Phòng giáo dục cũng có điểm tốt, nhưng sao lại bị đòi giải tán?

17/12/2017 06:30
Phan Tuyết
(GDVN) - Mang ra cân đong, đo đếm cẩn thận thì mặt tốt ít hơn, đó chính là lý do, và đây cũng là lúc các Phòng giáo dục nên xem lại mình.

LTS: Tiếp tục bàn về đề xuất xóa bỏ phòng giáo dục ở các cấp quận huyện, trong phạm vi bài viết lần này của mình - tác giả Phan Tuyết đã đưa ra quan điểm và góc nhìn khác về những mặt tích cực và về vai trò trách nhiệm của phòng giáo dục ở các địa phương hiện nay.

Từ đó, tác giả mong muốn độc giả cần có cái nhìn đa chiều và toàn diện hơn về vai trò, chức năng của các phòng giáo dục.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mấy ngày nay, dư luận đang nóng lên về chuyện đề xuất xóa bỏ phòng giáo dục cấp quận huyện.

Có thể nói trước đề xuất có tính đột phá ấy, không chỉ tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông mà trong các câu chuyện hàng ngày, đề tài này cũng được khá nhiều người bàn tán.

Hàng trăm lời bình luận khen đó là đề xuất hay, hàng nghìn lời nhất trí, hưởng ứng.

Thế rồi, có người được thể lôi tất tật những khúc mắc, những bức xúc đã từng gặp, từng biết để vạch tội phòng giáo dục mà quên đi rằng những mặt tốt, những điểm tích cực, những điều phòng giáo dục đã từng làm được để giúp cho nền giáo dục ở các địa phương đứng vững và phát triển.

Ảnh minh họa: ĐAN.
Ảnh minh họa: ĐAN.

Vì sao phủ nhận vai trò của phòng giáo dục?

Bạn Phương Phương bày tỏ quan điểm: “Đồng tình với đề xuất xóa bỏ phòng giáo dục. Nơi này thường tổ chức bao nhiêu cuộc thi, cuộc vận động...rồi báo cáo, giám sát...”.

Bạn Q. Trung cho biết: “Tôi là một hiệu trưởng, khi đọc bài này tôi thấy rất đúng. Quản lý giáo dục của ta hiện nay quá nhiều tầng nấc trung gian, gián tiếp.

Điều đó đã trói chân, trói tay khiến cho các nhà trường không thể sáng tạo, không thể đổi mới.

Mỗi giáo viên biệt phái làm việc ở phòng giáo dục trong vai trò là chuyên viên đều tự cho mình cái quyền chỉ đạo các nhà trường chứ chưa nói đến cán bộ, công chức của phòng.

Vì thế, quyền tự chủ của nhà trường chỉ là hư danh. Nếu không giải tán cấp phòng giáo dục thì các nhà trường không bao giờ có quyền tự chủ thực sự”.

Sơn Tân nói rằng: “Tôi cũng là một giáo viên, tôi hoàn toàn đồng ý bỏ ngay cấp phòng giáo dục các quận huyện vì họ chẳng làm được gì cho chất lượng giáo dục tốt lên mà chỉ có những nhũng nhiễu, hách dịch thiếu dân chủ công bằng trong đánh giá giáo viên, học sinh”.

Người lấy biệt danh Giáo già quả quyết: “Nên bỏ phòng giáo dục huyện. Tôi thấy cơ quan này chẳng giúp được gì cho chất lượng giáo dục nếu không nói là cơ quan này gây nhiều phiền hà, tốn kém cho các trường”.

Phòng giáo dục cũng có điểm tốt, nhưng sao lại bị đòi giải tán? ảnh 2Giải tán phòng giáo dục có những lợi ích gì?

Bạn Hoàng Tuấn thì cho rằng: “Nên dẹp bỏ ngay phòng giáo dục cấp huyện, thị, thành phố cho đỡ gánh nặng tiền thuế của dân.

Cho giáo viên và hiệu trưởng các trường đỡ khổ vì luôn luôn bị phòng giáo dục đe dọa nay chuyển trường này, mai chuyển trường khác.

Giáo viên luôn lo sợ và phải làm những điều bản thân không muốn.

Năm vừa qua, nổi loạn việc lạm thu nhưng phòng giáo dục đều đổ lỗi cho hiệu trưởng không chịu trách nhiệm về quản lý”.

Bạn Thu Thuy cũng bức xúc: “Đồng ý với bạn nên xóa bỏ vai trò của phòng giáo dục chỉ tổ chức các hội thi, đi thanh tra chứ chẳng được gì”...

Phòng giáo dục có đáng bị lên án như thế không?

Sau mỗi bài viết về xóa bỏ phòng giáo dục có hàng trăm lời bình luận tán thành, thật hiếm hoi mới tìm được một vài lời bình luận không đồng ý.

Trong thực tế phòng giáo dục có “vô tác dụng”, có xấu như nhiều người thường nghĩ không? Câu trả lời chắc chắn là không.

Công bằng nhìn nhận, ngoài những sách nhiễu, những áp lực mà một số cá nhân trong phòng giáo dục mang đến thì một số những ưu điểm, những mặt tích cực, nỗi trội cũng phải được thừa nhận.

Với vai trò chỉ đạo về chuyên môn, ổn định đời sống của cán bộ giáo viên trong ngành, phòng giáo dục một số địa phương đã làm tốt công tác phát triển trường lớp, xin kinh phí đầu tư xây dựng nhiều trường học, xóa bỏ tình trạng dạy ca 3;

Tham mưu và xin hỗ trợ từ các ban ngành nhiều trang thiết bị dạy học hiện đại cho các giáo viên các trường học. Tư vấn chuyên môn, tổ chức tập huấn một số chuyên đề và phương pháp dạy học mới cho các trường.

Đặc biệt điều tiết hoạt động của một số hiệu trưởng chưa lấy công việc chung làm đầu.

Ví như có ban giám hiệu nhà trường tự phân công cho mình dạy tăng giờ nhiều tiết trong khi giáo viên có chuyên môn chỉ dạy đủ số tiết của mình.

Hay một số ban giám hiệu không trực tiếp giảng dạy vẫn nhận tiền đứng lớp hàng tháng... Hay như ban giám hiệu trường nào đó trù dập giáo viên, lộng quyền... Phòng giáo dục đã đứng ra chấn chỉnh kịp thời những hiện tượng sai trái này.

Phòng giáo dục cũng có điểm tốt, nhưng sao lại bị đòi giải tán? ảnh 3Thêm nhiều lý do để giải tán phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện

Phải thừa nhận rằng, có phòng giáo dục một số ban giám hiệu nhà trường cũng cẩn thận hơn khi làm việc không minh bạch.

Rồi hàng năm, việc phòng giáo dục xét thuyên chuyển giáo viên giữa các địa bàn trong cùng một địa phương cũng đã đem lại cho khá nhiều giáo viên thuận lợi trong công tác giảng dạy.

Nói là trường trong một địa bàn nhưng có trường giáo viên phải đi dạy cách nhà gần 30 cây số.

Cứ theo thông lệ (ngay địa phương tôi, thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận), năm nào giáo viên cũng được làm đơn đề đạt nguyện vọng xin luân chuyển.

Sau khi xem xét đơn, xét nguyện vọng của giáo viên, phòng giáo dục đã cân đối nhân sự trong các trường sao cho giáo viên được về gần nhà nhất.

Điều này đã tạo cho giáo viên một tâm lý thoải mái, tiện lợi trong việc giảng dạy hằng ngày.

Dù ở thời điểm này, phòng giáo dục không còn toàn quyền quyết định việc thuyên chuyển giáo viên nhưng nhờ nắm rõ hoàn cảnh gia đình, vị thế địa lý của từng thầy cô trong các trường, vai trò tham mưu với phòng nội vụ cũng được phát huy.

Không có phòng giáo dục, hiệu trưởng các trường có làm được điều này không?

Nay xóa bỏ phòng giáo dục, đương nhiên ban giám hiệu sẽ trở thành vua một cõi.

Hiệu trưởng có tài, có tâm thì không sao.

Những hiệu trưởng chỉ vì quyền lợi mình trước tiên (không thiếu những hiệu trưởng thế này) thì những hoạt động của nhà trường, của hiệu trưởng ai sẽ giám sát? Ai sẽ giải quyết khi giáo viên có bức xúc?

Trong khi đó, sở giáo dục lại ở quá xa. Có người nói đùa, chờ được vạ thì má đã sưng. Và phần thiệt thòi vẫn sẽ thuộc vào giáo viên những người luôn được mệnh danh là “thấp cổ bé họng”.

Cần nhìn nhận lại mình

Những mặt tích cực của phòng giáo dục đương nhiên không ai phủ nhận. Nhưng tại sao nhiều người vẫn đồng tình xin được giải tán?

Điều này khiến chính các phòng giáo dục ở nhiều quận huyện phải nhìn nhận lại cách hoạt động và điều hành của mình sao lại làm mất lòng đại bộ phận giáo viên, ban giám hiệu các trường đến thế?

Trong thực tế, vẫn còn đó những cán bộ phòng giáo dục luôn cho mình là tài giỏi, là hiểu biết hơn hết thảy mọi người, cho mình có cái quyền được nói, quyền luôn luôn đúng và ra lệnh;

Họ nạt nộ buộc cấp dưới chỉ biết tuân thủ làm theo mà không cho họ quyền được phản biện, quyền bày tỏ quan điểm riêng của bản thân. Không thừa nhận quan điểm trái chiều với chính mình.

Phòng giáo dục cũng có điểm tốt, nhưng sao lại bị đòi giải tán? ảnh 4Giải tán Phòng Giáo dục, trao quyền cho Hiệu trưởng bổ nhiệm Hiệu phó

Một số cán bộ lại thiếu đi sự gần gũi, sự thân thiện nên không có sự đồng cảm, thấu hiểu cấp dưới.

Thế nên, giáo viên thậm chí cả ban giám hiệu nhiều trường học sợ phòng giáo dục một phép.

Họ buộc phải làm theo tất cả những chỉ đạo (không loại trừ cả những chỉ đạo vô lý) do sợ chứ hoàn toàn không phục.

Từ đó, tạo ra một tâm lý bất an là làm gì cũng sợ sai, sợ bị la, bị nạt.

Nay đề nghị xóa bỏ phòng giáo dục nhiều người thở phào nhẹ nhõm vì không còn cảm giác bị theo dõi, bị nhắc nhở.

Nhưng giao hoàn toàn quyền về cho hiệu trưởng mà không có ai giám sát, quản lý hóa chẳng phải thoát khỏi cái “tròng” này lại lạc vào cái “tròng” khác hay sao?

Bởi thế, thay vì xóa sổ phòng giáo dục trong thời điểm hiện nay, chúng ta cần giảm mạnh biên chế ở cấp phòng. Ngoài hai lãnh đạo (Trưởng và Phó phòng) chỉ còn 3 chuyên viên theo dõi 3 cấp học.

Giảm bớt các hội thi, giao lưu cho cả giáo viên và học sinh, hạn chế việc thanh tra dự giờ thăm lớp (một tiết dự giờ kiểu cưỡi ngựa xem hoa chẳng nói lên được điều gì), giảm hồ sơ sổ sách, giảm việc hội họp, làm báo cáo thi đua…nhiều như hiện nay.

Có thế, giáo viên, ban giám hiệu nhà trường sẽ bớt đi nhiều áp lực, bớt đi những việc làm chỉ mang nặng tính đối phó để chuyên tâm vào quản lý, giảng dạy và giáo dục học sinh cho hiệu quả.

Phan Tuyết