Xét học sinh xuất sắc tiêu biểu bậc trung học cơ sở căn cứ vào quy định nào?

01/08/2022 10:08
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo đánh giá học sinh của chương trình mới, học sinh sẽ được đánh giá trong suốt cả quá trình học tập chứ không căn cứ vào điểm số các em đạt được cuối kỳ.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết “Phụ huynh cấp 2 An Lạc, Kiên Giang thắc mắc tiêu chí xét học sinh xuất sắc tiêu biểu” phản ánh về việc anh Mai Thanh Được phụ huynh lớp 7/1 của Trường trung học cơ sở An Lạc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang nêu thắc mắc về trường hợp con của anh không được công nhận là học sinh xuất sắc tiêu biểu của trường trong năm học vừa kết thúc.

Trường trung học cơ sở An Lạc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang (ảnh: P.L)Trường trung học cơ sở An Lạc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang (ảnh: P.L)

Kết quả tổng kết năm học 2021-2022, con của anh Được có được kết quả cuối năm là 9,91, làm tròn là 9,9; là số điểm tổng kết cao nhất toàn trường, kèm theo là thành tích phong trào thi học sinh giỏi Olympic Vật lý đạt giải Ba ở vòng huyện, giải Nhì ở vòng tỉnh.

Tuy nhiên, con của anh Được lại không được xét là học sinh xuất sắc tiêu biểu, với lý do mà Ban Giám hiệu trả lời cho phụ huynh là vì con của anh không tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, chỉ lấy thành tích phong trào chứ không lấy thành tích học tập.

Chuyện trở nên rắc rối khi phụ huynh hỏi quyết định nào, thông tư nào dựa vào để xét, thì lãnh đạo nhà trường nói với phụ huynh là “Xét truyền miệng từ hồi đó đến giờ”, không có văn bản.

Thực tế câu chuyện bình xét học sinh tiêu biểu năm vừa qua cũng được nhiều phụ huynh quan tâm.

Học sinh trung học cơ sở hiện có những danh hiệu khen thưởng nào?

Bậc trung học hiện nay, khi xét danh hiệu khen thưởng cho học sinh thường căn cứ vào 2 quy định sau:

Đối với học sinh lớp 6, nhà trường sẽ căn cứ vào Điều 15, Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20-7-2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.

Đối với học sinh lớp 7 (năm học 2021-2022), lớp 8, lớp 9…vẫn căn cứ theo Điều 18, Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT và Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT.

Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT, quy định có những hình thức khen thưởng như sau:

- Khen thưởng danh hiệu "Học sinh xuất sắc"; Khen thưởng danh hiệu "Học sinh giỏi"; Khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học; Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.

Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT và Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT, quy định các danh hiệu như học sinh giỏi; học sinh tiên tiến; Học sinh đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện.

Xét học sinh xuất sắc tiêu biểu của trường dựa trên quy định nào?

Cả Thông tư mới (Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT) và Thông tư cũ (Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT và Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT) đều không thấy danh hiệu học sinh xuất sắc tiêu biểu nhất khối, nhất trường.

Tuy nhiên trong thực tế, danh hiệu này thì gần như trường học nào cũng có. Vậy, nhà trường sẽ căn cứ vào đâu để chọn ra học sinh thật sự xứng đáng để trao những danh hiệu này?

Nói về vấn đề này, thầy giáo P.H. (đề nghị không nêu tên) Phó trưởng ban thi đua một trường trung học phổ thông cơ sở tại Bình Thuận cho rằng: “Để nói căn cứ vào thông tư cụ thể nào để chọn học sinh giỏi hay xuất sắc nhất trường thì không có, bởi việc bình xét sẽ dựa trên nhiều căn cứ và các tiêu chí.

Cái này hoàn toàn phụ thuộc vào mỗi nhà trường khi xây dựng quy chế khen thưởng. Tùy vào danh hiệu được chọn để đưa ra tiêu chí xét. Ví như chọn học sinh giỏi nhất trường (hoặc nhất khối) thường lấy căn cứ chính là điểm tổng kết của học sinh ấy phải cao nhất trường (đương nhiên hạnh kiểm tốt và xét thêm các hoạt động phong trào làm tiêu chí phụ).

Nếu chọn học sinh xuất sắc, tiêu biểu nhất trường (hoặc nhất khối) thì phải toàn diện hơn. Ngoài điểm tổng kết cao (không nhất thiết cao nhất) nhưng học sinh này phải có thêm những hoạt động phong trào nổi bật nữa.

Ví như, điểm tổng kết của học sinh A. cuối năm là 9.9 (đạt giải nhất học sinh giỏi cấp huyện, giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh).

Học sinh B. điểm tổng kết cuối năm đạt 9.8 (đạt giải nhất học sinh giỏi cấp huyện, giải nhì cấp tỉnh và giải 3 cấp quốc gia).

Khi chọn học sinh giỏi xuất sắc tiêu biểu nhất trường thì đương nhiên Hội đồng thi đua phải bầu chọn cho học sinh B.

Trở lại sự việc phụ huynh học sinh ở Trường trung học cơ sở An Lạc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang cũng đã trao 2 danh hiệu cho 2 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp quốc gia, còn con trai của anh Được (người khiếu nại) chỉ đạt thành tích ở cấp tỉnh. Người viết cho rằng, nhà trường cũng đã xét theo những tiêu chí như thầy giáo P.H. ở Bình Thuận đã đưa ra.

Thay vì, khi gặp khiếu nại từ phía phụ huynh, nhà trường cần đưa ra lý giải thuyết phục hơn (giống như ý kiến của giáo viên ở Bình Thuận) và nói thêm, rằng đó là quy định của nhà trường (nhà trường có quyền này, không nhất thiết phải có thông tư quy định của Bộ mới là hợp lệ. Bởi, giấy khen là do hiệu trưởng nhà trường ký).

Xét danh hiệu thi đua cho học sinh cũng có cả một Hội đồng thi đua nhà trường tham dự. Quy trình là, giới thiệu, lấy ý kiến nhận xét về từng em, bầu chọn (đưa tay hoặc bỏ phiếu kín) nên không phải thích cho ai là được.

Tuy nhiên, nếu như phụ huynh phản ánh, lãnh đạo Trường trung học cơ sở An Lạc khi phụ huynh thắc mắc lại nói là “Xét truyền miệng từ hồi đó đến giờ”, không có văn bản thì việc phụ huynh bức xúc cũng là điều dễ hiểu.

Đánh giá học sinh theo quy định mới, điểm số cuối kỳ không quyết định tất cả

Theo cách đánh giá học sinh của chương trình mới cũng như những hướng dẫn của Thông tư 27 (bậc tiểu học) và Thông tư 22 (bậc trung học) sẽ đánh giá học sinh trong suốt cả quá trình học tập chứ không căn cứ vào điểm số các em đạt được cuối kỳ.

Vì điều này, sẽ xảy ra trường hợp, có học sinh đạt điểm thi, điểm tổng kết cao hơn bạn nhưng vẫn không đạt được danh hiệu gì. Ngược lại, có bạn điểm thi, điểm tổng kết thấp hơn nhưng vẫn đạt học sinh xuất sắc hoặc học sinh tiêu biểu.

Theo cô giáo N.H. (đề nghị không nêu tên) Phó hiệu trưởng một trường tiểu học tại Bình Thuận cho biết: “Giáo viên phải chịu trách nhiệm khi đề xuất khen thưởng học sinh với nhà trường.

Hiệu trưởng là người ký quyết định khen thưởng dựa trên sự đề xuất của thầy cô. Hiệu trưởng không trực tiếp dạy học sinh ấy nên không thể nắm rõ lực học, quá trình phấn đấu của từng em.

Khi đã chọn khen, phải giải thích rõ, phải có căn cứ thuyết phục nếu phụ huynh thắc mắc vì sao con tôi thi điểm cao hơn mà không được khen? Người thi điểm thấp hơn lại được?”.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/phu-huynh-cap-2-an-lac-kien-giang-thac-mac-tieu-chi-xet-hs-xuat-sac-tieu-bieu-post228436.gd

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-22-2021-tt-bgddt-207846-d1.html

https://hieuluat.vn/giao-duc/thong-tu-26-2020-tt-bgddt-bo-giao-duc-va-dao-tao-2e714.html#noidung

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên