12 nhận thức mới của Ban soạn thảo chương trình sách giáo khoa

02/06/2017 06:57
Mai Thảo
(GDVN) - Chúng ta không thể căn cứ vào những điều kiện hiện có về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất... để thiết kế một cuộc cải cách chương trình giáo dục phổ thông.

Theo nguồn tin riêng của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cuối tuần qua, Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã tổng hợp những ý kiến phản biện hoặc đề nghị điều chỉnh, bổ sung sau hơn 1 tháng (từ 12/4 – 20/5) lấy ý kiến rộng rãi từ dư luận.

Trong đó, về nội dung về điều kiện thực hiện chương trình mới, Ban soạn thảo đã có buổi báo cáo Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội về tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội.

Theo đó, báo cáo của Ban soạn thảo đưa ra các nội dung cụ thể như sau: 

Một là, để thực hiện dạy các môn học tự chọn theo định hướng nghề nghiệp, Bộ giáo dục và Đào tạo và các địa phương cần nhanh chóng tổ chức bồi dưỡng giáo viên để một giáo viên có thể dạy nhiều môn và nhiều chuyên đề, một mặt khác, cần điều chỉnh số lượng và cơ cấu giáo viên hiện có để đáp ứng nhu cầu tự chọn đa dạng của học sinh. 

Hai là, đối với các giáo viên hiện đứng lớp: Cần một chương trình đào tạo cấp tốc dạy chương trình mới với bộ chương trình môn học mới sẽ được Bộ giáo dục và Đào tạo công bố.

Ba là, các môn Tin học, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2, Nghệ thuật và nội dung giáo dục của địa phương khó thực hiện. 

Môn Âm nhạc và môn Mỹ thuật cấp Trung học phổ thông thiếu đội ngũ giáo viên, nếu áp dụng ngay thì các trường sư phạm âm nhạc, mỹ thuật và biên chế chưa thực sự sẵn sàng; các hoạt động trải nghiệm sáng tạo như hoạt động tham quan, dã ngoại thiếu kinh phí, phương tiện đi lại…

Các môn Tiếng dân tộc thiểu số, Âm nhạc và Giáo dục kinh tế và pháp luật nhà trường chưa có giáo viên đào tạo chuyên ngành nên khó thực hiện.

Chúng ta không thể căn cứ vào những điều kiện hiện có về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất... để thiết kế một cuộc cải cách chương trình giáo dục phổ thông. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Chúng ta không thể căn cứ vào những điều kiện hiện có về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất... để thiết kế một cuộc cải cách chương trình giáo dục phổ thông. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Nội dung trải nghiệm sáng tạo cần có chương trình bồi dưỡng lại toàn bộ giáo viên để lồng ghép vào giảng dạy ở tất cả các bộ môn; các hoạt động trải nghiệm sáng tạo khó triển khai tạo do thiếu kinh phí tổ chức, nguồn nhân lực…

Đây là nội dung dễ phát sinh nhiều vấn đề khó khăn cho nhà trường, học sinh, phụ huynh nên cần nghiên cứu nhiều chiều để đưa ra phương án thực sự hợp lý. Cần phân chia rõ thời lượng dành cho các hoạt động chung trong toàn quốc và thời lượng dành cho các hoạt động đặc thù mang tính chất địa phương. 

Bốn là, đề nghị Bộ giáo dục và Đào tạo chỉ đạo nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên các trường sư phạm, tăng cường đào tạo đội ngũ giáo viên dạy các môn chuyên biết (Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học…) để đáp ứng nhu cầu đội ngũ, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để đảm bảo các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới như: Bổ sung biên chế, tăng cường cơ sở vật chất…

12 nhận thức mới của Ban soạn thảo chương trình sách giáo khoa ảnh 2

Tháng 10 sẽ báo cáo Quốc hội có lùi chương trình sách giáo khoa hay không?

Năm là, việc tăng cường cơ sở vật chất thông qua xã hội hóa không phải cơ sở giáo dục nào cũng thực hiện được.

Nếu kêu gọi sự ủng hộ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ của người đứng đầu cơ sở giáo dục đó cũng như điều kiện kinh tế xã hội địa phương. Nếu kêu gọi sự đóng góp ủng hộ của phụ huynh thì xã hội lên án là lạm thu. 

Sáu là, quy định hiện hành về số lượng và cơ cấu giáo viên trường tiểu học, trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông cần phải thay đổi vì để đáp ứng mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông thì người giáo viên phải được giảm bớt số tiết dạy để dành thời gian, công sức, trí tuệ đầu tư cho việc chuẩn bị tiết dạy;

Trong đó các trường cần có đủ cơ cấu giáo viên để đảm bảo dạy các môn học theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là các môn (Tiếng Anh, Tin học, Nghệ  thuật, Thế giới công nghệ, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo).

Biên chế đủ giáo viên tin học cho các nhà trường, tăng tỷ lệ giáo viên Âm nhạc. Tuy nhiên, nếu giảm số giờ định mức thì số giáo viên tăng gây sức ép về chi thường xuyên và tinh giản biên chế.  

Bảy là, đối với bậc Trung học: Cần tăng tỷ lệ giáo viên trên lớp, có đủ giáo viên dạy các môn học và các hoạt động giáo dục. Nâng tỷ lệ giáo viên/lớp để phù hợp với việc triển khai chương trình mới.

Định mức giờ dạy đối với giáo viên Trung học cơ sở nên giảm xuống để giáo viên có thời gian đầu tư, bồi dưỡng chuyên môn, đồng thời đảm bảo công bằng với cấp Trung học phổ thông. Có thể biên chế giáo viên theo liên trường để tránh lãng phí nhân lực. 

Tám là, Nhà trường được tự chủ về chuyên môn, nhân sự và tài chính: Tự chủ đến đâu, nhất là tự chủ về nhân sự. Sau khi ban hành chương trình cần kịp thời sửa Điều lệ trường học, các văn bản quy định về điều kiện cơ sở vật chất – kỹ thuật của các nhà trường, chế độ làm việc, định mức lao động của giáo viên cho phù hợp. 

12 nhận thức mới của Ban soạn thảo chương trình sách giáo khoa ảnh 3

Chương trình giáo dục phổ thông mới có thể chưa áp dụng từ năm học 2018 - 2019

Chín là, để dạy học được các môn học và hoạt động giáo dục trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cần đầu tư cơ sở vật chất hiện nay của nhà trường theo hướng từng bước mở rộng quy mô diện tích phòng học khi được đầu tư xây dựng mới, các phòng hội thảo, phòng học, phòng bộ môn phù hợp với nội dung chương trình giáo dục nhất là các môn đặc thù như Tin học, Ngoại ngữ, Tiếng dân tộc thiểu số, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục (bể bơi, sân bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn);

Trang bị các phương tiện hỗ trợ dạy học hiện đại, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. 

Mười là, cần đầu tư của Nhà nước, địa phương về phòng học; phòng bộ môn; thiết bị đồ dùng dạy học; khu sân chơi bãi tập, nhà đa năng, vườn; xưởng thực nghiệm (đối với Trung học cơ sở và Trung học phổ thông) hoặc khu trải nghiệm sáng tạo; kinh phí dành cho việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy học.

Mở rộng khuôn viên nhà trường để đảm bảo bố trí các khu sân chơi bãi tập và thực hiện hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường. 

Mười một là, nên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên từ 6 tháng đến 1 năm trước thời gian thực hiện đổi mới, để đội ngũ giáo viên giảng viên giảng dạy trực tiếp có trước thời gian tiếp cận, chuẩn bị, tìm tòi phương án tốt nhất cho việc giảng dạy môn học của mình, nhằm đem lại hiệu quả cao trong giáo dục. 

Mười hai là, tiêu chí mà dư luận mong muốn là: ít môn học, ít giờ học, phù hợp với điều kiện thực tiễn còn hạn chế về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của các nhà trường...

Không thể xây dựng một chương trình giáo dục hiện đại với mục tiêu phát triển năng lực người học lại thỏa mãn những yêu cầu vậy.

Cũng không thể căn cứ vào những điều kiện hiện có về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất...để thiết kế một cuộc cải cách chương trình.

Chúng ta cần phải có trước hết một chương trình thực sự đổi mới và sau đó là những đổi mới thực sự về đội ngũ và các điều kiện thực hiện chương trình này. 

Do vậy, các đại biểu tham dự phiên họp đề nghị, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên và hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trong cả nước.

Trên cơ sở đó tiến hành các bước tiếp theo về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cũng như có phương án bố trí cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu và lộ trình áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới, trong đó ưu tiên tận dụng cơ sở vật chất sẵn có.

Mai Thảo