Trong những năm gần đây, ngành Công nghệ tài chính Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể nhờ việc áp dụng ngày càng nhiều các giao dịch kỹ thuật số, sự phát triển của thị trường thương mại điện tử cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ về việc mở rộng các hình thức thanh toán số.
Nắm bắt xu thế phát triển cũng như cơ hội nghề nghiệp ngày càng mở rộng của ngành công nghệ tài chính trong tương lai, những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã bắt đầu đào tạo ngành này.
Chìa khóa vàng trong nền kinh tế số
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Thái Minh Trang, Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ, thị trường Công nghệ tài chính (Fintech) tại Việt Nam ngày càng phát triển và đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế đất nước.
Công nghệ tài chính là ngành học kết hợp giữa công nghệ và tài chính. Đây là lĩnh vực mới, tập trung vào việc sử dụng công nghệ để tạo mới hoặc cải thiện hiệu quả sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực tài chính. Điều này giúp phục vụ tốt hơn về nhu cầu của thị trường cũng như góp phần vào sự phát triển nền kinh tế.
Các hoạt động công nghệ tài chính gắn liền với sự ra đời và ứng dụng của công nghệ chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), trực quan hóa dữ liệu, phân tích dữ liệu lớn… Những công cụ này đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới ngành dịch vụ tài chính.

Theo cô Trang, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường Fintech, Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Hoa Sen đang đào tạo Cử nhân ngành Công nghệ tài chính, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường.
Chương trình đào tạo ngành Fintech của Trường Đại học Hoa Sen đạt chuẩn quốc tế và theo hướng ứng dụng. Đội ngũ giảng dạy giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn và được đào tạo từ các trường quốc tế uy tín. Nhiều công trình nghiên cứu về thị trường Công nghệ tài chính Việt Nam được xuất bản trên các tạp chí trong nước và quốc tế.
Cùng với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Fintech, chương trình đào tạo kết hợp với thực tiễn đã đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng; trang bị những kiến thức mới nhất như ứng dụng AI trong đầu tư tài chính, lập trình Python cho tài chính, phân tích dữ liệu lớn, blockchain, quản trị rủi ro công nghệ tài chính….
Chương trình đào tạo ngành Fintech tại Trường Đại học Hoa Sen luôn theo kịp xu thế hiện đại nhưng vẫn đảm bảo những kiến thức nền tảng về tài chính, đặc biệt các môn liên quan công nghệ tài chính như: Quản trị rủi ro trong Fintech, Blockchain, Big Data…
Ngoài ra, chương trình còn trang bị về kiến thức công nghệ để kết hợp với kiến thức tài chính, nhằm đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất hiện đại giúp sinh viên thực hành các phần mềm mô phỏng của doanh nghiệp, và sinh viên được trải nghiệm 2 kỳ thực tập tại doanh nghiệp đã giúp hơn 98% sinh viên có việc làm chính thức ngay khi tốt nghiệp.
Lĩnh vực công nghệ tài chính đòi hỏi người lao động phải có kiến thức kết hợp giữa tài chính và công nghệ. Vì vậy, để theo đuổi ngành học, sinh viên cần có các kỹ năng về phân tích số liệu, tính toán cơ bản, suy luận logic, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện. Đặc biệt cần có đam mê và kiên trì theo đuổi ngành học đã chọn.
Cùng bàn về vấn đề này, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Tùng Lâm – Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, hiện nay, nhu cầu về nhân lực công nghệ tài chính đối với thị trường lao động là rất cao, đặc biệt là tại các tỉnh/thành phố lớn.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã và đang tạo nên những thay đổi lớn trong đời sống kinh tế - xã hội. Công nghệ tài chính cũng đã góp phần thay đổi bức tranh toàn cảnh tài chính - ngân hàng toàn cầu với các giải pháp đổi mới, sáng tạo. Fintech là sự kết hợp giữa lĩnh vực tài chính (Finance) và công nghệ (Technology) để hình thành nên những sản phẩm, những mô hình và nền tảng kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính.
Theo International Data Corporation (IDC), đến 2025, doanh thu của Việt Nam từ các dịch vụ tài chính kỹ thuật số dự kiến sẽ đạt 3,8 tỷ USD và giá trị thanh toán qua thiết bị di động tại Việt Nam dự báo sẽ tăng gấp ba lần từ năm 2021 đến năm 2025 (Medici, 2021).
Một sản phẩm công nghệ thuần túy, hay còn được gọi là sản phẩm lõi, thường được tạo ra bởi các chuyên gia công nghệ. Để mang sản phẩm lõi đó đến với người dùng, thị trường cần đội ngũ nhân lực vừa có kiến thức và kỹ năng vững vàng về tài chính, vừa hiểu được nguyên lý, tiện ích của công nghệ để giúp tối đa hóa giá trị tăng thêm cho sản phẩm cũng như đóng góp vào việc phát triển các giải pháp tài chính mới và tối ưu hóa các quy trình trong hoạt động tài chính hiện có.
Do vậy, với đặc trưng đa ngành, liên ngành của Fintech, cơ hội nghề nghiệp dành cho các bạn sinh viên theo học ngành này sau khi tốt nghiệp rất hấp dẫn và tiềm năng phát triển rộng mở.

Với lợi thế về dân số trẻ, tỷ lệ người dùng internet và smartphone cao, thành phố Đà Nẵng đang tạo ra những cơ hội lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp Fintech.
Bên cạnh đó, Công nghệ tài chính là một ngành mới, vì vậy khoa đã khuyến khích và đưa những giảng viên thuộc chuyên môn tài chính đào tạo thêm về công nghệ và chuyển sang nghiên cứu về công nghệ tài chính; tuyển dụng giảng viên có chuyên môn công nghệ như khoa học dữ liệu, AI, … để đào tạo thêm về tài chính.
Đồng thời, nhà trường luôn chú trọng đến việc đào tạo cho sinh viên các kỹ năng mềm, kỹ năng tư duy, suy nghĩ sáng tạo, đột phá, khả năng thích ứng với sự thay đổi và giải quyết vấn đề phát sinh trong các tình huống bất ngờ. Đây là những kỹ năng rất cần thiết, cần được phát huy ở người lao động để đảm bảo sự phát triển bền vững, gắn với xu thế phát triển của lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng trong kỷ nguyên số.
Trường cũng chủ động liên kết với các đơn vị tuyển dụng, sử dụng lao động để cùng đào tạo nhân lực trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng dưới các hình thức như tổ chức các chương trình ngoại khóa, trải nghiệm thực tiễn để sinh viên có những trải nghiệm và hình dung nhất định ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Liên kết quốc tế trong đào tạo cũng được trường chú trọng và tăng cường cả về lượng và chất để góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cơ hội việc làm hấp dẫn và đa dạng
Theo Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Hoa Sen, với sự phát triển mạnh của thị trường Fintech, nguồn nhân lực dành cho ngành này khá lớn. Sinh viên ngành Công nghệ tài chính sở hữu kiến thức cả hai lĩnh vực tài chính và công nghệ, do đó cơ hội nghề nghiệp đa dạng hơn.
Các công ty, tập đoàn hàng đầu Việt Nam cũng đã và đang tích cực thay đổi để đón đầu cách mạng công nghiệp. Chính vì vậy tiềm năng mở rộng cơ hội việc làm của ngành Fintech là vô cùng lớn.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Fintech có thể làm việc tại các vị trí như: Chuyên viên hoạch định chiến lược, quản lý hệ thống thông tin, quản trị phân tích dữ liệu, quản trị và phân tích rủi ro, quản lý dự án công nghệ, chuyên gia phát triển sản phẩm và dịch vụ… tại các công ty công nghệ tài chính, các công ty phát triển công nghệ và phần mềm, ngân hàng thương mại và các công ty cung ứng dịch vụ cho thị trường tài chính, các cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, với tinh thần doanh chủ gắn liền trong đào tạo và các hoạt động trải nghiệm của nhà trường, sinh viên có thể tự kinh doanh, thực hiện các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ Tài chính.
Còn theo Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, hiện nay, các công ty startup, ngân hàng và doanh nghiệp lớn trên thị trường tài chính đều có nhu cầu về nguồn nhân lực có chuyên môn Fintech, nên cơ hội và vị trí việc làm trong ngành này rất hấp dẫn và đa dạng.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Công nghệ tài chính có đủ năng lực để đảm nhận các vị trí công việc liên quan trong các doanh nghiệp và tổ chức, cụ thể: công ty Fintech, ngân hàng, công ty cung ứng dịch vụ tài chính, công ty nghiên cứu và phát triển công nghệ; cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng; khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech hoặc làm việc trong các bộ phận phát triển sản phẩm và dịch vụ tại công ty khởi nghiệp Fintech.
Việc công nghệ số ngày càng phát triển mạnh sẽ còn tạo ra nhiều bước chuyển mới cho nền kinh tế và xã hội. Không chỉ công ty nội địa mà các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam, các nước trên thế giới và khu vực đều đang có nhu cầu cao về nhân lực Fintech nên cơ hội nghề nghiệp của nhân lực ngành này sẽ ngày càng rộng mở.
Bạn Võ Phú Thịnh, sinh viên ngành Công nghệ Tài chính, Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ: “Với đặc thù là một ngành học mới, việc tự học đóng vai trò quan trọng. Để làm được điều đó, sinh viên cần xây dựng phương pháp học phù hợp và rèn luyện tính kỷ luật trong thời gian dài.
Đồng thời, khi theo học ngành này, em nhận thức rõ tầm quan trọng của việc kết hợp giữa kiến thức tài chính và công nghệ. Em đặc biệt quan tâm đến các công nghệ như Blockchain, AI trong Fintech và hiểu rằng việc trang bị kỹ năng lập trình, điển hình như Python, SQL, cùng khả năng phân tích dữ liệu tài chính là vô cùng cần thiết.
Bên cạnh đó, em luôn chú trọng cập nhật những xu hướng mới, chẳng hạn như thanh toán điện tử và bảo mật dữ liệu – những lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ và có tiềm năng ứng dụng cao trong thực tiễn. Ngoài việc trau dồi kiến thức chuyên môn, em cũng nỗ lực rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm để thích ứng tốt với môi trường học tập và làm việc trong tương lai”.
Cũng theo Thịnh, ngành Công nghệ Tài chính là một lĩnh vực mới, vì vậy khi gặp vấn đề trong việc học và định hướng tương lai, em đã chủ động tìm đến giáo viên là cố vấn học tập để chia sẻ. Nhờ những định hướng và lời khuyên từ cô, em đã hiểu rõ hơn về các hướng đi tiềm năng của ngành cũng như lộ trình học tập phù hợp với bản thân.
Từ trải nghiệm đó, em nhận thấy rằng, việc chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết là vô cùng quan trọng. Ngoài thời gian học trên giảng đường, em cũng chú trọng việc tự học và tìm hiểu thêm các khóa học bổ trợ có chứng chỉ. Để lựa chọn được những khóa học phù hợp, em thường tham khảo ý kiến từ giáo viên cố vấn và các thầy cô trong khoa vì đây chính là những người nắm rõ xu hướng phát triển của ngành.