Tài chính là một trong những vấn đề then chốt, quan trọng để đổi mới toàn diện giáo dục đại học Việt Nam. Thế nhưng, đây cũng chính là bài toán khó với các trường đại học hiện nay, khi nguồn đầu tư của Nhà nước còn hạn hẹp, trong khi cơ chế tự chủ tài chính chưa thực sự mở để các trường tạo được đa dạng nguồn thu ngoài học phí.
Trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Từ Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cho biết, trường hiện đang thực hiện tự chủ ở mức cao nhất là tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
Tuy nhiên, liên quan đến công tác tài chính, trường vẫn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân là do chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa Luật Giáo dục Đại học (Luật 34), Nghị định 60/2021/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác.
Giáo sư, Tiến sĩ Từ Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: NVCC |
Trên thực tế, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công,… hay bản thân một số cơ quan chủ quản vẫn có những quy định riêng không thống nhất với quy định của Luật 34, dẫn tới việc các cơ sở giáo dục đại học gặp khó trong quá trình thực hiện tự chủ.
“Đặc biệt, một trong những vấn đề khiến nhiều trường đại học trăn trở hiện nay là khi thực hiện tự chủ, các trường lại phải đóng tiền thuê đất.
Lẽ ra, các trường tự chủ phải được hỗ trợ tài chính, nhưng các trường còn bị thu tiền thuê đất, như vậy sẽ hạn chế quyền tự chủ của trường đại học, và chính điều này cũng không phù hợp với chính sách của Đảng, Nhà nước về đầu tư cho giáo dục và đào tạo.
Hiện nay, mức đầu tư của Nhà nước cho giáo dục đại học còn hạn chế, các trường rất khó khăn trong việc xoay xở để giải quyết bài toán tài chính, khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn thu. Thu tiền của các trường sẽ gia tăng thêm khó khăn, áp lực với các cơ sở giáo dục đại học”, Giáo sư Từ Minh Phương chia sẻ.
Theo Giáo sư Phương, dù Luật cho phép trường đại học tự chủ tự quyết định về tài chính và đầu tư mua sắm tài sản, nhưng khi đầu tư mua sắm bằng nguồn tiền tự thu của trường thì vẫn phải tuân thủ theo quy định đấu thầu như sử dụng tiền từ ngân sách Nhà nước.
Hay khi muốn tận dụng lúc thời gian chưa dùng hết để cho thuê một phòng học, việc này cũng khó khăn, vì liên quan đến quy định định giá tài sản. Như vậy, trường đại học muốn gia tăng các nguồn thu để đầu tư phát triển giáo dục đào tạo thì cơ chế vẫn còn nhiều trói buộc.
Hay Nghị định 60/2021/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập cho phép trường đại học tự chủ có thể sử dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp, nhưng khi áp dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp thì việc xác định quỹ lương bị hạn chế bởi lợi nhuận, tức là muốn tăng quỹ lương để tăng đãi ngộ cho cán bộ giảng viên thì phải tăng lợi nhuận của trường, như vậy có thể không phù hợp với mục đích hoạt động của trường công lập.
Khi áp dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp nhà nước thì trường đại học cũng phải được xếp loại như doanh nghiệp (loại 1, loại 2, loại 3) để có thể xác định mức lương cho một số vị trí, tuy nhiên việc xếp loại trường đại học theo doanh thu như doanh nghiệp lại không hoàn toàn hợp lý.
Tìm kiếm thêm nguồn thu là bài toán khó với trường đại học
Cùng trao đổi về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Khiêm - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam cho biết, thực hiện tự chủ về tài chính, tài sản còn gặp khó khăn vì còn độ vênh giữa Luật Giáo dục Đại học với các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Dù luật đã ghi rõ các trường được quyết định về tài chính tài sản nhưng thực tế, khi trường đại học muốn liên doanh, liên kết hoặc có các đề án cho thuê với doanh nghiệp thì vẫn phải báo cáo bộ chủ quản, các trường chưa được tự quyết các vấn đề, hoạt động của mình.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Khiêm – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Ảnh: NVCC |
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam hiện đang là đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (thuộc nhóm 2), khi bị cắt chi thường xuyên, nhà trường đang phải nỗ lực tìm kiếm các nguồn tài chính khác bù vào. Thế nhưng, với cơ chế hiện nay, việc tìm kiếm thêm nguồn thu hay đa dạng nguồn thu là một khó khăn vô cùng lớn.
Trong khi đó, các trường chưa được tự quyết định mức thu học phí mà vẫn dựa theo quy định với khung học phí tương đối thấp.
Đặc biệt hai năm qua không được tăng học phí, các trường không đảm bảo nguồn thu để bù đắp các khoản chi phí đào tạo.
Hiện các trường bị hạn chế các khoản thu vì chưa được quyền tự chủ hoàn toàn trong việc sử dụng cơ sở vật chất, ví dụ như quyền sử dụng đất vẫn phải theo quy định của cơ quan chủ quản.
Các trường khó thực hiện việc liên kết và cho thuê đất, cho thuê cơ sở vật chất nhằm phục vụ cho quá trình đào tạo, liên kết, hợp tác giáo dục trong và ngoài nước.
Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, bên cạnh tự chủ tài chính còn có tự chủ học thuật, tự chủ để phát triển, tiếp cận được với những đổi mới sáng tạo trong các hoạt động của nhà trường.
Cùng với đó là nâng cao chất lượng chuẩn đầu ra, đẩy mạnh được thị trường lao động và tăng cường công tác dự báo chuẩn đầu ra (kiến thức, kỹ năng cần có của sinh viên) trong thời gian tới.
Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Phạm Minh |
Tương ứng với những vấn đề này, các hệ thống quản lý về khung chương trình, đề cương, giảng dạy, kiểm tra đánh giá, … cần có tính hệ thống hơn. Các trường cũng cần tiếp cận những nội dung này với sự tự chủ hơn, tránh việc “máy móc” trong thực tiễn triển khai.
Trong việc giải quyết vấn đề tự chủ, cần giải quyết bài toán về tài chính.
“Khó khăn về tài chính với Trường Đại học Công nghệ hiện nay là nguồn thu để đáp ứng được yêu cầu thu hút nhân lực, vì hiện nay trường đại học phải cạnh tranh rất khốc liệt với các doanh nghiệp, nếu không trả được lương cao cho giảng viên thì sẽ không cạnh tranh được với doanh nghiệp trong việc thu hút những nhà khoa học, giảng viên giỏi.
Vậy làm sao để nhà trường được tự chủ vấn đề này cũng là một bài toán đặt ra, nhà trường phải trả lương cho cán bộ giảng viên như thế nào để không vi phạm các quy định của pháp luật mà vẫn thu hút được người tài?”, Giáo sư Chử Đức Trình chia sẻ.
Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Nghị định 81/2021/NĐ-CP có quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, đã có sự cởi mở rất nhiều cho các trường đại học, đặc biệt là với các trường đại học top đầu.
Nhà trường đáp ứng các yêu cầu của Nghị định 81 về giảng dạy chất lượng cao, kiểm định, đảm bảo trách nhiệm xã hội,… nên được thu học phí cao. Như vậy, Nghị định 81 sẽ giải quyết được vấn đề kinh phí cho các trường, nếu các trường đảm bảo đào tạo chất lượng cao, thu học phí mức cao (theo khung quy định) và vẫn thu hút được sinh viên.
“Với thế mạnh trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, Trường Đại học Công nghệ cũng đã và đang mở rộng thêm nguồn thu. Thời gian qua, trường nhận được kinh phí từ phát triển khoa học công nghệ, chuyển giao sản phẩm, có những năm nguồn thu này chiếm 30% so với học phí.
Tuy nhiên, trong hệ thống giáo dục đại học, cũng nhiều trường đang gặp khó khăn, vì vậy cũng cần hoàn thiện cơ chế, quy định để giúp các trường tháo gỡ khó khăn, thực hiện thành công tự chủ đại học”, Giáo sư Chử Đức Trình nêu quan điểm.