Học sinh cả 3 miền đều hát sai Quốc ca

22/04/2017 07:56
Thùy Linh
(GDVN) - Theo Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục tỉnh Tiền Giang, học sinh 3 miền đều không nói, đọc và hát đúng các âm tiết trong câu đầu của Quốc ca Việt Nam.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần 2 vào ngày 12/4 vừa qua với rất nhiều điểm mới. 

Theo Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, dự thảo chương trình mới chủ trương thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và trung học cơ sở, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp trung học phổ thông.

Chính vì vậy, các chuyên gia giáo dục, đại diện các trường phổ thông đều mong đợi nhiều ở chương trình mới lần này tuy nhiên nhiều chuyên gia vẫn còn băn khoăn về một số điểm trong dự thảo. 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ghi nhận góp ý của một số chuyên giáo dục về dự thảo này.

Cần dạy học sinh đọc và nói đúng tiếng Việt

Ông Phạm Văn Khanh, Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục, tỉnh Tiền Giang cho rằng, dự thảo nên xác lập, làm rõ năng lực Đọc, Nói đúng tiếng Việt của học sinh trong chương trình tổng thể bởi trong dự thảo chỉ nêu mục tiêu, yêu cầu sử dụng thành thạo tiếng Việt của học sinh chứ chưa nhấn mạnh, làm rõ việc nói, đọc đúng tiếng Việt của học sinh trong năng lực sử dụng tiếng Việt.

E rằng, việc đọc đúng, nói đúng có thể sẽ bị bỏ qua trong biên soạn chương trình chi tiết môn học tiếng Việt của các cấp học và lớp học khi cụ thể hóa. 

Nhiều chuyên gia vẫn còn băn khoăn về một số điểm trong dự thảo chương trình phổ thông tổng thể mới (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Nhiều chuyên gia vẫn còn băn khoăn về một số điểm trong dự thảo chương trình phổ thông tổng thể mới (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Đọc và nói đúng tiếng Việt là kỹ năng căn bản của môn tiếng Việt nhất là trong tình hình đổi mới giáo dục theo Nghị quyết 29 của Trung ương hiện nay.

Ngành giáo dục phải dạy học sinh nói đúng, viết đúng tiếng mẹ đẻ, giáo dục học sinh yêu tiếng nói của dân tộc, giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt.

Ông Khanh nêu cụ thể, thực trạng hiện học sinh 3 miền đều không nói, đọc và hát đúng các âm tiết trong câu đầu của Quốc ca Việt Nam (số đông học sinh). Đó là:

- Học sinh vùng Hà Nội, Hà Tây hát: Đoàn quân Việt Lam đi, chung nòng kíu kuốc...

- Học sinh Quảng Nam, Đà Nẵng hát: Đoèn quên Việt Nem đi…

- Học sinh vùng Sài Gòn hát: Đòn quân Diệt Nam đi…

Điều này cho thấy, học sinh phía Bắc thường đọc, nói sai các phụ âm đầu; học sinh miền Trung thường đọc, nói sai âm chính; học sinh phía Nam thường đọc, nói sai các phụ âm cuối và hiện nay nhiều phụ âm đầu cũng bị nói, đọc sai. 

Ngoài ra, ông Khanh cũng kiến nghị nên đưa thêm các học phần tự chọn cho học sinh lớp 11 và lớp 12 là học phần "Giá trị học" và "Nhân cách học".

Cần xem xét tính khả thi của dự thảo trong 10 năm tới

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Dũng - Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam nhận định về dự thảo mới rằng: "Điểm mới nhất của chương trình dự thảo lần này là xây dựng theo hướng mở".

Học sinh cả 3 miền đều hát sai Quốc ca ảnh 2

Bộ giáo dục không được độc quyền biên soạn sách giáo khoa ở nước Pháp

Mặc dù nhận xét là dự thảo đã đề cập tới quan điểm kế thừa và phát triển ưu điểm của các chương trình đã có của Việt Nam và tiếp thu kinh nghiệm của nền giáo dục tiên tiến thế giới. 

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, nên chăng thêm tính khả thi vì chương trình phù hợp với điều kiện giáo dục nước ta trong khoảng 10 năm tới.

Theo ông Dũng, quan điểm này rất cần đưa vào chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để chương trình các môn học quán triệt. 

"Thực tế, cho thấy một số ý tưởng tốt song không thực sự khả thi thì hiệu quả rất thấp nếu không nói là thất bại" - ông Dũng nhấn mạnh.

Trong dự thảo, hệ thống giáo dục và sự phân bổ các môn học đã quán triệt quan điểm xây dựng chương trình đặc biệt có những điểm mới, tiến bộ như. 

Đó là, chương trình được phân rõ thành 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản và định hướng nghề nghiệp; tích hợp và phân hóa; phân loại các môn học, bắt buộc, bắt buộc có phân hóa, tự chọn, tự chọn bắt buộc, chú trọng hoạt động giáo dục.

Nhưng theo ông Dũng, trong tương lai gần, cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đa số chỉ học 1 buổi/ngày. 

Học sinh cả 3 miền đều hát sai Quốc ca ảnh 3

Giáo sư Đào Trọng Thi: Chương trình phổ thông mới không quá tải ở số môn học

Trong khi đó số tiết là 20 - 30 tiết/tuần, như vậy, khi số giờ chiếm hết thời lượng của 1 tuần, không còn thời gian dành cho sinh hoạt trường, lớp, sinh hoạt chuyên môn của giáo viên. Nên chăng xem xét để giảm số giờ/tuần.

"Trung học cơ sở và trung học phổ thông đều hướng nghiệp cho học sinh.

Tuy nhiên, ở trung học cơ sở có môn công nghệ và hướng nghiệp nhưng ở trung học phổ thông không thấy nội dung hướng nghiệp

Mặc dù hướng nghiệp không chỉ thực hiện qua 1 môn học mà thông qua các môn học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo và các hoạt động khác; cũng như có sự tham gia của các lực lượng giáo dục
" - ông Dũng góp ý.

Về điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, ông Dũng cho rằng, dự thảo nên đề xuất cụ thể thực hiện thời lượng 2 buổi/ngày; giảm số lượng học sinh/lớp; thêm giáo viên tư vấn học đường (trong đó có tư vấn hướng nghiệp).

Cần đổi tên môn học


Nhiều chuyên gia tuy không hoạt động trong lĩnh vực toán học nhưng đã lên tiếng “bất bình” vì sự đánh giá không đúng vai trò của môn Toán được thể hiện trong dự thảo chương trình tổng thể.

Học sinh cả 3 miền đều hát sai Quốc ca ảnh 4

Chương trình phổ thông mới chưa phân luồng, hướng nghiệp rõ ràng

Theo ông Bùi Gia Thịnh - nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, người từng tham gia viết sách giáo khoa môn Vật lý chương trình hiện hành, việc xác định năng lực chuyên môn của môn Toán nếu chỉ ghi như trong dự thảo là “năng lực tính toán” thì hoàn toàn không đủ. 

Ông Thịnh khẳng định: “Nếu ghi vậy thì không nói lên được vai trò của môn học này trong chương trình giáo dục phổ thông, vì thiếu hẳn các yếu tố hình học cũng như tư duy và lập luận toán học để giải quyết vấn đề”.

Và theo dự thảo, chương trình chia các môn học thành: Môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có tính phân hóa, môn học tự chọn, môn học tự chọn bắt buộc nhưng theo ông Thịnh, nên đổi tên môn học tự chọn bắt buộc thành môn học bắt buộc tự chọn và sắp xếp thành 3 môn học bắt buộc như sau: Môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có tính phân hóa, môn học bắt buộc tự chọn và môn học tùy chọn. 

Mời bạn đọc góp ý về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo trưng cầu ý kiến từ nay đến 29/4/2017. 

Mọi ý kiến độc giả gửi về Báo điện tử Giáo dục Việt Nam qua hòm thư điện tử: toasoan@giaoduc.net.vn
Thùy Linh