Tỷ lệ phụ nữ ở Mù Cang Chải chưa biết chữ còn cao vì chồng không ủng hộ đi học

22/02/2023 06:36
Hoài Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Xác định xóa mù chữ là nhiệm vụ quan trọng, nhiều năm nay, Yên Bái xây dựng các chính sách với kỳ vọng gia tăng số người biết chữ. 

Là một tỉnh miền núi phía Bắc, Yên Bái có hơn 82 vạn người với trên 30 dân tộc cùng sinh sống. Dân tộc thiểu số chiếm 57,3%. Trong đó, Mù Cang Chải và Trạm Tấu là hai huyện nghèo đặc biệt khó khăn với 70 xã vùng cao và 59 xã đặc biệt khó khăn.

Nỗ lực duy trì tỉ lệ chuyên cần cho các lớp xóa mù

Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh Yên Bái có 173/173 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ I, đạt 100%; 163/173 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ II, đạt 94,2%.

9/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ I, đạt 100%; 7/9 đơn vị cấp huyện duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ II, đạt 77,8%.

Cũng theo thống kê, tính đến năm 2022, tỉ lệ người biết chữ ở độ tuổi 15 - 25 đạt 99,77%; độ tuổi 26 - 35 đạt 97,3% và độ tuổi 36 - 60 đạt 90,09%.

Như vậy, tỉ lệ người chưa biết chữ ở độ tuổi 15 - 25 là 0,23%; độ tuổi 26 - 35 là 2,7% và ở độ tuổi 36 - 60 tuổi là 9,91%.

Chia sẻ về những kết quả đạt được, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho biết: Trước khi tổ chức lớp xóa mù chữ, các trường trên địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại số lượng người chưa biết chữ. Sau đó các trưởng thôn, trưởng bản, các ban ngành, đoàn thể sẽ thông tin, tuyên truyền về kế hoạch mở lớp tới người dân. Tiếp theo là điều tra nhu cầu và lập danh sách học viên mong muốn học xóa mù, trình Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện để tiến hành các bước mở lớp.

Hằng năm, tỉnh Yên Bái đều quan tâm, bố trí nguồn kinh phí duy trì công tác xóa mù chữ. Ước tính mỗi năm mức kinh phí này rơi vào khoảng 1,2 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. nguồn: Báo Yên Bái

Ảnh minh họa. nguồn: Báo Yên Bái

Để đạt được những kết quả này, ngành giáo dục đã nỗ lực vượt qua nhiều thách thức. Đặc biệt là vượt qua khó khăn trong công tác huy động người dân tham gia các lớp học này.

Không chỉ vận động học viên ra lớp, công tác duy trì chuyên cần, sĩ số của các lớp xóa mù chữ cũng là một trong những nhiệm vụ căn bản được các cấp chính quyền đặt ra. Tuy nhiên, do người chưa biết chữ tại địa phương đa phần là người lớn tuổi, hoặc lao động chính trong gia đình, cùng với nhận thức về lợi ích của việc học tập còn nhiều hạn chế nên việc huy động họ tham gia các lớp xóa mù chữ càng trở nên khó khăn.

Hơn nữa theo chương trình xóa mù chữ ban hành năm 2021, thời lượng mỗi kì học đều tăng hơn trước.

Trước tình hình đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc công tác vận động học viên đi học xóa mù chữ, nỗ lực duy trì tỉ lệ chuyên cần.

Đồng thời xây dựng kế hoạch giáo dục tại các nhà trường, kế hoạch môn học theo khung phân phối chương trình của văn bản mới, sao cho đảm bảo phù hợp với nhận thức của các học viên.

Tham mưu bố trí nguồn kinh phí, huy động các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ cho các xã vùng đặc biệt khó khăn thuộc các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên nhằm củng cố và duy trì vững chắc kết quả xóa mù chữ mức độ 1, nâng dần số xã đạt chuẩn mức độ 2. Đối với các xã khó khăn khác, các huyện tiếp tục huy động các nguồn lực, tăng cường mở các lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

Tăng đối tượng xóa mù, sẽ phải tăng số lượng giáo viên

Hiện nay, Mù Cang Chải và Trạm Tấu là hai huyện có tỷ lệ người dân chưa biết chữ cao nhất toàn tỉnh. Dù là các địa phương đang trên đà phát triển du lịch mạnh mẽ, thế nhưng với địa hình đồi núi cao, người dân đi lại khó khăn, nhiều gia đình dựng lán nương xa nhà, một số khác đi làm ăn xa dài ngày nên khó vận động người dân ra lớp.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng phòng Giáo dục huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái cho biết: “Xóa mù chữ giúp nâng cao dân trí, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương một cách bền vững".

Tính đến hết năm 2022, tại huyện Mù Cang Chải, người từ 15 đến 35 tuổi đạt chuẩn biết chữ mức độ I là 97,57%, đạt chuẩn biết chữ mức độ II là 91,36%. Đây là điều kiện tốt giúp người dân chủ động trong tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng đời sống trong bối cảnh xã hội đang ngày càng số hoá trong mọi lĩnh vực.

"Tuy nhiên hiện nay, huyện đang gặp khó khăn lớn là thiếu giáo viên, cộng thêm việc chị em phụ nữ không được chồng ủng hộ đi học nên tỷ lệ người dân chưa biết chữ vẫn còn khá cao. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, chúng tôi đang nỗ lực hết sức để số người biết chữ tăng lên và số người tái mù chữ giảm xuống", ông Nguyễn Anh Thủy cho biết.

Cho ý kiến Dự thảo về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của Chính phủ, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đánh giá đây là những sửa đổi phù hợp.

Theo dự thảo, độ tuổi xóa mù chữ sẽ có sự thay đổi. Đối tượng xóa mù chữ là những người trong độ tuổi từ 15 đến 62 chưa biết chữ (tăng tuổi tối đa cho đối tượng xóa mù - quy định hiện hành đang quy định độ tuổi từ 15 đến 60). Như vậy, đối tượng được học xóa mù, tăng cường khả năng giao tiếp, đọc, viết bằng tiếng Việt cũng sẽ tăng lên. Nếu dự thảo được đưa vào thực hiện, tỉnh Yên Bái sẽ không gặp thêm quá nhiều khó khăn.

Còn theo ông Nguyễn Anh Thủy: "Huyện Mù Cang Chải sẽ cần thời gian để tính toán, chuẩn bị tốt các nguồn lực, trong đó có nguồn lực về con người và nguồn lực về tài chính. Bởi nâng độ tuổi tối đa cho đối tượng xóa mù chữ cũng đồng nghĩa với việc số lượng người tới lớp sẽ tăng lên. Điều này dẫn đến số lượng giáo viên và các chi phí khác cũng sẽ tăng theo".

Hoài Linh