Tự chủ đại học là nhà trường muốn làm gì cũng được?

31/03/2015 07:37
Xuân Trung
(GDVN) - Nhiều quan điểm bày tỏ, trường đại học được tự chủ nghĩa là muốn làm gì cũng được, nhưng thực tế chưa hẳn như vậy.

LTS: Trong cải cách giáo dục đại học (GDĐH) trên thế giới, xu thế chung là trao quyền tự chủ cho các trường đại học.

Mục đích của chính sách này là để các trường đại học sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của mình và phản ứng tốt hơn trước tác động của thị trường và với những yêu cầu của xã hội. Do vậy, trao quyền tự chủ là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển giáo dục đại học.

Thực hiện chuyên đề về tự chủ giáo dục đại học, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cùng với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam mong muốn có được những ý kiến, quan điểm hay để đề xuất được những kiến nghị khách quan và toàn diện hơn cho Chính Phủ về chủ trương đẩy mạnh trao quyền tự chủ cho các trường đại học.

Bài viết gồm những quan điểm từ các chuyên gia, những nhà giáo dục uy tín và các thầy cô trong các trường đại học, cao đẳng.

Trao đổi với chúng tôi về chủ đề này, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), thì tự chủ đại học thường được thể hiện chủ yếu trên 3 nhóm nội dung lớn như sau: (1) Học thuật; ( 2 ) Tổ chức-Nhân sự; ( 3 ) Tài chính.

Tuy nhiên, trong  việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học, có một số vấn đề cần được lưu ý:

Một là, trao quyền tự chủ cho các trường đại học không có nghĩa là mọi trường đại học đều được hưởng mức độ tự chủ như nhau. Trên thế giới có tồn tại một  “phổ” rộng về mức độ tự chủ: Những trường được trao quyền tự chủ tối đa là những trường đại học có hàm lượng trí tuệ cao, tức là những trường đại học nghiên cứu; còn các trường theo hướng nghề nghiệp- ứng dụng vẫn phải chịu sự kiểm soát và giám sát khá lớn từ phía Nhà nước.

Tự chủ đại học là nhà trường muốn làm gì cũng được? ảnh 1

Ảnh minh họa. ĐH Tài Chính

Hai là, quyền tự chủ của trường đại học càng lớn thì trách nhiệm xã hội càng cao. Ở đây trách nhiệm xã hội không phải chỉ là lời hứa xuông mà là trách nhiệm của nhà trường đối với sinh viên, cha mẹ sinh viên, người sử dụng lao động, công chúng và Nhà nước.

Trách nhiệm này bao gồm: việc đảm bảo chất lượng đào tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thông tin minh bạch và trách nhiệm báo cáo giải trình công khai với công chúng, đem lại sự thỏa mãn cho sinh viên và cộng đồng,...

Ba là, quyền tự chủ của nhà trường không thể trao cho một cá nhân ( Hiệu trưởng ) mà phải trao cho một Hội đồng trường có thành viên chủ yếu là các đại diện ưu tú của cộng đồng xã hội.

Theo ông Khuyến, hội đồng trường phải là một hội đồng quyền lực thực sự, quyết định mọi chính sách của nhà trường, có quyền chọn lựa Hiệu trưởng và có cơ chế kiểm soát độc lập đối với mọi hoạt động của nhà trường.

Bốn là, trao quyền tự chủ cho trường đại học hoàn toàn không đồng nhất với cơ chế phân quyền trách nhiệm giám sát trường đại học từ trung ương cho các tỉnh, thành phố, địa phương.

Những năm gần đây Nhà nước chủ trương đẩy mạnh trao quyền tự chủ cho các trường đại học. Quyền tự chủ của các trường đại học cũng đã được khẳng định tại Điều 60 của Luật Giáo dục và Điều 32 của Luật Giáo dục đại học. Tuy nhiên cho tới nay quan niệm về tự chủ của các trường đại học còn rất phân tán.

Trước đó, vào cuối năm 2014 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về giao quyền tự chủ đối với các trường đại học công lập. Buổi họp này gồm lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, trường Đại học tham dự.

Trong buổi họp này Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân, trong đó có giáo dục đại học thì phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp, song nhận thức chung cho thấy việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học được coi là khâu quyết định, là yếu tố đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Đặc biệt, qua thực tiễn thực hiện tự chủ của một số trường đại học với nhiều mô hình thành công và kết quả bước đầu rất đáng hoan nghênh cho thấy chủ trương của Đảng và Nhà nước về giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường Đại học đã khẳng định đây là một chủ trương đúng, phù hợp với thực tiễn.

“Tự chủ không chỉ để thực hiện được mục tiêu đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, mà quan trọng hơn là tạo động lực để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giúp hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam phát triển nhanh và bền vững” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay.

Tự chủ đại học là một xu thế thời đại, tuy nhiên trong thời gian qua vẫn còn cách hiểu khác nhau về tự chủ đại học.

Các chuyên gia, những độc giả quan tâm có thể gửi bài viết của mình (theo địa chỉ toasoan@giaoduc.net.vn) thể hiện quan điểm riêng, cách nhìn riêng về tự chủ đại học. 

Từ đó Báo điện tử Giáo dục Việt Nam mong muốn những ý kiến xây dựng, đóng góp này sẽ giúp các cơn quan hoạch định nhìn nhận thấu đáo và đưa ra quyết sách phù hợp nhất.

Xuân Trung