Vì sao nhiều thủ khoa, á khoa không chọn ngành sư phạm để theo học?

23/07/2023 07:26
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thu nhập của giáo viên từ việc dạy chính trên trường không nhiều mà chủ yếu đến từ lớp học thêm. Trong khi không phải giáo viên nào cũng có thể dạy thêm được.

Nếu thống kê các thủ khoa, á khoa và nhiều học sinh đạt giải quốc gia trong cả nước sẽ có rất ít em chọn thi vào ngành sư phạm. Đây, chính là thiệt thòi lớn nhất cho ngành giáo dục. Bởi, có thầy giỏi mới có nhiều trò giỏi.

Thu nhập của giáo viên từ việc dạy chính trên trường không nhiều mà chủ yếu tới từ lớp học thêm

Em Nguyễn Tuyết Anh - học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông chuyên Lương Thế Vinh tỉnh Đồng Nai á khoa khối B của tỉnh Đồng Nai năm học 2019-2020. Hiện Tuyết Anh đang theo học Trường Đại học Y - Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Năm đó Tuyết Anh xuất sắc giành được hai điểm 10 môn Toán và môn Hóa với tổng điểm xét tuyển khối B là 29.5 điểm. Khi được hỏi, vì sao không chọn ngành sư phạm? Tuyết Anh cho biết:

“Vì con nghe các anh chị lớn bảo, tới thế hệ tụi con ngành sư phạm sẽ dư nhân lực nhiều nên sợ khó xin việc. Bên cạnh đó, thu nhập của giáo viên từ việc dạy chính trên trường không nhiều mà chủ yếu đến từ lớp học thêm. Trong khi không phải giáo viên nào cũng có thể dạy thêm”.

Nguyễn Tuyết Anh á khoa khối B của tỉnh Đồng Nai năm học 2019-2020 (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nguyễn Tuyết Anh á khoa khối B của tỉnh Đồng Nai năm học 2019-2020 (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đồng quan điểm với Tuyết Anh, một cựu thủ khoa của tỉnh Thanh Hoá (đề nghị không nêu tên) chia sẻ thẳng thắn: “Mới đầu em cũng rất thích nghề sư phạm nhưng thấy nhiều anh chị học ra trường rất khó xin việc nên cũng nản.

Học bác sĩ nếu thất nghiệp vẫn có thể mở phòng mạch riêng nhưng học sư phạm không xin đi dạy được cũng khó có cơ hội xin việc làm khác.

Thu nhập từ lương quá thấp nên nhiều thầy cô ngoài đi dạy phải làm đủ thứ nghề. Muốn tăng thu nhập từ nghề nghiệp cũng rất khó như dạy thêm phải xin phép, nhiều khi còn bị xã hội lên án và cho rằng, ép học trò học thêm thể kiếm tiền”.

“Không thích kiếm tiền từ lớp học thêm kiểu đó”, đây là chia sẻ của một học sinh á khoa tại Vũng Tàu. Em N.T (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Không ít thầy cô dạy những môn chính có thu nhập vài chục triệu đồng một tháng. Trong số đó, có những thầy cô đã dùng “thủ thuật” để kéo học sinh về lớp dạy thêm của mình nên em không thích kiếm tiền kiểu đó”.

Nghề giáo chưa được coi trọng và chịu áp lực nhiều

Em Nguyễn Văn D. (đề nghị không nêu tên, học sinh đạt giải 3 môn Toán quốc gia ở tỉnh Bình Thuận) cho biết: “ Bố mẹ em là giáo viên nhưng em không theo sư phạm. Một thực tế cho thấy, hiện nay nghề giáo hy sinh nhiều nhưng ít được coi trọng. Nhiều học sinh, phụ huynh vẫn coi thường nghề giáo.

Ngoài ra, nghề giáo còn nhiều áp lực bủa vây. Áp lực từ nhà trường, từ học sinh, phụ huynh và xã hội. Cái nhìn của xã hội với nhà giáo còn quá khắt khe. Chỉ một sự việc nhỏ bị phản ánh cũng bị nhiều người lên án”.

Em Nguyễn Ngọc Huy - hiện đang theo học Trường Đại học Y - Dược Thành phố Hồ Chí Minh, từng là thủ khoa của tinh và á khoa khối B năm học 2020-2021. Trung học phổ thông, Huy là học sinh chuyên Toán Trường Trung học Lương Thế Vinh thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2020-2021, Huy có tổng số điểm khối B là 29.75 (Toán: 10; Sinh 10; Hóa: 9.75).

Em Nguyễn Ngọc Huy, là thủ khoa của tỉnh và á khoa khối B. toàn quốc (Ảnh nhân vật cung cấp)

Em Nguyễn Ngọc Huy, là thủ khoa của tỉnh và á khoa khối B. toàn quốc (Ảnh nhân vật cung cấp)

Huy chia sẻ thật lòng: “Em nghĩ ngành y và sư phạm đều rất quan trọng. Trong giai đoạn nào của xã hội cũng đều rất cần 2 ngành này. Nhưng lí do em chọn ngành y mà không chọn sư phạm là vì ngành y được cả xã hội công nhận.

Đó là niềm động lực, an ủi và khích lệ rất lớn đối với em. Bên cạnh đó, chỉ tiêu đầu vào của ngành y rất khó mà em đã có cơ hội được chọn ngành y nên em đã chọn”.

Cô giáo X. H. (đề nghị không nêu tên, một giáo viên giỏi của nhiều thủ khoa, á khoa của tỉnh và toàn quốc hiện đang giảng dạy tại một tỉnh phía Nam) đã bày tỏ thẳng thắn khi được hỏi: nếu cho chọn lại, cô có chọn ngành sư phạm không? Vì sao?

“Nếu được chọn lại, bản thân tôi cũng sẽ cân nhắc trong việc chọn làm giáo viên vì những lý do sau:

Thứ nhất, một giáo viên mới ra trường rất khó xin việc, đặc biệt là những trường gần nhà, do đó phải đi xa và rất xa để dạy. Trong khi lương của giáo mới ra trường chỉ hơn 4 triệu thì làm gì đủ tiền thuê nhà và chi tiêu cho cuộc sống?.

Thứ hai, sau khi ra trường, nếu muốn sống được thì bản thân giáo viên phải làm thêm rất nhiều việc khác để nuôi được mình và gia đình. Có những giáo viên dạy thêm được nhưng số này không nhiều, chỉ tầm 20-30% giáo viên của trường.

Thứ ba, môi trường làm việc có sự cạnh tranh ngầm giữa những người có khả năng dạy thêm nên rất mệt mỏi. Có 2 dạng dạy thêm. Dạy bằng cái tâm của nhà giáo và dạy “bất chấp” như dùng nhiều thủ thuật nọ kia.

Nhưng nếu dạy thêm bằng cái tâm thì lại rất khó vì giáo viên phải thật sự giỏi, phải có tiếng vang để học sinh tự tìm đến học. Thế nhưng, giáo viên mới ra trường ít có cơ hội để thể hiện mình vì dễ bị đồng nghiệp lâu năm chèn ép.

Nếu bản thân giáo viên quá nổi bật so với nhà trường thì sẽ dễ bị đồng nghiệp coi là khác thường. Bản thân tôi cũng từng bị cấp trên làm khó nhiều năm bằng nhiều cách khác nhau.

Đó là, dự giờ và đánh giá góp ý và soi rất kỹ từng lỗi nhỏ nhất, hoặc không có lỗi cũng tìm cách moi bằng được lỗi.

Không phân công cho dạy những lớp có học sinh giỏi, không cho tham gia dạy ôn luyện học sinh giỏi để khẳng định bản thân.

Nói rồi, cô X. H. cho biết thêm: “Có nhiều học sinh giỏi, lúc đầu cũng muốn đi sư phạm, nhưng sau khi được nhiều thầy cô giáo chia sẻ những khó khăn thì những nhiều bạn quyết định không chọn sư phạm nữa. Đây cũng là điều đáng tiếc cho ngành sư phạm khi không hút được người giỏi vào nghề”.

Phan Tuyết