Ông "vua con" quyền sinh quyền sát
Chiều ngày 27/02, công an huyện Duy Tiên ra lệnh bắt giữ khẩn cấp đối với bà Hà Thị Thắm (sinh năm 1990), trú tại thôn Đình Tràng, xã Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam về hành vi trộm cắp tài sản.
Điều đáng nói tại thời điểm bị bắt bà Thắm đang là hiệu trưởng trường mầm non song ngữ HAPPY KIDS.
Theo đó khi phát hiện chùm chìa khóa xe mô tô của chị Đào Thị Hà là giáo viên cùng trường, bà Thắm đã nổi lòng tham lấy xe đi cầm cố được 23 triệu đồng.
Thu chi sai quy định, Hiệu trưởng và kế toán bị đề nghị kỷ luật |
Vụ việc hy hữu này dấy lên tranh luận về quyền hạn của hiệu trưởng.
Xung quanh sự việc này một số phụ huynh và đặc biệt là giáo viên lên tiếng về hành vi của nữ hiệu trưởng này.
Đại đa số các ý kiến đều cho rằng hành vi của bà Thắm không chỉ vi phạm pháp luật mà còn thể hiện sự hống hách và cư xử bề trên khi lấy 3 triệu đồng từ số tiền cầm đồ đưa cho chị Hà với danh nghĩa nhà trường hỗ trợ chị Hà mua xe khác.
Vụ việc này như giọt nước tràn ly, được lời như cởi tấm lòng, chị T.T.H giáo viên cấp 3 bức xúc:
"Chuyện hiệu trưởng lạm quyền không phải là hiếm. Như trường tôi từ khi hiệu trưởng mới về giáo viên trăm nghìn cái khổ.
Hiệu trưởng đưa người nhà vào làm việc trong trường.
Chồng làm hiệu trưởng, em làm kế toán hợp thành cặp bài trùng. Thôi thì vẽ ra đủ các loại tiền và phụ thu.
Nhất là đến dịp lễ, tết giáo viên quà cáp này nọ không vừa ý thì bị làm khó. Ai làm gì trái mắt là chửi thẳng mặt.
Chúng tôi sợ bị trù dập không dám lên tiếng".
P.V.N một giáo viên trẻ tâm sự: "Tôi về trường mới được 2 tháng. So với giáo viên cũ thì giáo viên mới khổ trăm bề. Khổ nhưng không dám lên tiếng.
Vì tâm lý ai cũng nghĩ mình mới nên lặng lẽ cho xong chuyện.
Chỉ riêng khoản biếu xén, ngày lễ ngày tết cánh giáo viên mới bọn tôi cũng phải đi đến nhà hiệu trưởng cao hơn giáo viên cũ.
Nếu không vừa ý hiệu trưởng sẽ nói giáo viên mới nhưng không biết điều rồi trù dập rất khổ sở".
Nữ hiệu trưởng bị bắt vì hành vi trộm cắp tài sản làm dấy lên dư luận về thói lộng quyền của nhiều hiệu trưởng (Ảnh: Vũ Ninh) |
Theo nhiều giáo viên, ở trường tiếng nói của hiệu trưởng là tiếng nói quyết định, giáo viên dẫu có thấy bức xúc cũng không dám lên tiếng.
Chị L.T.H kế toán tại một trường tiểu học tại huyện Thường Tín (Hà Nội) tiết lộ:
"Trong thời gian làm kế toán tại trường chuyện tôi bức xúc nhất là bữa ăn của các học sinh.
Mặc dù theo quy định mỗi cháu thu 28.000 đồng cho một bữa ăn nhưng thực sự bữa ăn của học sinh nếu tính ra chỉ khoảng 15.000 đồng.
Giáo viên bức xúc đổ lỗi cho kế toán, nhiều hôm giáo viên mang cả suất cơm lên chỉ thẳng mặt tôi nhưng họ đâu có biết là toàn bộ việc này do hiệu trưởng quyết định.
Để có một bữa ăn cho học sinh phải trải qua rất nhiều công đoạn từ cung cấp thực phẩm, chế biến thực phẩm.
Các đơn vị muốn cung cấp thực phẩm cho trường phải thông qua hiệu trưởng.
Như trường tôi đơn vị cung cấp có một khoảng hoa hồng 10% cho hiệu trưởng".
Theo cô V.T.H giáo viên cấp 3 tại Nam Định cho biết: Sở dĩ ở nhiều địa phương có tình trạng công trình trong trường xây dựng được vài năm lại phải đập đi xây lại do sự chuyển giao nhiệm kỳ.
"Trường của chúng tôi mới xây dựng lại cổng và khu nhà hiệu bộ. Mặc dù trước đây 3 năm đã sửa sang lại khá nhiều và có cổng mới.
Lý do là hiệu trưởng mới về thì phải xin dự án, xin công trình như thế thì họ mới có những nguồn thu khác".
Quyền lợi càng cao lạm quyền càng nhiều
Nhiều giáo viên cho rằng, chất lượng đào tạo cũng như văn hóa của nhà trường đi lên hay đi xuống có sự ảnh hưởng rất lớn từ hiệu trưởng.
Phóng viên đã có dịp tiếp xúc với rất nhiều hiệu trưởng có tâm, có tài với nhiều mô hình sáng kiến hay.
Chẳng hạn như thầy Nguyễn Đức Thành, Hiệu trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở Nậm Búng, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái với tâm huyết dành cho giáo dục vùng cao.
Hoặc những thầy cô giáo cắm bản ở những nơi khó khăn nhất. Thế nhưng chỉ cần tìm từ khóa "hiệu trưởng lạm quyền" trên google có rất nhiều kết quả hiển thị.
Hiệu trưởng có là công chức hay hợp đồng, cũng không ảnh hưởng đến Giáo dục |
Hầu hết những vụ việc này đều xảy ra ở những thành phố lớn, vùng kinh tế thuận lợi, đồng bằng mà không thường xuyên xảy ra ở những vùng khó khăn, vùng núi.
Như vậy có phải quyền lợi càng nhiều thì hiệu trưởng lạm quyền càng nhiều hay không?
Thứ Nhất: Nhiều người muốn lên được ghế hiệu trưởng phải chạy chỗ nọ, chỗ kia.
Số này không phải nhiều nhưng cũng không phải không có. Chính vì thế khi nắm quyền hiệu trưởng phải tìm mọi cách để bù vào chi phí.
Có giáo viên từng tiết lộ rằng hiệu trưởng trường mình chạy hết tỉ nọ tỉ kia.
Cho nên trong cả nhiệm kỳ trước khi về hưu vị hiệu trưởng chỉ chăm chăm tập trung vào mỗi một việc đó là xây dựng càng nhiều công trình càng tốt.
Giáo viên này cho biết với những khoản xây dựng như thế tất nhiên hiệu trưởng sẽ có hoa hồng.
Bên cạnh đó không ít trường đặt ra những khoản thu vô lý, can thiệp vào cả chuyện sách vở, ăn uống, đồng phục học sinh...Tất nhiên hiệu trưởng phải có hoa hồng.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng giải quyết vấn đề lạm quyền của hiệu trưởng là một thách thức của nền giáo dục hiện nay (Ảnh: Báo điện tử giáo dục Việt Nam) |
Thứ hai: Nếu giáo viên hoàn thành không tốt nhiệm vụ sẽ bị kỷ luật thậm chí cho thôi việc.
Nhưng có mấy khi hiệu trưởng đứng lên nhận lỗi hay chịu kỷ luật.
Nhiều giáo viên bức xúc nhưng khi yêu cầu lên tiếng đều thoái thác vì sợ bị trù dập.
Ngay cả những giáo viên cung cấp thông tin cho phóng viên đều yêu cầu không công khai danh tính vì sợ bị hiệu trưởng thù ghét.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng: Giải quyết được vấn đề hiệu trưởng lạm quyền là một bước tiến lớn của ngành giáo dục.
Cũng theo thầy Nhĩ một trong những giải pháp được đưa ra đó chính là tự chủ, xã hội hóa giáo dục mà trong đó mô hình tự chủ đã được triển khai ở nhiều trường và rất thành công.
"Việc tự chủ đại học sẽ giảm bớt quyền của hiệu trưởng và họ sẽ thấy rằng khi bản thân họ làm việc sai nguyên tắc, vi phạm đều có thể bị kỷ luật, cách chức".