Tiến sĩ trẻ bỏ nghề vì thu nhập của giảng viên thấp, Bộ GDĐT nêu quan điểm

27/09/2023 06:31
Linh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Ngoài lương được hưởng theo quy định, giảng viên còn được hưởng thêm 2 loại phụ cấp đó là phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thâm niên. 

Theo phản ánh, thu nhập của giảng viên các trường đại học, đặc biệt là giảng viên trẻ khối trường đại học sư phạm hiện còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội, dẫn đến tình trạng giảng viên không yên tâm công tác, các tiến sỹ trẻ bỏ nghề, chuyển công tác ra các trường ngoài công lập với mức lương cao hơn…

Trước thực trạng này, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, hiện nay giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học công lập được hưởng các chế độ, chính sách lương theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Cụ thể:

- Giảng viên cao cấp (hạng I): Bảng lương A3, gồm 6 bậc từ 6,20 đến 8,00

- Giảng viên chính (hạng II): Bảng lương A2 (nhóm 2.1), gồm 8 bậc từ 4,40 đến 8,00

- Giảng viên, Trợ giảng (hạng III): Bảng lương A1, gồm 9 bậc từ 2,34 đến 4,98

Ngoài lương được hưởng theo quy định trên, giảng viên còn được hưởng thêm 2 loại phụ cấp đó là: Phụ cấp ưu đãi với các mức từ 25% đến 45% (quy định tại Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg và Nghị định số 61/2006/NĐ-CP) và phụ cấp thâm niên được tính gia tăng theo thời gian công tác (quy định tại Nghị định số 77/2021/NĐ-CP).

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo tới đội ngũ nhà giáo (có các chính sách hỗ trợ ngoài lương để nhà giáo tăng thêm thu nhập: giáo viên được tính hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên; đối với giảng viên dạy trường sư phạm, khoa sư phạm được hưởng mức phụ cấp ưu đãi cao hơn), … điều đó đã góp đã phần nâng cao đời sống của nhà giáo.

Ảnh minh họa: T.L

Ảnh minh họa: T.L

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của xã hội, thu nhập của giảng viên trẻ nói chung vẫn còn thấp; thực tế lương nhà giáo vẫn chưa đáp ứng được mong đợi theo với chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; hơn nữa, lương nhà giáo cũng chưa thực sự đảm bảo được đời sống so với biến động về giá hàng hóa và tình hình kinh tế xã hội hiện nay.

Với chính sách lương như hiện hành khó thu hút được người tài vào làm việc trong các cơ sở giáo dục, đào tạo hoặc có người tài nhưng họ chưa toàn tâm, toàn ý tập trung vào thực thi nhiệm vụ công vụ, dẫn đến tình trạng chất lượng công việc có phần bị hạn chế. Chưa góp phần thu hút, giữ chân người tài vào ngành sư phạm. Thực tế có rất nhiều người tâm huyết với nghề dạy học, thậm chí mong muốn đóng góp công việc chung của đất nước, tuy nhiên, với mức lương như hiện nay khiến họ chưa yên tâm công hiến cho Ngành.

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ:“Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”.

Một trong các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 29 là: “Có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. ... Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Luật Giáo dục 2019 quy định: “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ (Điều 76)”.

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương, trong đó có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước về giáo dục và đào tạo.

Ngày 19/11/2018, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14). Theo đó, có nhiều nhóm chính sách mở rộng nâng cao quyền tự chủ đại học, trong đó phải kể đến chính sách lớn nhất là Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học trong toàn hệ thống. Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học để phát huy nội lực, sự năng động, sáng tạo và tính chịu trách nhiệm… để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Quyền tự chủ được đề cập đến toàn diện về chuyên môn, học thuật, tài chính, tổ chức và nhân sự, tự chủ đi liền với trách nhiệm giải trình…

- Đối với các trường đã thực hiện tự chủ: Cơ chế tự chủ đối với khu vực hành chính sự nghiệp nói chung và đối với cơ sở giáo dục đại học nói riêng đã liên tục được đổi mới về cơ bản theo hướng tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính. Hiện nay, việc thực hiện chính sách tiền lương đối với giảng viên các cơ sở giáo dục đại học được giao tự chủ về cơ bản đã cao hơn mức quy định của nhà nước.

- Đối với các trường chưa thực hiện tự chủ: Nguồn kinh phí để chi trả phụ thuộc nhiều từ nguồn ngân sách nhà nước.

Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ giảng viên nói riêng và nhà giáo nói chung là rất quan trọng. Thực hiện đổi mới chính sách tiền lương, tạo động lực cho cán bộ, giảng viên chuyên tâm với nghề. Trong cơ chế thị trường hiện nay, chính sách sử dụng đội ngũ giảng viên có hiệu quả bao hàm nhiều yếu tố, nhưng tiền lương, tiền công là yếu tố hàng đầu, có tính quyết định và phải bảo đảm thu nhập đủ mức thực hiện tái sản xuất sức lao động thường xuyên tái sản xuất mở rộng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các Bộ/Ngành liên quan xây dựng chính sách tiền lương mới cho đội ngũ nhà giáo theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và đề xuất mức lương mới tương xứng với tính chất mức độ phức tạp của nhiệm vụ được giao gửi Bộ Nội vụ để trình Chính phủ.

Linh An