LTS: Xung quanh câu chuyện tự chủ tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng và những vấn đề trong mối quan hệ với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hiện nay, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Trưởng ban hỗ trợ chất lượng đại học, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông, Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Báo Đầu tư ngày 15/9/2020 có bài "Khoan thứ sức doanh nghiệp: Bắt đầu từ sự hợp lý về kinh phí công đoàn", dẫn lời ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhắc lại đề xuất từ 2012 góp ý cho ban soạn thảo Luật Công đoàn khi đó:
“Các doanh nghiệp thủy sản nhiều năm qua vẫn hết sức băn khoăn, bức xúc với quy định phải nộp thêm là kinh phí công đoàn 2% quỹ lương đã được đưa vào Luật Công đoàn (năm 2012), ngoài quy định 1% phí công đoàn mà công đoàn viên đã nộp."
Theo quy định hiện hành, kinh phí công đoàn do doanh nghiệp đóng tính 2% trên quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Doanh nghiệp nào cũng phải đóng khoản này, không phân biệt có tổ chức công đoàn hay không.
Đây là con số không hề nhỏ. Một doanh nghiệp thủy sản có 13.000 lao động đã tính, năm 2017, kinh phí công đoàn họ phải nộp là trên 10,2 tỷ đồng (trên tổng quỹ lương là 514 tỷ đồng) và năm 2018 là trên 11,5 tỷ đồng. Các con số này sẽ tăng theo mức tăng của lương tối thiểu… Trong số này, khoảng 30% sẽ nộp lên công đoàn cấp trên, số để lại doanh nghiệp sẽ được sử dụng theo quy chế thu - chi tài chính của công đoàn.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết, nếu không có quy định phải nộp khoản 2% này, quỹ lương của doanh nghiệp sẽ có phần kinh phí đó và đương nhiên, lương của người lao động có cơ hội được cộng thêm ít nhiều. [1]
Lùm xùm quanh chuyện Kiếm toán phát hiện kết dư hàng ngàn tỷ đồng phí công đoàn
VTV ngày 15/9/2020 đưa tin, theo Thủ tướng, nếu COVID-19 kéo dài, phải tính đến các yêu cầu khoan thư sức dân, tiếp tục thực hiện chính sách giãn, hoãn, miễn giảm các loại thuế phí cho doanh nghiệp. [2]
Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đều rất quyết liệt chỉ đạo giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19 gây ra, ảnh chụp màn hình. |
Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 19/8/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh: “Tôi yêu cầu tất cả các đồng chí, đặc biệt là các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ thấm nhuần tinh thần chủ động, tích cực, nỗ lực vượt khó. Chúng ta cần thể hiện trách nhiệm trước nhân dân, trước đất nước, không có quyền anh quyền tôi, cho suy nghĩ cá nhân chi phối, không để tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. [3]
Trước đó, dư luận cộng đồng doanh nghiệp và người lao động xôn xao về báo cáo của Kiểm toán nhà nước "phát hiện nhiều sai phạm trong việc sử dụng tài chính, tài sản công" theo tường thuật của Báo Công an ngày 9/9/2020, sau khi kiểm toán tại Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. [4]
VietnamNet ngày 9/9/2020 có bài viết "Kiểm toán nhà nước: Chấm dứt mang tiền công đoàn góp vốn và cho vay" cho biết, khi xem xét số liệu quyết toán thu chi tại các cấp công đoàn, Kiểm toán Nhà nước nhắc đến một bất cập là cấp công đoàn cơ sở không đảm bảo kinh phí hoạt động, không có tích lũy và không có thu khác từ lãi tài chính công đoàn tích lũy, hạn chế các khoản chi chăm lo trực tiếp cho người lao động.
Thế nhưng, ở chiều ngược lại, các cơ quan công đoàn cấp trên cơ sở, liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố; Tổng Liên đoàn lao động lại sử dụng kinh phí tích lũy chỉ để gửi ngân hàng có kỳ hạn, đầu tư, cho vay…
Theo Kiểm toán Nhà nước, đến cuối năm 2019, số tài chính công đoàn tích lũy là hơn 28,95 nghìn tỉ đồng, chủ yếu tập trung tại cấp liên đoàn lao động tỉnh, thành phố và tương đương (chiếm 36% toàn ngành), trong đó một số công đoàn có nguồn tích lũy cao hơn rất nhiều so với nguồn chi trong năm. Đơn cử, Công đoàn giao thông vận tải tích lũy bằng 225% tổng chi.
Hoạt động đầu tư góp vốn, mua cổ phần, liên doanh, liên kết, cho vay từ nguồn tích lũy còn chưa có cơ chế rõ ràng, minh bạch, chưa quy định về thời hạn trả nợ, điều kiện ràng buộc và trách nhiệm trả nợ cũng như không giám sát việc sử dụng vốn vay. Trong đó, Tổng Liên đoàn Lao động chủ yếu cho vay xây trụ sở từ 2011 đến nay là 167,5 tỉ, nhưng chưa có giải pháp thu hồi. [5]
Báo Đại Đoàn Kết trong bài "Chi lương, kinh phí cho cán bộ công đoàn cao ngất ngưởng" [6] đăng ngày 10/9/2020 cho biết, cùng ngày Thường vụ Quốc hội họp phiên 48, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn được ưu tiên xem xét, góp ý đầu tiên. Và vấn đề được quan tâm nhất trong lần sửa đổi này là việc hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh mới.
Theo tờ trình của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Đình Khang ký gửi Thường vụ Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn khẳng định việc giữ ổn định nguồn thu kinh phí công đoàn 2% là hết sức cần thiết cho hoạt động của mình.
Ngoài những "sai phạm" theo tường thuật/bình luận của Báo Công an Nhân dân, có thể thấy trong lúc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đang nỗ lực tìm giải pháp giảm thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn thách thức do Covid-19 gây ra, thì dường như Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đang đứng ngoài cuộc?
Đến bi kịch của "gà đẻ trứng vàng"
Sau những lùm xùm tranh cãi giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trường Đại học Tôn Đức Thắng tháng 5/2019, ngày 9/6/2019 Báo Nhân Dân dẫn lời ông Phan Văn Anh - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định: "Không có việc buộc Đại học Tôn Đức Thắng phải trích nộp chênh lệch thu chi".
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, ảnh: Thùy Linh. |
Nói về việc "Trường có được cơ sở vật chất như ngày hôm nay", ông Phan Văn Anh ví von: Từ quả trứng nở thành con gà vàng, đó là công sức chung của nhiều người, nhiều thế hệ. [7]
Năm 2016, ngày 24/10 Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ông Bùi Văn Cường ký Quyết định số 1712/QĐ-TLĐ ban hành quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp của công đoàn, trong đó quy định:
“Đơn vị tự đảm bảo kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế, mức nộp cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên quyết định”. Quyết định 1712/QĐ-TLĐ thay thế cho Quyết định số 1684/QĐ-TLĐ ngày 7/11/2006.
Năm 2017, Tổng Liên đoàn thành lập Đoàn kiểm tra quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng [7], Đoàn kiểm tra kiến nghị Tổng Liên đoàn hàng năm phê duyệt Dự toán thu, chi của Trường và giao nghĩa vụ phải nộp lên Tổng Liên đoàn theo Quy định số 1684/QĐ-TLĐ ngày 7/11/2006 (quy định này đã hết hiệu lực và bị thay thế bởi Quy định 1712/QĐ-TLĐ).
Ngày 18/10/2017, Trường Đại học Tôn Đức Thắng có văn bản 1970/2017/TĐT-VB gửi Đoàn kiểm tra Tổng liên đoàn để có ý kiến về một số nội dung của dự thảo kiểm tra trên, theo đó Nhà trường khẳng định, trong giai đoạn 2015-2016 khi Quyết định 1684/QĐ-TLĐ đang có hiệu lực, Trường không thuộc đối tượng áp dụng quy định này.
Hơn nữa, Văn bản 3995/VPCP-KGVX ngày 18/6/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng nêu rõ, không chuyển các thu nhập của Trường (học phí, các tài trợ khác, khoản thu từ hợp đồng nghiên cứu khoa học, dịch vụ, biếu tăng) cho Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hoặc cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào ngoài Trường. [8]
Ảnh chụp màn hình. |
Do đó Trường Đại học Tôn Đức Thắng khẳng định, kiến nghị "Tổng liên đoàn hàng năm phê duyệt Dự toán thu, chi của Trường và giao nghĩa vụ phải nộp lên Tổng Liên đoàn" là không phù hợp với các quy định của pháp luật nhà nước.
Sau khi Trường có ý kiến, ngày 29/11/2017, Tổng Liên đoàn (chứ không phải Đoàn kiểm tra, người viết chú thích) có văn bản số 1993/TLĐ do Trưởng ban Tài chính Phan Văn Anh thừa lệnh Đoàn chủ tịch ký, trả lời:
- Năm 2015 và năm 2016: xét Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ và Văn bản số 3995/VPCP-KGVX ngày 18/6/2008 về việc xây dựng quy chế hoạt động của Trường cho phép Trường Đại học Tôn Đức Thắng được hưởng quy chế đặc thù. Đoàn Kiểm tra ghi nhận ý kiến và sẽ xin ý kiến Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn về nội dung này.
- Năm 2017: Đoàn Kiểm tra vẫn giữ nguyên quan điểm như trong dự thảo kết luận kiểm tra ("Kiến nghị: Tổng Liên đoàn hàng năm phê duyệt Dự toán thu, chi của Trường và giao nghĩa vụ phải nộp lên Tổng Liên đoàn theo quy định", ở đây là quy định số 1684/QĐ-TLĐ đã hết hiệu lực chứ không phải quy định 1712/QĐ-TLĐ đang có hiệu lực ở thời điểm kiểm tra, người viết chú thích).
Ảnh chụp màn hình trang số 7 văn bản 1933/TLĐ ngày 29/11/2017 của Tổng Liên đoàn trả lời Công văn 1970/2017/TĐT-VB ngày 18/10/2017 của Trường Đại học Tôn Đức Thắng. |
Năm 2018, Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhận được văn bản số 837/TLĐ đôn đốc thực hiện nộp nghĩa vụ từ thu hoạt động kinh tế về Tổng Liên đoàn, do Trưởng ban Tài chính Phan Văn Anh thừa lệnh Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn ký, yêu cầu các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng Liên đoàn căn cứ lợi nhuận sau thuế từ đầu tư tài chính và hoạt động kinh tế nộp Tổng Liên đoàn 30%.
Ảnh chụp công văn 837/TLĐ ngày 3/5/2018 về việc đôn đốc thực hiện nộp nghĩa vụ về Tổng Liên đoàn mà Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhận được. |
Sau tuyên bố ngày 9/6/2019 của ông Phan Văn Anh, Tổng Liên đoàn không những không thu hồi văn bản 837/TLĐ hay sửa đổi Quy định 1712/QĐ-TLĐ để khẳng định sự nhất quán với tuyên bố trên - không đòi Trường nộp 30% kết quả tài chính sau nộp thuế, mà còn tổ chức 2 đợt kiểm tra Nhà trường về quản lý và sử dụng tài chính, tài sản.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chuyển hồ sơ cho Ủy ban Kiểm tra trung ương, đề nghị cơ quan này kiểm tra tiếp. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chuyển hồ sơ cho Ủy ban Kiểm tra thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, thành phần đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra thành ủy thành phố Hồ Chí Minh lại lấy Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Phan Văn Anh tham gia và giữ chức Phó trưởng đoàn kiểm tra.
Ông Phan Văn Anh chính là Trưởng đoàn kiểm tra Trường Đại học Tôn Đức Thắng năm 2017, cũng chính ông Phan Văn Anh 2 lần ký văn bản đòi Trường trích nộp 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế về Tổng Liên đoàn. Khi vụ việc vỡ lở, cũng lại ông Phan Văn Anh lên truyền thông phủ nhận những gì chính mình đã ký rằng không có chuyện đòi Trường trích nộp 30% [7].
Ảnh chụp màn hình. |
Vì vậy cho nên để ông Phan Văn Anh giữ chức Phó trưởng đoàn kiểm tra của Ủy ban kiểm tra Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh khó có có thể đảm bảo tính khách quan, nếu không muốn nói kết luận kiểm tra bị tác động từ phía Tổng liên đoàn, dựa vào kết luận kiểm tra này, Tổng Liên đoàn ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng đối với Giáo sư Lê Vinh Danh.
Về quyết định tạm đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng đối với Giáo sư Lê Vinh Danh thiếu cơ sở pháp lý, luật sư Nguyễn Thành Công đã phân tích, còn bối cảnh Tổng Liên đoàn ký quyết định này liệu có liên quan gì đến lùm xùm đòi trích nộp 30% sau thuế?.
Nếu Trường “ngoan ngoãn” đóng 30% lợi nhuận sau thuế về Tổng Liên đoàn, Hiệu trưởng Lê Vinh Danh có phải đối mặt với kết cục hôm nay?
Tuyên bố của một người được cho là lãnh đạo Tổng Liên đoàn trên Báo Tuổi trẻ ngày 17/9 rằng trước 22/10 Trường Đại học Tôn Đức Thắng sẽ có Hiệu trưởng mới phải chăng là bước chuẩn bị dư luận cho nước cờ cuối cùng, loại Giáo sư Lê Vinh Danh khỏi chức vụ Hiệu trưởng hợp pháp để cơ quan chủ quản chỉ định người vào vị trí này, qua đó nắm quyền kiểm soát hoàn toàn bộ máy Nhà trường?.
Nếu quả thực như vậy, thì cái được và cái mất ở đây là gì? Cái “được” có thể là Đơn vị chủ quản sẽ chiếm được quyền kiểm soát Trường với nhìn nhận đây là một cơ ngơi ví như “con gà đẻ trứng vàng”, thực hiện mục tiêu 30% doanh thu sau thuế hoặc hơn thế nữa. Cái “được” ai đó nghĩ rằng sẽ hạ được uy tín Giáo sư Lê Vinh Danh, thì họ đã nhầm, bởi uy tín Giáo sư Lê Vinh Danh gắn liền với các thành tích không thể phủ nhận của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã và đang có.
Còn cái “mất” ở đây là gì? Khi cố vội thay thế Giáo sư Lê Vinh Danh bằng một nhân sự còn chưa đủ kinh nghiệm quản lý, chưa am hiểu và chưa sống chết với con đường thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW về tự chủ đại học, chưa giám đấu tranh để xin từng cơ chế thực hiện cho được Nghị quyết của Trung ương thì trường đại học tự chủ đầu tiên và thành công nhất cho đến nay theo đúng tinh thần Nghị quyết 19/NQ-TW có thể sẽ đi xuống. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này?
Cái mất lớn hơn nữa là lòng tin. Ai còn tin vào sự thành công của chủ trương tự chủ đại học để tự nguyện đi theo, khi thấy những người đi tiên phong thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước bị đối xử như vậy?
Tài liệu tham khảo:
[1]https://baodautu.vn/khoan-suc-doanh-nghiep-bat-dau-tu-su-hop-ly-ve-kinh-phi-cong-doan-d129464.html
[2]https://vtv.vn/kinh-te/can-giam-gian-thue-phi-de-cuu-doanh-nghiep-20200915184247454.htm
[3]http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thu-tuong-Khong-the-khoanh-tay-dung-nhin-kho-khan-cua-nguoi-dan-doanh-nghiep/404790.vgp
[4]http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Phat-hien-nhieu-sai-pham-trong-viec-su-dung-tai-chinh-tai-san-cong-610806/
[5]https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/kiem-toan-nha-nuoc-cham-dut-mang-tien-cong-doan-gop-von-va-cho-vay-672588.html
[6]http://daidoanket.vn/chi-luong-kinh-phi-cho-can-bo-cong-doan-cao-ngat-nguong-506949.html
[7]https://nhandan.com.vn/dien-dan-giao-duc/khong-co-viec-buoc-dai-hoc-ton-duc-thang-phai-trich-nop-chenh-lech-thu-chi-361228/
[8]http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&mode=detail&document_id=69197