144 dự án tham gia Cuộc thi Nghiên cứu KHKT cấp quốc gia học sinh trung học

27/03/2022 06:50
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ ngày 25/3 đến ngày 27/3, Bộ GD&ĐT tổ chức Cuộc thi Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm 2021-2022 bằng hình thức trực tuyến.

Nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ, góp phần đổi mới hình thức dạy học, tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu các kết quả nghiên cứu và chuẩn bị cho học sinh trung học tác phong khoa học, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm 2021-2022 bằng hình thức trực tuyến từ ngày 25/3/2022 đến ngày 27/3/2022 tại Học viện Viettel (Thạch Thất, Hà Nội), với 71 đơn vị tham gia.

Phát biểu tại Lễ Khai mạc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, từ năm học 2011-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh trung học và tổ chức Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (VISEF). Đây là hoạt động quen thuộc mang dấu ấn của sự hội nhập quốc tế, thu hút hàng ngàn học sinh tham gia.

Năm học 2021-2022 là năm thứ 10 Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học trên phạm vi toàn quốc. Cuộc thi tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn đe dọa đến sự an toàn học đường, nhiều học sinh vẫn chưa được đến trường.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Lễ Khai mạc. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Lễ Khai mạc. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn của hoàn cảnh, cuộc thi tiếp tục thu hút, tập hợp được nhiều nhà khoa học từ các trường đại học, cao đẳng, học viện tham gia hướng dẫn, góp ý, chấm, chọn các dự án tham gia từ cuộc thi cấp tỉnh, thành phố đến cấp quốc gia. Điều đó chứng tỏ khát vọng được học tập, khát vọng được nghiên cứu của học sinh vẫn chiến thắng dịch bệnh và vượt mọi khó khăn. Và tất cả các sản phẩm nghiên cứu ra đời trong bối cảnh này càng phải được trân trọng hơn hết.

“Tôi hy vọng rằng, thông qua hoạt động này, chúng ta sẽ nhận thức đầy đủ hơn, sâu hơn về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giáo dục, hy vọng từ những thách thức khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, chúng ta càng nhanh chóng khẳng định được hiệu quả của việc chuyển đổi số trong giáo dục.

Bên cạnh đó, chúng ta sẽ có nhận thức mới về chất lượng giáo dục, mở rộng về không gian, thời gian và hình thức dạy học, thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường, đồng thời khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức nghiên cứu khoa học và các cá nhân tham gia vào hoạt động giáo dục của trường phổ thông”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ bày tỏ.

Thông tin về cuộc thi, ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Phó trưởng Ban chỉ đạo cho hay, tham gia cuộc thi năm nay có 71 đơn vị gồm 60 Sở Giáo dục và Đào tạo và 11 trường trung học phổ thông trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, thuộc trường đại học với 144 dự án, 273 học sinh. Trong đó, cấp trung học phổ thông có 129 dự án với 244 học sinh, cấp trung học cơ sở 15 dự án với 29 học sinh. Có 3 Sở Giáo dục và Đào tạo không tham gia dự thi là Sở Giáo dục và Đào tạo Long An, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn và Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa-Vũng Tàu.

Mặc dù triển khai bằng hình thức trực tuyến, Hội đồng chấm thi tập trung, các dự án tham gia trực tuyến từ các điểm cầu của đơn vị dự thi nhưng cuộc thi vẫn được diễn ra nghiêm ngặt, công bằng ở tất cả các khâu. Ban giám khảo Cuộc thi là các giảng viên, nghiên cứu viên các trường Đại học; Học viện; Viện nghiên cứu thuộc ba miền Bắc - Trung - Nam.

Năm nay, các dự án nghiên cứu tham gia trên 22 lĩnh vực bao gồm: Khoa học động vật, Khoa học xã hội và hành vi, Hóa Sinh, Y Sinh và khoa học Sức khỏe, Kỹ thuật Y Sinh, Sinh học tế bào và phân tử, Hóa học, Sinh học trên máy tính và Sinh -Tin, Khoa học Trái đất và Môi trường, Hệ thống nhúng, Năng lượng: Hóa học, Năng lượng: Vật lí, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật môi trường, Khoa học vật liệu, Toán học, Vi Sinh, Vật lí và Thiên văn, Khoa học Thực vật, Rô bốt và máy thông minh, Phần mềm hệ thống, Y học chuyển dịch.

Các dự án đạt giải sẽ nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh… Ngoài ra, một số trường đại học, tổ chức, cá nhân cũng tham gia hỗ trợ trao giải thưởng cho học sinh theo các hình thức học bổng tuyển thẳng vào một số chuyên ngành liên quan tới các lĩnh vực nghiên cứu của học sinh.

Ngọc Ánh