Vụ GDĐH mách thí sinh chiến thuật đặt nguyện vọng “không bỏ hết trứng vào 1 giỏ”

17/03/2024 15:09
Bài và ảnh: Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Số lượng thí sinh được xét trúng tuyển vào đại học hàng năm xấp xỉ 500.000 - 600.000 thí sinh nhưng chỉ 80% em nhập học chính thức.

Đây là thông tin được đưa ra tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2024 diễn ra ngày 17/3 tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngày hội đã thu hút hơn 100 trường đại học, cao đẳng, trường nghề với 280 gian tư vấn cùng hàng ngàn học sinh, phụ huynh tham dự.

Ngày hội do báo Tuổi Trẻ phối hợp Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Đại học Bách khoa Hà Nội - tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

GDVN- (3).jpg
Ban tư vấn Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2024

Số lượng thí sinh chọn sai hay chọn chưa phù hợp ngành là rất nhiều

Phát biểu khai mạc chương trình, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhắc lại những đổi mới mạnh mẽ trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng trong 9 năm qua. Tiêu chí đầu tiên trong đổi mới là đem lại thuận lợi, cơ hội lớn nhất cho thí sinh.

GDVN- (5).jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Theo Thứ trưởng, trải qua 9 năm đổi mới, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng chưa bao giờ thuận lợi, chưa bao giờ mang lại cơ hội lớn cho học sinh như ngày hôm nay. Trước năm 2015, thí sinh chỉ được chọn 1 nguyện vọng vào 1 ngành của 1 một trường đại học. Năm 2016, thí sinh được 4 nguyện vọng vào 2 trường. Từ năm 2017 trở đi, không hạn chế số nguyện vọng vào các trường, ngành, chương trình đào tạo khác nhau.

“Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, thí sinh có thể đặt nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên với ngành, trường yêu thích lên đầu và các trường đại học sẽ tham gia xét tuyển. Như vậy, hầu hết thí sinh sẽ được trúng tuyển vào ngành học, trường học theo mong ước cao nhất của mình nếu đủ điều kiện”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhìn nhận, cơ hội mở rộng, sự thuận lợi càng tăng, nhưng dường như sự lựa chọn không giảm đi phần khó khăn. Càng nhiều lựa chọn thí sinh càng thấy băn khoăn, làm thế nào để chọn những nguyện vọng phù hợp nhất. Phù hợp ở đây là theo sở trường, nguyện vọng, phù hợp với yêu cầu thị trường lao động, cơ hội việc làm trong tương lai.

Sự bùng nổ thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, qua các sự kiện, thông tin tới các em ngày càng nhiều. Thuận lợi hơn, thông tin nhiều hơn đôi khi làm học sinh, phụ huynh bối rối.

Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp là cơ hội rất tốt để thí sinh trải nghiệm trực tiếp, được tư vấn trực tiếp qua đó xác định rõ hơn sở trường của mình, cơ hội việc làm trong tương lai để chọn đúng trường, đúng ngành nghề phù hợp.

Thông tin thêm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, hiện cả nước có trên 250 cơ sở giáo dục đại học, hơn 300 trường cao đẳng và rất nhiều trường trung cấp, trong đó có gần 500 ngành đào tạo ở bậc đại học.

Số lượng thí sinh được xét trúng tuyển vào đại học hàng năm xấp xỉ 500.000 - 600.000 thí sinh nhưng chỉ 80% em nhập học chính thức. Có 20% đã trúng tuyển nhưng không nhập học. Theo Thứ trưởng, điều này cho thấy, từ khi thí sinh đặt nguyện vọng đến lúc lựa chọn ngành, trường học có sự khác nhau.

Bên cạnh đó, sau năm thứ nhất, có khoảng 5-7% thí sinh đã trúng tuyển vào đại học rồi nhưng lựa chọn xét tuyển lại. “Như vậy số lượng các em đã chọn sai hay chọn chưa phù hợp khi đăng ký nguyện vọng là rất nhiều”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá.

gdvn.JPG
Thí sinh lắng nghe tư vấn tại gian hàng của Trường Đại học Điện lực

Từ bức tranh trên, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh mục đích của các chương trình tuyển sinh hướng nghiệp là làm thế nào để học sinh, phụ huynh có thông tin đầy đủ nhất để tự tin chọn ngành đào tạo, trường học phù hợp nhất.

Từ năm 2025, thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học sẽ thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, dự kiến các kỳ thi sẽ có một số thay đổi về nội dung và hình thức.

Vì vậy không ít học sinh lớp 12 và các vị phụ huynh lo lắng, bởi nếu không trúng tuyển đại học phù hợp trong năm 2024, các em sẽ phải cạnh tranh trong mùa tuyển sinh năm 2025 cùng những “luật chơi” mới.

Việc chuẩn bị từ sớm cho các kỳ thi và lên chiến lược lựa chọn ngành, trường học đúng với sở thích, sở trường sẽ gia tăng cơ hội hoàn thành những mục tiêu trong năm nay cho các thí sinh cuối cùng theo học chương trình hiện hành.

GDVN- (2).jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp được tổ chức vào những thời điểm quan trọng nhằm giúp thí sinh tìm hiểu kỹ về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cập nhật những thông tin tuyển sinh mới nhất từ các trường đại học; đồng thời giải đáp các thắc mắc về định hướng chọn ngành, chọn nghề trong tương lai.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhấn mạnh, điều quan trọng nhất trong tuyển sinh đại học năm nay là quy chế tuyển sinh được giữ ổn định.

Theo đó, 2 năm năm vừa qua, quy chế tuyển sinh đã đặt ra những nguyên tắc, nội dung để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho thí sinh, sự công bằng, minh bạch trong tuyển sinh giữa các cơ sở đào tạo, đặc biệt sự cải thiện hệ thống công nghệ thông tin để phục vụ công tác xét tuyển.

“Các khâu của quá trình tuyển sinh đều thực hiện trực tuyến, do đó thí sinh không được bỏ lỡ bất kỳ mốc quan trọng nào, toàn hệ thống sẽ vận hành mà không chờ đợi một hai cá nhân nào.

Đặc biệt, hiện nay các em được đăng ký nguyện vọng xét tuyển không giới hạn về mặt số lượng. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có chiến thuật sắp xếp các nguyện vọng, đó là không bỏ hết trứng vào 1 giỏ, không dồn tất cả nguyện vọng vào các trường top đầu, những ngành hot, cạnh tranh cao”, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy lưu ý thí sinh trong khâu đăng ký xét tuyển nguyện vọng.

5 lời khuyên dành cho thí sinh

Tiến sĩ Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, năm 2024 là một năm rất đặc biệt vì đây là năm cuối cùng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung phổ thông theo diện rộng, đại trà cho lứa học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Để thí sinh yên tâm ôn luyện, Tiến sĩ Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nhấn mạnh, thứ nhất, để tự tin bước vào kỳ thi và thu nhận kết quả tốt, thí sinh cần chủ động ôn tập, bám sát nội dung được dạy học ở trường và sách giáo khoa. Ngoài ra, thí sinh có thể rèn luyện bằng cách làm các đề thi dựa theo cấu trúc đề thi minh họa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Thứ hai, thí sinh cần lưu ý việc chọn môn thi. Cụ thể theo quy định, học sinh dự thi để xét tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay sẽ phải đăng ký thi 4 bài trong tổng số 5 bài thi của kỳ thi này. Trong đó có bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 trong 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

"Đối với các ngoại ngữ, nếu các em đang học tiếng Anh nhưng muốn đăng ký thi tiếng Pháp, tiếng Trung, Tiếng, Đức… trong kỳ thi tốt nghiệp hoàn toàn có thể được", thầy Mỹ Phong nhấn mạnh..

Thứ ba, với thí sinh tự do (đã tốt nghiệp nhưng dự thi để sử dụng kết quả xét tuyển đại học) chỉ muốn dự thi 1-2 môn thành phần của bài thi tổ hợp, cần nghe phổ biến kỹ quy định thời gian nào vào phòng thi, thời gian chờ để thi.

Với thí sinh chưa tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ phải làm trọn vẹn 1 trong 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh tự do có thể được chọn môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp dự thi để xét tuyển đại học nhưng cũng không được đồng thời chọn môn thi thành phần của cả hai bài thi tổ hợp.

Thứ tư, mỗi thí sinh sẽ được cấp 1 tài khoản phục vụ việc dự thi và xét tuyển. Các em cần bảo mật tài khoản này để đảm bảo không bị người khác truy cập, sửa chữa thông tin của mình.

Thứ năm, thí sinh cần đọc kỹ quy chế và lưu ý phần trách nhiệm của thí sinh khi dự thi để biết các em được và không được mang gì vào phòng thi, tránh bị xử lý kỷ luật, ảnh hưởng đến kết quả thi.

"Kỳ thi năm 2023 vẫn có 41 thí sinh do mang điện thoại vào phòng thi nên đã bị đình chỉ thi”, thầy Phong bày tỏ sự đáng tiếc, và nhấn mạnh thí sinh tuân thủ quy chế thi nhằm thực hiện kỳ thi nghiêm túc, minh bạch và công bằng.

GDVN- (4).jpg
Phụ huynh đặt câu hỏi cho Ban tư vấn tuyển sinh
GDVN-TS (2).JPG
Gian hàng tư vấn của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
GDVN-TS (1).JPG
Nhiều học sinh quan tâm các ngành học tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
GDVN-TS (11).JPG
Tư vấn tuyển sinh tại gian hàng của Trường Đại học Kinh tế-Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội
GDVN-TS (12).JPG
Tại gian hàng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, rất nhiều chậu cây, các sản phẩm chế biến từ nông sản do chính sinh viên và giảng viên nhà trường được trưng bày
GDVN-TS (3).JPG
Hoa hậu Lương Thùy Linh tư vấn cho học sinh
GDVN-TS (4).JPG
Thí sinh quan tâm tới khối ngành công an
IMG_8117.JPG
Trong khuôn khổ ngày hội còn có khu trải nghiệm “Làm thử bài thi đánh giá tư duy” của Đại học Bách khoa Hà Nội, các khu tư vấn chuyên sâu về Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội
Bài và ảnh: Doãn Nhàn