Vẫn lo về chấm thi tự luận môn Ngữ văn

11/05/2019 06:20
THIÊN ẤN
(GDVN) - Nếu giao cho các trường đại học chấm chia theo một số cụm thì cũng khó trông mong tất cả bài thi môn Ngữ văn đều được thẩm định, đánh giá chuẩn xác nhất.

LTS: Trong bài viết này, thầy giáo Thiên Ấn chia sẻ những điểm mới trong quy chế thi trung học phổ thông quốc gia, đồng thời bày tỏ những lo lắng về khâu chấm thi tự luận môn Ngữ văn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đâu là những điểm mới?

Theo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp áp dụng cho kỳ thi năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ cho các trường đại học, cao đẳng chủ trì tổ chức chấm thi trắc nghiệm tại các hội đồng thi.

Trường đại học, cao đẳng được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ cử người đúng thành phần quy định để thành lập Ban chấm thi trắc nghiệm.

Người có nhân thân dự thi trong năm tổ chức thi không tham gia ban chấm thi trắc nghiệm tại địa phương nơi thí sinh đó dự thi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện thanh tra trực tiếp tất cả các nhiệm vụ của Ban chấm thi trắc nghiệm theo quy định.

Ảnh minh họa. (Nguồn: hanoimoi.com.vn)
Ảnh minh họa. (Nguồn: hanoimoi.com.vn)

Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương chịu trách nhiệm chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống máy tính, máy quét ảnh và các thiết bị phụ trợ đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; phối hợp với lực lượng công an, bảo vệ đảm bảo an ninh, an toàn, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh đảm bảo kinh phí cho chấm thi trắc nghiệm.

Trường hợp là các thí sinh tự do, thí sinh giáo dục thường xuyên được bố trí dự thi chung với thí sinh giáo dục Trung học phổ thông, tổ chức thi tại một số điểm thi do giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo quyết định.

Tại các điểm thi đó, việc lập danh sách để sắp xếp phòng thi được thực hiện theo quy định, không phân biệt thí sinh tự do, giáo dục thường xuyên…     

Thông tư quy định rõ, các thành viên của Ban chấm thi trắc nghiệm, các thành viên tổ giám sát và người đang thi hành nhiệm vụ liên quan không được mang theo bút chì, tẩy và các vật dụng bị cấm khác theo quy định vào phòng chấm thi; không được sửa chữa, thêm bớt vào phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh với bất kỳ hình thức nào hay bất kỳ lý do gì.

Trong công tác phối hợp chung, theo điều động của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ thành lập đoàn cán bộ, giảng viên tham gia phối hợp tổ chức thi tại các hội đồng thi ở các địa phương.

Kinh phí cho cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng được Bộ Giáo dục và Đào tạo điều động về địa phương tham gia tổ chức thi, coi thi, chấm thi và các công tác liên quan khác do địa phương chi trả theo quy định hiện hành.

Năm nay, khâu bảo quản, sử dụng đề thi và bảo quản bài thi tại điểm thi cũng hết sức được chú ý.

Vẫn lo về chấm thi tự luận môn Ngữ văn ảnh 2Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ

Theo quy định, đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt.

Tủ đựng đề thi, bài thi phải đảm bảo chắc chắn, phải được khóa và niêm phong (nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của trưởng điểm thi và phó trưởng điểm thi là người của trường đại học, cao đẳng phối hợp), chìa khóa do trưởng điểm thi giữ.

Khi mở niêm phong phải có chứng kiến của công an và những người ký nhãn niêm phong; đồng thời lập biên bản ghi rõ thời gian và lý do mở, tình trạng niêm phong (biên bản phải có đủ họ - tên, chữ ký của trưởng điểm thi và những người chứng kiến).

Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có lực lượng công an trực và bảo vệ 24 giờ/ngày; đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ.

Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải đảm bảo an toàn, chắc chắn; có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày; có công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày và 1 cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi của trường đại học, cao đẳng (phó trưởng điểm thi hoặc thư ký) thường trực đêm tại phòng trong thời gian đề thi, bài thi được lưu tại điểm thi.

Sau khi bàn giao xong, túi đựng bài thi, phiếu thu bài của từng phòng thi được thư ký của điểm thi cùng 2 cán bộ coi thi niêm phong tại chỗ.

Môn Văn khó chấm đồng bộ

Sau những gian lận thi cử tại Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra nhiều giải pháp để ngăn ngừa tiêu cực từ khâu chấm thi trắc nghiệm trong Thông tư sửa đổi, bổ sung ở trên.

Tuy nhiên, riêng với môn thi tự luận (môn Ngữ văn), Bộ vẫn chưa có giải pháp cụ thể. Trong khi đó, mối lo chấm chặt, chấm lỏng môn thi này mùa thi năm nào cũng được đặt ra.

Kết quả chấm thẩm định môn Ngữ văn tại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 cho thấy có 11%-16% bài thi ở các tỉnh được chấm thẩm định đều giảm điểm so với kết quả ban đầu.

Vẫn lo về chấm thi tự luận môn Ngữ văn ảnh 3Ước gì năm nay không phải đi chấm thi!

3 giáo viên chấm thi môn Ngữ văn ở Hòa Bình cũng vừa bị khởi tố vì liên quan đến gian lận thi cử tại địa phương này.

Mối lo chấm chặt, chấm lỏng môn thi tự luận không phải là không có cơ sở.

Còn nhớ, năm 2011, 11 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã bắt tay nhau để nới lỏng biểu điểm chấm thi, khiến cho kết quả thi bị đánh giá sai lệch so với chuẩn... tại kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Tại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, 3 địa phương có gian lận thi cử thì môn Ngữ văn cũng là môn được sửa điểm.

Cụ thể, Hòa Bình có 22 thí sinh được nâng điểm môn Ngữ văn. Sơn La có 42 bài thi ngữ văn được sửa điểm. 

Lạng Sơn, địa phương không phát hiện ra gian lận thi cử nhưng cũng có ý kiến của dư luận thì kết quả chấm thẩm định môn Văn của Hội đồng chấm thẩm định, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết:

Sau khi tiến hành chấm thẩm định 51 bài thi môn Ngữ văn, không bài thi nào có điểm tăng lên; 8 bài giảm điểm (chiếm 15,7%).

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018, cả nước có 901.806 thí sinh dự thi môn ngữ văn, với điểm trung bình 5,45.

Có 32,3% thí sinh điểm dưới trung bình, trong đó 783 thí sinh bị điểm liệt (từ 0 đến dưới 1).

Tỉnh Hậu Giang là địa phương có điểm trung bình môn văn cao nhất - 6,49 điểm.

Cùng đứng trong top 10 địa phương có điểm trung bình môn văn cao nhất với Hậu Giang là Hà Nam, Hà Tĩnh, An Giang, Bạc Liêu, Thái Nguyên, Bình Thuận, Nam Định, Ninh Bình, Đồng Tháp.

Trong khi đó, các thành phố lớn luôn nằm trong top dẫn đầu về thành tích giáo dục là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh lại có điểm môn văn rất khiêm tốn, lần lượt đứng thứ 33, 34.

Con số này theo nhiều thầy cô giáo đánh giá là chưa phản ánh đúng chất lượng giáo dục của Hà Nội so với các địa phương khác.

Có thể nói, Ngữ văn là môn học rất đặc thù. Mặc dù, có hướng dẫn chấm, biểu điểm chung, thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng đến mỗi hội đồng chấm thi, tổ chấm và từng giám khảo chấm lại có độ “chặt”, độ “mở” không giống nhau.

Yếu tố cảm tính, chủ quan khi chấm bài thi môn này trong mỗi thầy cô giáo khó tránh khỏi.

Nếu giao cho các trường đại học chấm chia theo một số cụm thì cũng khó trông mong tất cả bài thi môn Ngữ văn đều được thẩm định, đánh giá chuẩn xác nhất.

Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chỉ đạo chấm chéo giữa các tỉnh là cách thức tối ưu hiện nay để hạn chế, giảm thiểu những biểu hiện tiêu cực như tìm bài của người quen, đối tượng nhờ vả; nâng điểm, chấm mở bài học sinh của trường, địa phương mình để lấy thành tích, tỉ lệ đỗ cao…

THIÊN ẤN