Thông tư 30: Góc nhìn của nhà khoa học phát triển chương trình giáo dục

26/03/2015 06:08
VIỆT CƯỜNG
(GDVN) - TT 30 đã gây ra nhiều bức xúc và tiêu cực trong giáo dục Việt Nam. Cần phải soi chiếu thông tư này từ góc nhìn của khoa học Phát triển Chương trình Giáo dục.

LTS: Ngay sau khi tòa soạn thông báo sẽ ngừng lấy ý kiến góp ý với Thông tư 30 vào ngày 31/3 tới, đã có rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học tiếp tục gửi tới.

Trong số này, có một bài viết được giới thiệu là "của một nhóm nhà khoa học giáo dục" do tác giả Việt Cường đại diện, chắp bút viết ra. Và vì nhiều lý do tế nhị, các tác giả chưa muốn xuất hiện công khai.

Bài viết là những tổng kết góp ý cho Thông tư 30 rất sâu sắc mà bất cứ phụ huynh, thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục nào cũng không nên bỏ qua.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Từ sau khi kết thúc học kỳ I năm học 2014 - 2015 ở bậc Tiểu học, TT 30 đã trở thành vấn đề cực kỳ nóng trên báo chí, đặc biệt trên giaoducvietnam.vn. Điểm nóng nhất có lẽ bắt đầu từ bài báo Trò lười, cô quá tải, gia đình khó kiểm soát sau một kỳ áp Thông tư 30, đăng ngày 29/1/2015 của TS Ngô Gia Võ, Trưởng Khoa GDTH Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. 

Sau bài báo trên, xuất hiện hàng loạt bài viết khác (18 bài) liên quan đến việc thực hiện TT 30. Bài nào cũng có nhiều ý kiến thảo luận của độc giả. Ví dụ: Bài của Bùi Văn Sơn (9/3): 149 ý kiến; Bài của Xuân Dương(5/2): 48 ý kiến; Bài của Dương Quốc Nam(12/2): 45 ý kiến; Bài thứ hai của TS Ngô Gia Võ (24/2): 39 ý kiến; Bài của Hoàng Hồng (12/3): 36 ý kiến; Bài của Hoàng Mai Lê(28/2): 31 ý kiến…

Thông tư 30: Góc nhìn của nhà khoa học phát triển chương trình giáo dục ảnh 1

Thông tư 30: Tiếng kêu cứu của một phụ huynh học sinh tiểu học

(GDVN) - "Rất có thể truyền thống hiếu học ở nước mình sẽ bị Thông tư 30 hủy diệt. Suy nghĩ ấy không biết đúng hay sai?" - phụ huynh học sinh.

Đọc hết các comment thấy nổi lên hai luồng ý kiến chính. Một là phàn nàn, kêu ca, bức xúc rồi phê phán, phủ nhận, kết tội TT 30, đề nghị hủy bỏ, dừng thực hiện hoặc thay đổi TT này. Ý kiến trên chủ yếu của các thầy cô giáo tiểu học ở mọi miền đất nước, rồi đến ý kiến của cha mẹ học sinh và một số người quan tâm tới tiểu học. 

Luồng ý kiến thứ hai ca ngợi, bênh vực, bảo vệ, giải thích cho TT 30. Ý kiến này chủ yếu của những người quản lý giáo dục ở các cấp; có một số ít của giáo viên đại học, trung học và tiểu học. Tỉ lệ ý kiến đồng tình với TT 30 so với tỉ lệ phê phán là rất ít. Đặc biệt, khi các vị này viết bài đăng báo thì các comment rầm rầm phản đối, mỉa mai, lên án. 

Cũng có ý kiến ca ngợi nhưng ít ỏi và lạc lõng trước số đông kia. Điều đáng lưu tâm hơn nữa là khi bài viết của ông Dương Quốc Nam, Trưởng phòng GDTH, Sở GD & ĐT Ninh Bình vừa in ra thì nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có rất nhiều thầy cô giáo ở Ninh Bình. Thế mới biết xuất hiện trước công luận không phải là một điều đơn giản; suy nghĩ chưa chín, cứ liệu thiếu thực tế, nói để lấy lòng cấp trên hoặc nhằm mục đích vị kỷ nào đó quả là tai hại.

Rõ ràng là TT 30 đã gây ra nhiều bức xúc và tiêu cực trong đời sống giáo dục Việt Nam ở bậc Tiểu học. Vậy, lẽ phải và chân lý khách quan ở chỗ nào? Dựa trên những cơ sở khoa học nào để kiểm định và đánh giá? Chúng tôi cho rằng cần phải soi chiếu thông tư này từ góc nhìn của khoa học Phát triển Chương trình Giáo dục.

Đây là một bộ môn khoa học chuyên ngành đã quá quen thuộc ở các nước phát triển, đã từ lâu có mặt trong các chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Nhưng ở Việt Nam, nó vẫn còn khá xa lạ và mới mẻ. Việc xây dựng một chương trình giáo dục mới là công việc thường xuyên liên tục ở các quốc gia hàng đầu thế giới. 

Trong xu hướng toàn cầu hóa, thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, những phát minh sáng chế xuất hiện hàng ngày, những tri thức tiên tiến của các nước đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia trở thành tài sản chung của nhân loại; việc thường xuyên chỉnh sửa, cải cách, đổi mới các chương trình giáo dục quốc gia là một công việc cấp thiết và liên tục thì mới tạo ra được nguồn nhân lực hiệu quả để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống trong bài Giáo dục Hàn Quốc và việc phát triển chương trình Giáo dục phổ thông ở Việt Nam (Tài liệu Hội thảo - Kinh nghiệm quốc tế về phát triển chương trình GDPT – Bộ GD & ĐT, H, tháng 10/2014) cho biết: “Trong vòng 42 năm (từ 1955 đến 1997) Hàn Quốc đã thay đổi 7 lần chương trình giáo dục quốc gia: Lần I (giai đoạn 1955 – 1962), Lần II (giai đoạn 1963 – 1972), Lần III (giai đoạn 1973 – 1981), Lần IV (giai đoạn 1982 – 1988), Lần V (giai đoạn 1989 – 1994), Lần VI (giai đoạn 1995 – 1999), Lần VII (giai đoạn 2000 – 2006). Từ 2007 đến nay, CTGDQG của Hàn Quốc đã có 2 lần sửa đổi: 2007 và 2009” (trang 100)

Trong khi đó, ở Việt Nam chúng ta từ năm 1976 đến nay thì sao???

Tất cả những lần thay đổi chương trình giáo dục quốc gia ở các nước đều được tiến hành hết sức khoa học, chặt chẽ trong một hệ thống lớn với hàng loạt khâu có quan hệ mật thiết với nhau theo một trình tự nhất định.

Đầu tiên là đưa ra Tư tưởng, Triết lý giáo dục và quán triệt trong các hoạt động dạy học, quản lý giáo dục. Tiếp đó là khâu xác định Mục tiêu giáo dục nhằm đào tạo ra những con người như thế nào. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa Chuẩn đầu ra của các cấp học, thậm chí từng lớp học trong mỗi cấp. 

Sau các khâu trên, mới tổ chức biên soạn Khung chương trình và SGK mới, xác định Chuẩn nghề nghiệp của giáo viên các cấp, quyết định Phương pháp và hình thức tổ chức dạy học. Ở khâu này, kết hợp tổ chức đào tạo, đào tạo lại hoặc bồi dưỡng giáo viên theo định hướng đổi mới của chương trình. Cuối cùng, mới xác định Hình thức và phương pháp kiểm tra đánh giá. Đây là khâu cuối, khép lại một hệ thống hoạt động giáo dục chặt chẽ trong khoa học Phát triển Chương trình Giáo dục, là hệ quả tất yếu từ tất cả các khâu trên.

Đúng như tác giả Ngọc Quang trong bài báo Sĩ số quá lớn, giáo viên kiệt sức, làm sao thực hiện Thông tư 30?  trên giaoducvietnam.vn số ra ngày 2/03/2015 đã dẫn lời thạc sĩ Tuệ Minh (Chủ tịch Hội đồng Điều hành, Giám đốc Đào tạo hệ thống Trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellsprinh Hà Nội) đã nói: “Thực ra, đánh giá chỉ là khâu cuối cùng trong chuỗi các hoạt động giáo dục”.

Kiểm tra đánh giá (KTĐG) là công việc hàng ngày của người giáo viên, diễn ra trong suốt năm học và trong cả quá trình giáo dục của một cấp học. Có KTĐG thường xuyên, KTĐG định kỳ, KTĐG quá trình. Hình thức KTĐG có thể khác nhau, cho điểm hay không cho điểm, cho điểm ít hay cho điểm nhiều, lớp nào không cho điểm, lớp nào cho điểm, hay chỉ cần đánh giá bằng nhận xét, hay vừa cho điểm vừa nhận xét… Tuy nhiên, trong khoa học Phát triển Chương trình Giáo dục, đây chỉ là khâu cuối cùng, hệ quả tất yếu của hàng loạt khâu trước đó.

Ảnh minh họa. (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (nguồn: Internet)

Từ góc nhìn này, ta nhận thấy ngay sai lầm tai hại của TT 30. Đây là sai lầm bắt đầu từ nhận thức và quan niệm của những người soạn thảo. Họ cho rằng, trong đổi mới giáo dục, khâu KTĐG là khâu dễ thực hiện nhất. Chính vì vậy, họ chọn khâu này làm bước đột phá của cải cách giáo dục. Họ hy vọng rằng đổi mới KTĐG sẽ làm chuyển động cả hệ thống giáo dục, tạo tiền đề nhận thức mới cho toàn xã hội, tạo ra bước ngoặt cơ bản để xúc tiến việc thay đổi chương trình SGK theo định hướng tiếp cận và phát triển năng lực, phẩm chất của người học. 

Họ cũng hy vọng rằng việc bỏ điểm 0 (không), việc chỉ xếp học sinh vào hai loại ĐạtKhông Đạt, việc không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học, việc Không so sánh em này với em khác theo TT 30 sẽ giảm nhiều áp lực cho học sinh, giúp trẻ vui thích khi được đến trường và đặc biệt, sẽ hạn chế tối đa căn bệnh trầm kha dạy thêm học thêm vẫn đang nhức nhối đời sống xã hội. 

Họ không hề tính toán đến (mà có khi là không hiểu) mối quan hệ máu thịt, sinh động và tính hệ thống của tất cả các khâu trong khoa học Phát triển Chương trình Giáo dục. Chọn khâu cuối cùng để làm trước trong khi các khâu kia vẫn nguyên dạng, có khâu mới nhúc nhích chuyển động là làm ngược, làm trái quy luật. Đúng là cách làm duy ý chí, phản khoa học, cách làm của những nhân viên bàn giấy như nhiều tác giả đã phê phán.

Chúng tôi nhận thấy bài viết Trò lười, cô quá tải, gia đình khó kiểm soát sau một kỳ áp Thông tư 30  của TS Ngô Gia Võ là một bài báo công phu, sắc sảo, tâm huyết và đầy đủ cả về phương diện khoa học và tình yêu nghề nghiệp. Nhưng không hiểu sao đến bài thứ hai:  Lớp 5 ơi! Tôi lo sợ thì đã giảm nhiều về độ căng, độ nóng, đã vuốt ve dịu nhẹ hơn nhiều. Không biết vị tiến sĩ này có bị những áp lực, những ngại ngần, khó xử nào không?

Sai lầm lớn thứ hai của TT 30 là cách triển khai, thực hiện TT quá vội vàng, tràn lan trên mọi vùng miền cả nước. Nhiều bài báo và nhiều comment của độc giả đã nói rất kỹ điều này. Soi chiếu từ góc nhìn của khoa học Phát triển Chương trình Giáo dục, ta thấy quy trình xây dựng chương trình được tổ chức thực hiện hết sức chặt chẽ.

Theo PGS. TS Đào Thái Lai và nhóm nghiên cứu trong bài Kinh nghiệm quốc tế về phát triển Chương trình giáo dục phổ thông (Tài liệu hội thảo – tài liệu ĐD) trang 29 cho biết quy trình đầy đủ và khoa học của các bước xây dựng chương trình giáo dục; đến trang 30 lại cho biết sau khi xây dựng chương trình giáo dục xong, tất cả nước phải tiến hành Thực nghiệm chương trình. Có thể thực nghiệm toàn bộ chương trình tổng thể, cũng có thể thực nghiệm chương trình các môn học nhằm xác định tính khả thi và tác động của chương trình mới một cách có hệ thống. 

Trên cơ sở thực nghiệm chương tình, căn cứ theo ý kiến đánh giá, phản hồi, chương trình sẽ được điều chỉnh, bổ sung, cập nhật những điểm mới. Điều quan trọng nhất là đổi mới giáo dục không được làm xáo trộn các phương thức giáo dục, không tạo ra sự lúng túng lớn cho các trường và không dẫn tới các phản ứng tiêu cực của toàn xã hội (Trang 31 – Tài liệu đã dẫn).

Thông tư 30: Góc nhìn của nhà khoa học phát triển chương trình giáo dục ảnh 3

"Chúng ta phải học cách làm người tử tế để con mình nương theo"

(GDVN) -Chúng không được rong ruổi tự do, nhìn con chuồn chuồn mà biết trời sắp mưa, nhìn hoa may lụi mà biết gió bấc về, đêm ngắm sao trời mà biết mùa cấy đến gần...

Từ những căn cứ khoa học ấy, chúng ta nhận thấy rõ ràng Bộ GD & ĐT chưa thực sự quan tâm và chú ý tới khâu này. Họ mới chỉ thực nghiệm ở một số trường tiểu học trong phạm vi Thành phố Hà Nội, sau đó triển khai ngay trên phạm vi cả nước. Thực nghiệm kiểu này chỉ mang tính ví dụ, gọi là làm cho có, không đủ sức để khái quát, tổng kết và chỉ dẫn cho mọi kiểu trường tiểu học ở Việt Nam. 

Thế mà sau đó đã triển khai đồng loạt, đại trà ở tất cả mọi cơ sở giáo dục tiểu học ở các địa phương. Bộ có tổ chức tập huấn cho 1.600 cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán cả nước trong thời gian chưa tới 2 tuần. 1.600 con người ấy chia nhỏ cho 63 tỉnh thành, về tập huấn lại cho các quận -  huyện - trường được vài ngày. Dẫn tới tình trạng việc thực hiện thông tư không giống nhau, nhiều khi chệch hẳn ý định của người hoạch định chính sách. 

Cán bộ quản lý các Phòng giáo dục, các Trường tiểu học thì mỗi nơi làm một khác; nhiều người lo trách nhiệm, lo bị cấp trên phê bình, bắt giáo viên làm việc quá sức. Đọc hết các comment ở dưới những bài viết, ta thấy hàng trăm giáo viên kêu khổ, kêu trời, kêu cứu, có người còn chán nản, muốn bỏ nghề dạy học. Những tiếng kêu ấy có thật không? Có đúng không? Có xúc động không? Giáo viên mà đã chán, đã bức xúc như thế, thì kết quả giáo dục sẽ ra sao (???).

Không thể đổ lỗi cho giáo viên! Đó là lỗi hệ thống của tất cả các cấp quản lý giáo dục từ Bộ đến Vụ đến Sở đến Phòng và đến Trường. Nhưng cơ quan chịu trách nhiệm chính là Vụ Tiểu học của Bộ GD & ĐT.

Vậy mà người ta lại cứ giải thích, bao biện vòng vo. 4/5 bài báo của ông Hoàng Mai Lê và Vụ Tiểu học đều bị bạn đọc phản đối rầm rầm. Thế mà bà Vũ Thị Thắm, Phó Vụ trưởng vẫn ngang nhiên tuyên bố chắc như đinh đóng cột: Sẽ không có điều chỉnh gì hết. Ngay cả người đứng đầu ngành cũng tuyên bố: Trồng người không có chỗ làm lại. Có thật không có chỗ làm lại không?. Chả lẽ chỗ nào, lúc nào cũng làm đúng được sao?. Phải làm tiếp, nhưng phải lắng nghe phản hồi từ dư luận xã hội; phải sửa chữa, khắc phục những sai lầm, khuyết điểm, non yếu để làm tốt hơn và tốt nhất thì chính sách mới đi vào cuộc sống chứ!

Chúng ta thử so sánh xem ở những nước tiên tiến, họ kiểm tra đánh giá học sinh tiểu học như thế nào? Chúng tôi giật mình vì thấy việc bỏ hoàn toàn chấm điểm và không giao bài tập về nhà ở tiểu học không phải là cách làm phổ biến của họ. Trong bài Kinh nghiệm xây dựng và triển khai chương trình giáo dục phổ thông của Phần Lan (Tài liệu đã dẫn), tiến sĩ Lương Việt Thái và nhóm nghiên cứu cho biết: thực tế thường từ lớp 4,5 bắt đầu cho điểm. Điểm từ 4-10 (4 không đạt; 5 đủ; 6 vừa phải; 7 thỏa mãn; 8 tốt; 9 rất tốt; 10 tuyệt vời)” (trang 240). Phần Lan là quốc gia đứng đầu Liên hợp quốc về giáo dục vẫn cho điểm đấy thôi, vẫn có 7 mức xếp loại chứ có phải chỉ ĐạtKhông Đạt như TT 30 của các vị đâu (!!)

Chúng ta hãy xem lời phát biểu của Giám đốc Sở Giáo dục Desert Sands (Hoa Kỳ): Chúng tôi sẽ không bỏ việc giao bài tập về nhà. Nó cần được áp dụng một cách thích hợp. Bài tập về nhà có giá trị giáo dục quan trọng. Trong hơn 3 năm nay, tôi không hề nhận được bất kỳ khiếu nại nào về số lượng bài tập về nhà của học sinh tiểu học (Nguồn Vietnamnet).

Nước Mỹ vẫn ra bài tập về nhà đấy chứ, có sổ toẹt và vứt bỏ ngay lập tức như các vị đâu! Chả thế mà phụ huynh Bùi Văn Sơn mới kêu cứu chân thành và xúc động đến thế; mới được đông đảo phụ huynh đồng tình đến thế! Tất nhiên anh Bùi Văn Sơn đã cường điệu hơi quá. Con mới học sút đi một chút mà đã kêu cứu. Hàng mấy triệu học sinh tiểu học đang hồn nhiên lười học, hàng mấy chục vạn thầy cô giáo tiểu học đang mòn mỏi và bức xúc vì TT 30 kia mới là điều đáng báo động.

Chúng tôi cũng thấy lạ là TS Hoàng Mai Lê đã trích dẫn lời phát biểu của GS Ngô Bảo Châu đồng tình với việc không chấm điểm ở Tiểu học để làm căn cứ cho TT 30. Cần nhớ rằng GS Ngô Bảo Châu là một nhà toán học xuất sắc nhưng không phải là một nhà giáo dục và cũng chưa có nhiều thời gian gắn bó với thực tiễn giáo dục Việt Nam. Và, cần nhớ hơn, GS Châu ngay từ khi còn bé đã được cha mẹ cho đi học thêm liên tục ở nhà những thầy giáo mà họ tin tưởng thì mới có phông nền để phát triển năng lực toán học xuất chúng của mình. Ý kiến tán thành của GS Châu chỉ nên coi là kênh tham khảo của một bạn đọc.

Như vậy, việc ban hành và triển khai TT 30 xét từ khoa học Phát triển Chương trình Giáo dục là một sai lầm nghiêm trọng; sai cả về cơ sở và căn cứ khoa học, sai cả về phương pháp, cách thức triển khai thực hiện.

Một chính sách giáo dục gây ra nhiều bức xúc và bất cập, làm ảnh hưởng đến nhiều triệu con người, rất có thể nguy hại cho các thế hệ tương lai như thế, không hiểu ngoài Bộ GD & ĐT ra còn có cơ quan quản lý nào quan tâm đến không? Chúng tôi cứ băn khoăn, không biết Ủy ban GD của Quốc hội, các chuyên viên về giáo dục của Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có ai đọc hết, đọc kỹ các bài viết và các comment trên Giaoduc.net.vn chưa? Liệu các vị ấy có coi đây là một khâu đột phá trong cải cách giáo dục ở Việt Nam không?

Xét từ phương diện khoa học Phát triển Chương trình Giáo dục, chúng tôi cho rằng TT 30 là một chính sách hỏng của một nhóm người có thể không thiếu cái tâm nhưng lại thiếu cái tầm.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn, cách hành văn riêng của nhóm tác giả.

VIỆT CƯỜNG