Ủng hộ bỏ biên chế giáo viên, lãnh đạo trường phổ thông cũng phải qua bầu chọn

28/08/2018 06:00
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đây là quan điểm của Giáo sư Đinh Quang Báo về đề xuất bỏ biên chế đối với quản lý giáo dục và giáo viên.

Mới đây, tại Hội nghị cho ý kiến góp ý về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội đề xuất nên bỏ biên chế với cán bộ quản lý, giáo viên công lập và thực hiện hợp đồng lao động có thời hạn.

Liên quan đến đề xuất này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận quan điểm của Giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Giáo sư Đinh Quang Báo khẳng định: “Tôi ủng hộ việc bỏ biên chế với nghĩa biên chế là vị trí làm việc ổn định, có vào mà không có ra.

Không nên có dạng biên chế như thế với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên.

Thay vào đó, nên chuyển sang hợp đồng lao động có thời hạn”.

Giáo sư Đinh Quang Báo. (Ảnh: Giáo dục và Thời đại)
Giáo sư Đinh Quang Báo. (Ảnh: Giáo dục và Thời đại)

Theo Giáo sư, mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phải luôn luôn phấn đấu. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, người sử dụng lao động có quyền cho nghỉ.

Tuy nhiên quy định cho nghỉ việc phải chặt chẽ hơn chứ không phải để cho người sử dụng lao động tùy tiện, dễ dàng cho nghỉ. 

Trước ý kiến lo ngại, nếu bỏ biên chế, không còn sự ổn định thì ai còn mặn mà lên công tác ở các trường vùng sâu, vùng xa, Giáo sư Đinh Quang Báo cho rằng nếu xảy ra trường hợp này tức là có tình trạng "đói" giáo viên.

Ông cho rằng, ở đâu “đói” giáo viên ở đó có động lực. Bởi vậy, ở miền núi khi đó không có giáo viên thì buộc người sử dụng phải trả nhiều tiền.

Nó cũng giống như ở các trường tư thục, trả ít tiền, giáo viên tất nhiên sẽ không ở.

Càng đói giáo viên, giáo viên càng có giá và sẽ được trả mức lương xứng đáng.

Giáo viên được trả lương cao, họ sẽ càng cố gắng phấn đấu để giữ được vị trí việc làm đó.

“Thực tế, thời gian qua, tôi thấy ở đâu cũng kêu thừa giáo viên nên không thể thu hút được người tài vào sư phạm cũng là điều dễ hiểu.

Vì vậy, ngành giáo dục phải làm sao đưa đến trạng thái không có giáo viên, người sử dụng lao động cần giáo viên.

Ủng hộ bỏ biên chế giáo viên, lãnh đạo trường phổ thông cũng phải qua bầu chọn ảnh 2Thầy Xuân Khang đề nghị bỏ biên chế với cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên

Lúc bấy giờ, bản thân người sử dụng sẽ tạo ra cơ chế cần có biên chế cho giáo viên", Giáo sư Đinh Quang Báo phân tích.

Ông dẫn chứng, các trường tư thục hiện nay, người ta không hề có biên chế.

Nhưng đội ngũ lao động của họ đâu phải sớm đến chiều đi đâu.

Hơn ai hết, các trường này cần một biên chế cứng (giáo viên gắn bó ổn định) nhưng biên chế cứng đó là biên chế đã được chọn lọc, có chất lượng cao”, Giáo sư Đinh Quang Báo nói

Theo ông, biên chế hay không biên chế không ảnh hưởng gì đến trường tư cả mà chỉ gây tâm tư ở hệ thống giáo dục công lập.

Nơi mà trường có nhiều hay ít học sinh chất lượng, thầy cô làm việc hiệu quả hay không cũng chẳng hề ảnh hưởng gì.

Vị nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, lâu nay, tồn tại thực tế là giáo viên các trường công lập có vào mà không có ra dẫn đến tồn tại cơ chế xin cho.

Bao lâu nay cứ râm ran chuyện một suất giáo viên mất bao nhiêu tiền. Đó là tiêu cực trong ngành giáo dục.

Vì vậy, bỏ biên chế sẽ có nhiều tác dụng tích cực.

"Nhưng để thực hiện được ý tưởng này, theo tôi cần phải thay đổi cơ chế quản lý giáo dục phổ thông.

Các trường phổ thông cũng phải tự chủ", Giáo sư Đinh Quang Báo nhấn mạnh.

Theo ông, câu chuyện ở đây là phải làm sao để cả giáo viên và người sử dụng giáo viên cần nhau.

Lúc đấy, phải tạo ra một cơ chế mới để quản lý nhà trường phổ thông.

"Rõ ràng, nếu bỏ biên chế với giáo viên thì cũng phải thay đổi cơ chế quản lý các trường phổ thông. Hiệu trưởng các trường cũng phải có cách chọn lựa khác. 

Có thể hiệu trưởng phải do chính các giáo viên bầu chọn chứ không phải là cơ quản lý chọn rồi đặt vào ngồi ghế đó như hiện nay.

Chắc chắn khi đó, người sử dụng lao động phải tôn trọng nhân tài, người giỏi. Nếu không có người giỏi, trường đó sẽ chết.

Đó sẽ là động lực để mỗi giáo viên, cán bộ quản lý ngành giáo dục ở hệ thống công lập phải cố gắng", Giáo sư Đinh Quang Báo nêu quan điểm.

Đỗ Thơm