Bảo đảm chất lượng đào tạo giáo viên - bài học từ nước Đức

12/12/2018 06:26
Diệp Phương Chi
(GDVN) - Yếu tố đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên được Cộng hòa liên bang Đức xem là hàng đầu trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục.

LTS: Tác giả Diệp Phương Chi, giảng viên Đại học Sư phạm kĩ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu sinh ngành Sư phạm nghề kĩ thuật, Đại học Kĩ thuật Dresden, Cộng hoà Liên bang Đức đã có bài viết chia sẻ về vấn đề đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên ở nước ta hiện nay. 

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đức là một trong những nước phát triển hàng đầu thế giới với chính sách ưu tiên giáo dục ưu việt. Sau đây là một số điều hay trong nền giáo dục của Đức:

Đầu tiên, nước Đức làm được một điều mà rất ít các nước tư bản hàng đầu làm được đó chính là thực hiện chính sách miễn phí giáo dục cho toàn bộ tất cả các cấp, từ tiểu học cho đến đại học và sau đại học.

Chính sách này đi từ quan điểm tất cả mọi người dù giàu hay nghèo đều được đi học, đều được ủng hộ, tạo điều kiện để học tập, miễn là muốn học.

Vì vậy, con nhà giàu hay con nhà nghèo gì đến trường đều là bình đẳng, cơ hội học tập là bình đẳng cho tất cả mọi người. Đây là một  trong những chính sách khiến cho Đức được xem là một trong những nước “xã hội chủ nghĩa kiểu mới”.

Thứ hai, nước Đức cực kì coi trọng việc bảo đảm chất lượng đào tạo giáo viên.

Để trở thành một giáo viên dù dạy phổ thông hay dạy trường nghề, người học đầu vào phải trải qua việc xét học bạ kĩ càng để tuyển được người có năng lực học tập từ phổ thông tốt, (riêng trong lĩnh vực giáo viên dạy nghề, người học còn bị đòi hỏi phải có một năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghiệp liên quan đến nghề sẽ trở thành giáo viên đào tạo, một năm kinh nghiệm này người học cũng có thể tích luỹ và trả sau trong quá trình học đại học).

Cô giáo luyện giảng ở Trường Gymnasium, Cộng hòa liên bang Đức (Ảnh: Đinh Tuyết Mai).
Cô giáo luyện giảng ở Trường Gymnasium, Cộng hòa liên bang Đức (Ảnh: Đinh Tuyết Mai).

Tiếp theo, người học phải trải qua hai giai đoạn đào tạo. Giai đoạn thứ nhất kéo dài khoảng 5 năm, lấy bằng Diplom (bằng này sau quá trình Bologna thì được quy đổi tương đương bằng Master của các nước khác) hoặc tham gia vào kì thi lấy chứng chỉ quốc gia thứ nhất (chứng chỉ quốc gia thứ nhất này xem như tương đương bằng Diplom hệ cũ của Đức và bằng Master hiện nay của các nước khác).

Giai đoạn thứ hai kéo dài gần 2 năm (gọi là giai đoạn Referendariat), vừa học lí thuyết, tham gia các seminar vừa giảng dạy thực tế tại trường phổ thông hoặc trường nghề, kết thúc với kì thi lấy chứng chỉ quốc gia lần thứ hai.

Phải có hai chứng chỉ quốc gia với quá trình đào tạo tổng cộng 7 năm (tương đương đào tạo một bác sĩ) thì người học mới chính thức được đứng trên bục giảng hành nghề giáo viên.

Việc đào tạo giáo viên diễn ra khắt khe, kĩ lưỡng từ khâu tuyển chọn cho đến khâu đào tạo và khâu tốt nghiệp đầu ra như vậy, nên chất lượng đào tạo giáo viên của Đức rất bảo đảm.

Đức quản lí giáo dục theo cơ chế phân quyền chứ không tập quyền, tức là mỗi bang tự quản lí việc giáo dục của bang mình, mỗi bang tự làm chương trình, tự tuyển dụng giáo viên.

Sinh viên sư phạm tốt nghiệp xong xem bang nào có công việc phù hợp thì đến đó đăng kí hồ sơ ở sở giáo dục của bang đó (gọi là Schulamt). Schulamt tiếp nhận giáo viên dựa trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng giáo viên của các trường trong bang.

Vì giáo viên được đào tạo ra có chất lượng đảm bảo và đồng đều, nên dù đơn vị tuyển dụng là ai, là bang nào, các trường phổ thông và trường nghề đều được nhận về các giáo viên có mặt bằng chất lượng tốt.

Yếu tố con người là quan trọng nhất, bởi tại Đức, mỗi bang đều có nhiều bộ sách giáo khoa riêng, giáo viên sẽ là người được quyền chọn lựa, chế biến nội dung theo các sách giáo khoa và sách tham khảo, miễn đạt được các mục tiêu dạy học và giáo dục cần thiết.

Xét rộng ra, yếu tố con người luôn là quan trọng nhất, vì nếu các quan điểm giáo dục có tiến bộ đến đâu mà bản thân một người giáo viên cụ thể không đủ trình độ để vận dụng và làm đúng, thì mọi quan điểm giáo dục hoặc mọi triết lí giáo dục đều đổ sông đổ bể.

Vì vậy, yếu tố đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên được nước Đức xem là hàng đầu trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục.

Bảo đảm chất lượng đào tạo giáo viên - bài học từ nước Đức ảnh 2Học thêm và dạy thêm ở Cộng hòa liên bang Đức như thế nào?

Cơ chế hành chính trong quản lí giáo dục của Đức, như đã nói, là theo cơ chế phân quyền theo bang, nên cũng vẫn tồn tại nhiều bất cập mà chính người Đức cũng tồn tại nhiều tranh cãi.

Hằng năm, các đại diện của các khoa tại các trường đại học và các trường phổ thông thường phải cử người đi tranh luận, tranh cãi với chính quyền các bang về việc phân bổ chỉ tiêu và phân bổ ngân sách đầu tư giáo dục cũng như về tệ Buerokratie (tức tệ quan liêu).

Nhưng về cơ bản, trong mọi trường hợp, đơn vị tuyển dụng không phải là đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng giáo viên (bởi họ không phải là đơn vị đào tạo) và càng không phải là đơn vị có quyền thẩm định chất lượng giáo viên (bởi khâu này là của các trường đại học – các đơn vị đào tạo và sở giáo dục – đơn vị có tham gia ít nhiều vào quá trình thẩm định trong kì thi chứng chỉ quốc gia thứ nhất và kì thi chứng chỉ quốc gia thứ hai chịu trách nhiệm).

Nói rộng ra, chất lượng giáo viên phụ thuộc vào cả một quá trình đào tạo và chất lượng đào tạo giáo viên trước đó.

Nếu giáo viên không được đào tạo một cách có chất lượng đi từ khâu tuyển chọn đầu vào, khâu đào tạo và khâu đầu ra, thì dù phân quyền hay tập quyền, dù người tuyển dụng là ai, các trường cũng không thể có giáo viên tốt.

So sánh tại Việt Nam, đang tồn tại bất cập đó chính là quá trình đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm hiện chưa đảm bảo chất lượng.

Một số quan điểm giáo dục tiến bộ như lấy người học làm trung tâm, học tập chủ động, dạy học trải nghiệm, học thông qua hành động, dạy học dựa trên vấn đề…(từ đó triển khai ra các phương pháp dạy học tích cực như dạy học theo dự án, làm việc nhóm, các phương pháp và kĩ thuật dạy học giúp phát triển các kĩ năng mềm, xây dựng các thái độ tích cực…)  đã và đang được đề cập đến trong các trường sư phạm và tập huấn cho giáo viên các trường phổ thông nhưng chưa đồng bộ, chưa sâu rộng.

Ngoài ra, sở dĩ trong thực tiễn giáo dục, người giáo viên mắc nhiều sai lầm là vì trước đây họ được đào tạo thiếu hẳn những lí thuyết giáo dục nhân văn tiến bộ xoay quanh việc tôn trọng con người, nâng đỡ con người, giúp phát huy ưu điểm của con người (giáo viên tại các trường phổ thông hiện nay hầu hết được đào tạo trước đây với những tư duy cũ, ngày nay, các khoá tập huấn ngắn ngày và sơ sài không đủ để nâng cao trình độ các giáo viên đang hành nghề.

Bên cạnh đó, các tập quán cũ, các tồn tại mang tính “dân tộc tính” trong bản thân mỗi người giáo viên, sự ức chế gây nên từ phía xã hội, sự quá tải sĩ số của lớp học “cái khó bó cái khôn” đã gây nhiều cản trở to lớn cho quá trình cố gắng cải cách, thay đổi để tốt hơn lên này).

Đặc biệt là thiếu về triết lí giáo dục đi liền với sự triển khai cụ thể vào thực tiễn giảng dạy. Việc thiếu triết lí giáo dục gắn liền với việc triển khai cụ thể vào thực tiễn giảng dạy gây hậu quả không ở đâu xa.

Hậu quả của nó thấy ngay ở việc xưa nay con bạn đi học phải chép văn mẫu, xưa nay con bạn đi học bị cô giáo bắt phải học thuộc lòng đủ thứ kiến thức mà không thể đặt câu hỏi phản biện, hoặc con bạn không được tôn trọng đến cái đầu cái tóc, cái ý kiến cá nhân…

Bởi, triết lí giáo dục nó liên quan đến việc xác định cần tạo ra con người như thế nào cho một xã hội như thế nào: một con người trung thực, tìm tòi sáng tạo (ví dụ viết văn thì được viết bằng chính ý của mình, không chép bài mẫu, trong học các môn tự nhiên thì được tạo các cơ hội để sáng tạo, tìm tòi cái mới) hay dối trá, khuôn mẫu máy móc (ví dụ chép bài mẫu, lấy văn của người ta bảo là của mình, học thuộc lòng rập khuôn các kiến thức).

Một con người tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác, theo văn hóa cổ vũ, văn hóa giải pháp và có tính hợp tác giúp đỡ (ví dụ khi làm việc nhóm trong lớp thì biết lắng nghe tích cực, khi phản biện biết công nhận cái tích cực trước, góp ý cái hạn chế sau và khi góp ý thì có tính xây dựng, chỉ ra biện pháp khắc phục, tôn trọng cá nhân từ cái đầu cái tóc cho tới cái ý kiến của người khác…) hay con người bảo thủ, hay chê bai (ví dụ không hợp tác trong làm việc nhóm, thường xuyên công kích các bạn, nhắm vào con người mà không nhắm vào vấn đề…).

Bảo đảm chất lượng đào tạo giáo viên - bài học từ nước Đức ảnh 3Đại học Tổng hợp Heidelberg - Nơi đào tạo tinh hoa nước Đức

Con người biết yêu giá trị truyền thống văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập và học hỏi thế giới hay con người lai căng; con người tự chủ độc lập trong tư duy và hành vi hay con người vâng lời, tuân thủ…

Xác định triết lí giáo dục gắn liền với các triển khai cụ thể của nó không những giúp cho các giáo viên thay đổi cách hướng dẫn học trò, cách tư vấn cho học trò, cách giảng dạy của mình (dù là dạy Văn hay dạy Toán, dạy Lí hay dạy Sinh, dạy Địa…)

Nhằm, giúp đỡ cho người học phát triển các tính cách tốt, phát triển bản thân thay vì hạn chế chúng, bóp méo chúng (như nhiều sai lầm trước đây) mà còn giúp cho giáo viên thay đổi chính cách suy nghĩ và cách ứng xử của mình với học trò, thay đổi các tập quán, các thói quen sai lầm trước đây của mình trong giảng dạy và trong ứng xử với học trò. 

Triết lí giáo dục còn chi phối cả đến việc thiết kế chương trình, chế biến giáo tài, lựa chọn phương pháp giảng dạy, đánh giá, thi cử…

Triết lí giáo dục mù mờ thì các vận dụng triển khai cụ thể dễ sai lầm (việc bắt các cháu viết văn theo văn mẫu là một ví dụ).

Cuối cùng, nước Đức thực sự đầu tư cho giáo dục và có đủ tiềm lực kinh tế để đầu tư cho giáo dục.

Lương giáo viên phổ thông và giáo viên dạy nghề tại Đức khá cao. Trung bình mỗi giáo viên kiếm được 3.000 cho đến 4.000 Euro/tháng.

Có đầu tư cho giáo dục hay không thể hiện qua số tiền đầu tư cho giáo dục. Và để có tiền đầu tư cho giáo dục, nước Đức phải có tiềm lực kinh tế (mọi ngành nghề đều lao động giỏi, nộp thuế, nền kinh tế đủ mạnh, có đủ ngân sách để đầu tư cho giáo dục, để trả lương cao cho giáo viên, để xây dựng đủ trường học lớp học, để đủ tiền trả lương cho nhiều giáo viên đảm bảo mỗi lớp học không quá 30 học sinh).

Trong hoàn cảnh tiềm lực kinh tế Việt Nam yếu (năng suất lao động của người dân còn thấp, tình trạng tham nhũng, thất thoát...), dẫn đến lương giáo viên thấp, không đủ trường đủ lớp và không có tiền để trả lương cho giáo viên nếu tách lớp, đảm bảo lớp dưới 30 học sinh, nhưng nếu thực sự xem “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà nước cần thực sự đầu tư ngân sách ưu tiên cho ngành giáo dục hơn nữa.

Bảo đảm chất lượng đào tạo giáo viên - bài học từ nước Đức ảnh 4Nước Đức đào tạo sư phạm như thế nào?

Nếu như lớp học quá đông, mỗi lớp trên 40 học sinh, các giáo viên sẽ không thể nào triển khai các phương pháp dạy học tích cực để nâng cao chất lượng giáo dục.

Việc tăng lương cho giáo viên, xem ngành giáo dục là một trong những ngành cần có bậc lương cao nhất là việc vô cùng cần thiết nhằm giúp nâng cao sức thu hút cho ngành Sư phạm.

Để ngành có thể có được nguồn nhân lực có năng lực ở cả đầu vào lẫn đầu ra, nhất là trong bối cảnh ngành Sư phạm đang chịu nhiều áp lực nặng nề từ phía xã hội, sức hút của ngành vốn đã thấp nay lại càng thêm thấp, rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Điều này thực chất là một sự khủng hoảng ngầm dẫn đến các hậu quả lâu dài vô cùng nặng nề cho cả nền kinh tế lẫn các mặt văn hóa xã hội của đất nước khi mà giáo dục là ngành tạo ra các lớp người tương lai cho đất nước.

Vấn đề xã hội hóa giáo dục, đa dạng trường học là một hướng biện pháp. Tuy nhiên, yếu tố quyết định vẫn luôn nằm ở con người, ở chất lượng giáo viên và chất lượng đào tạo giáo viên.

Do đó, bên cạnh việc cần tăng lương cho giáo viên, xây thêm trường lớp để giảm tải sĩ số lớp học, nhà nước cần:

Hết sức quan tâm kiểm soát chất lượng đào tạo giáo viên từ các trường Đại học Sư phạm, bảo đảm và nâng cao chất lượng giảng viên tại các trường đào tạo Sư phạm.

Yêu cầu việc tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho các giáo viên hiện nay đang đứng lớp theo hướng bồi dưỡng các nội dung về giáo dục nhân văn trên cơ sở tâm lí học nhân văn, bồi dưỡng về các quan điểm và phương pháp dạy học mới, tích cực.

Ngừng và kiểm soát lại việc cấp giấy phép đào tạo Sư phạm tràn lan vì việc đào tạo giáo viên thiếu chất lượng sẽ gây hậu quả vô cùng nặng nề cho nền giáo dục nước nhà cho nhiều thế hệ.

Diệp Phương Chi