Trường ĐH có gần 60% GV thỉnh giảng, kiến nghị Bộ GD có phần mềm quản lý giờ dạy

02/12/2023 06:30
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chuyên gia giáo dục đại học cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên hướng dẫn các trường có phần mềm quản lý dạy học của giảng viên.

Qua quá trình tìm hiểu thông tin trong Đề án tuyển sinh năm 2022, 2023 của Trường Đại học Đông Đô, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết “Gần 60% giảng viên là thỉnh giảng, Hiệu trường Đại học Đông Đô nói đó là bình thường”

Trong đó, bài viết có đề cập đến số giảng viên thỉnh giảng của Trường Đại học Đông Đô nhiều hơn giảng viên toàn thời gian. Cụ thể, năm 2023, tổng giảng viên của Trường Đại học Đông Đô là 481 giảng viên, trong đó có 211 giảng viên toàn thời gian và 270 giảng viên thỉnh giảng (nhiều hơn giảng viên toàn thời gian 59 người). Năm 2022, nhà trường có tổng 495 giảng viên, trong đó có 225 giảng viên toàn thời gian và 270 giảng viên thỉnh giảng (nhiều hơn giảng viên toàn thời gian 45 người).

Liên quan đến đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, về mặt pháp lý, tại Điều 3, Chương II của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ quy định: “giảng viên thỉnh giảng (tính theo từng năm học) chỉ đảm nhận tối đa 30% khối lượng giảng dạy ở mỗi thành phần trong chương trình đào tạo” [1].

Và theo Thông tư số 10/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT ban hành quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, quy định số giảng viên thỉnh giảng quy đổi được tính tối đa bằng 10% tổng số giảng viên toàn thời gian quy đổi của cơ sở đào tạo xác định theo lĩnh vực đào tạo [2].

Dư luận băn khoăn số giảng viên thỉnh giảng nhiều hơn giảng viên toàn thời gian thì nhà trường bố trí giảng dạy ra sao, chất lượng đào tạo thế nào?

Trước thực tế này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, việc cơ sở giáo dục đại học có giảng viên thỉnh giảng nhằm có thêm đội ngũ giảng viên dạy tốt, mức lương trả cho đội ngũ giảng viên này cũng ít hơn so với giảng viên cơ hữu.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến. Ảnh: Ngọc Ánh

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến. Ảnh: Ngọc Ánh

"Một số trường đại học không có khả năng tuyển dụng giảng viên cơ hữu chất lượng (do yếu tố kinh tế) thì luôn muốn tăng số lượng giảng viên thỉnh giảng", Tiến sĩ Khuyến chia sẻ.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, việc tuyển mới đội ngũ giảng viên cơ hữu có thể chất lượng cũng không thể bằng những giảng viên là các chuyên gia đầu ngành, giảng viên cao cấp ở trường này về trường kia về thỉnh giảng. Tuy nhiên, có giảng viên cơ hữu thì nhà trường sẽ chủ động được việc sắp xếp thời khoá biểu, kế hoạch dạy học. Còn bố trí kế hoạch dạy học của giảng viên thỉnh giảng phụ thuộc vào công việc của họ nên thời khoá biểu không ổn định, khó chủ động nhất là khi đào tạo theo tín chỉ.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường quản lý bằng cách giám sát kế hoạch giảng dạy đối với giảng viên của trường đại học. Đồng thời, hoạt động kiểm định chất lượng không thể mang tính hình thức, phải nắm được kế hoạch phân công giảng dạy đối với giảng viên thỉnh giảng, giảng viên toàn thời gian”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nói.

Cùng bàn về nội dung này, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ cho biết, không hạn chế số lượng giảng viên thỉnh giảng trong trường đại học, bởi vì với trường không có giáo sư đầu ngành thì việc mời giảng viên thỉnh giảng nhằm tạo điều kiện cho trường khai thác nguồn các giảng viên là giáo sư, phó giáo sư.

“Bên cạnh số lượng giảng viên thỉnh giảng thì cơ sở đào tạo phải duy trì một lực lượng cán bộ giảng viên toàn thời gian đảm bảo tỷ lệ xác định. Theo quy định của Thông tư số 02, giảng viên thỉnh giảng không được nhận quá 30% khối lượng giảng dạy ở mỗi thành phần trong chương trình đào tạo”, thầy Vận chia sẻ.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ. Ảnh: UEB

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ. Ảnh: UEB

Lợi thế của cơ sở đào tạo khi có giảng viên thỉnh giảng là khai thác được nguồn nhân lực từ xã hội thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục và xây dựng nền giáo dục theo định hướng mở từ Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nhà trường "mở cửa" để những giáo sư, phó giáo sư đầu ngành và các nhà khoa học, nhà quản lý kinh tế và xã hội hợp đồng với nhà trường đảm nhận các nhiệm vụ giảng dạy, tạo sự đa dạng trong phương pháp, phong phú trong nội dung, trực tiếp gắn nhà trường với thực tiễn cuộc sống để góp phần nâng cao chất lượng và đổi mới giáo dục.

Tuy nhiên, thầy Vận cho rằng, để đảm bảo chất lượng, các trường còn phải giải quyết được bài toán làm thế nào để giảng viên thỉnh giảng tham gia vào các hoạt động đảm bảo kiểm định chất lượng chung của trường.

"Từ hoạt động kiểm định chất lượng chương trình đào tạo cho thấy, giảng viên thỉnh giảng hiện chỉ được mời dạy học, chưa có điều kiện tham gia đầy đủ việc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, thiết kế đề cương chi tiết học phần, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá như các giảng viên toàn thời gian nên lãnh đạo các trường phải dung hoà việc vừa khai thác khả năng giảng dạy, vừa thu hút giảng viên thỉnh giảng vào các công việc chung của trường, của khoa trong lĩnh vực đào tạo", thầy Vận nói.

Từ thực tế một số trường đại học có số lượng giảng viên thỉnh giảng hơn giảng viên toàn thời gian, thầy Vận cho rằng: "Vấn đề không nằm ở số lượng giảng viên thỉnh giảng mà ở khối lượng học phần do các giảng viên này đảm nhận bao nhiêu.

Theo quy định của Bộ, muốn duy trì ngành đào tạo, trường phải đảm bảo đủ số lượng đội ngũ nhưng vấn đề là để "nuôi" số giảng viên đảm bảo theo quy định thì cần tuyển được một lượng tối thiểu sinh viên cho ngành đó. Do vậy, nếu tuyển sinh tốt thì sẽ tuyển được giảng viên toàn thời gian tốt chứ không cần giảng viên thỉnh giảng quá nhiều".

Liên quan đến việc làm thế nào để quản lý trong thực hiện quy định giảng viên thỉnh giảng đảm nhận tối đa 30% khối lượng giảng dạy ở mỗi thành phần trong chương trình đào tạo, thầy Vận cho biết, đoàn đánh giá ngoài khi thực hiện kiểm định chất lượng chương trình đào tạo có thể nắm được giảng viên thỉnh giảng một trường đảm nhận bao nhiêu % học phần trong chương trình đào tạo thông qua việc theo dõi thời khoá biểu phân công nhiệm vụ của giảng viên thỉnh giảng.

Để làm rõ một trường có vi phạm quy định "giảng viên thỉnh giảng chỉ đảm nhận tối đa 30% khối lượng giảng dạy ở mỗi thành phần trong chương trình đào tạo" hay không, điều kiện là phải biết được giảng viên thỉnh giảng làm nhiệm vụ gì trong trường, đảm nhận bao nhiêu tín chỉ của chương trình, dạy những gì,...

Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên hướng dẫn các trường có phần mềm quản lý dạy học của giảng viên. Với phần mềm đó, khi nhà trường cập nhật thời khoá biểu của các lớp, cho dù là lớp niên chế hay lớp tín chỉ với lịch giảng dạy của giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng cho tất cả chương trình đào tạo, các khoá học, việc tính tỷ lệ phần trăm mà giảng viên thỉnh giảng tham gia sẽ không phải là quá khó khăn.

Thông tư liên quan:

[1] Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ

[2] Thông tư số 10/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT ban hành quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Ngọc Mai