Hiện nay, có một số thông tin cho rằng các hoạt động đầu tư, xây dựng cơ bản, tiến hành dự án tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong thời gian qua không tuân thủ các quy định về phê duyệt, thẩm định dự án… và như vậy, có hiện tượng thất thoát tài sản công; từ đó qui kết rằng có dấu hiệu của tham nhũng.
Để rộng đường dư luận, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Thành Công, Luật sư Vũ Phi Long, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh và Tiến sĩ tài chính Tăng Trí Hùng để cung cấp cho bạn đọc một số thông tin trọng yếu để vấn đề được hiểu đúng, rõ ràng hơn.
Phóng viên: Thưa các Luật sư, thưa Tiến sĩ Tăng Trí Hùng, việc phê duyệt dự án đầu tư và thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư đối với một đại học thí điểm tự chủ như Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã và đang được thực hiện dựa trên cơ sở pháp lý nào?
Các kết luận thanh tra/kiểm tra của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đều xoáy vào hạn chế, khuyết điểm: Trường Đại học Tôn Đức Thắng không tuân thủ việc phê duyệt và thẩm quyền phê duyệt dự án chưa đúng; thể hiện qua việc có một số dự án do Hiệu trưởng phê duyệt.
Thực tế, khi thực hiện tư vấn cho Nhà trường, chúng tôi nhận thấy rằng: trong quá trình đầu tư dự án, tất cả các dự án của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đều thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật chung.
Luật sư Nguyễn Thành Công, ảnh do nhân vật cung cấp. |
Theo đó Hội đồng trường, chủ thể quyết định các vấn đề chiến lược của Trường có nghị quyết phê chuẩn chủ trương; sau đó, Dự án đầu tư được phê duyệt bởi Chủ tịch hội đồng trường hoặc Hiệu trưởng (theo sự phân cấp) như:
Khoa Sư phạm và hệ thống thực hành – 19 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong – Quận 7 – Thành phố Hồ Chí Minh. Hiệu trưởng phê duyệt (Quyết định số: 1322/2017/TĐT-QĐ ngày 04/10/2017) thực hiện theo Điều 2 của Nghị quyết số 10-2/2016/TĐT-NQHĐT – ngày 20/08/2016 “V/v thành lập, đầu tư xây dựng dự án Khoa Sư phạm và hệ thống thực hành trường Đại học Tôn Đức Thắng”;
Ký túc xá và Trung tâm giáo dục quốc phòng – 19 Nguyễn Hữu Thọ - Phường Tân Phong – Quận 7 – Thành phố Hồ Chí Minh. Hiệu trưởng phê duyệt (Quyết định số: 1328/2017/TĐT-QĐ ngày 05/10/2017) thực hiện theo Điều 2 của Nghị quyết số 10-1/2016/TĐT-NQHĐT – ngày 20/08/2016 “V/v Dự án đầu tư Trường Đại học Tôn Đức Thắng mở rộng”.
Tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, từ xưa đến nay việc quyết định chủ trương đầu tư đều do Hội đồng trường quyết, Hiệu trưởng chỉ triển khai thực hiện dự án. Quy trình này trước tiên là được kế thừa từ khi Trường Đại học Tôn Đức Thắng còn là đại học ngoài công lập cho đến đại học bán công. Khi chuyển sang công lập vào năm 2008, Trường vẫn tiếp tục được thực hiện cơ chế này.
Đến 2015, với Quyết định 158/QĐ-TTg, Trường Đại học Tôn Đức Thắng được tiếp tục cơ chế hoạt động như từ khi thành lập đến thời điểm ấy. Cơ sở pháp lý của việc phê duyệt dự án đầu tư này đã được cơ quan chủ quản tiếp tục (từ 2008 đến 2017); sau đó, được pháp lý hóa bởi quyết định thí điểm của Thủ tướng Chính phủ.
Từ khi thành lập (1997) đến 2017 (trước khi có các đoàn kiểm tra liên tục của Tổng Liên đoàn) không ai thắc mắc về cơ sở pháp lý này.
Vậy nói Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã làm sai Luật đầu tư công, Luật quản lý tài sản công, Luật đấu thầu, bị xuất toán, có nguy cơ thất thoát tài sản công là lập luận dựa trên cơ sở nào?
Trường Đại học Tôn Đức Thắng mặc dù là trường đại học công lập, nhưng khác với tất cả các trường đại học công lập khác (là phải được Nhà nước đầu tư, trang bị cơ sở vật chất trường học sẵn sàng như Luật Giáo dục đại học quy định), Trường tự chủ tài chính hoàn toàn, không nhận chi thường xuyên và chi đầu tư từ Ngân sách Nhà nước, từ cơ quan chủ quản; nên Nhà trường phải tự đầu tư và tự trang bị cơ sở vật chất cho mình ngay từ ban đầu.
Như vậy, Trường Đại học Tôn Đức Thắng không thừa hưởng tài sản công được nhà nước đầu tư sẵn khi tiến hành tự chủ như tất cả các đại học công khác. Tài sản trên đất của Trường Đại học Tôn Đức Thắng là do chính Trường tự làm ra.
Luật sư Vũ Phi Long, ảnh do nhân vật cung cấp. |
Trong quá trình phát triển, các dự án xây dựng và mua sắm của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đều được triển khai từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và vốn vay. Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của Trường Đại học Tôn Đức Thắng gồm nguồn khấu hao và chênh lệch thu-chi hoạt động.
Như trên đã nói, quỹ khấu hao được lấy từ tài sản tự trang bị của Trường, không phải từ tài sản công. Còn chênh lệch thu chi thì hoàn toàn từ nguồn tự thu, tự chi của Trường, không có ngân sách.
Do vậy, vốn đầu tư dự án và mua sắm trang bị của Trường này là vốn khác, vốn ngoài ngân sách.
Từ đó có thể thấy rằng việc áp dụng các luật đối với dự án đầu tư, mua sắm từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, hoặc có nguồn gốc từ tài sản công đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng đều không chính xác. Bởi các luật này đã không tính tới các trường hợp thí điểm đặc thù như Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Đây là cơ chế rất riêng biệt mà Đảng, Nhà nước đã trao cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong quá trình hình thành và phát triển, được cụ thể hóa bằng Công văn 3995/VPCP-KGVX ngày 18/06/2008 của Văn phòng Chính phủ, Nghị quyết 40/NQ-CP ngày 09/08/2012 của Chính phủ, Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ; đặc biệt là Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 29/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Luật đầu tư công mới đây (Luật số 39/2019/QH14) và Nghị định 40/2020/NĐ-CP mới cập nhật, sửa đổi về thẩm quyền triển khai dự án, mua sắm cho những tình huống đại học công tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên và chi đầu tư như Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Do đó, nếu cứ dùng những Luật đầu tư công, Luật quản lý tài sản công hay các luật liên quan đến triển khai dự án xây dựng cũ (chưa sửa), chưa tính đến các trường hợp tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư; để rồi nhận định Trường Đại học Tôn Đức Thắng làm sai các luật này, có nguy cơ thất thoát vì bị xuất toán, và như vậy là có dấu hiệu tham nhũng…sẽ rất không phù hợp nếu không nói là mang tính cưỡng ép, qui chụp.
Việc không nhận được đầu tư từ Ngân sách, từ cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa là khó khăn cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng để cân đối, bảo đảm kinh phí hoạt động, nhưng cũng là động lực, cơ hội để Trường Đại học Tôn Đức Thắng chủ động sáng tạo trong thực hiện các hoạt động nhằm tối đa hóa hiệu quả của đồng tiền tự tích lũy, nhưng vẫn có thể phát triển nhanh, mạnh với cơ sở vật chất hiện đại.
Tài chính của Trường Đại học Tôn Đức Thắng là tự thu tự chi, tự cân đong đo đếm, do vậy tiết kiệm, hiệu quả là tiêu chí phải đặt lên hàng đầu cho mọi quyết định của Hội đồng trường, cấp có thẩm quyền quyết định các vấn đề chiến lược của Trường.
Thực tế cho thấy và qua các giải trình của Trường Đại học Tôn Đức Thắng với các đơn vị, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan chủ quản, thì các quyết định về đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đều đem lại lợi ích, hiệu quả, không gây thất thoát gì đối với bản thân nguồn vốn của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Nhờ đó, đã đem đến cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng một bộ mặt khang trang, hiện đại, với cơ sở vật chất đáp ứng được hoạt động giảng dạy, thực nghiệm chất lượng cao tương đương với các đại học tốt của nước ngoài, cũng như mở rộng hoạt động của Trường ra nhiều địa bàn khác.
Việc triển khai dự án đầu tư và mua sắm một cách tự chủ từ nguồn tài chính tự tích lũy và đi vay, không theo các qui định hiện hành đối với tài sản công, đối với dự án sử dụng vốn có nguồn gốc từ tài sản công và vốn ngân sách, đã mang lại hiệu quả thực tế tích cực gì, thưa 2 Luật sư và Tiến sĩ Tăng Trí Hùng?
Thực tế, những cơ sở vật chất của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã được xây dựng bằng nguồn vốn tự tích lũy từ các nguồn hợp pháp của mình đã và đang được khai thác một cách có hiệu quả cho công tác dạy và học tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Quá trình phát triển rất nhanh chóng về cơ sở vật chất, trang bị, phòng thí nghiệm đạt chuẩn 5 sao/5 sao của thế giới (theo QS Star Ratings) là minh chứng
Tất cả 137 gói thầu với tổng trị giá 1.154.844.783.722 đồng từ những năm 1999 đến nay đều được kiểm toán; chỉ có 3 gói thầu trị giá 230 tỷ chưa được kiểm toán do chưa hoàn thành hồ sơ mặc dù đã được đưa vào sử dụng.
Giá trị xây dựng công trình và giá trị sử dụng/Chất lượng công trình đều tốt hơn hẳn các công trình khác tương tự ở hầu hết các nơi trên lãnh thổ Việt
Tiến sĩ tài chính Tăng Trí Hùng, ảnh do nhân vật cung cấp. |
Với tinh thần cầu thị và để minh chứng điều này, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã và đang thực hiện việc định giá độc lập toàn bộ tài sản của nhà trường (trong đó tài sản cố định là hạng mục trọng yếu). Kết quả kiểm định này để một lần nữa khẳng định về sự kết luận không chính xác về tính minh bạch, chất lượng và hiệu quả của các dự án đầu tư, xây dựng tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng; nhằm bác bỏ sự dẫn dắt dư luận hướng đến việc hoài nghi về cái gọi là “thất thoát” trong đầu tư, xây dựng tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Không có gì ấu trĩ hoặc cường từ đoạt lý hơn khi ép các luật cũ, chưa tính đến trường hợp tự đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách ở các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên và chi đầu tư; không kế thừa tài sản công trong hoạt động, rồi qui chụp rằng như thế là đầu tư dự án sai luật, sai qui trình, để đề nghị xuất toán; để qui chụp khả năng gây thất thoát tài sản công, qui chụp dấu hiệu tham nhũng.
Thái độ đó cũng cố tình bỏ qua luôn thực tiễn là những dự án được cho là sai qui trình, thủ tục đầu tư này thì sản phẩm đã được đưa vào sử dụng hiệu quả gần 2 năm trời; được thầy, cô, sinh viên và phụ huynh đánh giá rất cao về chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật.
Thất thoát tài sản công thế nào khi không dùng ngân sách, khi sản phẩm tồn tại sờ sờ như vậy và đang được sử dụng hiệu quả?!
Trân trọng cảm ơn Luật sư Nguyễn Thành Công, Luật sư Vũ Phi Long và Tiến sĩ Tăng Trí Hùng.