Muốn hạn chế dạy thêm trái phép phải sửa ngay Thông tư 17

17/07/2018 06:54
NHẬT KHOA
(GDVN) - Dạy thêm trái phép đã là một u nhọt gây hậu quả khôn lường, nó cản trở quá trình phát triển, sáng tạo của trẻ… mà còn gây nhiều hệ lụy không lường cho xã hội.

LTS: Đưa ra những ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17, tác giả Nhật Khoa gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thực trạng dạy thêm trái phép tràn lan, o ép học sinh học thêm… luôn là vấn đề nhức nhối do rất nhiều nguyên nhân như thiếu sự kiểm tra, xử lý vi phạm dạy thêm quá nhẹ không đủ sức răn đe, nhiều giáo viên tìm mọi cách để lôi kéo học sinh học thêm nhằm làm giàu cho bản thân…

Trong đó cũng có nguyên nhân không nhỏ mà theo nhiều nhà giáo dục đã phản ánh là do tình trạng cấp phép dạy thêm quá dễ dãi.

Thực trạng dạy thêm trái phép tràn lan (Ảnh minh họa: P.L).
Thực trạng dạy thêm trái phép tràn lan (Ảnh minh họa: P.L).

Việc cấp phép cho giáo viên hầu như không có một điều kiện gì chỉ cần giáo viên đang công tác nộp hồ sơ gồm đơn xin dạy thêm, giấy khám sức khỏe là 100% giáo viên được cấp phép dạy thêm từ Sở/Phòng giáo dục mà hầu như không có bất kỳ thẩm định nào.

Cũng như không có giáo viên nào không được cấp phép dạy thêm nằm trong quy định của Thông tư 17 về dạy thêm, học thêm.

Nhiều giáo viên sau khi được cấp phép thì lấy giấy phép đó làm bình phong tự tung, tự tác sẵn sàng dùng mọi cách, mọi chiêu trò để lôi kéo, dụ dỗ học sinh học thêm càng nhiều càng tốt.

Họ cũng chỉ quan tâm đến việc dạy thêm thu tiền càng nhiều, coi dạy thêm là công việc chính (thu nhập cao gấp nhiều lần lương dạy chính thức) việc dạy trên lớp chỉ là phụ nhằm mục đích quảng cáo, chiêu dụ, hù dọa thậm chí roi vọt để các em đến học thêm.

Có một thực tế là vì lao vào dạy thêm nên thời gian để học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ tay nghề sẽ đi xuống nên nhiều giáo viên sau thời gian dạy thêm thì kiến thức chuyên môn và uy tín thì hầu như không còn.

Muốn hạn chế dạy thêm trái phép phải sửa ngay Thông tư 17 ảnh 2Thông tư 17 giờ là cái khiên che chắn cho dạy thêm thu tiền

Hậu quả để lại từ kiểu giáo viên vô lương tâm như trên sẽ vô cùng nặng nề, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến học sinh mà còn ảnh hưởng đến môi trường giáo dục theo kiểu mua – bán, xin – cho.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, từ khi có thông tư 17/2012/TT BGDĐT ban hành về dạy thêm ra đời thì tình hình dạy thêm trái phép, biến tướng của dạy thêm… ngày một tăng lên vì những hạn chế, bất cập mà thông tư mang lại.

Do đó, tôi xin được góp một vài ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17 mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét.

Ở Điều 4. Các trường hợp không được dạy thêm

1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó”.

Tôi đề xuất sửa đổi khoản b – Mục 4 là Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa, bỏ nội dung Được dạy khi được cho phép của thủ trưởng (vì nhiều bất cập mà nhiều bài viết đã phân tích) bổ sung thêm mục 5, 6.

Muốn hạn chế dạy thêm trái phép phải sửa ngay Thông tư 17 ảnh 3Thông tư 17 đang tiếp sức, tạo điều kiện để trung tâm dạy thêm nở rộ

5. Không được dạy thêm đối với giáo viên dưới 5 năm công tác (cho giáo viên tập trung nâng cao chuyên môn, uy tín, tay nghề).

6. Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng.

Ở Điều 8. Yêu cầu đối với người dạy thêm

1. Đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với từng cấp học theo quy định của Luật Giáo dục.

2. Có đủ sức khoẻ.

3. Có phẩm chất đạo đức tốt, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân và các quy định của pháp luật, hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại cơ quan công tác.

4. Không trong thời gian bị kỉ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, không bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.

5. Được thủ trưởng cơ quan quản lý hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận các nội dung quy định tại khoản 3, khoản 4 điều này (đối với người dạy thêm ngoài nhà trường); được thủ trưởng cơ quan quản lý cho phép theo quy định tại điểm b, khoản 4, điều 4 quy định này (đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập).

Trong phần này tôi đề xuất bổ sung thêm mục 6:

6. Chỉ cấp phép dạy thêm đối với giáo viên đã đạt danh hiệu giáo viên giỏi bộ môn xin dạy thêm, hoặc có bồi dưỡng học sinh giỏi văn hóa bộ môn xin dạy thêm… đạt  cấp Huyện trở lên trong vòng 5 năm gần nhất kể từ thời điểm xin cấp phép dạy thêm.

Muốn hạn chế dạy thêm trái phép phải sửa ngay Thông tư 17 ảnh 4Bỏ Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT mới ngăn được dạy thêm biến tướng, trái phép

Ở Điều 22. Xử lý vi phạm

1. Cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quản lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm thì bị xử lý kỷ luật theo quy định.

Ở điều này tôi xin đề nghị bổ sung mục 1 như sau:

Đối với cá nhân giáo viên vi phạm

Vi phạm lần 1: thu hồi giấy phép vĩnh viễn (nếu có),

Vi phạm lần 2: Buộc thôi việc

Hình thức bổ sung thu hồi tiền thu sai quy định nộp về ngân sách nhà nước, xử lý trách nhiệm dân sự và hình sự nếu số tiền nhận trái phép vượt mức quy định của nhà nước.

Việc dạy thêm trái phép đã là một u nhọt gây hậu quả khôn lường, nó cản trở quá trình phát triển, sáng tạo của trẻ… mà còn gây nhiều hệ lụy không lường cho xã hội.

Đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận những bất cập và hệ lụy mà nó mang lại.

Phải mạnh tay và quyết liệt trong xử lý vi phạm nhằm trả lại môi trường trong sạch cho giáo dục, trả lại uy tín cho các giáo viên dạy thêm chân chính, trả lại môi trường cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển cũng là cách để lấy lại hình ảnh cao quý của nghề giáo trong mắt đồng nghiệp, học sinh và nhân dân cả nước.

NHẬT KHOA