Theo chương trình làm việc kỳ họp thứ 6, chiều nay (ngày 8/11), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục; giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Một trong những chính sách mới được dư luận đặc biệt quan tâm trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) là đề xuất không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập.
Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngoài kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và chi thực hiện chính sách chế độ cho học sinh miễn giảm học phí theo quy định hiện nay, khi thực hiện chính sách này, hàng năm, Ngân sách Nhà nước sẽ phải chi thêm một khoản 4.730 tỷ.
Đại biểu Trần Kim Yến. Ảnh: N.P |
Trao đổi bên hành lang Quốc hội xung quanh dự thảo Luật, đại biểu Trần Kim Yến - đoàn Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu.
“Nếu chúng ta chăm lo tốt cho giáo dục thì sẽ có một thế hệ tương lai của đất nước tốt. Vì giáo dục luôn song hành cùng sự phát triển của đất nước.
Chính vì thế chính sách miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh trung học cơ sở được đề xuất trong dự thảo Luật sẽ được Quốc hội thảo luận tới đây là một chính sách tốt, có tính nhân văn và rất cần được luật hóa”, đại biểu Trần Kim Yến nêu quan điểm.
Đại biểu phân tích, những cấp học đầu đời mầm non, tiểu học, trung học cơ sở là giáo dục căn bản cho một con người.
Vì thế việc miễn học phí để chúng ta có một thế hệ công dân tốt, để trình độ của công dân Việt Nam ngày càng được nâng lên là điều hoàn toàn xứng đáng.
“Do đó tôi hoàn toàn ủng hộ chính sách miễn học phí trong dự thảo Luật.
Đây không chỉ là tin vui cho các em học sinh và gia đình các em mà giáo viên cũng thấy phấn khởi, nhất là với những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bởi không phải đóng học phí, đồng nghĩa với việc gia đình các em không phải lo toan tiền học, các em sẽ chăm chỉ đến trường hơn.
Đối với giáo viên vùng khó khăn, học sinh đến trường đầy đủ đã là một niềm vui lớn.
Khi đó các cô sẽ yên tâm truyền đạt tri thức cho các em học sinh mà không phải bận lòng chuyện vận động các em đến trường”, đại biểu nhấn mạnh.
Trước những băn khoăn lo lắng về nguồn kinh phí để thực chính sách này, đại biểu Trần Kim Yến cho rằng, nhiều quốc gia họ còn khó khăn về kinh tế nhưng họ vẫn thực hiện được việc miễn học phí cho học sinh.
“Tôi biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng chúng ta hãy thử cân nhắc, so sánh khoản kinh phí đầu tư cho giáo dục thông qua chính sách miễn học phí cho học sinh với các khoản đầu tư, chi phí khác?
Rõ ràng kinh phí miễn học phí cho học sinh có ích hơn rất nhiều và có lợi ích lâu dài.
Bởi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai của đất nước.
Bộ Giáo dục khẳng định đủ tiền để miễn học phí cho học sinh cấp 2 |
Hơn nữa khi chúng ta đã luật hóa vấn đề này thì đó là nhiệm vụ Chính phủ và các cấp chính quyền phải làm”, đại biểu Trần Kim Yến khẳng định.
Ở góc độ quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc đề xuất không thu học phí đối với trẻ em 5 tuổi học tại các cơ sở giáo dục mầm non, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở công lập và hỗ trợ kinh phí cho học sinh ngoài công lập sẽ từng bước thực hiện đúng chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước về phát triển giáo dục, đặc biệt là chính sách phổ cập.
Bên cạnh đó, mức thu học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông hiện nay không cao, tuy nhiên việc không thu học phí trung học cơ sở sẽ giảm bớt gánh nặng đối với người dân có thu nhập thấp, người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Tạo thêm cơ hội cho trẻ em học mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở học được tiếp cận giáo dục, đặc biệt các học sinh gia đình có thu nhập thấp, tiệm cận chuẩn nghèo.
Qua đó khắc phục cơ bản tình trạng học sinh bỏ học, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển giáo dục vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
Đồng thời, giảm tỷ lệ trẻ em học mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở học bỏ học do khó khăn về kinh tế.