LTS: Bàn về các môn tích hợp, thầy giáo Bùi Nam đưa ra những câu hỏi mong muốn được Bộ Giáo dục và Đào tạo giải đáp để đổi mới giáo dục một cách hiệu quả.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Vấn đề 3 môn Lý, Hóa, Sinh biến thành môn “tích hợp” Khoa học tự nhiên và 2 môn Sử, Địa biến thành môn Sử và Địa xuất hiện trong chương trình phổ thông mới nhận rất nhiều sự quan tâm, thắc mắc của dư luận, của các chuyên gia, các giáo viên trong cả nước về tính khả thi, khả năng thành công của nó,… đó là một dấu hỏi lớn.
Việc triển khai xây dựng chương trình 2 môn “tích hợp” không chỉ làm cho các chuyên gia, các bậc cha, mẹ học sinh lo lắng mà còn làm cho các giáo viên đơn môn như Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa băn khoăn lo lắng “mất ăn, mất ngủ” về việc “xóa sổ” các môn trên để biến thành môn “tích hợp”.
Ảnh minh hoạ: Bá Hoạt/ Hanoimoi.com.vn |
Số phận các giáo viên trên sẽ đi về đâu? Các giáo viên giỏi đơn môn sẽ đi về đâu? Các học sinh giỏi, yêu thích các bộ môn Lý, Hóa, Sinh sẽ như thế nào?
Thông qua bài viết rất mong nhận được sự phản hồi, giải đáp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng chủ biên chương trình về nhiều nội dung liên quan và các câu hỏi về bộ môn “tích hợp” trên.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Tổng chủ biên chương trình là Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên 2 môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Sử và Địa là Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn, Giáo sư Phạm Hồng Tung đều “im lặng đến đáng sợ”, biết bao nhiêu ý kiến đóng góp, các câu hỏi, hay thậm chí phản đối về 2 bộ môn “tích hợp” trên rất nhiều mặt báo, trên các diễn đàn,… đều không được quan tâm và giải thích thỏa đáng.
Bên cạnh đó, việc Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn, Giáo sư Phạm Hồng Tung,… dù chương trình chưa được thông qua, chưa có ý kiến phản hồi về các thắc mắc của các chuyên gia, giáo viên trong cả nước nhưng các vị đã nằm trong ban biên soạn sách giáo khoa là kiểu làm “không giống ai” là kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô” và chỉ có duy nhất chúng ta mới có kiểu làm như trên.
Chúng tôi có quyền nghi ngờ về tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện chương trình, việc biên soạn sách giáo khoa.
Liệu có sự bắt tay, đặt hàng của Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản – thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) và những người viết chương trình giáo dục phổ thông mới?
Nếu không có sự “bắt tay” thì làm sao có chuyện chương trình chưa có mà đã “rục rịch” có sách giáo khoa?
Hay chuyện những người là Tổng chủ biên chương trình, chủ biên hay biên soạn chương trình nằm trong thành phần biên soạn sách giáo khoa?
Đúng là điều kỳ lạ và khó hiểu?
Việc đưa vào chương trình mới 2 môn “tích hợp” quả thật là rối rắm, phức tạp, ngoài rất nhiều việc mà rất nhiều bài báo trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, các cơ quan thông tấn, truyền thông trong nước đã phân tích như việc sắp xếp, việc phân công, bố trí giáo viên, bồi dưỡng giáo viên, việc thay đổi phương pháp, việc thay đổi bộ môn, đồ dùng dạy học,… để thực hiện thành công 2 bộ môn “tích hợp” chỉ có ở trong mơ hay nằm ở tương lai rất xa, chứ điều kiện hiện nay của ta, tôi tin rằng sẽ rất khó để thực hiện thậm chí thất bại là điều đã được dự đoán trước.
Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cẩn trọng xem xét lại, chỉ thực hiện khi nào có đầy đủ điều kiện, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo “thương” giáo viên và học sinh đừng biến giáo viên và học sinh thành “chuột bạch” khi điều kiện chưa cho phép.
Trong phạm vi bài viết tôi xin 2 vấn đề và nêu lại các câu hỏi đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo giải đáp về môn “tích hợp”.
Điểm lại một vài bài báo về môn tích hợp
Tôi và nhiều tác giả khác cũng có rất nhiều bài viết về môn “tích hợp” trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam như:
“Thư gửi Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết”, “Bộ Giáo dục xin đừng vội vàng áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới”;
“Xin mời thầy Nguyễn Minh Thuyết, thầy Mai Sỹ Tuấn dạy thị phạm 2 môn tích hợp”;
“Các thầy, cô tưởng tượng khi dạy 2 môn tích hợp sẽ như thế nào?”, “Rất mong Bộ Giáo dục tổ chức hội thảo về môn tích hợp”;
“Tích hợp “5 không”, Bộ Giáo dục đang xây lâu đài trên cát”, “Nếu chương trình mới như VNEN thì Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nên vào cuộc”;
“Giáo viên tích hợp đào tạo ở đâu?”, “Đổi mới không thể nóng vội, xin Bộ trưởng hãy bình tĩnh”,… đủ để thấy mức độ “nóng” và sự quan tâm của đồng bào và cử tri cả nước về bộ môn “tích hợp”.
5 đợt 8 ngày tập huấn liệu có cho ra lò lứa “giáo viên tích hợp”? |
Tôi đã theo dõi hết phiên trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong sáng ngày 6/6 nhận được rất nhiều quan tâm của cử tri cả nước.
Có 3 vấn đề nóng đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời gồm: thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.
Vấn đề quan tâm nhất đối với người dân, giáo viên quan tâm nhất là tình trạng bạo hành trẻ em của lực lượng bảo mẫu, giáo viên mầm non có chiều hướng gia tăng về tần suất, mức độ nghiêm trọng.
Bên cạnh đó tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm dạy thêm học thêm, áp lực thành tích, vi phạm đạo đức của học sinh, tình trạng cử nhân thất nghiệp,…là các chủ đề nóng được quan tâm.
Nhưng thật đáng tiếc các câu hỏi về bộ môn “tích hợp” đã không được nêu ra chắc vì thời gian không cho phép?
Tích hợp làm mất đi cơ hội có thầy giỏi, trò giỏi
Phải khẳng định trước tiên rằng hầu hết giáo viên đơn môn đều dạy được ở mức độ truyền thụ kiến thức cơ bản cho các học sinh nắm bắt, còn về dạy chuyên sâu là một vấn đề khác.
Việc 3 môn Lý, Hóa, Sinh đang dạy ở bậc trung học cơ sở hiện nay được xác định là khá khó đối với học sinh, nhiều kiến thức chuyên môn, chuyên ngành, chuyên sâu nhiều giáo viên còn phải vừa dạy, vừa học để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, mức độ tiếp thu của học sinh,…
Nói một cách thật lòng rằng chỉ riêng một bộ môn Lý, Hóa, Sinh thì đã có nhiều giáo viên chưa nắm vững kiến thức chuyên sâu để giải thích vấn đề và bồi dưỡng học sinh giỏi, ưu tú để đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng nhân tài chứ đừng mơ mà có giáo viên giỏi đồng thời cả 3 môn Lý, Hóa, Sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cần tổ chức một hội thi trực tuyến về kiến thức chuyên sâu cho giáo viên đơn môn một cách khách quan, trung thực thì biết ngay trình độ “thực” của giáo viên đang nằm ở đâu, khi đó Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghĩ đến việc bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, chuyên sâu cho giáo viên đơn môn.
Sau đó hãy nghĩ đến việc cho giáo viên “tích hợp” ra “lò”.
Giáo viên giỏi chỉ cần đáp ứng kiến thức chuyên sâu của một bộ môn đã là khó khăn, thì việc giỏi cả 3 môn Lý, Hóa, Sinh thì ở nước ta đúng là hiếm, hay nói đúng hơn là “mò kim đáy biển” để tìm ra giáo viên tích hợp giỏi?
Nếu không có giáo viên tích hợp giỏi thì làm gì có học trò tích hợp giỏi, thưa Bộ trưởng?
Một giáo viên rất giỏi bộ môn Sinh học, yêu thích môn Sinh từ phổ thông, nghiên cứu chuyên sâu và dạy môn Sinh 20 năm, dạy nhiều học sinh đạt học sinh giỏi cấp Tỉnh, Quốc gia thậm chí Quốc tế, nay có thể học thêm môn Lý, Hóa để trở thành giáo viên giỏi môn Khoa học tự nhiên không thưa Bộ trưởng? Tất nhiên là không.
Vậy là chúng ta mất đi một giáo viên giỏi môn Sinh.
Tất nhiên giáo viên Lý cũng không thể học thêm vài trăm tiết môn Hóa, Sinh để trở thành giáo viên tích hợp được chứ đừng nói để trở thành giáo viên tích hợp giỏi.
Đó là điều không thể!
Vậy khi thực hiện chương trình mới trong cả nước chúng ta mất bao nhiêu thầy, cô giỏi môn Lý, Hóa, Sinh?
Nếu thực hiện bộ môn tích hợp có phải chúng ta đang làm mất đi các thầy giỏi các bộ môn đơn môn như Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, biến các thầy thành các thầy “thập cẩm” hay “tích hợp”, chúng ta có tước đi cơ hội để trở thành thầy giỏi của các giáo viên đơn môn đang công tác và quan trọng là chúng ta có tước đi cơ hội trở thành học trò giỏi hay không?
Cùng là học đương nhiên học sinh sẽ học giỏi với thầy giỏi chứ không thể nào học giỏi với thầy “thập cẩm” được.
Nếu tước đi cơ hội để học sinh trở thành học sinh giỏi là trái với mục tiêu, triết lý giáo dục, trái đạo đức và trở thành tội nhân thiên cổ?
Thật tội nghiệp cho các em!?!
Một lần nữa rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cẩn trọng xem xét, phân tích thấu đáo.
Những câu hỏi chờ Bộ giải đáp
Vì Bộ Giáo dục và Đào tạo “im lặng” quá lâu nên cho phép tôi xin nhắc lại các câu hỏi của tôi và các tác giả khác, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo phản hồi trong thời gian sớm nhất trước khi chương trình được chính thức công bố rộng rãi.
Mong Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chuyển các bài viết cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng chủ biên chương trình, chủ biên các bộ môn tích hợp.
Một là, chủ trương 2 bộ môn “tích hợp” là Khoa học tự nhiên, Sử và Địa là của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay của Tổng chủ biên chương trình là Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.
Theo chúng tôi tìm hiểu thì tên gọi các môn học rất giống với chương trình bị cả nước “tẩy chay” là VNEN.
Liệu có việc “sao chép”, “xào”, “nấu” chương trình VNEN để trở thành chương trình mới.
Chương trình VNEN thất bại là do giáo viên dạy hay do chương trình và điều kiện nước ta không phù hợp để triển khai đại trà?
Môn “tích hợp” ở chương trình VNEN có gì giống và khác gì với chương trình mới?
Hai là, chương trình hiện nay đã khó và nặng, sau khi thực nghiệm chương trình mới đánh giá còn nặng và khó dạy hơn chương trình hiện hành.
Mục tiêu của chương trình mới là giảm tải để học sinh học nhẹ nhàng hơn, có kỹ năng tốt hơn nhưng việc xây dựng chương trình mới đưa vào môn Khoa học tự nhiên không chỉ là gộp môn mà còn làm cho chương trình nặng nề hơn, phức tạp hơn.
Điều đó không đúng mục tiêu của việc xây dựng chương trình mới, cũng như tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tại sao chúng ta lại đẩy việc quá khó khăn cho giáo viên? Học môn tích hợp có vượt quá tư duy, nhận thức của học sinh trung học cơ sở?
Ba là, Tổng chủ biên môn Khoa học tự nhiên là Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn có nắm được kiến thức chuyên sâu của cả 3 môn Lý, Hóa, Sinh hay không?
Phó Giáo sư Mai Sỹ Tuấn hiện có chuyên môn Sinh học thì giáo sư đã “kịp” học về môn Lý, Hóa chưa?
Cả nước hiện đã có bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ, giáo viên “tích hợp” được huy động để viết sách giáo khoa “tích hợp”.
Xin được công khai danh sách chuyên gia “tích hợp” để soạn sách giáo khoa “tích hợp”.
Bốn là, đến khi nào cả nước có đủ giáo viên “tích hợp” để giảng dạy?
Cả nước hiện có hàng vạn giáo viên đơn môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa mong Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cách đào tạo, thời gian đào tạo, kinh phí đào tạo như thế nào để ra “lò” giáo viên “tích hợp”?
Theo tính toán và suy nghĩ của tôi cho dù có bỏ ra hàng trăm tỷ đồng, chưa kể thời gian, công sức cũng không thể đào tạo giáo viên đang giảng dạy đơn môn trở thành giáo viên “tích hợp”.
Điều này là viển vông, một giáo viên Sinh học đã dạy 20 năm chỉ một môn Sinh không thể học được Lý, Hóa để trở thành giáo viên “tích hợp”.
Tôi tin Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn cũng không thể học để trở thành chuyên gia “tích hợp” được?
Kinh phí để đào tạo giáo viên tích hợp từ đâu, có phải từ khoản vay không? Ai sẽ chịu trách nhiệm trả khoản tiền trên
Rồi những giáo viên sau khi đào tạo không đạt yêu cầu sẽ như thế nào?
Có hay không tình trạng mua, bán chứng chỉ “tích hợp” như việc mua bán chứng chỉ ngoại ngữ trong thời gian qua
Tai sao lại tốn quá nhiều tiền cho điều không tưởng trên?
Các nhà viết sách giáo khoa sẽ thể hiện “tích hợp” như thế nào? |
Năm là, môn “tích hợp” có đi ngược lại xu hướng chuyên môn hóa của thế giới không?
Khoa học phải được học chuyên sâu, từ những người thầy có kiến thức, hiểu biết sâu rộng do đó học sinh nếu học chuyên Lý, chuyên Hóa, chuyên Sinh, chuyên Sử, chuyên Địa từ những thầy đơn môn giỏi chắc sẽ tốt hơn rất nhiều so với học môn “thập cẩm” là môn Khoa học tự nhiên, Sử và Địa.
Xây dựng chương trình như trên có tước đi cơ hội được học thầy giỏi của học sinh, tước đi cơ hội được học giỏi của học sinh, có tước đi cơ hội trở thành nhân tài của học sinh không?
Sáu là, nguyên tắc kế thừa thể hiện như thế nào khi xây dựng chương trình môn tích hợp.
Vì sao học sinh tiểu học, trung học cơ sở học tích hợp nhưng khi lên bậc trung học phổ thông lại tách thành các môn riêng lẻ?
Ý định thật sự của Bộ Giáo dục và Đào tạo là gì?
Bậc trung học cơ sở là đã định hướng phân luồng học sinh có một số học sinh học nghề nhưng việc học sinh học các môn “tích hợp” học sinh chỉ học qua loa, đại khái, hời hợt thì không thể có kiến thức để học các nghề liên quan.
Hiện nay kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đang diễn ra việc Bộ tổ chức các bài thi gọi là thi “tổ hợp”, “tích hợp” Khoa học tự nhiên nhưng thi bài thi Lý 50 phút, Hóa 50 phút, Sinh 50 phút?
Tích hợp ở chỗ nào, thưa Bộ trưởng?
Bảy là, Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy bằng chứng, căn cứ gì để khẳng định rằng học sinh học “tích hợp” sẽ học giỏi, học tốt, ngoan hơn học sinh học đơn môn như hiện nay?
Bộ có dự định sẽ thử nghiệm để so sánh học sinh học môn “tích hợp” và học sinh học đơn môn để tổng kết, so sánh và đánh giá không?
Nếu chưa thử nghiệm, chưa so sánh, tổng kết, đánh giá thì mong Bộ Giáo dục đừng vội vàng thực hiện điều chưa chắc chắn này, rất nguy hiểm
Tám là, nếu thất bại ai chịu trách nhiệm về chương trình “tích hợp”, các giáo viên “tích hợp”, sách giáo khoa “tích hợp”, đồ dùng “tích hợp” sẽ đi về đâu?
Các em học sinh “tích hợp” sẽ biến thành con người như thế nào? Lộ trình khắc phục thất bại ra sao?
Còn việc học sinh sáng học theo chương trình “tích hợp” để báo cáo, chiều chia ra học đơn môn để lấy kiến thức như chương trình VNEN vừa qua không?
Chín là, nếu “một sách ba thầy” thì ai sẽ chịu trách nhiệm chung về chất lượng, ai chịu trách nhiệm về ra đề, kiểm tra, đánh giá, vào điểm, đồ dùng dạy học?
Còn nếu “một thầy ba phần trong một sách” thì ai có thể đảm nhận?
Theo tôi biết nếu giáo viên đơn môn Sinh mà dạy Lý hoặc Hóa thì chỉ có thể đọc bài và chép bài trên bảng cho học sinh chứ không thể nắm vững kiến thức để giảng.
Vậy chất lượng “đầu ra” của học sinh thất bại ai chịu trách nhiệm?
Mười là, trách nhiệm chính của việc thành bại chương trình, môn học do ai chịu trách nhiệm.
Nếu chương trình mới thất bại, nhất là môn tích hợp thì các giáo viên tích hợp sẽ đi về đâu?
Chúng ta có tiếp tục vay tiền để đào tạo giáo viên tích hợp thành giáo viên đơn môn như hiện nay không?
Để việc thực hiện chương trình mới thành công, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm đến 2 môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Sử và Địa trên một cách nghiêm túc, thử nghiệm cẩn trọng.
Thay đổi chương trình là việc làm hệ trọng không chỉ liên quan đến con người mà còn liên quan đến vận mệnh dân tộc, trẻ em hôm nay chính là tương lai ngày mai.
Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, đánh giá một cách cẩn trọng, khách quan công tâm để chương trình mới phải thành công, phải khắc phục được những hạn chế của chương trình hiện nay
Trên tinh thần lắng nghe, cầu thị rất mong được Bộ Giáo dục và Đào tạo giải đáp các thắc mắc trên để chúng tôi được yên tâm.