GV mong xếp lương công bằng, quản lý Sở/phòng thấu hiểu nỗi vất vả của thầy cô

25/01/2023 06:41
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên kỳ vọng năm 2023 sẽ có được môi trường làm việc tốt, được đối xử công bằng.

Trong năm 2022, ngành giáo dục có nhiều thành tích nổi trội trong nước và quốc tế, bên cạnh đó cũng còn nhiều tồn tại cần được nhìn thẳng và giải quyết trong thời gian tới.

Năm 2023 là năm tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với rất nhiều thay đổi trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn, hạn chế.

Qua ghi nhận ý kiến giáo viên, người viết tổng hợp 10 kỳ vọng của thầy cô gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các cấp, các ngành liên quan.

Ảnh minh họa - P.L

Ảnh minh họa - P.L

Thứ nhất, muốn có môi trường làm việc tốt hơn

Theo người viết, nguyên nhân chính của việc hàng chục ngàn giáo viên bỏ việc trong năm học qua lương, thu nhập chỉ chiếm một phần, nguyên nhân chính là môi trường làm việc không đảm bảo, nhiều áp lực.

Giáo viên phải chịu áp lực lớn vì gần như giáo viên bị tước đoạt hai công cụ giáo dục là điểm số và xử lý học sinh.

Giáo viên vì chỉ tiêu không được cho điểm thấp, không được cho học sinh ở lại, học sinh vi phạm thì không được phê bình học sinh trước trường, trước lớp (theo Điều lệ trường học) dù học sinh có vi phạm như thế nào đi chăng nữa.

Vì học sinh biết giáo viên không được phê bình, không được cho điểm thấp,..nên học sinh không tôn trọng giáo viên, dẫn đến quậy phá, nghịch ngợm nhiều hơn.

Người viết cho rằng thời gian qua bạo lực học đường tăng cao là có phần do những quy định trong việc xử lý học sinh không phù hợp.

Tăng quá cao quyền của người học, tước đoạt quyền của người dạy là nguyên nhân không nhỏ khiến giáo viên áp lực, bỏ việc.

Giáo viên kỳ vọng năm 2023 sẽ có được môi trường làm việc tốt, được đối xử công bằng.

Thứ hai, số hóa hồ sơ sổ sách giáo viên, giảm phong trào không cần thiết

Theo người viết, nguyên nhân thứ hai khiến giáo viên áp lực, bỏ việc chính là áp lực hồ sơ sổ sách, phong trào không cần thiết, nhiều giáo viên kỳ vọng năm 2023 sẽ được số hóa hồ sơ, được áp dụng hồ sơ điện tử trong dạy học và quản lý.

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 giáo viên phải soạn giáo án theo Công văn 2345, 5512 dài lê thê, khuôn mẫu, “đồng phục”.

Mỗi năm giáo viên in các kế hoạch cho một môn học không dưới 1000 trang giấy vô cùng áp lực, lãng phí.

Các kỳ thi giáo viên giỏi, giáo viên dạy 1 tiết, trình bày 1 giải pháp đạt được đánh giá giáo viên giỏi cũng nên được xem xét lại vì không hiệu quả và thời gian qua các địa phương tổ chức hầu như rất ít người “rớt”.

Qua 3 năm tổ chức thi giáo viên giỏi, tỷ lệ đạt cấp trường 100%, cấp huyện trên 90%,…thì nên có nên tổ chức kỳ thi tốn kém, không có giá trị tôn vinh, không có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục.

Thiết nghĩ ngành giáo dục chỉ nên giữ lại những kỳ thi, phong trào có tác dụng nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng dạy học, giáo dục đạo đức,…những kỳ thi “vô bổ” nên được thay thế dần, giảm áp lực cho giáo viên.

Thứ ba, đội ngũ quản lý Sở/phòng giáo dục nên hiểu nỗi vất vả của giáo viên

Nguyên nhân thứ ba khiến giáo viên áp lực, nghỉ việc theo người viết đó chính là do cấp trên chưa hiểu nỗi vất vả, thông cảm với áp lực của giáo viên.

Nhiều cuộc thanh, tra kiểm tra không nhằm mục đích giúp giáo viên cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục mà lại theo hướng soi mói, tìm điểm sai của giáo viên để phê bình nhắc nhở,…

Khi giáo viên có sai phạm cũng chưa nhận được sự thông cảm, sẵn sàng áp dụng hình thức kỷ luật vô cùng nặng tay, khiến giáo viên chán nản, bỏ việc.

Giáo viên kỳ vọng, lãnh đạo hãy đặt mình vào vị trí giáo viên để thấu hiểu, thông cảm và khi xử lý phải có lý, có tình.

Thứ tư, cải thiện lương, thu nhập của nhà giáo

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ngà 4/11, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có tham gia giải trình về vấn đề giáo viên bỏ việc. Ông cho rằng, để ngăn chặn và giảm số lượng giáo viên thôi việc, vấn đề cấp bách là tăng lương, tăng phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo, nhất là với giáo viên mầm non và tiểu học.

Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành dự thảo đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên từ 70-100%.

Nghị quyết 29/NQ-TW cũng xác định “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.”

Rất mong Nghị quyết 29/NQ-TW sớm được cụ thể hóa, việc tăng lương không chỉ giáo viên mầm non, tiểu học mà cả bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, nhân viên trường học, bảo dưỡng,…cũng cần sớm được quan tâm, cải thiện.

Thứ năm, xếp lương, hệ số lương công bằng

Nguyên nhân thứ năm khiến nhiều giáo viên giỏi bất mãn chính là việc xếp lương hiện nay không theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc nên khiến nảy sinh nhiều băn khoăn.

Giáo viên giỏi, có nhiều thành tích tốt lại xếp lương ở hạng thấp, lương thấp, có hiệu trưởng xếp ở hạng thấp,…chính là bất công lớn nhất trong việc xếp lương hiện nay.

Kinh tế còn nhiều khó khăn, giáo viên có thể không tăng lương nhưng không thể chấp nhận việc xếp lương bất công.

Giáo viên kỳ vọng sắp tới nếu vẫn còn chia hạng thì giáo viên đủ tiêu chuẩn hạng nào thì được bổ nhiệm hạng đó, nếu không hãy để giáo viên hưởng lương theo bằng cấp, để tiến tới trả lương theo vị trí việc làm theo Nghị quyết 27/NQ-TW.

Thứ sáu, mong phụ huynh đồng hành trong giáo dục học sinh

Giáo viên luôn muốn học sinh ngoan, học tốt, thành đạt,…trong quá trình giảng dạy đôi khi có những ứng xử, xử lý chưa mềm dẻo, chưa tạo sự đồng thuận.

Trong một số trường hợp, giáo viên mong muốn phụ huynh luôn đồng hành, chia sẻ những khó khăn của giáo viên.

Phụ huynh càng bênh vực con quá mức, các em sẽ càng dễ hư hỏng hơn.

Giáo viên kỳ vọng phụ huynh thấu hiểu, đồng hành cùng giáo viên trong giáo dục học sinh, xin đừng phó mặc việc giáo dục học sinh cho giáo viên và nhà trường.

Thứ bảy, kỳ vọng được lựa chọn hiệu trưởng

Hiện nay, theo quy trình bổ nhiệm Hiệu trưởng theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP, giáo viên gần như không tham gia bất cứ vào khâu nào trong việc bổ nhiệm Hiệu trưởng nên dẫn đến 1 số Hiệu trưởng do bổ nhiệm không được lòng giáo viên, khiến trường mất đoàn kết.

Kiến nghị, các cấp có thẩm quyền khi xây dựng quy trình bổ nhiệm Hiệu trưởng nên có việc lấy phiếu tín nhiệm của giáo viên và công khai, đây vừa thể hiện sự dân chủ vừa thể hiện sự đồng thuận của giáo viên.

Thứ tám, kỳ vọng Bộ Giáo dục ban hành văn bản hạn chế dạy thêm

Quá nhiều hệ lụy từ việc học thêm quá mức của học sinh, dạy thêm quá mức của giáo viên như học sinh mất đi sáng tạo, tự học, học vẹt,…giáo viên mất sức, giáo viên giả dối, mất đoàn kết,...

Người viết mong muốn sắp tới khi thực hiện chương trình mới học sinh được học ngày, không phải vật lộn với dạy thêm, học thêm quá mức như hiện nay.

Người viết kỳ vọng vào môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng, không ai o ép học sinh học thêm, không ai dạy thiếu trách nhiệm, không ai đối xử bất công với học sinh,…

Thứ chín, mong có thưởng Tết

Có giáo viên dạy sắp nghỉ hưu vẫn chưa biết thưởng Tết là gì.

Tết đến giáo viên cũng mong có được một khoản để chi tiêu dịp Tết, được giống như các ban ngành khác.

Mong thưởng Tết được luật định là mong ước chính đáng của hàng triệu giáo viên cả nước.

Thứ mười, kỳ vọng xem xét lại các môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở

Thực tế, áp lực lớn nhất khi thực hiện chương trình mới ở bậc trung học cơ sở chính là các môn tích hợp: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục địa phương, Trải nghiệm, hướng nghiệp,…

Hiện nay, giáo viên và học sinh đang vô cùng khổ sở, áp lực, vất vả với các môn này.

Hiện nay, chưa có giải pháp nào mang tính khả thi, nếu tiếp tục như thế này ở lớp 8 thì nhà trường, giáo viên và học sinh sẽ quá tải, sẽ càng rối.

Kỳ vọng của giáo viên là mong Bộ sớm xem xét có giải pháp thích hợp về các môn tích hợp.

Trên đây là những kỳ vọng của đông đảo giáo viên cả nước trong năm 2023 mong Bộ và các ban ngành xem xét và có giải pháp khả thi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên