Thực hư những thông tin về thu nhập của Giáo sư Lê Vinh Danh

26/10/2020 06:07
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc cộng gộp thu nhập mà Nhà trường nợ thày Danh trong các tháng trước vào với thu nhập tháng 8/2020 để công bố đã khiến dư luận hiểu nhầm.

LTS: Mức lương tháng 08/2020 với con số 556 triệu đồng/tháng của Giáo sư Lê Vinh Danh đã tạo ra sự tranh luận trong mấy ngày vừa qua.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Q.M., một thành viên có nhiều năm tham gia vào quá trình tính lương, thu nhập tại Trường đại học Tôn Đức Thắng, để tìm hiểu rõ hơn thông tin cung cấp đến quý bạn đọc.

Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thông tin thu nhập của Giáo sư Danh được báo chí đăng tải trong mấy ngày qua?

Ông Q.M.: Đến nay, Nhà trường chưa có bảng lương nào trả cho thầy Danh mức lương 556 triệu đồng/tháng. Sau khi xin ý kiến và được sự cho phép của thầy Danh, tôi có thể nói thế này: hàng tháng Trường Đại học Tôn Đức Thắng thanh toán thu nhập cho thầy Danh là 407 triệu đồng/tháng, sau khi trừ thuế và các khoản phải nộp khác theo quy định thì thực nhận của thầy Danh còn khoảng 290 triệu đồng/tháng.

Đây là thu nhập chính xác Trường Đại học Tôn Đức Thắng trả cho thầy Danh bao gồm lương và tất cả các khoản phụ cấp khác. Như vậy, 407 triệu đồng/tháng là tổng số tiến mà Nhà trường chi cho thày Danh; trong đó thày Danh thực nhận khoảng 290 triệu đồng/tháng.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng là trường tự chủ tài chính về chi đầu tư và chi thường xuyên, không nhận ngân sách nhà nước hay của cơ quan chủ quản.

Ngoài tiền lương ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước, thì Trường Đại học Tôn Đức Thắng có quyền quyết định thu nhập tăng thêm của người lao động (giảng viên, viên chức) từ nguồn chênh lệch thu lớn hơn chi theo Quy chế chi tiêu nội bộ (được Hội nghị giảng viên, viên chức hàng năm nhất trí và Hội đồng trường thông qua), để bảo đảm thu hút được người tài, đủ nhân lực có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu có chất lượng của Nhà trường.

Nội dung này được nêu rõ tại điểm c, khoản 3, mục II, Điều 1 của Quyết định 158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, việc chi trả thu nhập cho giảng viên, viên chức là bảo đảm cơ sở pháp lý.

Giáo sư Lê Vinh Danh (ảnh: giaoduc.net.vn)

Giáo sư Lê Vinh Danh (ảnh: giaoduc.net.vn)

Phương án tính thu nhập của Trường Đại học Tôn Đức Thắng được Hội đồng nghiên cứu chính sách tiền lương (Hội đồng tiền lương) nghiên cứu và xây dựng. Hội đồng tiền lương có trách nhiệm tham mưu, nghiên cứu và đề ra các giải pháp nhằm ổn định và phát triển chính sách tiền lương, sao cho công bằng và hiệu quả; nhất là thu hút được người giỏi yên tâm công tác.

Công tác đánh giá và xếp thu nhập được Hội đồng này thực hiện theo quy trình: căn cứ vào hồ sơ năng lực của ứng viên để dự thảo bảng điểm tính lương theo các tiêu chí cứng của hệ thống tính toán thu nhập;

Trưởng đơn vị là người trực tiếp xem xét, chấm điểm và đề xuất mức thu nhập của giảng viên, viên chức đến Hội đồng tiền lương; Hội đồng tiền lương xem xét, nhất trí và trình Ban giám hiệu thông qua, dựa trên việc cân đối, so sánh bảo đảm bảng điểm tính thu nhập là phù hợp và chính xác; cuối cùng là trao đổi với giảng viên, viên chức để có sự thống nhất và đồng thuận.

Để đảm bảo Trường Đại học Tôn Đức Thắng có một hệ thống trả thu nhập công bằng và hiệu quả, thu hút được nhân lực giỏi; hệ thống được phân thành các phần khác nhau tương ứng với từng nhóm đối tượng (nghiên cứu viên, giảng viên, viên chức hành chính, lao động giản đơn,…);

Mỗi nhóm lại gồm nhiều tiêu chí khác nhau liên quan đến nhiều khía cạnh. Mỗi tiêu chí lại được mô tả một cách chi tiết và cụ thể để nhận diện mức độ đóng góp và sản phẩm đầu ragiảng viên, viên chức tạo ra cho Trường hằng tháng, hằng năm. Điều này giúp cho công tác xác định thu nhập diễn ra nhanh chóng, hiệu quả và rất rõ ràng, hạn chế các tiêu cực vì mọi thứ đều có mô tả chi tiết.

Vậy ôngbiết con số 556 triệu đồng là từ đâu ra không?

Ông Q.M.: Sau khi xem xét kỹ và đối khớp các con số, tôi cũng có câu trả lời cho nguồn gốc con số 556 triệu đồng/tháng của thầy Danh. Đó là, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng gặp khó khăn trong tài chính. Đồng cảm với tình hình chung này, nhiều giảng viên, viên chức đã tự nguyện nhận lương ít hơn trong các tháng 3 và 4/2020, phần còn lại cho phép Nhà trường chậm trả.

Trong đó có thầy Danh tự nguyện chậm trả 60% thu nhập, Chủ tịch Công đoàn trường (và cũng là Trợ lý hiệu trưởng như báo chí đã nêu) tự nguyện chậm trả 100%.

Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định, tình hình tài chính của Nhà trường dần quay về bình thường, Nhà trường thực hiện việc hoàn trả lại khoản thu nhập đó cho giảng viên, viên chức. Do số tiền mà giảng viên, viên chức tự nguyện cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng chậm trả khá lớn, nên không thể thanh toán một lần, mà tiến hành trả chia nhỏ ra trong ba tháng 6, 7 và tháng 8/2020.

Như vậy, trong ba tháng này, ngoài tổng thu nhập bình thường/tháng của giảng viên, viên chức, họ còn được nhận lại một phần thu nhập của tháng 3 và 4/2020 của họ.

Như vậy, việc cộng gộp thu nhập mà Nhà trường nợ thày Danh trong các tháng trước vào với thu nhập tháng 8/2020 để rồi lấy con số này để gây chú ý, hướng dư luận đến cảm giác “sốc” là một hành động cố ý, không thể nói là không biết (đó không phải là thu nhập/tháng).

Ông có ý kiến gì về nội dung “Hiệu trưởng hơn nửa tỷ/tháng, trợ lý hiệu trưởng gấp 11 lần viên chức giảng dạy”?

Ông Q.M.: Thứ nhất, chưa nói đến chuyện những con số đó đưa ra chưa chính xác thì đâysự đánh tráo chức danh công việc để gây hiểu nhầm. Thu nhập mà Trường Đại học Tôn Đức Thắng trả cho giảng viên, viên chức theo vị trí công việc, khối lượng công việc, năng lực của người giữ vị trí công việc và hiệu quả (bằng sản phẩm) mà người đó đạt được trong một năm, một tháng.

Tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, số lượng đầu việc, khối lượng sản phẩm giữa giảng viên với nhau, giữa viên chức hành chính với nhau có sự khác biệt, mặc dù cùng một chức danh công việc; vì mỗi người có khối lượng lao động riêng, số lượng sản phẩm và hiệu quả đóng góp riêng,…

Do đó, thu nhập phải được trả tương xứng với sức lao động bỏ ra, với số đầu việc và khối lượng công việc mà họ đã tạo ra. Đó là lý do vì sao cùng là giảng viên, nhưng có người thu nhập trung bình hơn 100 triệu đồng/tháng sau thuế và phí, nhưng có người chỉ vài chục triệu đồng/tháng. Nếu không nói rõ việc này, mà chỉ so giữa giảng viên với giảng viên (cùng chức danh) thì người ngoài đã có thể không hiểu vì sao có sự chênh lệch lớn như vậy.

Thứ hai, các chức danh quản lý của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đều có khối lượng công việc rất nặng.

Một trưởng khoa, trưởng phòng bình thường đã có số lượng đầu việc phải đảm nhiệm gấp nhiều lần Tổ trưởng và nhân viên. Trách nhiệm thì càng nặng nề hơn.

Hiệu trưởng trường này đảm nhiệm số đầu việc và lượng việc phải giải quyết hằng ngày, hằng tháng hơn Phó hiệu trưởng cả chục lần, và hơn cấp trưởng phòng cũng phải vài chục lần. Còn về trách nhiệm và hiệu quả mang lại thực sự thì khỏi phải nói, 100 thứ việc Hiệu trưởng đều phải chịu trách nhiệm.

Trợ lý hiệu trưởng từng đảm nhiệm một lúc 6 đầu việc, với khối lượng công việc hơn các phó hiệu trưởng từ 3 đến 5 lần. Vậy nếu Trợ lý hiệu trưởng được trả thu nhập cao hơn phó hiệu trưởng chỉ vì cô ấy làm việc hơn người ta từ 3 đến 5 lần thì sai ở chỗ nào?!

Về câu hỏi thu nhập từ chức danh “Hiệu trưởng” của thầy Danh có cao hay không?, thì ngoài việc tôi đã nói ở trên (Hiệu trưởng trường này đảm nhiệm số đầu việc và lượng việc phải giải quyết hằng ngày, hằng tháng hơn Phó hiệu trưởng cả chục lần, và hơn cấp trưởng phòng cũng phải vài chục lần. Còn về trách nhiệm và hiệu quả công việc thì khỏi phải nói) tôi còn thêm một số so sánh sau, có thể đem lại một cái nhìn khách quan, trung thực khác:

- Số tiền thực nhận sau khi trừ thuế và các khoản phải nộp khác theo quy định thì thu nhập bình quân (tất cả các khoản lương, phụ cấp và hỗ trợ khác):

i) Hiệu trưởng của Trường quốc tế Việt Nam Phần Lan trực thuộc Trường Đại học Tôn Đức Thắng (chức vụ chỉ tương đương một trưởng phòng) cũng khoảng 280 triệu đồng/tháng;

ii) Nghiên cứu viên có năng lực cũng hơn 260 triệu đồng/tháng (A.P) và 227 triệu đồng/tháng (Z.M.Y);

iii) thu nhập của một Phó hiệu trưởng là khoảng 102 triệu đồng/ tháng;

iv) Trưởng khoa khoảng 90 triệu đồng/ tháng;

v) riêng Trợ lý hiệu trưởng đã đề cập thì ôm 6 đầu công việc cùng lúc; do đó thu nhập bình quân khoảng 195 triệu đồng/ tháng trước thuế.

Tôi cũng đọc được thông tin là thù lao cho một MC hàng đầu chuyên dẫn chương trình giải trí là gần 400 triệu đồng/01 tập gameshow hay ngân sách của thể thao Việt Nam sẵn sàng chi trả cho ông huấn luyện viên trưởng đội bóng đá nam là hơn 1,1 tỷ đồng/tháng sau thuế (chưa kể quyền lợi khác). Chẳng lẽ giáo dục không quan trọng bằng các ngành khác?!

- Bảng dưới đây là thông tin về thu nhập của một số Hiệu trưởng các trường đại học nằm trong TOP 700 thế giới mà tôi thu thập được (với hệ thống đại học và cao đẳng công lập là từ năm 2010-2011 đến năm tài chính 2016-2017 và trong các năm 2018, 2019; và các trường cao đẳng tư thục là từ 2008 đến 2017), để chúng ta cùng có thêm cách nhìn:

Đơn vị tính: USD

Hệ thống trường Công lập

Stt

Hiệu trưởng

Trường

Lương cơ bản/ năm

Thu nhập khác/ năm

Tổng mức bồi thường

1

Mark P. Becker

ĐH Georgia State

588.279

0

2.806.517

2

Steven Leath

ĐH Auburn

324.399

0

1.836.226

3

Michael K. Young

ĐH Texas A&M

1.000.000

200.000

1.610.977

4

Michael V. Drake

ĐH ban ohio

870.191

0

1.415.707

5

John Sharp

ĐH Texas A&M hệ thống văn phòng

900.000

200.000

1.341.598

6

Patrick Gallagher

ĐH Pittsburgh

558.539

0

1.211.343

7

James Edward Ryan

ĐH Virginia

760.909

100.000

1.188.910

8

Jeffrey P. Gold

ĐH Nebraska tại Omaha

962.672

0

1.174.521

9

Renu Khator

ĐH Houston

950.283

200.000

1.164.064

10

Michael M. Crow

ĐH ban Arizona

696.966

0

1.150.361

11

W. Kent Fuchs

ĐH Florida

901.119

0

1.147.064

12

Eric J. Barron

ĐH ban Pennsylvania

844.796

200.000

1.118.247

13

Beverly J. Warren

ĐH ban Kent

482.319

90.000

1.110.503

14

Susan Herbst

ĐH Connecticut

708.855

40.000

1.095.482

15

Gregory L. Fenves

ĐH Texas ở Austin

815.000

0

1.090.223

16

Rahmat Shoureshi

ĐH ban Portland

613.788

0

1.085.393

17

Tedd L. Mitchell

Hệ thống ĐH công nghệ Texas

651.477

0

1.068.275

18

Brian Mc.Call

Hệ thống ĐH Bang Texas

699.018

0

1.033.831

19

Ali A. Houshmand

ĐH Rowan

591.481

86.250

1.019.751

20

Robert C. Robbin

ĐH Arizona

878.680

60.000

966.646

Hệ thống trường Tư thục

1

Ronald K. Machtley

ĐH Bryant

672.885

0

6.283.616

2

John J. Bowen

ĐH Johnson & Wales

706.666

0

5.363.616

3

Shirley Ann Jackson

Viện Renselaer Polytechnic

1.168.500

250.000

5.155.038

4

Amy Gutmann

ĐH Pennsylvania

1.369.096

1.155.590

2.930.315

5

Victor J. Boschini

ĐH Texas Christian

1.124.673

200.000

2.644.209

6

C.L. Max Nikias

ĐH Southem California

1.467.330

0

2.404.232

7

Lee C. Bollinger

ĐH Columbia

1.405.761

700.000

2.211.069

8

Paula S. Wallace

CĐ Nghệ thuật và thiết kế Savannah

966.347

944.622

2.196.808

9

Richard M. Joel

ĐH Yeshiva

660.234

0

2.163.103

10

Jofn L. Lahey

ĐH Quinnipiac

1.060.000

0

2.045.417

11

Steven Knapp

ĐH George Washington

728.187

109.315

1.945.528

12

Morton O. Schapiro

ĐH Northwestem

1.096.539

250.000

1.788.821

13

Ronald J. Daniels

ĐH John Hopkins

1.281.704

0

1.734.651

14

Andrew Hamilton

ĐH New York

1.518.650

0

1.693.407

15

Mark S. Wrighton

ĐH Washington ở St. Louis

1.038.920

0

1.661.242

16

Barbara Snyder

ĐH Case Western Reserve

799.597

225.000

1.637.503

17

Joseph E. Aoun

ĐH Northeastern

903.954

200.000

1.635.770

18

Mark Lombardi

ĐH Maryville ở Saint Louis

610.290

938.541

1.617.627

19

Joel Seligman

ĐH Rochester

1.307.941

250.000

1.605.726

20

Robert A. Brown

ĐH Boston

1.062.008

0

1.599.632

Cứ xem tổng mức được hưởng/năm của các hiệu trưởng tại bảng này là thu nhập chưa trừ thuế và các khoản phí, thì người có thu nhập thấp nhất hơn thầy Danh 5 lần; người cao nhất hơn thầy Danh xấp xỉ 30 lần.

Việc trả thu nhập một cách công bằng, minh bạch, bảo đảm cơ sở pháp lý của một trường đại học tự chủ; mà ở đó, nguồn trả thu nhập chính là một phần thặng dư do sự quản lý hiệu quả và năng suất lao động rất cao tạo ra, không có gì là sai!.

Đó là chưa nói đến việc giảng viên, viên chức như tôi luôn thấy rằng thu nhập mà thầy Danh được hưởng từ Trường chưa là gì hết so với công sức và thành quả mà thày đã mang đến cho Trường và cho chúng tôi trong suốt 13 năm qua; một người đã bỏ cả đời ra vì Trường Đại học Tôn Đức Thắng, vì mục tiêu đưa giáo dục đại học Việt Nam sánh vai với các nước khổng lồ, làm việc 12 đến 13 giờ/ngày, 7 ngày/tuần và 360 ngày/năm.

Đó là chưa nói đến việc cách trả thu nhập như trên đã giúp Trường Đại học Tôn Đức Thắng thu hút và xây dựng được nguồn nhân lực hùng mạnh (hơn 1400 nhân sự) và đa số tuyệt đối là có năng lực, giúp Trường chỉ trong vòng 13 năm đã vào TOP 700 và 800 thế giới ở những bảng xếp hạng khó nhất, giảng viên, viên chức yên tâm công tác, phát huy cao năng suất/ năng lực làm việc, hết lòng vì sự phát triển chung của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Trân trọng cảm ơn ông.

Thùy Linh