mô hình Hội đồng đại học.

Thậm chí nếu có thì Hội đồng đại học hiện nay cũng chỉ giữ vai trò mờ nhạt trong các đại học này và vẫn được xem như một tổ chức tư vấn cho Giám đốc đại học.

Thực tế, việc bổ nhiệm Giám đốc đại học quốc gia kiêm nhiệm luôn Chủ tịch Hội đồng đại học quốc gia cũng đã làm giảm quyền đích thực của Hội đồng đại học.

Bên cạnh đó, việc trao quyền tự chủ cho các đại học đa lĩnh vực nói riêng và cho các trường đại học nói chung phải đi cùng với việc xóa bỏ cơ chế “bộ chủ quản” như đã chỉ ra ở Nghị quyết 14 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 (tháng 11/2005).

Một khi bỏ được cơ chế “bộ chủ quản” và trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các đại học đa lĩnh vực thì các trường thành viên sẽ xóa đi được ấn tượng về “hai cấp bộ chủ quản” gây khó cho hoạt động của các trường.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cũng kiến nghị, Nhà nước cần sớm phê chuẩn quy chế về tổ chức và hoạt động riêng cho từng đại học đa lĩnh vực.

Trong các quy chế này cần thể hiện rõ ràng quyền tự chủ toàn diện của đại học đa lĩnh vực, cần khẳng định tính toàn vẹn, thống nhất của đại học đa lĩnh vực trên mọi mặt hoạt động, đặc biệt trong hoạt động đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên tiếp tục duy trì quan điểm xem các trường thành viên trong đại học đa lĩnh vực có tư cách đầy đủ như một trường đại học độc lập. Cần phải xem đại học là một đơn vị học thuật hoàn toàn tự chủ chứ không phải là một cấp quản lý nhà nước.

Ngoài ra, trong quy chế này phải thể hiện rõ ràng chức năng của các cấp quản lý trong một đại học đa lĩnh vực.

Cụ thể, Hội đồng đại học có chức năng xây dựng chính sách, Giám đốc đại học có nhiệm vụ đề xuất chính sách và chỉ đạo thực hiện chính sách, Hiệu trưởng trường thành viên thực hiện triển khai chính sách, Trưởng khoa có nhiệm vụ thực hiện chương trình và hỗ trợ đội ngũ, còn giảng viên làm nhiệm vụ triển khai thực hiện chương trình.

Linh Trang