6 điều mong mỏi của giáo viên về năm học 2023-2024

07/09/2023 06:41
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trả lương theo hạng cũng tồn tại nhiều bất cập khi chia hạng còn cào bằng, chưa đúng giáo viên giỏi, làm việc hiệu quả được xếp ở hạng cao, lương cao.

Ngày 5/9, khai giảng năm học mới ở tất cả các cấp học, bậc học đã được tổ chức trên cả nước. Năm học 2023-2024 được ngành Giáo dục xác định chủ đề: Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Là một nhà giáo đứng lớp trên 20 năm, giữ nhiều vị trí trong nhà trường, xin được có đôi điều kiến nghị nhằm thể hiện sự mong mỏi của bản thân cũng như của nhiều đồng nghiệp về một số vấn đề liên quan giáo dục.

Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Thứ nhất, sớm ban hành Luật Nhà giáo

Việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo nhằm tiếp tục luật hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục".

Trước đó, sáng 29/6, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề pháp luật tháng 6/2023, trong đó xem xét Tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, ý kiến trao đổi của các bộ trưởng thành viên Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết luận: Thống nhất với Tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, về các chính sách dự kiến đưa vào nội dung của Luật.

Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ; phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ để rà soát, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, đưa việc xây dựng Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng pháp luật.

Đây là thông tin được đông đảo nhà giáo chờ đợi, mong mỏi từ rất lâu, có được Luật Nhà giáo nhằm tạo hành lang pháp lý để khẳng định vị thế của ngành, vị thế nhà giáo cả nước.

Nên, nhà giáo mong mỏi Luật Nhà giáo có càng sớm càng tốt.

Thứ hai, cải thiện thu nhập nhà giáo, quan tâm giáo viên trẻ, sớm xếp lương theo vị trí việc làm

Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến sẽ tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10% và đối với tiểu học thêm 5% trong điều kiện kinh tế nhiều khó khăn là sự nỗ lực rất lớn của 2 Bộ, là tin vui cho giáo viên cả nước.

Bên cạnh đó, từ ngày 01/7, lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng mỗi tháng khiến lương giáo viên cũng cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, thực trạng trả lương còn cào bằng, chênh lệch giữa giáo viên lâu năm và giáo viên trẻ quá cao khiến việc trả lương thiếu khoa học, công bằng.

Giáo viên công tác lâu năm công tác ở vùng điều kiện bình thường với tổng lương và các khoản phụ cấp hơn 15 triệu, trong khi giáo viên mới ra trường thực nhận chỉ khoảng 4,5-5 triệu mỗi tháng trong khi công việc, hiệu quả thì chưa được định lượng rõ ràng.

Có giáo viên trẻ làm việc hiệu quả cao, đi đầu trong đổi mới, đạt hiệu suất cao,…nhưng lại nhận lương thấp.

Trả lương theo hạng cũng tồn tại nhiều bất cập khi chia hạng còn cào bằng, chưa đúng giáo viên giỏi, làm việc hiệu quả được xếp ở hạng cao, lương cao. Nhiều giáo viên làm việc tốt, nhiều bằng khen, thành tích nhưng vẫn chỉ xếp ở hạng thấp nhất, có giáo viên “tàng tàng” vẫn xếp ở hạng cao.

Mong mỏi nhà giáo cả nước là sớm được cải thiện thu nhập, sớm trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc.

Thứ ba, mong giáo dục “thật” hơn

Hiện nay, việc chạy theo bệnh thành tích vẫn là câu chuyện được nhiều nhà giáo lo lắng.

Các báo cáo chưa “thật”, được tô hồng chưa thừa nhận những tồn tại, hạn chế của ngành để có những điều chỉnh cho phù hợp.

Nhà giáo cả nước mong giáo dục “thật” hơn, được đánh giá học sinh “thật” hơn, nhìn nhận thẳng tồn tại, hạn chế để có sự điều chỉnh để ngành tốt hơn.

Thứ tư, mong sớm điều chỉnh các môn “tích hợp” bậc trung học cơ sở

Thật tình mà nói, cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đang triển khai trong điều kiện khó khăn là sự nỗ lực rất lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như toàn hệ thống chính trị, quan điểm đánh giá dựa trên năng lực và phẩm chất là điểm mới đáng ghi nhận, phù hợp với xu thế tiến bộ của các nước có nền giáo dục tiên tiến, phát triển.

Việc đổi mới ở bậc phổ thông có điểm vướng lớn nhất chính là sự xuất hiện 2 môn tích hợp Khoa học tự nhiên (tích hợp 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), không chỉ có hàng loạt vướng mắc trong quá trình thực hiện mà còn có nhiều vướng mắc khi thực hiện ở bậc trung học phổ thông, tuyển sinh cao đẳng, đại học.

Giống như Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận việc dạy tích hợp là một trong những điểm nghẽn và khó khăn nhất khi triển khai chương trình mới, và có thể được điều chỉnh tại cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ngày 15/8.

Giáo viên và học sinh rất vui mừng khi Bộ trưởng nhận ra khó khăn thật sự khi triển khai 2 môn tích hợp trên.

Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy lắng nghe ý kiến tâm huyết của những nhà giáo dạy các đơn môn được tích hợp để thấy khó khăn, áp lực quá lớn mà họ phải chịu đựng thời gian qua để có sự điều chỉnh cho phù hợp và mong Bộ sớm điều chỉnh môn này cho phù hợp, tránh gây quá tải, áp lực lớn lên giáo viên và học sinh.

Thứ năm, mong học sinh không phải học thêm quá nhiều

Chương trình mới dạy học theo hướng hình thành năng lực và phẩm chất người học.

Dạy học theo phẩm chất là biến học sinh thành người tốt, hướng đến chân, thiện, mỹ.

Dạy học theo năng lực là dạy học hướng đến khả năng đạt được của học sinh, phát huy thế mạnh đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.

Chương trình mới giảm kiến thức hàn lâm, tăng ứng dụng thực tiễn.

Việc học sinh học thêm quá nhiều thì không đúng định hướng chương trình mới, không giúp hình thành năng lực, phẩm chất học sinh mà còn khiến môi trường giáo dục méo mó, bất công, gây nhiều bức xúc.

Người viết, mong sớm có quy định về dạy thêm học thêm theo hướng giảm dạy thêm, tăng tự học, tăng tính trải nghiệm, ứng dụng trong quá trình học, không còn tình trạng o ép học sinh học thêm thu tiền.

Thứ sáu, giảm bớt những việc hình thức

Thời đại công nghệ số, xin hãy giảm bớt một số công việc hình thức, hồ sơ sổ sách, các cuộc thi không cần thiết của giáo viên và học sinh để giáo viên chuyên tâm dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục thực chất.

Mọi việc thay đổi chưa bao giờ là dễ, tuy nhiên nếu được sự đồng thuận của giáo viên dưới sự quyết liệt, đồng hành của các cấp các ngành và đặc biệt là sự điều hành đúng đắn của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì ngành giáo dục sẽ từng bước khởi sắc, vị thế ngành và của giáo viên sẽ từng bước được nâng cao nếu các ý kiến được tiếp thu và điều chỉnh những gì không phù hợp.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam