2 Đại học Quốc gia công nhận kết quả ĐGNL của nhau dù thang điểm khác biệt

21/01/2023 06:45
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo GS Nguyễn Tiến Thảo, các cơ sở GDĐH không nên đua nhau tổ chức kỳ thi riêng, mà chỉ nên cân nhắc triển khai khi đơn vị có tổ chức khảo thí độc lập.

Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội tính theo thang điểm 150. Bài thi được tiếp cận theo xu hướng bài thi đánh giá năng lực SAT (Scholastic Aptitude Test) của Mỹ. Ngược lại, bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh lại được thiết kế gần với bài thi đánh giá năng lực của Anh (TSA - Thinking Skills Assessment), với thang điểm là 1.200.

Tuy nhiên, năm nay, hai đại học quốc gia chính thức thống nhất sẽ công nhận kết quả thi đánh giá năng lực của nhau để tuyển sinh.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hai đơn vị đã có nhiều tháng nghiên cứu, chạy dữ liệu của hơn 10.000 thí sinh để đưa ra bộ công thức quy đổi điểm thi giữa hai bên, từ đó làm căn cứ để công nhận kết quả tuyển sinh lẫn nhau, giúp thí sinh các vùng miền đều có cơ hội tiếp cận các bài thi.

Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Năm nay, dự kiến cũng sẽ có rất nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia để xét tuyển. Đánh giá về xu hướng các trường cùng công nhận và dùng chung kết quả của các kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào, Giáo sư Thảo cho rằng điều này tạo sự thuận lợi cho cả cơ sở giáo dục đại học và các thí sinh.

“Về thí sinh, các em sẽ không cần phải tham gia quá nhiều kỳ thi để xét tuyển đầu vào đại học, như vậy vừa tiết kiệm thời gian, tiền bạc, vừa giảm bớt áp lực thi cử cho thí sinh.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học, điều này cũng tạo thuận lợi cho các trường khi làm công tác xét tuyển. Ví dụ đối với bài thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia, với việc công nhận kết quả tuyển sinh lẫn nhau của chúng tôi, các trường đại học khi sử dụng bài thi này để tuyển sinh sẽ không cần phải phân chia thành 2 phương thức xét tuyển như năm vừa rồi (vì thang điểm của hai bài thi khác nhau).

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có khuyến cáo các bài thi riêng hãy tìm bộ chuyển đổi để tạo thuận lợi hơn cho các thí sinh. Trong đó, để xây dựng được bộ công cụ chuyển đổi, yêu cầu cần phải có kho dữ liệu đủ nhiều và chính xác để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh”, Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng nhiều nghi vấn đặt ra khi các trường đua nhau tổ chức bài thi riêng, liệu điều này có làm giảm đi cơ hội tiếp cận đại học đối với các thí sinh ở vùng miền núi, vùng cao khó khăn? Và việc ngày càng nhiều kỳ thi riêng được tổ chức như vậy có gây ra lãng phí?

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Giáo sư Thảo cho hay: “Với bài thi đánh giá năng lực, mặc dù không thể triển khai tới tận 63 tỉnh thành phố, tuy nhiên, chúng tôi đã cố gắng triển khai đầy đủ tới các khu vực từ Đông bắc, Tây bắc, Bắc Trung bộ, khu vực phía nam đã có bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Các cơ sở muốn tổ chức bài thi riêng, theo quan điểm của tôi là chỉ nên cân nhắc triển khai khi có đơn vị tổ chức khảo thí độc lập như hai đại học quốc gia, có các bộ phận nghiên cứu, xây dựng và chuẩn hóa đề thi để đảm bảo kỳ thi được tổ chức ra đáp ứng được nhiều mục đích, đồng thời đảm bảo được tính ổn định giữa các năm.

Với các đơn vị không có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, về năng lực, điều kiện thì chúng tôi không khuyến khích tổ chức bài thi riêng; Vì rõ ràng nếu không có đủ nguồn lực thì rất dễ tổ chức ra các kỳ thi thiếu tính ổn định giữa các năm, tính chất bài thi cũng không được đảm bảo”.

Giáo sư Thảo nhấn mạnh, nếu bài thi chỉ mang tính chất là bài kiểm tra kiến thức thì không nên tổ chức thêm, bởi vì kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đang làm rất tốt chức năng đó, do đó chúng ta không nên lãng phí các nguồn lực để tạo ra một kỳ thi tương tự.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (đợt 5, năm 2022). Ảnh: VNU

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (đợt 5, năm 2022). Ảnh: VNU

Với kinh nghiệm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực liên tiếp 3 năm qua, Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, nhà trường luôn hướng tới kỳ thi công khai và minh bạch nhất, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho các thí sinh.

Theo đó, năm nay, Đại học Quốc gia ngoài mở rộng địa điểm thi; quy định giới hạn thí sinh thi 2 lượt tối đa/năm để nâng cao hiệu quả bài thi, đồng thời mở ra cơ hội cho các thí sinh có nhu cầu khác… giúp giảm chi phí cho gia đình và mở ra cơ hội các thí sinh có nguyện vọng được tham gia dự thi hơn.

Bài thi đánh giá năng lực hướng tới nhóm ngành/cơ sở giáo dục đại học xét tuyển có tính phân loại cao. Theo đó, bài thi được thiết kế nhằm đánh giá năng lực thí sinh theo chuẩn đầu ra chương trình giáo dục phổ thông, có tính phân loại cao và toàn diện, ổn định giữa các năm. “Chúng tôi sẽ đảm bảo việc giữ tính ổn định kỳ thi tối thiểu từ nay tới năm 2024. Năm 2025, khi thực hiện thay đổi chuẩn đầu ra theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 thì dự kiến mới có sự điều chỉnh tiếp theo”, thầy Thảo nói.

Bắc Sơn