Tôi mong sao sang năm không còn đánh lẫn nhau trong trường học nữa

16/12/2018 07:41
NHẬT KHOA
(GDVN) - Vấn nạn bạo lực học đường trong những năm gần đây ngày càng phức tạp hơn, có tổ chức, có diễn biến, tần suất ngày càng nhiều hơn.

LTS: Đưa ra những giải pháp nhằm góp phần giải quyết vấn nạn bạo lực học đường đang có xu hướng ngày một gia tăng hiện nay, nhà giáo Nhật Khoa đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chúng ta đang trong tháng 12 là tháng cuối cùng của năm 2018, chuẩn bị bước sang năm mới 2019.

Năm qua cũng là năm học có nhiều sự cố gắng của cá nhân tư lệnh ngành – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng vấn nạn bạo lực học đường diễn ra có vẻ nghiêm trọng hơn, phức tạp hơn cả về số lượng lẫn mức độ.

Nhiều người đã bị xử lý, khởi tố, khai trừ Đảng vì liên quan đến các vụ bạo hành và tôi mong rằng sang năm mới 2019 sẽ không bao giờ lặp lại điều tương tự, môi trường giáo dục phải là môi trường thân thiện, đầy tình thương.

Vấn nạn bạo lực học đường (Ảnh minh họa: baotintuc.vn).
Vấn nạn bạo lực học đường (Ảnh minh họa: baotintuc.vn).

Vấn nạn bạo lực trong học đường có thể chia làm 3 dạng là giáo viên bạo hành học sinh, gia đình và học sinh bạo hành giáo viên và học sinh bạo hành lẫn nhau.

Thông qua bài viết, cùng nhìn lại những vụ bạo hành nghiêm trọng của ngành giáo dục trong năm qua.

Giáo viên bạo hành học sinh

Trong năm qua diễn ra các vụ bạo hành thể xác và tinh thần học sinh được xem là nghiêm trọng, như trong chương trình gặp gỡ, đối thoại của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh với học sinh trên địa bàn thành phố diễn ra sáng 23/3, nữ sinh Phạm Song Toàn cho hay giáo viên dạy Toán của lớp em không hề giảng, không trò chuyện với học sinh, chỉ chép bài và giao bài tập trong suốt 3 tháng trời.

Đây là dạng bạo hành tinh thần nó cũng nguy hiểm không kém gì bạo hành thể xác.

Trong khoảng tháng 4/2018, vụ việc cô giáo phạt học sinh lớp 5 uống nước giẻ lau bảng ở Hải Phòng; học sinh lớp 1 bị giáo viên đánh đến bầm tím tay ở Thái Bình; học sinh lớp 8 tố bị cô giáo tát gãy răng, rách môi ở Hà Nội.

Trong tháng 5/2018, ở Thái Bình và Hà Nội xảy ra sự việc học sinh lớp 1 bị giáo viên đánh bầm tím tay, chân.

Tháng 7/2018, xuất hiện clip giáo viên mầm non ở Bình Chánh – Thành Phố Hồ Chí Minh… kẹp cổ, tát liên tục vào mặt và má học sinh khiến học sinh bầm tím mặt .

Trong tháng 11/2018, vụ việc một cô giáo ở một trường trung học cơ sở ở Quảng Bình xử lý học sinh lớp 6 nói tục bằng cách cho các bạn học cùng lớp và chính cô giáo trên tát em 231 cái. 

Tôi mong sao sang năm không còn đánh lẫn nhau trong trường học nữa ảnh 2Bạo hành trong nhà trường, còn bưng bít đến bao giờ?

Người thân học sinh bạo hành giáo viên

Đối tượng bị bạo hành, xúc phạm thân thể không chỉ có học sinh, đôi khi giáo viên cũng chính là nạn nhân.

Trong năm 2018, các vụ việc học sinh và gia đình học sinh bạo hành giáo viên không phải là ít như vụ việc người thân học sinh xông vào trường bắt cô giáo quỳ ở Long An.

Trong tháng 3/2018, xảy ra các vụ việc như vụ 1 học sinh học trung học cơ sở ở Bến Tre văng tục và bóp cổ cô giáo đứng lớp; một phụ huynh xông vào trường mầm non ở Thành Phố Vinh (Nghệ An) đánh giáo viên mầm non dọa sẩy thai và ép cô giáo quỳ để xin lỗi.

Ở Đắk Nông phụ huynh xông vào trường đánh cô giáo vì không cho đón con về sớm và đáng lên án hơn là vị phụ huynh trên cho rằng đang đóng tiền để “nuôi” thầy cô giáo.

Trước đó, anh trai của 1 học sinh ở Trường trung học cơ sở Tân Thành (Bà Rịa –Vũng Tàu) xông vào trường đánh giáo viên gãy sống mũi…

Trong tháng 8/2108, một nhóm người xông vào trường hành hung giáo viên ngay tại sân Trường trung học phổ thông Cao Bá Quát (Đắk Lắk) làm cho thầy bị gãy xương mũi, chảy nhiều máu mũi, mặt,…

Các vụ học sinh bạo hành lẫn nhau

Thời gian gần đây cũng liên tục xuất hiện các vụ học sinh đánh nhau, tung clip lên mạng như nữ sinh đánh nhau, giật tóc, đánh tập thể bạn…có nhiều vụ thương tâm học sinh bị bạn đánh, đâm chết…

Cụ thể trong tháng 01/2018 tại Trường trung học cơ sở Nguyễn Chí Thanh (Đắk Lắk) có nhóm nữ sinh đánh nhau quay clip tung lên mạng khiến nữ sinh phải nhập viện điều trị.

Trong tháng 5/2018, có 3 nam sinh đánh tập thể bạn cùng phòng trong ký túc xá ở Trường trung học cơ sở Quỳ Hợp (Nghệ An).

Tôi mong sao sang năm không còn đánh lẫn nhau trong trường học nữa ảnh 3Đối tượng học sinh nào thường hay bị bạo hành trong nhà trường nhất?

Cũng trong tháng 5/2018, một vụ việc rúng động đã xảy ra, do mâu thuẫn nhiều học sinh đã dùng hung khí đâm bạn tử vong trong khuôn viên Trường trung học cơ sở An Thái Trung (Tiền Giang).

Trong tháng 10/2018 ở Trường trung học phổ thông Krông Bông (Đắk Lắk) có 2 nhóm nữ sinh trường đánh nhau, 1 em đến can đã bị đâm phải nhập viện cấp cứu.

Làm sao để chấm dứt nạn bạo lực học đường

Vấn nạn bạo lực học đường trong những năm gần đây ngày càng phức tạp hơn, có tổ chức, có diễn biến, tần suất ngày càng nhiều hơn.

Những vụ việc nêu trên chỉ là những vụ được công khai trên báo chí, chắc chắn còn rất nhiều vụ bạo lực học đường trong chính các ngôi trường sư phạm mà nạn nhân có thể là học sinh cũng có thể là giáo viên.

Có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau như thiếu kỹ năng ứng xử, thiếu đạo đức, nghiệp vụ, xem thường pháp luật… có cả phía người thân học sinh và có thể có cả lỗi của giáo viên và nhiều nguyên nhân khác như áp lực thành tích

Vấn nạn bạo hành trong học đường không phải là mới xảy ra, nó xảy ra nhiều năm qua, nhưng trong một vài năm gần đây thì nạn bạo hành diễn ra có chiều hướng nghiêm trọng hơn, thách thức pháp luật hơn.

Một số trường hợp, giáo viên khi ứng xử tâm lý chưa vững, chưa nắm bắt tâm lý học sinh, không tìm ra giải pháp kịp thời nên lúng túng trong ứng xử đôi khi để lại hậu quả nặng nề…

Theo cá nhân tôi, để giải quyết nạn bạo lực học đường, ngoài những giải pháp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện như lồng ghép giáo dục đạo đức, xử lý nghiêm sai phạm… tôi xin được đề xuất thêm 2 giải pháp sau có thể chấn chỉnh phần nào nạn bạo lực học đường.

Thứ nhất, phải có nhân viên tư vấn tâm lý học đường

Tôi mong sao sang năm không còn đánh lẫn nhau trong trường học nữa ảnh 4Phụ huynh ơi, sao lại đánh cô, chửi thầy?

Lứa tuổi học sinh thường là lứa tuổi hiếu động, đôi khi bộc phát, mỗi đơn vị trường (hoặc trong 1 xã) có nhân viên tư vấn tâm lý học đường chính quy để tư vấn thì các em sẽ lắng nghe, điều chỉnh những lệch lạc, những hành vi không đúng mực.

Nhân viên tư vấn tâm lý học đường là người nắm chắc tâm lý lứa tuổi, cũng là người uốn nắn, giúp đỡ các em học sinh có sai phạm, lắng nghe các em trao đổi tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng, khuyên nhủ các em, giúp các em nhận ra cái sai, làm điều đúng hơn.

Bên cạnh đó, nếu giáo viên thiếu kiềm chế, thiếu kiểm soát, thiếu biện pháp giáo dục các học sinh “cá biệt” thì có thể gặp nhân viên tư vấn tâm lý trên để trao đổi cách giáo dục học sinh cho phù hợp nhất.

Do đó, nhân viên tư vấn tâm lý rất quan trọng nhưng hiện nay ở các trường học không có đơn vị nào có nhân viên trên, nên khi sự việc giáo viên và học sinh không nhận được sự tư vấn hợp lý trong ứng xử, dẫn đến những vụ việc đau lòng như trong thời gian qua.

Trong thông tư 15/2017 quy định thời gian làm việc của giáo viên phổ thông thì tại các trường học không có chức danh chuyên trách nhân viên tư vấn tâm lý học đường, hy vọng trong lần đổi mới chương trình sách giáo khoa, mỗi trường phải có nhân viên tư vấn tâm lý học đường.

Thứ hai, mỗi tỉnh phải có 1 trường giáo dưỡng

Phải nói thật rằng, hiện nay có nhiều em học sinh cá biệt, giáo viên đã dùng mọi biện pháp từ thuyết phục, vận động, giúp đỡ... nhưng nhiều em không tiến bộ, thậm chí thách thức, coi thường giáo viên, coi thường kỷ luật của nhà trường.

Tôi mong sao sang năm không còn đánh lẫn nhau trong trường học nữa ảnh 5Dù thế nào, đừng bao giờ xúc phạm thầy cô

Tôi xin kể một câu chuyện có thật về học sinh cá biệt trong lớp khi giáo viên bước vào lớp học sinh không đứng dậy chào thưa, không học bài, giáo viên hỏi không trả lời,…giáo viên dùng lời lẽ thuyết phục nhưng em bất cần, thậm chí có nhiều lần cãi tay đôi với giáo viên.

Sự việc không phải 1 lần mà xảy ra nhiều lần, không phải giáo viên yếu kỹ năng hay không thương yêu học sinh mà thật sự học sinh đó bất cần, đôi khi còn lôi kéo cả các bạn khác hư hỏng theo.

Có trường hợp cả nhà trường, gia đình và cả chính quyền địa phương kết hợp để giáo dục các em nhưng không thành công.

Bên cạnh đó, có nhiều em nghiện game, nghiện mạng xã hội như Zalo, Facebook…thậm chí có em còn nghiện hút thuốc, ma túy…

Nếu đẩy các em ra trường thì các em có thể vi phạm pháp luật, tù tội nhưng nếu để các em trong trường học thì có thể môi trường học tập thì sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, sẽ có thêm nhiều em khác hư hỏng theo.

Do đó, trường giáo dưỡng có đủ chức năng, nhân viên phù hợp sẽ giúp các em nhận thức được đúng, sai và giúp các em tiến bộ trở thành người tốt, có ích cho xã hội, đối với các em trường giáo dưỡng chính là cứu cánh để giúp đỡ các em nên người.

Rất mong ngành giáo dục trong năm 2019 sẽ không còn nạn bạo hành như trong năm qua, môi trường giáo dục sẽ là môi trường tốt nhất mà giáo viên muốn đến để dạy bằng tất cả tình yêu thương, là nơi người thân học sinh an tâm và tin tưởng vào việc giáo dục học sinh, là nơi học sinh muốn đến mỗi ngày với khẩu hiệu “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”.

NHẬT KHOA